Tình yêu là tất cả? Chúng em yêu nhau ngay từ năm thứ nhất. Ai cũng bảo chúng em đẹp đôi. Riêng em thấy hai đứa rất hợp nhau, chia sẻ được nhiều điều. Nhưng mới đây, cô ấy nói rằng không yêu em nữa, mà yêu người khác học trên hai lớp. Cô ấy nói, không muốn lừa dối em, vì quý mến và trân trọng những gì đã có. "Tình yêu là điều không thể giải thích cặn kẽ, rành rọt, mong anh hiểu"- cô ấy nói thế. Em rất đau khổ. Với em, tình yêu là tất cả, cô ấy khiến em như rơi xuống vực sâu. Sao cô ấy có thể trở mặt như vậy? [email protected] ************* - Trả lời tư vấn của Tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Thị Bích Hồng : Khi bất ngờ bị người yêu chủ động chia tay, chúng ta rất dễ bị sốc, đau khổ, và lòng tự trọng bị tổn thương sâu sắc. Tâm lý bị khủng hoảng khiến một số người mất tỉnh táo, dẫn đến những suy nghĩ, hành động thiếu khôn ngoan như: tìm cách níu kéo, van nài người yêu quay trở lại; oán trách, căm giận và tìm cách trả thù người yêu "bội bạc". Có khi "nạn nhân" còn tự trách cứ bản thân, trở nên chán nản, buông xuôi, mất động lực vươn lên trong cuộc sống... Những phản ứng đó không hề có tác dụng giúp tình yêu quay trở lại, mà thường gây thiệt hại nhiều hơn cho bản thân, khiến họ ngày càng đau khổ và giảm sút giá trị trong mắt mọi người. Khi tình yêu tan vỡ, cả hai người trong cuộc đều đau khổ và luyến tiếc. Bạn gái của em chắc cũng trăn trở, dằn vặt lắm khi buộc phải làm một điều có vẻ tàn nhẫn như thế. Nhưng có lẽ, cô ấy đã sớm nhận ra sự ngộ nhận trong tình cảm giữa hai người lâu nay, và hiểu rằng, cô ấy và em sẽ không thể mang lại hạnh phúc cho nhau. Em sẽ vượt qua được tâm trạng buồn khổ hiện nay, nếu quan niệm rằng, tình cảm không thể ép buộc và ta cần tôn trọng quyền lựa chọn của mỗi người. Chia tay không làm giá trị của mỗi người bị giảm sút mà chính là cơ hội để mỗi người tìm đúng "một nửa của mình". Thời gian qua là quãng đời mang những kỷ niệm đẹp giữa em và cô ấy, giúp em có những kinh nghiệm quý giá trong việc tìm chọn và hạnh phúc với tình yêu thật sự sau này. Thân mến! Nguồn : Phụ Nử Online
Để Hạnh Phúc : Buông Xả và Tha Thứ "Chúng ta đều cảm thấy rằng những gì chúng ta đang làm chỉ là một giọt nước trong đại dương. Nhưng đại dương sẽ ít đi một chút bởi vì thiếu giọt nước ấy." - Mẹ Teresa. Trong cuộc sống hàng ngày nhiều áp lực và va đập, chúng ta thường khó tránh khỏi những bất đồng, va chạm trong công việc, sinh hoạt hàng ngày, và các mối quan hệ ở gia đình, nơi làm việc. Khi xảy ra tranh cãi, ta có thể không kiềm chế được và nổi nóng hay nặng lời, ta có thể thắng hay thua cuộc tranh cãi, thường không dễ giữ được hòa khí … Kết quả là ta có thể làm tổn thương người khác, bị người khác làm tổn thương, hay chính mình cũng bị tổn thương, thấy đau đớn vì những mặc cảm thua cuộc, yếu thế, tự cho là mình kém cỏi, cay đắng vì thất bại. Thậm chí nhiều người trong chúng ta rồi sẽ cảm thấy ân hận trên chiến thắng, vì đàng sau cái gọi là chiến thắng ấy là những xa cách, mất mát và đổ vỡ nếu một trong hai bên đắm say với cái tôi ngã mạn, hay không biết cư xử đẹp. Tất nhiên, chúng ta đều biết rằng điều hay nhất là chúng ta cố gắng trong ứng xử, giao tiếp và các mối quan hệ sao cho giữ được an bình trong tâm ta và an hòa với người: đối đãi với nhau bằng lòng biết ơn, tính chính trực, sự ôn nhu, nói những lời tử tế, …có nghĩa là tử tế với nhau. Làm được điều này không phải dễ! Vì thế chúng ta phải học cách sống an hòa với mình và với người gần như suốt đời, trong suốt quá trình hiện hữu của ta. Có một câu nói rất hay của Abraham Joshua Heschel: “Ngày xưa còn trẻ, tôi thường khâm phục những người thông minh; giờ khi tôi lớn khôn hơn, tôi ngưỡng mộ những người tử tế.” Albert Schweitzer cũng tin rằng: “Cứ luôn tử tế là có thể làm được rất nhiều. Như mặt trời làm băng tan, sự tử tế làm cho những ngộ nhận, bất tín, và thù địch tan biến “. Tuy nhiên tử tế với mọi người vẫn chưa đủ. Nếu chúng ta đôi lúc gặp những người chưa tử tế với mình, ta phải làm sao ? Chúng ta cần biết thương mình để có thể thương người. Và một trong những cách thương mình có thể dẫn đến an vui là biết buông xả và tha thứ. Bài viết sau đây của Leo Babauta trong Zenhabits sẽ cho ta một số ý tưởng về cách thực hành buông xả và tha thứ. Làm thế nào để buông xả và tha thứ ? Một lúc nào đó trong đời, chúng ta đều đã từng bị một ai đó gây tổn thương-chúng ta bị đối xử tệ, niềm tin đổ vỡ, lòng ta đau đớn. Và có khi nỗi đau này tuy không nặng nề lắm, nhưng nỗi đau kia lại hằn sâu và kéo dài quá lâu. Chúng ta lại khơi cho nỗi đau trở lại và rất khó khăn để nó qua đi. Chính điều này gây ra những vấn đề. Thương tổn ấy không chỉ khiến ta đau khổ mà còn gây căng thẳng và hủy hoại các mối quan hệ, làm ta xao lãng công việc, xa rời gia đình và những điều quan trọng khác, khiến chúng ta miễn cưỡng không chịu mở lòng ra với những điều mới lạ và những người mới gặp. Chúng ta bị mắc kẹt trong chu trình của sân hận, đau khổ, và bỏ qua vẻ đẹp của cuộc sống diệu kỳ. Đối với một số người sẽ là thất vọng chán chường đến buông tay cay đắng. Chúng ta cần phải học cách buông xả. Chúng ta cần phải tha thứ, để ta có thể tiếp tục bước tiếp và hạnh phúc. Tha thứ không chỉ với người mà còn với mình. Đây là một điều mà tôi đã học một cách khó khăn- sau nhiều năm nuôi dưỡng sân hận với một người yêu thương phát sinh từ ấu thời và niên thiếu. Sau cùng tôi đã bỏ đi nỗi giận này (khoảng 8 năm về trước). Tôi đã tha thứ, và điều này không chỉ cải thiện thật tốt mối quan hệ của tôi với người yêu thương ấy, mà còn giúp tôi hạnh phúc hơn. Sự tha thứ không có nghĩa là bạn bôi xóa quá khứ, hay quên đi những gì đã xảy ra. Cũng không có nghĩa là người kia sẽ thay đổi hành vi- vì bạn không kiểm soát được điều đó. Tất cả chỉ có nghĩa là bạn đang buông xả cơn giận, hay cay đắng và nỗi đau, để chuyển sang một miền tốt đẹp an vui hơn. Điều đó không dễ. Nhưng bạn có thể học làm điều đó. Nếu bạn đang bám vào nỗi đau, làm nó sống lại, và không thể buông xả và tha thứ, xin hãy đọc một đôi điều tôi đã học. 1. Quyết tâm buông xả: Bạn sẽ chẳng làm điều này trong một giây và có lẽ cũng không trong trong một ngày. Có thể cần thời gian để vượt qua một nỗi đau. Thế thì hãy toàn tâm ý với việc thay đổi, vì bạn thừa nhận rằng bạn đang bị tổn thương bởi nỗi đau. 2. Nghĩ về những thuận lợi và khó khăn: Nỗi đau này gây ra cho bạn các vấn đề gì ? Nó có ảnh hưởng đến mối quan hệ của bạn với người này không? Với những người khác? Nó có ảnh hưởng đến công việc hay gia đình không? Nó có cản trở bạn theo đuổi những giấc mơ, hay trở nên một người tốt hơn chăng? Nó có làm cho bạn không hạnh phúc không? Hãy nghĩ về tất cả những vấn đề này và nhận ra bạn cần thay đổi. Rồi hãy nghĩ đến những lợi ích của sự tha thứ- tha thứ sẽ làm cho bạn hạnh phúc hơn, giải phóng bạn khỏi quá khứ và nỗi đau, cải thiện mọi điều về mối quan hệ và cuộc đời. 3. Nhận thức rằng bạn có thể lựa chọn: Bạn không thể kiểm soát hành động của người khác, và cũng không nên cố gắng. Nhưng bạn có thể kiểm soát không chỉ hành động của bạn, mà còn ý nghĩ của bạn. Bạn có thể ngừng làm sống lại nỗi đau, và chọn để đi tiếp. Bạn có năng lực này. Bạn chỉ cần học cách thực hiện. 4. Cảm thông Thử điều này: hãy đặt mình vào địa vị người đó. Cố gắng hiểu tại sao người ấy làm như thế. Bắt đầu từ giả định rằng người đó không phải là người xấu, nhưng chỉ làm một việc sai. Điều gì người này đã từng nghĩ, điều gì đã xảy ra trong quá khứ khiến người ta làm thế. Khi làm thế người đó đã nghĩ gì, và làm gì sau đó? Bây giờ người đó cảm thấy ra sao? Bạn sẽ không nói rằng những gì người ấy làm là đúng, nhưng thay vào đó hãy cố gắng hiểu và cảm thông. 