Đôi dòng lưu niệm ... Hiểu Sử NGƯỜI... Thấm Xứ TA...

Thảo luận trong 'Bàn Trà' bắt đầu bởi tducchau, 7/1/24.

Moderators: amylee
  1. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    NỘI ĐAN


    Trọng tâm của công phu tu luyện thuộc Đạo giáo, tổng hợp và phát triển các công phu tu luyện khác như Tĩnh công, Động công, Khí pháp, Phục nhĩ, đối lập với tên gọi Ngoại đan.

    Khoảng giữa hai đời Tùy Đường, tu luyện nội đan dần dần hưng khởi. Sách “La Phù sơn chí” chép: “Khoảng niên hiệu Khai Hoàng đời Tùy (581-600), có người tên Tô Nguyên Lãng đến ở trong núi La Phù tu luyện nội đan. Cuối Đường, Ngũ đại, tu luyện nội đan đã thành phong trào, trong số ấy nổi tiếng nhất có Chung Ly Quyền*, Lã Động Tân*, Trần Đoàn*, họ đặt cơ sở lý luận về nội đan”.

    Đến thời kỳ Tống, Nguyên, nội đan thay thế ngoại đan, thịnh hành trong xã hội và hình thành chủ thể các phái nội đan Bắc tông, Nam tông. Nội đan coi thân thể con người giống như lò luyện thuốc và coi Tinh, Khí là dược vật, vận dụng Thần, trải qua trình tự tu luyện nhất định làm cho Tinh, Khí, Thần biến thành nội đan. Thuật ngữ của nội đan phần nhiều sử dụng giống như ngoại đan nhưng ý nghĩa có hơi khác.

    Phương pháp nội đan coi trọng cùng tu luyện Tính Mệnh, gọi là Tính Mệnh song tu để đạt tới cảnh giới tiên hóa. Quá trình tu luyện nội đan gồm 4 giai đoạn: Xây dựng cơ bản (Trúc Cơ), Luyện tinh hoá khí, Luyện khí hóa thần Luyện thần hoàn hư làm cho tinh khí kết tụ ở huyệt Đan điền, kết thành đan dược, cũng gọi là Thánh thai, thế là đắc đạo thành tiên.

    Thuật nội đan là đạo dưỡng sinh thành tiên của Đạo giáo, tuy bị bao phủ bằng màu sắc thần bí tông giáo nhưng vẫn có ý nghĩa tích cực vì đã giúp nhân loại tiến bộ trong quá trình nghiên cứu tìm hiểu bí ẩn trong thân thể con người và con người với tự nhiên giới.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Click icon này sẽ chuyến về Index... :)
    ...
     
    Chỉnh sửa cuối: 1/7/24
    Wanderman thích bài này.
  2. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    NỘI QUAN


    Một phương thuật tu luyện dưỡng sinh theo Đạo giáo. Thuật ngữ này có xuất xứ ở chương Trọng Ni thiên sách Liệt Tử*: “Chỉ thích du lãm ngoại vật mà không hề quan sát tự thân. Du lãm ngoại vật, cầu được chỉ là được cái hoàn bị của ngoại vật, quan sát tự thân mới là đạt được sự hoàn thiện tự thân” (Vụ ngoại du bất tri nội quan. Ngoại du giả, cầu bị ư vật, nội quan giả, thủ túc ư thân). Nhận định rằng phương pháp dưỡng sinh mà có ý nhờ ngoại vật không bằng hoàn thiện tự thân.

    Người tu đạo dưỡng sinh thông qua sự chỉnh lý cơ năng và tu luyện để thay đổi tinh thần của mình để đạt tới mục đích không bệnh tật, không già lão. Công phu chủ yếu đầu tiên là rửa sạch tâm, ổn định ý, quay vào trong giữ vững tinh thần như câu nói: “Tâm tuệ chiếu quay về bên trong thì gọi là Nội quan" (Tuệ tâm nội chiếu, danh viết Nội quan). Tác dụng của công phu nội quan là khống chế không cho tâm khởi lên ý niệm, tinh thần mông lung bên ngoài.