5. Hiểu trách nhiệm của mình. Cố gắng để hiểu vì sao và bằng cách nào bạn phải chịu một phần trách nhiệm cho những gì đã xảy ra. Bạn đã có thể làm gì để ngăn điều đó, và bằng cách nào bạn có thể ngăn nó không xảy ra lần sau? Không phải là bạn chịu hết trách nhiệm, hay nhận trách nhiệm cho người kia, nhưng nhận biết rằng chúng ta không phải nạn nhân mà là những người trong cuộc và chịu trách nhiệm trong cuộc đời. 6. Tập trung vào hiện tại: Vì bạn đã xem xét quá khứ, hãy biết nhận ra rằng quá khứ đã qua. Nó không diễn ra nữa , ngoại trừ trong tâm trí bạn. Và điều đó gây ra vấn đề – đau khổ và căng thẳng.Thay vì vậy, hãy tập trung trở về với giây phút hiện tại. Bạn đang làm gì? Bạn có thể tìm thấy niềm vui nào hiện tại? Hãy tìm ra niềm vui trong cuộc sống hiện tại, khi nó xảy ra, và đừng làm quá khứ sống lại. Tất nhiên bạn sẽ bắt đầu nghĩ về quá khứ, nhưng chỉ biết như thế, và nhẹ nhàng trở về với hiện tại. 7. Để an bình bước vào đời bạn Vì bạn tập trung vào hiện tại, cố gắng tập trung vào việc thở. Tưởng tượng mỗi hơi thở ra là đớn đau và là quá khứ, loại bỏ nó ra khỏi thân xác và tâm hồn bạn. Và tưởng tượng mỗi hơi thở vào là an bình và làm tràn đầy sinh lực trong bạn. Loại bỏ nỗi đau và quá khứ. Để cho sự an bình đi vào đời bạn. Đi về phía trước, không nghĩ về quá khứ nữa, chỉ nghĩ về an bình và hiện tại. 8. Cảm nhận tâm từ ái Sau cùng, tha thứ cho người và nhận thức rằng khi tha thứ, bạn cho mình được hưởng hạnh phúc và bước tiếp. Làm điều này không dễ, nhất là khi ta nuôi dưỡng quá nhiều sân hận với một ai đó. Hãy chọn con đường đi đến hạnh phúc. Hãy để tình yêu người và yêu đời lớn lên trong tim bạn. Có thể cần thời gian, nhưng nếu bạn kiên định điều này, tiếp tục thực hiện một số điều trên cho đến khi bạn có thể đạt đến lòng thương cảm. Mong sao chúng ta đều có được niềm hạnh phúc của buông xả và tha thứ ít nhất một lần trong ngày hôm nay và nhiều hơn trong một tuần và một tháng …… Nguồn : Dotchuoinon
Thành công sẽ đến với những ai kiên trì và nhẫn nại Hãy dành ít nhất 15 phút mỗi ngày để luyện cho thứ bạn có ưu thế đó tốt thêm lên. Nếu bạn giỏi viết blog, viết văn, hãy dành thời gian đọc thêm các bài văn trên mạng để học cách viết cho hay; nếu bạn rành về tiếp thị, hãy bỏ ra thêm 15 phút mỗi ngày nghiên cứu về các chiêu thức và xu hướng tiếp thị mới; còn nếu đã chơi tốt một môn thể thao, không cách gì hơn là luyện tập thêm mỗi ngày để chơi giỏi môn đó. Bất kể bạn đang làm công việc gì, hãy theo đuổi sự sáng tạo. Hãy vạch ra kế hoạch để có thêm khách hàng, làm thêm được nhiều việc, giới thiệu được thêm nhiều sản phẩm, mở rộng được công việc kinh doanh…Nếu bạn có thiên hướng nghệ sỹ, hãy tham gia nhiều hoạt động như vẽ tranh, chơi nhạc, sáng tác ca khúc…Nó sẽ giúp bạn cân bằng cuộc sống, làm cho cuộc sống của bạn đa dạng, nhiều màu sắc. Sưu tầm
Hãy giúp đỡ người khác Chúng ta cần biết rằng, dù cho chúng ta có thành công thì thành công đấy cũng không phải cho riêng chúng ta. Và thành công có được cũng là do chúng ta may mắn hơn nhiều người khác. Ngay cả khi bạn đọc được bài báo này, bạn thu được một số kinh nghiệm hay tri thức nào đó thì điều đó cũng là một sự may mắn khi mà có hàng triệu người khác trên trái đất này không có may mắn biết đến máy tính, internet là gì. Vì thế, hãy đừng để ý quá nhiều đến thành công hay thất bại, mà hãy để tâm giúp đỡ những người khác, nhất là những người kém may mắn hơn. Làm được điều đó, bạn sẽ thấy phần nào đó thăng bằng hơn trong cuộc sống của mình. Sưu tầm
"Thuật" khen ngợi Có thể có người cho rằng chúng ta hoàn toàn có thể bày tỏ được ý muốn "lấy lòng" người khác bằng thái độ và hành động cụ thể. Điều đó không sai, nhưng chưa đủ. Bởi ngợi khen bằng lời vẫn là phương pháp biểu đạt tốt nhất thiện ý của bạn với đối phương. Tuy nhiên, khi chúng ta muốn thể hiện "những lời có cánh" đó tới đối phương cũng cần có nghệ thuật, cần tế nhị chứ không nên thô cứng. Trước hết hãy đề cập đến những gì liên quan đến anh ta bằng những lời nói cung kính, trân trọng. Còn phần mình thì nên nói một cách vừa phải, ý khiêm nhường, tránh tâng bốc, khoe khoang. Bạn đừng cho rằng làm như vậy là tâng bốc người khác, nếu nó được dùng một cách thích hợp, đúng lúc, đúng chỗ sẽ khiến đối phương cảm thấy dễ chịu và thiện cảm với bạn. Thường thì nhân viên trong công ty rất ít quan tâm đến việc cấp trên đi công tác về. Kỳ thực đây chính là một cơ hội rất tốt. Một nhân viên lịch thiệp, lúc này sẽ bước tới đón cấp trên, đồng thời không thể quên nói những câu như: "Giám đốc (hoặc xưng theo chức vụ) anh đã về rồi! Anh vẫn khỏe chứ? Chắc là mọi việc đều tốt đẹp cả chứ ạ?... Lời nói và thái độ ân cần của bạn là một cách "lấy lòng" khá hiệu quả đấy. Chẳng ai lại không hài lòng khi cấp dưới của mình quan tâm, chu đáo với mình như vậy, phải không? Những việc nhỏ như vậy thường khiến cấp trên nhớ lâu. "Người không làm được việc nhỏ thì làm sao làm được việc lớn"- có lẽ đó là một tiêu chuẩn mà đa số lãnh đạo dùng để đánh giá cấp dưới của mình. Lại nữa, khi ăn cơm trưa, không nên lúc nào cũng chăm chú với các đồng nghiệp của mình, hãy đánh tiếng chào mời cấp trên. Có thể cấp trên còn bận những việc khác nên không đi ăn cùng được, nhưng một tiếng chào sẽ để cho người ta cảm giác khác hẳn .... Những người cấp trên ít nhiều đều có mong muốn được nói chuyện, truyền kinh nghiệm, giáo huấn đối với cấp dưới, vậy bạn hãy là một người nghe trung thực, lắng nghe những lời huấn dụ say sưa của ông ta. Với những nhân viên chịu chăm chú lắng nghe những lời của mình hơn những người khác, tất nhiên là cấp trên sẽ càng tín nhiệm và có đánh giá cao hơn. Thực tế, người ta sẽ có cảm tình hơn với những đối tượng chịu nghe mình phát ngôn. Khi nghe cấp trên nói chuyện, thỉnh thoảng bạn hãy bày tỏ tình cảm, sự đồng tình, cảm động, thỉnh thoảng nhắc lại lời cấp trên; xin cho những giải thích tỉ mỉ hơn. Lúc đầu sẽ có chút gượng, nhưng mấy lần sau tự nhiên sẽ quen. Tóm lại, dù bạn có mệt mỏi, khó chịu, dù bạn ở đâu, làm gì cùng cấp trên, xin đừng quên nói với cấp trên những lời "kính trọng" với thái độ chân thành. Hãy chú ý lắng nghe và thực hiện những dặn dò của cấp trên với thái độ vui vẻ và tác phong nhanh nhẹn. Nguồn : KH & CN
Triết lý biến người bán hàng thành Tổng giám đốc Khi quyết định đổi tên công ty thành IBM (International Business Machines), Watson biết rằng đó là một cái tên lớn cho một công ty nhỏ. Nhưng qua nhiều thập kỷ, Watson đã xây dựng danh tiếng công ty vượt qua cả cái tên này. Xuất phát từ một người bán hàng, Thomas John Watson đã tiến tới vị trí Tổng giám đốc của một trong những công ty lớn nhất nước Mỹ. Tên tuổi của ông không chỉ gắn liền với thành công của "người khổng lồ xanh" mà gắn chặt với những năm tháng đầu đời của ngành công nghiệp máy tính. Làm sao ông làm được điều đó? Dám chấp nhận thất bại: Trong một ngành nghề đang trong giai đoạn manh nha, Watson đã đứng dậy ngay khi gặp phải thất bại trên đường đi. Ông có thể sẵn sàng chấp nhận thất bại. Chưa bao giờ ông cảm thấy hối tiếc vì bất kỳ sai lầm nào. Thay vì thế, ông học từ thất bại và xem chúng như những người thầy vô giá, và cuối cùng, những "người thầy" này đã giúp ông đạt được mục tiêu. Luôn tiến lên: Dù trong cuộc sống riêng hay trong kinh doanh, Watson không bao giờ duy trì một khoảng thời gian trì trệ. Ủng hộ việc giáo dục và nghiên cứu, Watson đảm bảo rằng IBM sẽ duy trì vị trí hàng đầu trong cuộc chơi. Cống hiến cho những điều mà bản thân ông cảm thấy có giá trị, Watson chắc chắn rằng cuộc sống riêng của ông cũng được giữ cân bằng. Hướng tới tương lai, ông không bao giờ để cơ hội nào trôi qua. Chấp nhận mạo hiểm: Watson không quan tâm đến việc liệu mọi người có nghĩ ông điên khùng hay không. Trên thực tế, với người chấp nhận mạo hiểm, người dám làm khác biệt, và người bị xem là điên rồ; càng điên rồ thì càng làm tốt. Ông tin vào tầm quan trọng của việc tìm ra và đi theo những con đường mới. Đó là con đường có thể dẫn ông tới những thành công mới. Sử dụng sức mạnh của tư duy: Khuyến khích việc giáo dục trong nhân viên và tập hợp đội quân xung quanh một tầm nhìn chung, Watson khuyến khích các nguyên tắc đơn giản bằng sức mạnh của giáo dục và suy nghĩ. Khuyến khích làm việc nhóm: Năm 1927 trong bài nói chuyện với nhân viên, Watson nói rằng: "Công việc và sự hợp tác làm cho sản phẩm của IBM có mặt ở 58 quốc gia khác nhau, chúng ta có thể nói rằng mặt trời không bao giờ lặn ở IBM, công ty của chúng ta sẽ tiếp tục lớn mạnh hơn và tốt hơn". Watson không bao giờ để lỡ cơ hội để khuyến khích nhân viên và cảm ơn vì những nỗ lực đóng góp của họ. Vì điều đó, Watson không chỉ đưa công ty lên vị trí hàng đầu, mà ông còn truyền cảm giác trung thành cho nhân viên và trở thành một huyền thoại trong ngành này. "Để mường tượng ra tương lai của IBM, bạn phải biết những điều trong quá khứ", Watson nói. Bằng việc tạo ra một nền tảng vững chắc, IBM đã có thể tiếp tục phát triển trong tương lai dưới sự lãnh đạo của con trai của ông. Dưới đây là những triết lý đã đưa Watson đến đỉnh cao: - "Bí quyết thành công? Nó thực sự rất đơn giản. Nhân đôi tỉ lệ thất bại của bạn". - "Tôi đã đưa ra một dự đoán về tương lai của việc kinh doanh của mình và tôi đã sai vì tôi luôn đánh giá thấp khả năng của nó". - "Nhắm đến điều hoàn hảo rồi bỏ lỡ nó còn hơn là nhắm đến điều không hoàn hảo và đạt được nó". - "Người mà không tự hào về cách làm việc của mình sẽ chẳng làm được việc gì đáng để tự hào". - "Thất bại có thể làm cho bạn chán nản, hoặc bạn có thể học từ nó". - "Hãy tiến lên và mắc sai lầm. Mắc tất cả các sai lầm bạn có thể. Nhớ rằng, đó chính là nơi bạn tìm thấy thành công, trên một con đường rất dài". - "Nằm im nghỉ ngơi và chẳng làm gì là một điều thoải mái vì nó không có mạo hiểm, nhưng rõ ràng nó là một cách sai lầm để quản lý công ty". - "Chẳng có gì giống như là đứng yên tại chỗ. Bạn không thể đứng ở một nơi: hoặc là bạn phải tiến lên, hoặc là bạn phải lùi lại". - "Chúng tôi không bao giờ cảm thấy bằng lòng". - "Bất cứ khi nào cá nhân hoặc một tổ chức quyết định rằng họ đã giành được thành công, thì nghĩa là sự tiến bộ sẽ dừng lại". - "Mục đích của chúng tôi mỗi năm lại cao hơn và chúng tôi luôn đạt tiêu chuẩn". - "Phân tích quá khứ, xem xét hiện tại, mường tượng tương lai". - "Lên kế hoạch cho tương lai, tin tưởng vào tương lai". - "Giải quyết nó. Giải quyết nhanh chóng. Giải quyết theo cách đúng hoặc sai. Nếu bạn sai, vấn đề sẽ quay trở lại và vỗ vào mặt bạn, khi đó, bạn sẽ có thể giải quyết theo cách đúng". - "Một người sẽ được biết đến bằng chính công ty mà người đó nắm giữ". - "Một công ty sẽ được biết đến bằng chính những con người mà nó có". - "Một nhà quản lý nên xem vị trí của mình như một cơ hội tuyệt vời để đáp lại những sự hỗ trợ khác". - "Nhà quản lý là một người hỗ trợ cho toàn bộ mọi người trong công ty". - "Công ty này không phải là mình tôi, hoặc bất kỳ nhà điều hành nào có thể làm một mình. Nó rất lớn. Công ty của chúng tôi phát triển hàng năm và luôn thành công bởi vì mọi người đều đóng góp vào thành công của nó". - "Hợp tác nghĩa là cho càng nhiều điều bạn nhận được càng tốt". - "Bổn phận đầu tiên của mọi nhà quản lý là giúp đỡ những người cấp dưới với sự hướng dẫn của mình. Lắng nghe cả cấp dưới cũng như cấp trên". - "Chúng ta đã chứng minh được giá trị của máy móc với thế giới, và tôi cảm thấy bổn phận của chúng ta là phải lên kế hoạch để việc kinh doanh có thể tiến triển liên tục. Tôi muốn tất cả các bạn có cùng tầm nhìn và niềm tin ở IBM". - "Hãy học cách tự giám sát". - "Chúng tôi luôn tiến lên ở IBM, đó là vì mọi người sẵn sàng nắm bắt cơ hội, vượt qua các chướng ngại, và thử những điều mới mẻ". - "Hãy đi theo con đường của một người suy nghĩ mạo hiểm và độc lập" - "Mang các ý tưởng của bạn đến các cuộc tranh luận. Nói những suy nghĩ của bạn và sợ những người chỉ thích tuân theo hơn là những người có suy nghĩ lập dị". - "Phát triển sáng kiến của bạn". - "Hãy làm điều mà chưa ai làm". - "Phải không bao giờ ngừng mở đường". - "Ngày hôm qua, chúng ta mở đường cho hôm nay, và hôm nay, chúng ta mở đường cho ngày mai". - "Quá nhiều người đợi người khác đưa cho họ một điều để thúc đẩy, còn ở IBM, chúng tôi cố gắng phát triển những người tự thúc đẩy". - "Thành công sẽ được xác định bằng thái độ mà bạn sử dụng các công cụ được giao để làm việc". - "Khi thực hành nghệ thuật bán hàng, phải sử dụng tất cả tài năng của bạn. Đặt tất cả những điều bạn có vào nỗ lực của mình, trên hết là đặt nhân cách của bạn vào đó. Đừng sao chép của ai. Hãy là chính mình". - "Tất cả các vấn đề của thế giới có thể được giải quyết dễ dàng nếu con người sẵn sàng suy nghĩ. Nhưng vấn đề là người ta thường viện đến tất cả các loại thiết bị để không phải suy nghĩ, bởi suy nghĩ là một công việc vất vả". - "Điều mà mọi doanh nghiệp cần là có nhiều người chịu khó suy nghĩ hơn". - "Suy nghĩ về sự hiện diện của bạn, sự kết hợp, hành động, tham vọng, cách làm việc". - "Sự giáo dục là nền tảng của sự tiến bộ", Watson nói. "Nghiên cứu là sự đảm bảo trước cho sự tiến bộ của chúng ta". - "Kiến thức tạo ra sự nhiệt tình". - "Kế hoạch tốt thì việc kinh doanh sẽ tốt. Kế hoạch phải phản ánh thực tế và óc thẩm mỹ trong kinh doanh, nhưng trên tất cả, kế hoạch phải chủ yếu là để phục vụ con người". - "Để mường tượng ra tương lai của IBM, bạn phải biết những điều trong quá khứ". Nguồn: Lanhdao.net
Công việc và gia đình Tốt nghiệp đại học, tôi có ngay một công việc đúng chuyên ngành của mình. Sau bốn năm gắn bó với công việc đó, tôi chuyển sang làm cho một ngân hàng. Những chuỗi ngày quay cuồng với công việc của tôi bắt đầu từ đây... Công việc ở một ngân hàng quốc tế thật sự quá tất bật và bận rộn. Tôi hầu như không có thời gian rảnh để tán gẫu với đồng nghiệp, để gọi thăm hỏi và gặp gỡ bạn bè hoặc chỉ để đọc tin tức báo chí. Tôi như con diều được gió cuốn bay thật cao và thật xa. Tôi lao vào công việc đến tận tối mịt mới rời khỏi công ty, và trong thời gian đó tôi chỉ biết có công việc mà không bận tâm đến cuộc sống diễn ra bên ngoài. Đến khi lập gia đình, tôi vẫn luôn bị cuốn vào công việc, để khi về nhà tôi chỉ như một cái xác không hồn vì dường như toàn bộ tâm trí và sức lực của mình đã bị vắt kiệt ở công ty. Rời công ty lúc 7g, 8g tối, tôi mệt mỏi len giữa dòng xe cộ đông đúc để trở về mái ấm của mình, nơi mà chồng tôi mỗi ngày từ thứ hai đến thứ sáu đều mỏi mòn chờ vợ về ăn cơm. Về trễ, tất nhiên là tôi không có thời gian nấu nướng. Những bữa cơm gia đình như những bữa nhận lương thực tiếp tế từ nhà ba mẹ. Cũng may chồng tôi là người biết thông cảm, anh không đòi hỏi tôi phải nấu ăn cho gia đình. Nhưng thật tâm tôi thấy trong ánh mắt anh một nỗi buồn không thể nói ra. Mải mê với công việc, tôi không chú ý lắm đến việc nhà vì dù sao cũng chỉ có hai vợ chồng, chưa có con cái, có gì mà đáng lo cơ chứ. Cho đến một ngày tôi chợt nhận ra mình đang dần đánh mất một thứ gì đó rất quý giá... Tôi quyết định từ bỏ công việc ở một nơi mà nhiều người hằng mong muốn. Nhiều người tiếc cho tôi. Nhưng tôi thấy mình cần phải làm như vậy. Tôi nhận ra gia đình là thứ quý giá nhất trong đời, con đường để đi đến hôn nhân thật không dễ, bởi vậy nếu đánh mất hạnh phúc mình đang có thì khó mà tìm lại được. Vậy là tôi quyết định nghỉ làm để suy ngẫm tìm hướng đi mới cho mình. Tôi bắt đầu tập nấu nướng, quan tâm đến chồng và gia đình chồng hơn. Tôi dần trở thành một người vợ đảm đang. Mỗi bữa cơm tôi nấu, ánh mắt chồng tôi sáng lên niềm hạnh phúc. Tôi ngày càng nâng cao tay nghề nấu nướng, thời gian rảnh hai vợ chồng cùng đi du lịch. Ngoài ra mỗi ngày tôi có thời gian đọc báo, cập nhật tin tức để hiểu thêm về những số phận con người trong xã hội, tìm cách giúp đỡ họ, có cơ hội nhìn lại thiếu sót của bản thân, cơ hội rèn luyện kỹ năng sống... Nếu có ai đó nói thấy tiếc cho tôi vì phải từ bỏ công việc đang làm, tôi khẳng định là không hối tiếc bất cứ điều gì về lựa chọn của mình. Ngược lại, tôi thấy mình đã đi đúng hướng. Khi bước đi trên một hành trình dài phải có lúc chúng ta biết ngừng lại, hưởng thụ cuộc sống, đúc kết kinh nghiệm đã qua, rèn luyện cho mình những kỹ năng mới, để rồi sau đó có thể vững tin hơn mà bước tiếp quãng đường còn lại trong cuộc đời. Tất nhiên, với một người phụ nữ hiện đại và năng động, thật khó để tôi có thể dừng lại và chọn con đường là một người nội trợ. Tôi chỉ tạm thời lui về hậu trường để chuẩn bị kỹ hơn những kỹ năng cho mình cũng như xây dựng một nền tảng gia đình thật vững chắc, khi có cơ hội tôi sẽ bước tiếp những bước dài. Tôi vẫn luôn ghi nhớ một điều, dù có làm gì, đi đến đâu thì mục tiêu cuối cùng của tôi vẫn là mái ấm gia đình, là hạnh phúc mà còn rất nhiều người dù đã có được tiền tài, danh vọng vẫn luôn mãi tìm kiếm... Hoài Minh (Tuổi Trẻ Online)