    Sinh thiên đắc đạo kinh” viết: “Tâm và mắt nội quan, chân khí có đủ, thanh tĩnh quang minh” (Tâm mục nội quan, chân khí sở hữu, thanh tĩnh quang minh) để cuối cùng đạt đến hai cảnh giới thanh tĩnh hư vô, vĩnh viễn hợp với đạo “Bên trong quan chiếu cái tâm mình, tâm ấy không còn tâm khác, bên ngoài quan chiếu thân mình, thân ấy không còn thân khác” (Nội quan kỳ tâm, tâm vô kỳ tâm, ngoại quan kỳ thân, thân vô kỳ thân).

    ...
     
    Wanderman thích bài này.
  3. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    NỘI THỊ


    Một phương pháp công phu tu luyện dưỡng sinh theo Đạo giáo. Người luyện theo phương pháp này hai mắt nhắm nhẹ, ý niệm tập trung vào một bộ phận trong thân thể, hơi thở và tâm cùng tương ứng bắt đầu đi vào cõi yên tĩnh làm cho tư tưởng ổn định chuyên nhất, đạt đến dưỡng sinh, trừ bệnh tật, tăng tuổi thọ.

    Sách “Hoàng Đình nội cảnh kinh” viết: “Giữ ta Nê hoàn ba chỗ linh, điềm đạm quay vào tự hiển minh” (Bảo ngã Nê hoàn tam kỳ linh, điềm đạm bế thị nội tự minh). Trong “Đăng chân ẩn quyết”, Đào Hoàng Cảnh cũng viết: “Ngồi thường muốn nhắm mắt quay nhìn vào bên trong để thấy ruột ngũ tạng bao tử, thực hành lâu lâu như thế tự đạt đến phân biệt rõ ràng hết thảy” (Tọa thường dục bế mục nội thị, tồn kiến ngũ tạng trường vị, cửu cửu hành chi, tự đắc phân minh liễu liễu dã).

    Phương pháp này đến đời Đường càng lưu hành rộng, cùng với phương pháp Nội đan được các nhà tu luyện coi trọng. Trong “Thiên kim yếu phương”, Tôn Tư Mạc viết: “Thường tu tập phương pháp Nội thị của Hoàng đế, tập trung tư tưởng suy nghĩ làm sao cho nhìn thấy ngũ tạng như cái khánh treo, năm màu sắc rõ rệt phân minh, đừng để hỏng” (Thường đương tập Hoàng đế nội thị pháp, tồn tưởng tư niệm, linh ngũ tạng như huyền khánh, ngũ sắc liễu liễu phân minh, vật xuyết dã), đồng thời yêu cầu bài trừ những ý nghĩ hỗn tạp ngoại giới.

    Quay vào trong nhìn thấy ngũ tạng hàm ý nhìn bằng ý. Nhắm mắt tập trung nhìn vào một nơi hàm nghĩa tập trung tư tưởng, làm cho tâm khí bình hòa, nguyên khí sung mãn. Mục đích của Nội thị là tập trung tinh thần, không suy nghĩ lung tung, ngưng thần vào cõi an tĩnh, nhìn vào cảnh giới bên trong, là một phương pháp dưỡng sinh rất cao.

    ...
     
    Wanderman thích bài này.
  4. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    PHỤC KHÍ


    Một phương thuật tu luyện dưỡng sinh theo Đạo giáo, cũng gọi là Thực khí, gần giống với Hành khí nhưng chuyên biệt hơn.

    Phục khí là phương pháp thông qua hít khí trong lành tự nhiên, thở ra khí dơ bẩn, làm cho nội tạng điều hòa, bồi bổ Nguyên khí để máu huyết chu lưu trị liệu bệnh tật. Sách “Dưỡng sinh diên mệnh lục" của Đào Hoằng Cảnh viết: “Người luyện Thực khí, thần minh sống lâu” (Thực khí giả, thần minh nhi thọ).