Tin vào năng lực của chính mình Tôi không đẹp, không xấu, thuộc dạng người nhỏ nhắn, không phải "chân dài", nhưng với lòng đam mê nghề nghiệp, tôi đã được trọng dụng. Chính vì thế, các bạn không có ngoại hình cũng đừng tự ti quá, hãy tự tin vào chính năng lực và nhiệt huyết của mình. Những tháng cuối cùng của năm cuối đại học, trong khi chờ thi tốt nghiệp, tôi quyết định đi làm thư ký cho một trưởng nhóm Công ty Prudential vì tò mò về một môi trường làm việc chuyên nghiệp và cũng để chờ cơ hội làm việc đúng ngành nghề của mình (ngành tin học đồ họa). Khi đi phỏng vấn, sếp hỏi tôi có thu xếp được thời gian để đi làm không, tôi tự tin trả lời có. Môi trường mới, công việc mới hoàn toàn trái ngược với ngành học của tôi, nhưng với nhiệt huyết của tuổi trẻ, tôi làm việc hết mình. Tôi làm việc hoàn toàn độc lập (vì sếp phải đi công tác thường xuyên), từ việc lên lịch làm việc, xem thông tin công ty, giải quyết các loại giấy tờ dành cho các đại lý… tôi đều làm tốt (chỉ có cắm hoa là dở tệ). Khi sếp cần chữ ký của cấp trên, tôi sẵn lòng ngồi chờ cấp trên họp 4, 5 giờ để xin được chữ ký. Sếp thuộc dạng kiệm lời nhưng khó tính, tôi làm gì không vừa ý, ông ấy làm lại việc của tôi ngay trước mặt tôi. Bức xúc, tôi nói thẳng với sếp: “Nếu không đồng ý thì nhắc nhở, em sẽ sửa sai ngay để sếp không mất thời gian làm lại”. Từ đó, sếp bớt kiệm lời và góp ý cho tôi nhiều hơn. Công việc tốt đẹp được hơn 1 năm, sếp tin tưởng giao việc cho tôi và đi công tác đều đều. Tôi tốt nghiệp ra trường thì nhận được doanh nghiệp sách Thành Nghĩa - nhà sách Nguyễn Văn Cừ thông báo nhận tôi vào làm ở phòng chế bản, công việc mà tôi mơ ước từ lâu. Nhưng xin nghỉ việc ngay lập tức làm tôi đâm ra hoang mang. Nếu không báo trước 1 tháng thì vô trách nhiệm quá vì mọi việc vẫn trôi chảy, còn sếp đi công tác ở tận Anh. Tôi lưỡng lự, đắn đo giữa một bên là công việc đúng ngành nghề, một bên là công việc hiện tại quá tốt mà tôi cũng yêu thích... Suy nghĩ kỹ, tôi quyết định email nói rõ sự việc cho sếp. Sếp đồng ý cho tôi đi, vì sếp muốn tạo cơ hội cho tôi làm việc đúng ngành mình học, nhưng tôi biết sếp cũng lo lắng. Tôi hứa sẽ giải quyết hết mọi việc cho đến khi sếp tìm ra nhân viên mới thay thế. Cấp trên của sếp gọi tôi lên khuyên tôi suy nghĩ kỹ, vì môi trường làm việc ở đây rất tốt, có thể tôi sẽ được tiến xa. Nhưng tôi quyết định làm công việc mình đã được học. Nhận công việc mới, giờ nghỉ trưa bên Thành Nghĩa sớm hơn bên Prudential 1 giờ cộng với 1 giờ nghỉ trưa là 2 giờ, thế là tôi chạy qua công ty cũ giải quyết những công việc hằng ngày cho sếp cũ, chiều nghỉ bên Thành Nghĩa tôi cũng chạy qua làm hết công việc cho đến 8 giờ (vì văn phòng Prudential làm đến hơn 20g). Điện thoại di động là vị cứu tinh của tôi lúc đó, tôi thu xếp ổn thỏa công việc cũng nhờ người bạn nhỏ này. Sếp cũ về nước và tuyển được người mới, tôi cũng hướng dẫn và bàn giao công việc cho em đó sau 1 tháng. Sếp cũ nói rất hài lòng về tôi và tôi cũng cảm thấy yên tâm hơn với công việc mới của mình. Sau hai năm làm ở công ty mới, tôi được đề bạt làm trưởng phòng chế bản và có những biến cố lớn nữa thay đổi cuộc sống của tôi. Sự chân thành, tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết đam mê công việc là những yếu tố quyết định bạn có dám đổi thay công việc cũ để thành công ở bất cứ công việc mới nào khác hay không. Lê Thị Hồng Loan (Tuổi Trẻ Online)
Bài học từ Abraham Lincoln Johnson - người em cùng cha khác mẹ với Lincoln viết thư cho ông bảo rằng anh ta đã "sạt nghiệp", trang trại gia đình của anh ta ở bang Illinois đang phải chịu "Một sức ép rất lớn trong kinh doanh", cho nên muốn hỏi vay một khoản tiền. Nhưng trong thư trả lời, Abraham Lincoln lại tỏ ý: "Sự lãng phí thời gian vô ích đó chính là toàn bộ nguyên nhân gây nên khó khăn". Bồi dưỡng cho người khác nếp làm việc chuyên cần quan trọng hơn nhiều so với việc có được một khoản tiền. Chúng ta hãy cùng đọc toàn văn bức thư trả lời đó: "Johnson thân mến! Rất đáng tiếc, tôi không cho rằng đáp ứng đòi hỏi của chú, cho chú vay 80 đồng bạc, là một ý định tốt. Trước đây, cứ mỗi lần tôi giúp chú được một việc gì, thế nào chú cũng bảo: "Thế này thì tốt quá rồi, chúng ta sẽ không gặp phải vấn đề gì nữa". Nhưng rồi chẳng được bao lâu, chú lại bị lâm vào khó khăn mới y như thế. Tình hình đó lặp đi lặp lại nhiều lần như thế thì chỉ có thể tìm nguyên nhân trong thiếu sót của hành vi chính bản thân chú. Thiếu sót ấy ở đâu? Tôi cảm thấy tôi cũng biết được đôi chút. Chú không làm biếng, nhưng chú vẫn cứ là con người ham chơi, du thủ du thực. Tôi nghĩ rằng, từ sau khi tôi gặp chú lần trước, chú đã chẳng làm được bao nhiêu công việc, bởi chú không thấy chú sẽ làm được những gì trong công việc ấy. Sự lãng phí thời gian vô ích như thế, là toàn bộ nguyên nhân gây nên khó khăn. Chú nên thay đổi nếp nghĩ ấy đi, điều ấy sẽ có ý nghĩa vô cùng quan trọng với chú, thậm chí cả với con chú nữa. Tại sao lại có ý nghĩa quan trọng hơn với con của chú, bởi vì cuộc sống của chúng nó còn dài hơn chúng ta. Khi chúng bắt đầu bước chân vào đường đời, chúng đã vứt bỏ cái nếp sống lêu lổng, du thủ du thực đi, như thế sẽ dễ dàng hơn nhiều so với sau khi bước vào đường đời rồi chúng mới nhận ra và phải tìm cách để khắc phục. Lúc này, chú đang cần có ngay một khoản tiền mặt, nhưng tôi thì lại chỉ có thể cho chú một lời khuyên: Chú hãy đi làm việc ngay "mang hết sức của chú ra" cho những người có thể trả cho sự lao động của chú khoản thù lao thích đáng. Hãy để cha và bọn trẻ nhà chú trông coi mọi việc ở nhà như trồng cấy, chăm sóc mùa màng, còn chú thì hãy đi làm, tìm công việc gì có tiền lương kha khá mà làm, hoặc đi làm để lấy công trả nợ. Để đảm bảo cho chú có được khoản tiền công xứng đáng, tôi xin bảo đảm với chú, bắt đầu từ hôm nay cho đến ngày mồng một tháng năm của năm tới, chú đi làm được trả một đồng tiền công hoặc trừ được một đồng tiền nợ, thì tôi sẽ trả thêm cho chú một đồng. Như thế, nếu chú tìm được một công việc có tiền lương mỗi tháng 10 đồng, thì chú sẽ có thêm ở chỗ tôi 10 đồng nữa, như thế là lương chú tăng gấp đôi, mỗi tháng 20 đồng. Tôi cũng chẳng đòi hỏi chú phải đi xa đến Saint Louis hay đến mỏ chì mỏ vàng ở Califonia, mà tôi chỉ đòi hỏi chú tìm ngay trong huyện nhà, một công việc có tiền lương thích hợp là được. Nếu chú làm được thế, chú sẽ lập tức trả được hết nợ; mà điều có ích hơn, là chú sẽ rèn được cho mình một thói quen tốt, và chú mãi mãi không bao giờ còn mắc nợ nữa. Nếu lúc này đây tôi đáp ứng đòi hỏi của chú, cho chú vay tiền, thì đến sang năm, chú còn mắc nợ nhiều hơn. Chú bảo rằng nếu chú có được 70 đồng hay 80 đồng, thì chú sẽ vui lòng nhường vị trí của chú trên thiên đường cho người khác, thế thì chú hèn quá. Có thể khẳng định rằng, cộng thêm cả khoản tiền tôi thưởng cho chú, chú đi làm lấy bốn năm tháng, là chú có bảy tám chục đồng. Chú còn bao, nếu tôi cho chú vay ngần ấy tiền, chú sẽ gán hết ruộng đất cho tôi, hơn thế, nếu chú không trả được nợ choi tôi, thì chú sẽ chuyển quyền sử dụng đất cho tôi. Thật hoang đường! Bây giờ có chừng ấy đất đai, chú còn chẳng sống nổi, huống chi, không có số đất ấy thì chũ sẽ ra sao? Xưa nay chú rất tốt, lúc này đây với chú, tôi cũng không phải không nói đến tình thân. Ngược lại, nếu chú chịu nghe lời khuyên của tôi, thì chú sẽ có thể thấy rằng, lời khuyên tôi nói ra đây với chú còn giá trị hơn là tôi cho chú vay tám chục đồng. Cầu chúc chú bình an. Anh của chú Abraham Lincoln
Hạt đời long lanh Ý nghĩ hạnh phúc là giá trị, là những gì đẹp đẽ, lớn lao, cao cả, quý báu của con người - đời người. Để có được hạnh phúc cho mình và dành cho người khác khó lắm. Cần phải thật nỗ lực, phải có những việc, sự học, cống hiến lớn lao cao cả tương ứng với tầm vóc của hạnh phúc mà ta hướng tới. Từng quãng, từng quãng đời đã trải qua, không ít lúc phải sững sờ cảm thấy mình chẳng có được bao nhiêu hạnh phúc. Có lẽ nào (và hình như) hạnh phúc đã "chọn mặt gửi vàng" chứ không ban phát, chia đều cho mọi người... từng thứ một. Có phải thế không? Dường như thế chăng và cũng không hẳn như thế vào những khi trên đường đời tôi bắt gặp và nhận được hoặc chứng kiến những Hạt đời long lanh trong cuộc sống, ở mọi nơi, mọi lúc, mọi việc... rồi từng người, từng người... mới thật tha thiết làm sao. Ai có tuổi thơ từ thập kỷ 1970 trở về trước, hẳn còn nhớ nhửng chiếc bánh chưng xinh xinh ở từng gia đình dành cho trẻ con trong nhà khi nhà luộc bánh chưng đón Tết. Tôi sống ở quê từ tuổi lên 10. Năm nào cũng vậy, lúc gói bánh chưng, cụ bà nội tôi cũng nhắc chú ruột tôi gói số bánh chưng nho nhỏ. Mỗi lần, thấy số bánh cụ tôi bảo nhiều hơn năm trước, chú tôi mới hỏi. Cụ tôi rầu giọng: Xóm ta vừa thêm mấy đứa trẻ mồ côi bố. Nhà nó nghèo. Cụ đã giao cho tôi việc mang bánh chia cho mấy bạn nhỏ ấy. Ôi, chiếc bánh chưng xinh, đâu có phải chỉ là để đừng quên trẻ em, cho trẻ em vui thích, mà chiếc bánh nhỏ đã gieo vào tâm hồn con trẻ tình cảm gia đình, lòng thương mến, nhân hậu với người còn vất vả, nghèo khó hơn ta. Thương người thì được người thương. Năm cụ tôi mất, trẻ con trong xóm chạy theo người lớn cùng đưa cụ tôi ra cánh đồng yên nghỉ. Chiếc bánh nhỏ còn mang những tình cảm lớn khác nữa. Cuộc sống, từ trong nhà ra xã hội, luôn luôn có những khó khăn nảy ra nhiều tình huống trớ trêu, éo le từ những việc nhỏ nhặt nhưng lại dễ gây ra mất mát lớn. Ngược lại, nếu xử sự đẹp thì nhận được hạt đời long lanh - hạnh phúc nho nhỏ. Nhiều hạnh phúc nhỏ, sẽ là hạnh phúc lớn. Đây chính là hạnh phúc của đời người, từ những việc rất nhỏ long lanh như giọt sương – hạt đời. Trích từ "Hạt đời long lanh" - Phong Thu (Phụ Nử VN)
Suy ngẫm về giá trị sống : chuyện tiền bạc Xung quanh tiền bạc, sự cố xảy ra như cơm bữa. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, tiền bạc cũng không phải là một thứ xấu xa. Vấn đề là ở chỗ người sử dụng nó như thế nào mà thôi. Tiền bạc – dầu bôi trơn của công việc Nếu ngồi ngẫm nghĩ tại sao chúng ta phải làm việc, có người cho rằng nếu không làm việc sẽ không có gì để ăn, nhưng tôi nghĩ không chỉ là như vậy. Không chỉ vì miếng cơm, mà để cho cuộc sống trong tương lai tốt đẹp hơn, mọi thứ đều phải bắt đầu từ ngày hôm nay. Vì vậy, con người phải lao động. Dù là hoạt động trong ngành sản xuất hay ngành dịch vụ, tất cả đều hướng tới mục đích này. Con người đóng vai trò to lớn như vậy. Theo tôi, lao động của những người đó, hay dầu bôi trơn để cho các hoạt động sản xuất kinh tế diễn ra trôi chảy chính là tiền bạc. Tiền không phải là mục đích mà là dụng cụ. Mục đích của lao động là để nâng cao cuộc sống con người. Giá trị của công việc được đo bởi tiền bạc Khi chúng ta làm việc tốt cho xã hội thì tiền bạc sẽ tự nhiên theo đó mà vào. Chẳng hạn như trường hợp của một ca sĩ. Vì cho rằng bài hát của ca sĩ đó hay, nên chúng ta mới bỏ tiền ra để đi nghe. Hoặc như trường hợp cửa hàng Udon, chính vì nghĩ Udon hàng đó ngon chúng ta mới đi ăn. Dù người đứng ra kinh doanh có nghĩ phải lãi bao nhiêu, mà không tạo ra sản phẩm tương xứng với giá trị đó thì tiền cũng sẽ không chảy vào túi họ. Nếu công việc của một người có giá trị xã hội, thì số tiền tương ứng với giá trị đó cũng đi liền theo. Và mọi người sẽ càng cổ vũ: “Ông hãy làm tốt như thế nữa đi”. Trong đồng tiền ẩn chứa giá trị Chẳng hạn, bạn có một triệu yên. Khi bắt đầu một công việc gì đó, bạn lại muốn có thêm hai triệu yên nữa. Khi đó, bạn sẽ nghĩ đến việc nói khó với những người đàn anh ở công ty hay ai đó để vay tiền. Đây không phải là chuyện hiếm. Như thế người đàn anh bị nhờ vả ấy sẽ nói gì? Có lẽ anh ta sẽ bảo thế này: - Thế cậu đã làm thế nào để kiếm ra được một triệu yên kia vậy? Bạn sẽ đáp: - Anh trai tôi cho ấy mà... Mà như vậy thì sẽ xảy ra chuyện gì? Cũng có thể có người bảo: “À, thế à?” và cho bạn vay, nhưng trường hợp đó rất hạn hữu. Một người khác thì lại trả lời thế này: “Tôi đã làm việc chăm chỉ suốt năm năm mới kiếm được một triệu yên. Cũng phải nghĩ đến chuyện tuổi tác, nên từ nay tôi tính ra làm riêng”. Cũng là một triệu yên, nhưng giá trị một triệu yên của người này lại cao hơn một triệu yên của người đã nhận từ anh trai họ rất nhiều. Xác suất có thể vay thêm hai triệu yên nữa là rất cao. Một triệu yên nhận của anh trai với một triệu yên đổ mồ hôi mới có được, cũng là một triệu yên, nhưng một triệu yên sau sẽ có sức nặng hơn khi ai đó cân nhắc cho bạn vay thêm tiền. Hiểu giá trị đồng tiền trong khó khăn Hiểu được giá trị của đồng tiền là điều không dễ chút nào. Khi có nhiều tiền hơn mức cần thiết, người ta thường vung tay chi tiêu không mục đích. Từ kinh nghiệm của mình, tôi thấy gặp khó khăn về tiền bạc có khi lại hay. Trong tay có vốn người ta sẽ tính bắt tay vào công việc kinh doanh, nhưng chỉ khi thiếu vốn người ta mới suy nghĩ nghiêm túc và hiểu được giá trị của đồng tiền. Mà như vậy khi đem ra tiêu cũng phải suy nghĩ chín chắn. Nhờ đó, đồng tiền sẽ phát huy được đúng giá trị mà nó có. Tôi làm kinh doanh và nếu ai đó có hỏi đã bán hàng cho những nơi nào thì xin thưa rằng, tôi đã chọn những cửa hàng mà hai vợ chồng của người chủ cùng chung lưng đấu cật kiếm sống vất vả, hơn là những nơi dư dả về tiền bạc. Chỉ những người trải qua khó khăn mới thấu hiểu giá trị của đồng tiền. Nhìn xa trông rộng thì họ chính là những bạn hàng đáng tin cậy. Cách làm việc với ngân hàng Khi chúng ta quản lý một công ty mà ngân hàng liên tục cho vay tiền thì phải nhìn điều đó như một nguy cơ. Trong thời gian ngân hàng gượng gạo cho vay nghĩa là công việc kinh doanh trôi chảy. Nhưng khi họ bảo: “Xin mời ông cứ vay đi!”, lại chính là lúc chúng ta phải thật chú ý. Người luôn chính xác trong mọi việc cũng còn có khi vung tay quá trán và làm hỏng việc. Thực ra, không gì nguy hiếm bằng khi tiền tự đổ vào liên tục. Trong đồng tiền chất chứa mồ hôi công sức con người Tôi nghĩ, trong đồng tiền có mồ hôi công sức của bao nhiêu người. Ngay cả đồng xu 100 yên cũng là một sự lao động khổ cực của mọi người. Một phần công sức lao động của nhiều người chính là đồng 100 yên đó. Bởi vậy chúng ta phải chi tiêu thật cẩn trọng. Tôi nghĩ, về cơ bản con người cần mang trong mình ý nghĩ đó. Tiêu tiền là một việc khó, bởi vì ở đó phản ánh tính cách của chính người tiêu dùng nó. Trích từ "Mạn đàm nhân sinh" - Matsushita Konosuke
Cầu toàn Biết nhìn nhận khiếm khuyết để hoàn thiện bản thân, giúp người khác cùng hoàn thiện sẽ giúp cho mỗi người cảm nhận được nhiều hơn niềm hạnh phúc trong cuộc sống của mình. Hạnh phúc hay áp lực? Đang đòi ly hôn với lý do chồng không hề chia sẻ bất cứ việc gì với vợ con, biến vợ thành người giúp việc, người giữ nhà, chị Nguyễn Thụy Lan (quận Bình Thạnh, TP.HCM) càng muốn “điên” hơn khi cả nhà chồng xúm vào lên án chị: “Tại cô làm hư nó đấy. Cái gì cô cũng muốn hoàn hảo nên cô có cho chồng làm việc gì đâu. Riết rồi nó đâm ra lười biếng. Giờ cô còn trách ai ?!”. Vốn là người phụ nữ đảm đang, vén khéo, ngay từ khi mới về làm dâu, chị Lan được cả gia đình chồng hài lòng về cách chăm sóc chồng con. Việc gì vào tay chị, dù khó đến mấy cũng được giải quyết dễ dàng, nhanh chóng và tốt đẹp. Nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ, con cái khỏe mạnh, ngoan ngoãn, chồng chị thì lúc nào quần cũng thẳng ly, tóc bóng mượt. Đi đâu anh cũng khoe mình có người vợ đảm đang khiến chị rất hãnh diện. Và, để giữ vững danh hiệu “đảm đang” này, chị không cho bất cứ ai nhúng tay vào công việc nội trợ của mình. Với chị, mọi việc phải được giải quyết thật hoàn hảo. Cuộc sống hôn nhân cứ trôi đi êm đẹp đúng như ý chị Nguyệt Hương (khu công nghiệp Tân Bình): hàng ngày đi làm về chị lại quấn mái tóc dài lên, xắn tay vào mọi việc to việc nhỏ trong khi chồng chị thảnh thơi đọc báo, xem tivi hoặc lên mạng chat chít với bạn bè. Dọn bữa cơm nóng hổi, gắp cho chồng một miếng ngon, nghe mấy cha con hít hà hỉ hả là chị như nở từng khúc ruột. Bạn bè của cả anh và chị tặng cho chị biệt danh là “bà mẹ Việt Nam anh hùng” để khen chị “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Điều đó quả là đúng vì lúc nào chị cũng đặt ra cho mình mục tiêu phải làm tốt tất cả mọi việc, dù lớn hay nhỏ, dù là việc nhà hay việc công ty. Với chị Trần Bích Vy, kế toán một công ty cung cấp trang thiết bị y tế, thì không thể có bất cứ sai sót nào trong công việc. Chị luôn đặt ra những yêu cầu cao cho bản thân cũng như với đồng nghiệp. Năm nào cũng được tín nhiệm bình bầu là Lao động xuất sắc, chị lại càng khao khát chinh phục “đỉnh Olympia”. Với chị, xuất sắc có nghĩa là phải hoàn hảo. Nhìn nhận khiếm khuyết để cảm nhận hạnh phúc cuộc sống Luôn đặt ra những đỉnh cao để chinh phục, nên những khi không đạt được mục tiêu, chị Vy lại tự sỉ vả mình hoặc trách móc đồng nghiệp. Chị luôn luôn cảm thấy căng thẳng và buồn bực vì chưa bao giờ hài lòng về bản thân mình. Cho đến giờ, khi đã bước vào tuổi bốn mươi, chị vẫn không thể tìm được cho mình một bờ vai để dựa, vì “đàn ông sao nhiều khiếm khuyết quá”. Năm tháng qua đi, chị Thụy Lan có thêm một đứa con nữa. Tuổi chị cũng đã bước vào hàng băm. Công việc cơ quan lúc này cũng dày thêm lên với chức trưởng phòng mà chị đảm nhận. Hết giờ làm việc, chị tất tả đón hai con ở hai trường, tranh thủ ghé chợ rồi về nhà nấu cơm, giặt đồ trong lúc hai thằng con nghịch phá, chọc nhau chí choé, chồng chị nằm khoèo đọc báo. Cứ thế, sự mệt mỏi và bực mình từng bước len lỏi vào niềm hãnh diện của chị. Cũng từ đó, cơm không còn ngon, canh không còn ngọt nữa. Ban đầu là cằn nhằn, sau tăng dần lên thành cãi vã. Hai đứa con hoảng sợ khi thấy ba má cãi nhau, chồng chị bỏ đi không thèm về nhà vì những việc anh làm giúp chị luôn bị chê bai, chị cho rằng anh là người đàn ông “vô tích sự”… Tổ ấm biến thành "mái lạnh" chỉ vì chị đã làm… hư chồng! “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” Nguyệt Hương lại gặp “sự cố” đau đầu khác khi những quy tắc chị đưa ra nhằm gìn giữ những “thành quả” mà chị xây dựng liên tục bị chồng con phá vỡ. Cu King, con chị, chẳng bao giờ nhớ việc mỗi lần đi toilet thì phải giật nước, không được bày bừa đồ chơi mỗi nơi một cái…. Chồng chị thỉnh thoảng vẫn gạt tàn thuốc lá ra sàn nhà dù chị đã cẩn thận bày ở mỗi phòng trong nhà đến 2 cái gạt tàn. Anh cũng chẳng thể nào giảm được cái âm thanh “nhóp nhép” khi ăn như quy định chị đã đặt ra: “ăn cơm phải ngậm miệng lại mà nhai”. Bực bội, suốt ngày chị cằn nhằn như một bà già khó tính. Chồng con tìm cách lẩn tránh chị vì sợ bị... rầy. Nguyệt Hương la trời khi gặp chuyên viên tư vấn: “Tôi chỉ muốn mọi việc tốt đẹp thôi mà sao khó thế?”