    Trong Sở từ đời Chiến quốc cũng có câu: “Ăn sáu khí và uống hơi sương nửa đêm hề, súc (miệng bằng khí) chính dương và ngậm ráng sớm” (Xan thực khí nhi ẩm hãng giới hề, thấu chính dương nhi hàm triêu hà). Sáu khí tức là khí lúc mặt trời mới mọc, khí mặt trời trời lặn, khí nửa đêm, khí giữa trưa và khí trời, khí đất (theo chú giải của Vương Dật).

    Đạo giáo kế thừa và phát triển phương pháp Phục khí cổ đại, đưa ra ý kiến: “Người muốn Phục khí đều nên trước tiên điều trị bệnh tật, làm cho tạng phủ được thông, thân thể an hòa” (Phàm dục phục khí giả, giai nghi tiên liệu chẩn tật, sử tạng phủ tuyên thông, chi thể an hòa). Trong các phương pháp Phục khí làm cho thân thể khoẻ mạnh có các loại “Phục nguyên khí pháp”, “Phục nhật khí pháp”, “Phục nguyệt khí pháp” v.v... Có sách còn đưa ra luận điểm: khí từ nửa đêm đến giữa trưa là Sinh khí, khí từ sau trưa đến nửa đêm là Tử khí; cho rằng thường tập luyện phục khí nín thở lâu mới mới thở ra vào thời gian sinh khí chẳng những làm cho tinh thần đầy đủ, ngũ tạng yên ổn mà còn đạt tới hiệu quả tai mắt trong sáng, cả đời không bệnh.

    Sách Đạo thư tuy chép rất nhiều phương pháp Phục khí của các môn phái, chi tiết cụ thể thường khác, nhưng về mục đích căn bản và nguyên tắc rất giống nhau. Người luyện Phục khí, yêu cầu trước tiên là phải điều động hơi thở vào cõi tĩnh mịch lặng lẽ để tinh thần an định, chủ yếu chuyên chú đưa khí đến chỗ mềm mại. Đó là nội dung chủ yếu của phương thuật dưỡng sinh Đạo giáo.

    ...
     
    Wanderman thích bài này.
  5. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    PHỤC THỰC


    Một phương pháp tu luyện của Đạo giáo, cũng gọi là Phục nhĩ, tức ăn hay uống thuốc để đạt trường sinh, thuốc là trỏ đan dược hay thảo mộc dược như các loại hoàng tinh, bách hợp, câu kỷ, tùng tử, phục linh, hà thủ ô v.v...

    Từ đời Chiến quốc, Phục thực (tu dưỡng bằng cách nạp thuốc) đã được các nhà dưỡng sinh coi trọng như các phương pháp Hành khí, Phòng trung. Đời Tần, Hán, ngoài uống đan dược người ta còn dùng một số cây thuốc và coi chúng như loại tiên dược.

    Sách Luận hành viết: “Nghe rằng người tu đạo ăn tinh hoa của vàng ngọc, nuốt tinh anh của cỏ tử chi” (Văn vị đạo giả, phục kim ngọc chí tính, thực tử chi chi anh). Thời kỳ Ngụy Tấn, Phục thực rất thịnh hành, các sĩ đại phu Hà Án, Kê Khang đều thích uống ngũ thạch tán. Sách Bão Phác tử* chuyên luận về phục thực, đa số là các phương thuốc bằng thảo mộc. Đến đời Đường, thuật ngoại đan cực thịnh, nạp uống đan được càng được nhiều người học theo. Trong sách “Thiên kim phương”, Tôn Tư Mạc có kể các phương thuốc phục thực.

    Sau đời Đường, phong trào phục thực dần suy yếu, nhưng nhiều phương thuốc “tiên đan” được y học hấp thu, tôi luyện thêm để làm phong phú hơn y dược học và dinh dưỡng học Trung Quốc.