. Theo các chuyên gia tâm lý, những người mong muốn sự hoàn hảo luôn cầu toàn đã tự đặt cho mình những áp lực không đáng có. Đưa ra những quy định khắt khe và buộc người khác tuân theo khiến môi trường sống thiếu sự thân thiện và dần trở nên căng thẳng. Con người ai cũng có mặt tốt, mặt xấu, vì thế cần học cách nhìn thấy điều tốt đẹp của những người xung quanh để khuyến khích họ và bản thân mình cũng cảm thấy cuộc sống nhẹ nhàng hơn. Tính cầu toàn khiến chúng ta cảm thấy không thỏa mãn với bản thân và với người xung quanh. Các chị kể trên đều cho rằng mình là kẻ thất bại trong cuộc sống, chẳng làm được điều gì hoàn hảo dù đã cố gắng rất nhiều. Mấu chốt của vấn đề ở chỗ họ không chấp nhận bản thân mình cũng có những khiếm khuyết và với họ hoàn hảo nghĩa là phải tuyệt đối. Trong cuốn “Hạnh phúc là sự lựa chọn”, tác giả Barry Neil Kaufman đã chỉ ra: "chúng ta cần phải học hỏi từ những khiếm khuyết của chính mình, của người khác, của thầy cô giáo và phải biết chấp nhận những khiếm khuyết nêu trên ở các vị trí của nó. Chúng ta cũng phải luôn nhận thức rằng, chính nhờ rút ra bài học từ các khiếm khuyết kể trên mà chúng ta mới vươn tới sự xuất sắc!" Biết nhìn nhận khiếm khuyết để hoàn thiện bản thân, giúp người khác cùng hoàn thiện sẽ giúp cho mỗi người cảm nhận được nhiều hơn niềm hạnh phúc trong cuộc sống của mình. Tố Phương (Phụ Nử Online)
Hãy luôn lạc quan trong cuộc sống Cuộc sống của bạn trong từng giai đoạn sẽ có những ước mơ, mục đích khác nhau. Nếu thành công, điều đó làm cho bạn hưng phấn và là động lực bước tiếp. Còn nếu thất bại do tình cờ hay ngay cả sau khi bạn đã cố gắng hết sức? Chẳng lẽ bạn lại để cho ảnh hưởng của mây đen che phủ tất cả những điều khác? Tình yêu thật sự là một giá trị vô giá - xứng đáng để bạn hy sinh và vươn tới - nếu nó thực sự. Nhưng nếu nó không phải như bạn hằng ước mong? Nó có đáng để bạn đánh đổi nhiều thứ khác đôi khi có ý nghĩa và quan trọng hơn nhiều? Cuộc đời bạn được tạo thành bởi nhiều khía cạnh khác nhau. Đừng tập trung quá nhiều vào chỉ một khía cạnh nào đó của cuộc sống mà quên đi những mặt khác. Nếu không, sự thất vọng tổn thương từ nó có thể chiếm hết tâm trí bạn và làm tê liệt hứng thú của bạn đối với mọi thứ đáng yêu khác - đôi khi xứng đáng hơn nhiều. ********* Một chàng trai trưởng thành cùng với mối tình đầu rất đẹp và nên thơ. Trước khi có người yêu, anh ấy là một chàng trai thông minh với đầy đủ phẩm chất. Anh học giỏi, có tư chất, làm việc tốt và luôn biết chia sẻ với những người khác. Từ khi có người yêu, anh như bước vào một thế giới diệu kỳ với những ước mơ tình yêu và lòng nhiệt thành say đắm bao năm ước vọng nay thành hiện thực. Người yêu của anh là một cô gái xinh đẹp và duyên dáng. Tình yêu nơi anh thật lãng mạn, đầy sức sống kết hợp với trí tưởng tượng thuở thiếu thời nâng lên thành một nguồn sống mãnh liệt chi phối toàn bộ cuộc sống của anh. Thế giới xung quanh anh lúc đó luôn mênh mang bảy sắc cầu vồng khi anh ngắm nhìn cuộc sống qua lăng kính tình yêu. Sau hai năm, bão giông ập đến với anh khi tình yêu đổ vỡ - lâu đài pha lê kỳ diệu biến mất không tài nào cứu chữa bất chấp tất cả sự cố gắng níu kéo mà anh đã dùng hết sức mình hòng biến tình yêu trở nên như xưa. Thế giới xung quanh anh bất chợt xám màu chuyển sang đen kịt tuyệt vọng khi không còn lăng kính lung linh của tình yêu. Cái phao duy nhất của anh trong cuộc sống bị tước mất. Anh không còn sáng suốt để phân tích nguyên do, anh không đủ dũng cảm để nhìn nhận thời gian và vật chất có thể làm thay đổi con người. Anh suy sụp, dằn vặt khổ sở, tự đổ lỗi cho mình và bỏ ngoài tai những lời khuyên chân tình của bạn bè và người thân. Đối với anh, cuộc đời xem như vô nghĩa và trống rỗng thật sự, không phương cứu chữa. Anh buông mặc thời gian và cuộc sống của mình trôi theo những năm tháng đau khổ, bất hạnh tột cùng mà anh tự trùm lên đầu mình. Anh không còn tin vào bản thân, vào công việc yêu thích của mình, vào ngày mai và bỏ mặc những ước mơ hoài bão trước đây - chỉ vì một tình yêu anh từng tôn thờ cùng lời nguyện ước thiêng liêng ngày nào. ********* Dám sống cho tình yêu, nhưng cũng đừng hy sinh tất cả cho tình yêu để một mai tình yêu đó nếu không còn, bạn vẫn giữ trọn tình yêu nơi bạn và dũng cảm bước tiếp. Cũng đừng gắn chặt mọi kỳ vọng của bạn vào chuyện được thăng tiến, để rồi làm hỏng cuộc sống hạnh phúc của mình chỉ vì sự thiếu tiến triển trong công việc. Bạn cũng đừng lý tưởng hoá mối quan hệ của bạn với một thành viên nào đó trong gia đình, để rồi luôn cảm thấy cuộc sống tồi tệ chỉ vì mối quan hệ đó trở nên căng thẳng. Nên xây dựng hy vọng trên những điều thật sự quan trọng với bạn, và nên cho phép mình tận hưởng nhiều niềm vui hạnh phúc khác nhau, hơn là để mình phải gục ngã vì chỉ bám vào một kỳ vọng dù bạn cho là quan trọng nhưng mong manh. ********* Theo một cuộc điều tra diện rộng trong đa số những người trưởng thành thì những người lạc quan, có bản lĩnh, quan tâm đến nhiều mặt trong cuộc sống thường hạnh phúc hơn những người sống đơn điệu, một chiều và uỷ mị. Trích từ "Bí mật của hạnh phúc" - David Niven
Bướng bỉnh và bản lĩnh Vợ chồng tôi chỉ có một đứa con trai, cháu học khá tốt, siêng năng, không ham chơi... Chỉ mỗi một tội là con tôi quá bướng bỉnh, không chịu nghe theo lời tôi, thậm chí còn cãi lại nữa. Gia đình tôi kinh doanh, có công ty riêng, công việc cũng nhiều, chỉ chờ con lớn lên để phụ giúp quản lý. Nhưng cháu nhất quyết không chịu làm công ty nhà, muốn làm ở ngoài cho có kinh nghiệm. Cháu cũng không thích làm quản lý mà lại thích làm kiến trúc. Tôi cố gắng phân tích mà nó nhất định không nghe, tự ý chọn ngành và học thêm về vẽ kiến trúc để chuẩn bị cho kỳ thi vào năm tới đây. Tôi phải giải thích như thế nào cho cháu hiểu rằng làm công ty nhà thì mọi cái vẫn sẵn sàng, có ba mẹ một bên chỉ bảo. Tôi phải nói sao cho cháu nghe lời? ******** - Trả lời của Chuyên Viên tư vấn Nguyễn Thị Kim Cúc: Có lẽ chị đang rất lo lắng, bối rối vì đứa con ngoan nhưng "khó bảo". Cha mẹ thì bao giờ cũng muốn lo cho con. Nguyện vọng của chị cũng hợp lý bởi vì chỉ có con cái gánh vác thì cha mẹ mới yên tâm mà nghỉ ngơi an hưởng tuổi già. Qua thư chị kể về con mình, tôi thấy cháu rất bản lĩnh và đã gần như trưởng thành, cháu thể hiện được hoài bão và ước mơ của mình, quyết tâm thực hiện qua từng mục tiêu cụ thể như đi học vẽ kiến trúc, chuẩn bị cho kỳ thi đại học vào năm sau. Con trai chị không ỷ lại vào ba mẹ mà tự lập, vươn lên, bằng ý chí và lòng quyết tâm. Ý thức tự giáo dục trong cháu rất cao, không phải đứa trẻ nào cũng có được tố chất này chị ạ. Chị rất may mắn khi có đứa con như thế! Cháu đã rất tự tin khi quyết định tương lai cho mình. Hành động không nghe lời cha mẹ cũng có thể là do cháu hiểu được năng lực quản lý của ba mẹ hiện tại nên muốn ra ngoài tự lập một thời gian để bản thân mình được trải nghiệm trước khi nhận trọng trách mà ba mẹ giao phó. Tôi cũng hiểu tâm trạng của chị, đây cũng là mối lo lắng chung của đại đa số các bà mẹ chứ không riêng gì chị cả. Cha mẹ muốn lo cho con tất cả mà đôi khi không quan tâm xem con có muốn như vậy hay không, cứ mãi "bao cấp" như thế vô tình tạo cho con tính ỷ lại, không biết sống tự lập, chỉ biết dựa dẫm vào người khác, không dám có quyết định và chịu trách nhiệm về những quyết định của mình. Trẻ sẽ khó trưởng thành trong hoàn cảnh như vậy. Trong cuộc sống, nếu chúng ta may mắn học đúng môn mình yêu thích, làm đúng công việc mình hằng ao ước, đúng sở trường, đúng khả năng thì khi trong công việc sẽ có niềm vui, sẽ phát huy được tất cả khả năng, năng lực sáng tạo rất cao. Tuy cháu không nghe theo chị nhưng cháu đã học tốt và có định hướng tương lai rất rõ ràng, điều này chị có thể yên tâm. Cháu sống có mục đích rõ ràng, nếu như được sự động viên và khuyến khích từ gia đình, có lẽ cháu sẽ tiến bộ hơn nữa và sẽ rất hạnh phúc... Chị có thể nói chuyện với con trên tinh thần bàn bạc trao đổi về những ước mơ, công việc và việc quản lý công ty của gia đình một cách thật khách quan dựa trên sự ích lợi của cháu. Chị cũng có thể "thỏa thuận" cùng con một khoảng thời gian để cháu quay về quản lý công ty. Chị có thể giải thích với cháu về công lao gầy dựng bao năm của cha mẹ và cần người kế thừa để khơi thêm trách nhiệm và tình thương yêu của cháu. Chúc chị và gia đình thật hạnh phúc trước sự thành đạt của con. Thân mến! Nguồn : Tuổi Trẻ Online
Làm sao để cha mẹ có thể hiểu con cái ? Tôi có cảm giác con cái bây giờ sớm tách rời cha mẹ, chuyện trao đổi tâm tình không hoàn toàn cởi mở, nói là nói vậy thôi, chứ vẫn còn giấu giếm. Cha mẹ ngày trước cũng không luôn luôn gần gũi, tâm tình với con cái, nhưng gần như ít thấy sai phạm nghiêm trọng xảy ra từ phía con mình. Còn bây giờ xảy ra đủ thứ, yêu sớm dẫn đến có thai phải đi “kế hoạch”, bạn bè băng nhóm rủ nhau đi bụi khi bị cha mẹ rầy, đâm chém nhau khi có chuyện không vừa ý, mỗi chút là dọa tự tử.... Rất mong các chị cho biết thêm về vấn đề tâm lý truyền thông, cách nào để cha mẹ và con cái gần gũi nhau hơn? Tôi đang là mẹ của hai cô con gái đều ở tuổi mới lớn: 12 và 15. Hai cháu rất ngoan, nhưng bạn bè của các cháu mới là điều làm tôi lo âu. Nói những suy nghĩ này với các cháu thật không dễ. ********* - Trả lời tư vấn của Thạc Sỉ xả hội học Nguyển Thị Oanh : Xin cám ơn câu hỏi rất có ý nghĩa của chị. Các khoảng cách giữa các thế hệ không chỉ là khoảng cách về tuổi tác mà là khoảng cách văn hóa xã hội, nghĩa là khoảng cách trong cách suy nghĩ và hành động. Trẻ ngày nay tiếp xúc với nhiều luồng tư tưởng mà trước kia ta không có. Đặc điểm của tuổi mới lớn là muốn thành người lớn, có nghĩa là muốn một khoảng riêng bất khả xâm phạm. Điều này tự nhiên và chính đáng. Các bậc cha mẹ am hiểu sẽ tôn trọng cái khoảng riêng ấy. Không phải nhờ biết hết ý nghĩ của con mà giáo dục được con. Nhưng tình thương và tấm gương của ta mới là điều gợi hứng cho trẻ làm tốt . Trẻ giấu giếm một phần vì sợ nói ra bị rầy, hay thậm chí làm cho cha mẹ lo. Và đúng là ngày nay có nhiều điều trong môi trường của trẻ làm ta lo. Nhưng môi trường sống trong gia đình hạnh phúc chính là yếu tố tạo nên sức đề kháng cho trẻ đối với những ảnh hưởng tiêu cực bên ngoài. Về truyền thông, trước kia ta nghĩ: “Phải nói sao cho người ta nghe”, nhưng ngày nay thì khác: “Phải nghe sao cho người ta nói”. Thật vậy, khi người ta chịu nói mình mới biết họ muốn gì, nghĩ gì và từ đó mới giúp họ được. Lắng nghe rất khó vì không phải nghe bằng lỗ tai mà phải đặt mình vào vị trí của người kia để thực sự thấu cảm và hiểu tại sao họ suy nghĩ và hành động như vậy. Chấp nhận và không vội đánh giá hay cho lời khuyên. Thái độ lắng nghe tích cực của ta, sự tôn trọng và vô tư của ta sẽ giúp cho người kia bình tĩnh và trở nên khách quan. Nên đặt câu hỏi gợi ý cho người kia tự đào sâu vấn đề và tự tìm ra giải pháp. Không nên áp đặt. Không phải ngày một ngày hai mà vấn đề được giải quyết, cha mẹ như nhà giáo dục rất cần sự kiên nhẫn và khoan dung. Nếu các cháu nhà chị ngoan là điều đáng mừng. Chị cũng đừng quá lo về bạn của cháu. Sau này vào đời, các cháu sẽ phải tiếp xúc với mọi thành phần tốt và xấu. Nếu cháu hạnh phúc trong gia đình và gắn bó với cha mẹ thì cháu sẽ biết lựa chọn. Trẻ theo bạn xấu khi cảm thấy cô đơn trong gia đình. Ví như ở vùng sông nước, lúc nào ta cũng giữ gìn trẻ không cho xuống nước thì trẻ có thể gặp nguy hiểm khi lỡ rơi xuống nước. Còn nếu ta cứ thả trẻ xuống nước, tập cho trẻ bơi thì sẽ tự bảo vệ được mình. Nghĩa là gia đình và học đường ngày nay phải dạy cho trẻ kỹ năng sống thay vì chỉ dạy đạo đức suông. Anh chị có chơi đùa, tham gia các trò chơi, ca hát với các cháu không? Đây là dịp gần gũi trẻ một cách tự nhiên, giúp trẻ thật thoải mái và cảm thấy mình được quan tâm. Có gần gũi nhau một cách tự nhiên thì trong các dịp nói chuyện nghiêm túc mới thấy dễ gần gũi nhau. Nguồn : Phụ Nử Online
Chọn công việc: lương hay cơ hội nâng cao năng lực? Em đang làm việc cho một dự án ở huyện Cầu Kè - Trà Vinh. Em vừa tốt nghiệp Đại Học (hệ vừa học vừa làm) chuyên ngành Tài chính - Tín dụng. Hiện tại công việc em phụ trách là Marketing - tìm đầu ra sản phẩm cho các ngành hàng của người nông dân - và kế toán (em thích công việc này). Cơ hội được đi đào tạo tập huấn nâng cao năng lực cao nhưng lương chỉ khỏang 1,4 triệu đồng/tháng và dự án chỉ có thời gian là 3 năm (sau 3 năm phải đi tìm việc lại từ đầu). Em đang băn khoăn không biết có nên tiếp tục công việc này nữa hay không hay chuyển sang làm ở ngân hàng? (em muốn học sau Đại Học, nếu làm ở Ngân hàng Trà Vinh sẽ có điều kiện học ở trường Đại Học Trà Vinh). Cẩm Mơ ******* - Trả lời tư vấn của VietnamWorks.com : Căn cứ vào nội dung bạn nêu, công việc hiện tại dường như khá tốt, dù rằng mức lương không như bạn mong muốn. Vì sao tốt? Bạn thích công việc này và nó đem đến cho bạn nhiều cơ hội được đào tạo và huấn luyện nâng cao năng lực. Nếu kiên trì theo đuổi dự án kéo dài 3 năm này cộng với làm việc tích cực, bạn sẽ học hỏi được rất nhiều điều, tích lũy được nhiều kinh nghiệm và rèn luyện được nhiều kỹ năng. Một khi đã có kinh nghiệm, kỹ năng và kiến thức thì việc bạn đạt được mức lương cao hơn không có gì là quá khó. Nói như vậy không có nghĩa là làm việc ở ngân hàng không tốt bằng, tuy nhiên bạn cần cân nhắc nhiều yếu tố khác: môi trường làm việc, cơ hội phát triển nghề nghiệp, bạn được giao trách nhiệm đến đâu so với làm dự án… Nói ngắn gọn là bạn phải tự xác định mục tiêu nghề nghiệp của mình: trong 3 năm nữa, 5 năm nữa, 10 năm nữa... bạn muốn mình phát triển như thế nào? Khi đó, bạn sẽ đối chiếu với các cơ hội nghề nghiệp hiện tại hoặc trong tương lai gần xem những cơ hội này có phù hợp với kế hoạch phát triển nghề nghiệp dài hạn của bạn hay không? Từ đó, bạn sẽ dễ quyết định hơn. Chúc bạn thành công! Kim Nhung (Tuổi Trẻ Online)
Khó Khăn là May Mắn Hầu hết mọi người đều đồng ý rằng: "Càng gặp nhiều khó khăn, chúng ta càng có nhiều kinh nghiệm". Một bản năng của con người là ngay lập tức nhìn những khó khăn bằng nhửng suy nghĩ tiêu cực thay vì nhận ra một sự thật: Trở ngại là người Thầy vĩ đại! Kinh nghiệm và kiến thức không đến với bạn nếu bạn cứ quay lưng với những điều cần phải đối mặt! Có ai học guitar mà không chơi sai vài nốt? Có ca sĩ nào mà không từng lỗi nhịp? Hãy xem những hòn đá cản đường bạn là những hòn đá may mắn; đau đớn là người dẫn đường và thất bại là đường đến thành công. Như tất cả mọi người, tôi cũng có những trở ngại, thất bại trong suốt chặng đường đã qua. Nhưng tôi luôn tự nhắc nhở bản thân, chỉ có từ những thử thách cam go, khắc nghiệt mới tìm ra bản thân, sức mạnh đích thực. Nguồn : Saga