    ...
     
    Wanderman thích bài này.
  6. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    THAI TỨC


    Phương pháp tu dưỡng nội công theo Đạo giáo, tức luyện Phục khí, Thổ nạp đến trình độ cao, có thể đưa thần nhập vào khí, khí bao ngoài thần kết thành một khối làm cho hơi thở nhỏ nhẹ như có như không để toàn thân sảng khoái, bát mạch lưu thông. Giống như đứa bé còn nằm trong bào thai của mẹ, không hít thở bên ngoài được mà chỉ có nội khí bên trong. “Dưỡng chân tập” viết: “Hơi thở dừng lại, xoay chuyển trong bụng, không cho hơi khí ra vào gọi là Thai tức” (Chỉ hữu nhất tức, phúc trung toàn chuyển, bất xuất bất nhập, danh viết thai tức).

    Sách Bão Phác tử* liệt phương pháp này này thành Thai tức kinh và viết: “Người đạt tới thai tức có thể không hít thở bằng miệng và mũi, giống như còn nằm trong bào thai, đó là thành đạo vậy” (Đắc thai tức giả, năng bất dĩ khẩu tị hư hấp, như tại bào thai chi trung, tắc đạo thành hĩ), sách còn giới thiệu phương pháp tập luyện như sau: “Dùng mũi đưa khí vào, đóng lại rồi đưa rất nhẹ ra bằng miệng, rồi lại đưa khí vào, thường đưa khí vào nhiều hơn thở ra và đừng thở to đến độ nghe được hơi thở, giống như dùng lông chim hồng đặt lên miệng, thở ra mà lông chim vẫn không lay động, tập luyện dần dần từ vài hơi thở đến hàng ngàn hơi thở thì có thể trẻ mãi không già”.

    Thai tức kinh còn gọi Thai tức là Nội đan, tức tập luyện đến độ kết thai ở Đan điền, giống như bào thai nằm trong bụng mẹ. Sách Vân kíp thất thiêm thường gọi chung Thai tức với Phục khí. Thực tế Thai tức và các phương pháp Phục khí, Thổ nạp, Điều khí đều có liên hệ nhưng vẫn khác nhau. Thai tức là phương pháp thở hít cao hơn so với các phương pháp khác.

    Sau này Nội đan hưng khởi lên, cùng với các công phu tu luyện trước đây đều được hấp thu vào trong hệ thống tu luyện dưỡng sinh Nội đan.

    ...
     
    Wanderman thích bài này.
  7. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    THỔ NẠP


    Một phương pháp luyện công dưỡng sinh theo Đạo giáo, tức phương pháp dưỡng sinh chủ yếu nhờ vào thở hít, thở khí ô trọc ra theo miệng và hít khí mới trong sạch bằng mũi.

    Thiên Khắc ý sách Trang Tử* viết: “Thở hít thổ nạp (thổ là thở ra, nạp là hít vào), thở khí cũ ra hít khí mới vào như con gấu leo lên cây dẫn khí, như chim sắp bay duỗi chân, vì trường thọ cho thân mình” (Xuy hú hô hấp, thổ cố nạp tân, hùng kinh điểu thân, vi thọ nhi dĩ).

    Đạo sĩ tu luyện cho rằng thở hít có thể hấp thu sinh khí, thở ra tử khí để đạt tới trường sinh. Kê Khang trong bài Dưỡng sinh luận viết: “Thở hít có thể sống lâu” (Thổ nạp khả dī diên niên). Thở hít lục khí, trong miệng thơm tho. Thở hít là bước đầu tiên của công phu Phục khí, Sách “Vân kíp thất thiêm” coi thở hít thuộc vào “phương pháp điều khí” (Điều khí pháp) và có câu quyết: “Mũi là cửa trời, miệng là cửa đất. Mũi hít miệng thở ra, không được lầm lỡ, lầm lỡ khí ngược sinh bệnh" (Tị vi thiên môn, khẩu vi địa hộ. Tị nạp khẩu thổ, bất đắc hữu ngộ, ngộ tắc khí nghịch sinh tật).