Xin việc: Những kinh nghiệm "xương máu"! Những câu chuyện có thật sau đây của các bạn trẻ nước ngoài sẽ là nhửng kinh nghiệm xương máu cho các bạn chuẩn bị đi xin việc. Và bạn hoàn toàn có thể kiếm được những bài học tuyệt vời từ những câu chuyện đó, thật đấy! 1. Xôi hỏng, bỏng không! "Tôi thấy mình không thích hợp lắm với công việc đầu tiên nên trong vòng vài tháng, tôi đã cố gắng đi tìm việc mới. Sau một thời gian, cuối cùng, một công ty đồng ý nhận tôi vào vị trí quản lý - mà đó lại là một công ty hợp với ngành học của tôi. Tất nhiên, tôi mừng húm và thông báo với công ty cũ là mình sắp nghỉ việc để họ chuẩn bị thủ tục. Nhưng đúng một tuần sau khi tôi xin nghỉ việc, công ty mới lại gọi điện và bảo tôi rằng họ vừa mới tái đánh giá tình hình tài chính, và huỷ bỏ quyết định nhận một quản lý mới - là tôi! Quá hốt hoảng, tôi lúp cúp đi tìm chị sếp của công ty mình đang làm việc để nói rằng tôi cũng... huỷ bỏ cái quyết định xin thôi việc của mình. Nhưng tôi không thể tìm được chị ấy, vì chị ấy có lịch họp suốt ngày. Thế là trong cuộc họp cơ quan ngày hôm sau, chị ấy đã thông báo trước tất cả mọi người rằng tôi sắp thôi việc. Tôi chẳng còn cách nào khác ngoài cách thú nhận tình thế khó khăn của mình và xin được ở lại công ty - trước mặt tất cả mọi người. Chị sếp đồng ý cho tôi ở lại, nhưng chỉ trong 2 tháng, và nói rằng đó là thời gian để tôi tìm công việc mới". (Julie N., 23 tuổi) ===> Luôn luôn xác nhận chắc chắn một chỗ làm mới trước khi bạn rời bỏ chỗ làm cũ. 2. Ác mộng phỏng vấn "Sau khi ra trường, tôi đi làm tiếp thị trong khi chờ tìm được một công việc ổn định. Việc tiếp thị của tôi đơn giản là đi từng nhà (chỉ mặc sơmi bỏ trong quần) bán những phiếu giảm giá mua dầu xe máy. Trong một lần đi tiếp thị, tôi nhận được điện thoại của công ty mà tôi đã nộp đơn, nói rằng họ sẽ có "một buổi gặp gỡ thân mật" với tôi để nói chuyện về "những mục tiêu sự nghiệp", nhưng ở ngay trong một quán café cạnh công ty. Cho rằng nếu chỉ là cuộc gặp gỡ ở quán café thì cũng không quá trang trọng, nên tôi cứ mặc nguyên quần áo đơn giản như vậy đi đến buổi hẹn. Thật khủng khiếp, cái "quán café đơn giản" mà tôi tưởng tượng hoá ra lại là một nhà hàng kiểu nước ngoài sang trọng, và chờ tôi là 3 vị sếp của công ty, ai cũng mặc complet và đeo cravate đàng hoàng. Hậu quả là tôi mất tự tin đến nỗi chẳng nói được câu nào ra hồn, và cuối cùng... xin cáo lỗi về sớm, lấy lý do là có việc bận! Thậm chí, tôi cũng chẳng bao giờ quay lại công ty đó nữa". (Phil G., 22 tuổi). ===> Khi được mời đến phỏng vấn, bạn hãy hỏi thật rõ về địa điểm, cách ăn mặc và nếu cần thiết hơn, thì hỏi xem có những ai sẽ phỏng vấn bạn. 3. Xui hơn cả thứ sáu, ngày 13 "Một trong những việc tôi phải làm đầu tiên khi được nhận vào làm supervisor là phỏng vấn các ứng cử viên để chọn ra một người cho vai trò trợ lý hành chính. Sếp rất tin tưởng và giao cho tôi toàn bộ khâu tổ chức, dù bản thân tôi cũng là một nhân viên mới. Tôi quyết định gây ấn tượng mạnh bằng cách dựng rạp ngoài trời để phỏng vấn, vì công ty tôi là công ty quảng cáo, toàn người trẻ, và tôi tin rằng tạo phong cách trẻ trung, sáng tạo là rất quan trọng. Không may, đêm hôm trước, trời mưa rất to và một số phần của rạp bị dột. Nhưng không sao, tôi tin rằng vẫn sẽ tạo được ấn tượng tốt với phong cách này. Mỗi ứng cử viên phải làm một bài dự thi trên giấy. Khi một cô gái ngồi vào bàn, tôi nghe tiếng "crack!", rồi "sụp!", và cả mảng rạp phía trên cô ấy đổ sập xuống do sức nặng của nước mưa đọng phía trên. Cô gái đó tuy không bị thương nhưng ướt nhẹp từ đầu đến chân, và cô ấy lịch sự nói rằng cô ấy không có hứng thú nữa với công việc ở "một công ty thiếu sự chuẩn bị kỹ lưỡng" như công ty chúng tôi". (Leigh S., 25 tuổi) ===> Luôn phải chuẩn bị ô cho những ngày trời mưa - tức là luôn phải có "kế hoạch B" cho những trường hợp xấu. 4. Ảo tưởng đổ vỡ "Tôi lái xe gần 60km tới buổi phỏng vấn một công ty lớn. Tôi đã chuẩn bị rất kỹ, sẵn sàng gây ấn tượng bằng cách trả lời bất kỳ câu hỏi nào có liên quan đến bản résumé rất hoành tráng của mình. Khi tôi ngồi xuống bàn phỏng vấn, vị quản lý của công ty mới (người phỏng vấn tôi) chỉ hỏi đúng một câu: "Bạn có thể tự giới thiệu về mình được chứ?". Sau khi tôi tự tin giới thiệu ngắn gọn trong tròn 90 giây, cô ấy bảo rằng đó là tất cả những gì cô ấy có thể hỏi, và hỏi ngược lại là tôi có câu hỏi nào không. Bị hẫng như vấp phải ổ gà, tôi không biết phải hỏi gì, vì tôi chẳng biết gì nhiều về công ty mới mà hỏi. Thế là tôi bắt đầu... phỏng vấn ngược lại cô ấy, nào là cô ấy đã học ngành gì, vị trí đang làm là gì, phong cách công ty mới là thế nào... Sau khi trả lời tất cả những câu hỏi của tôi, cô ấy mỉm cười nói: "Tất cả những điều bạn vừa hỏi tôi, lẽ ra bạn phải biết từ trước khi đến buổi phỏng vấn này mới đúng". Tôi rời khỏi buổi phỏng vấn, và biết chắc rằng mình sẽ không bao giờ được công ty mời đến làm việc". (Matthew H., 24 tuổi). ===> Nghiên cứu kỹ về các chính sách, phong cách văn hoá... của công ty và chuẩn bị sẵn một số câu hỏi có liên quan trước khi đến phỏng vấn. Nguồn : SVVN
12 lời khuyên về tự phát triển bản thân 1. Bạn là người tạo ra cuộc sống của chính bạn Bạn không phải là nạn nhân dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Bạn có 100% quyền làm chủ bản thân và bạn cũng chịu trách nhiệm 100% về những thành công hay thất bại của bạn trong cuộc sống. Bạn có quyền thay đổi cuộc sống của bạn ngày càng tốt đẹp và hạnh phúc hơn. Hãy luôn nhớ rằng, cho dù bạn nghĩ cuộc sống này tồi tệ hay hạnh phúc, bạn luôn đúng. 2. Bạn là người quyết định suy nghĩ của mình Không ai có thể quyết định cho bạn là bạn nên suy nghĩ như thế nào. Bạn suy nghĩ sao là do chính quyết định của bạn. Chỉ có bạn mới có thể tạo cảm xúc cho mình về thành công hay thất bại khi đương đầu với 1 vấn đề nào đó. Bài học ở đây là không nên bị ảnh hưởng bởi cảm xúc xung quanh, giữa những khó khăn, bạn luôn có quyền tự do lựa chọn. 3. Hãy luôn nghĩ rằng mình đã làm được, thực tế bạn sẽ làm được Nếu bạn muốn tự tin, giàu có, hạnh phúc, hãy nghĩ rằng bạn đang thành công và đang hạnh phúc. Hãy cư xử như thể bạn đang thành công, đang hạnh phúc và giàu có. Đến một lúc quay lại, bạn sẽ thấy mình đã tự tin, hạnh phúc và giàu có tự lúc nào. 4. Luôn kiên trì theo đuổi mục đích Mục đích của cuộc đời là những gì bạn làm mà đem lại cho bạn niềm vui thích, phát huy tất cả tiềm năng của bạn. Bạn luôn làm vì thật sự muốn được làm. Nếu ai đó trả tiền hay không trả tiền cho bạn, bạn vẫn làm một cách say mê nhất. Hãy luôn xác định cho mình mục đích đó và kiên trì theo đuổi. 5. Thiết lập mục tiêu dài hạn, ngắn hạn và mục tiêu hằng ngày Liệt kê từ 5 đến 10 mục tiêu bạn phải hoàn thành trong đời. Chia nhỏ mục tiêu lớn thành những mục tiêu con, chia nhỏ mục tiêu con thành những hành động cho từng ngày. Mỗi ngày kiên trì hoàn tất theo kế hoạch bạn sẽ tiến dần đến mục tiêu. 6. Sống trọn vẹn cho hiện tại Trong cuộc sống bạn sẽ gặp nhiều vấn đề hoặc những ám ảnh trong quá khứ cũng như những lo lắng cho tương lai. Tuy nhiên quá khứ thì đã qua còn tương lai thì chưa đến. Hãy biết sống trọn vẹn trong ngày hôm nay, đó là cách tốt nhất để quên quá khứ không hay và chuẩn bị chu đáo cho tương lai. 7. Luôn nghĩ đến những điều mình muốn Bạn muốn hút cho mình điều gì? Sự hạnh phúc, sự giàu có, sự thành đạt, các kỹ năng... hãy luôn nghĩ về nó. Thay vì cứ mãi lo lắng về những rủi ro, hãy nghĩ nhiều hơn đến những điều mình muốn. Nhiều chuyên gia đã chứng minh bằng thực nghiệm rằng bạn nghĩ và tập trung về điều gì thì bạn sẽ đạt được điều đó không sớm thì muộn. 8. Mở rộng vùng "thoải mái" Vùng "thoải mái" là vùng mà bạn cảm thấy tự tin, an tâm để hoạt động. Bạn càng mở rộng vùng này, bạn càng có nhiều cơ hội thành công đến với mình. Việc mở rộng vùng "thoải mái" có được từ quy trình 3 bước: xác định vùng cần bước tới, chuẩn bị kiến thức cuối cùng là trải nghiệm bằng hành động từ đó đúc kết và rút kinh nghiệm. 9. Biết cảm ơn và thưởng thức những gì bạn đạt được Mỗi buổi sáng thức dậy, hãy cảm ơn và cảm nhận những thành công mình đã đạt được dù rất nhỏ. Điều này giúp bạn có thêm động lực để bước tiếp trên con đường chinh phục mục tiêu. 10. Hãy mạnh dạn yêu cầu Đừng quá lo lắng khi bạn yêu cầu người khác. Bạn hãy biết cách đòi hỏi giống như đứa trẻ. Khi nó muốn điều gì, nó sẽ đòi, lần này không được thì lần khác, lần khác không được thì lần khác nữa. Cứ như thế, đến khi nào đòi được thì thôi. Nếu bạn muốn điều gì trong cuộc sống, hãy yêu cầu để có nó. Nếu không yêu cầu được, hãy tự hỏi hoặc hỏi người khác cách làm sao để có nó. 11. Học hỏi từ những người đã thành công Nếu trên núi có ngọn đèn, chắc chắn dưới chân núi có con đường. Đừng quá suy nghĩ về việc tại sao những người thành đạt đạt được điều họ thành đạt. Hãy phân tích và bắt chước cách họ làm để thành công. Chỉ như vậy thôi. Học hỏi theo những gì họ đã làm, bạn chắc chắn cũng sẽ đạt được thành công tương tự. 12. Hãy tránh xa những kẻ luôn kêu ca Những kẻ luôn kêu ca là những kẻ luôn không muốn bạn thành công. Nếu bạn đã thành công, những người này sẽ tìm cách dìm bạn lại. Hãy tránh xa những người chỉ biết kêu ca mà không biết hành động. Nếu thấy họ kêu ca, hãy nói "tôi nghĩ không đúng trong trường hợp tôi" và tránh xa họ ra. Tránh xa những kẻ kêu ca mà không làm là bạn đã chuẩn bị cho 50% thành công rồi đấy. Chúc bạn thành công ! Sưu tầm