    Lúc hít thở yêu cầu phải bình hòa hơi dài mà nhẹ đến độ chính mình cũng không nghe được. Thổ Nạp là một phép tu luyện trong hệ thống Nội đan. Phép thở ra khí cũ, hít vào khí mới rất có ích cho sự bảo vệ thân thể khoẻ mạnh.

    ...
     
    Wanderman thích bài này.
  8. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    THỦ NHẤT


    Một phương pháp tu luyện của Đạo giáo, tức giữ vững hồn và thần trong thân, để không bị ngoại giới quấy nhiễu, thân hình và thể phách cùng hợp nhất. Đạo giáo cho rằng trong thân người chứa hồn, phách, tinh, thần, hồn và phách, thần và hình (tinh sinh hình) cùng dựa nhau thì sống. Hồn và thần thuộc dương thích động, phách thuộc âm thích tĩnh mà thanh sắc tiền tài thường dụ dỗ làm thần hồn hôn mê, nếu không chế ngự được, hồn và thần tách rời khỏi hình và phách đưa đến chết yểu.

    Vì vậy người tu đạo cần phải cắt đứt ý niệm tham muốn, cắt đứt con đường không cho thần phách buông lung ra ngoài, để nó an định vĩnh viễn trong thân thể, hợp nhất với hình phách nuôi dưỡng tinh khí để đạt tới trường sinh. Trong “Thái Bình kinh” nhiều lần nói tới Thủ Nhất, gọi đó là “Đạo quan yếu xưa nay” (Cổ kim yếu đạo), nếu thực hành được sẽ “có thể sống mãi không già” (Khả trường tồn nhi bất lão).

    Thời kỳ Ngụy, Tấn, Nam Bắc triều, thuật Thủ Nhất rất thịnh hành. Sách “Tây thăng kinh” cho rằng: “Đọc sách đan thư vạn quyển không bằng (tu luyện) Thủ Nhất” (Đan thư vạn quyển, bất như Thủ Nhất). Trong sách Bão Phác tử*, Cát Hồng chuyên thuật về đạo Thủ Nhất. Thượng Thanh phái của Đạo giáo kết hợp Thủ Nhất với Tồn Thần đạt đến chỗ bất tử. Sau đời Tùy Đường, đạo Thủ Nhất dần dần dung hợp vào với thuật tu dưỡng Nội đan.

    ...
     
    Wanderman thích bài này.
  9. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    TINH KHÍ THẦN


    Được coi như một loại thuốc trong tu luyện dưỡng sinh Nội đan và là ba nguyên tố lớn của sinh mệnh thân thể. Sách “Ngọc Hoàng tâm ấn diệu kinh” viết: “Ba phẩm thuốc hạng cao là Thần và Tinh Khí” (Thượng dược tam phẩm, thần dữ tinh khí). Đạo giáo gọi đó là ba báu vật bên trong (Nội tam bảo). Nội tam bảo coi Nguyên tinh, Nguyên khí, Nguyên thần là tiên thiên và là nguồn gốc của sinh mệnh, coi tinh của sinh dục, khí của hô hấp, thần của suy tư là hậu thiên.

    Trong từng giai đoạn vận dụng tinh khí thần để tu luyện khác nhau mà chia ra ngoại dược, nội dược, đại dược. Lúc mới bắt đầu theo phép luyện đan cần thiết là phải bồi bổ nguyên tố sinh mệnh trước, làm cho tinh khí thần đầy đủ hưng vượng mới có thể tu luyện đạo đan chính xác được. Bước đầu luyện tinh hóa khí gọi là giai đoạn “Ngoại dược”, hoàn tất bước đầu gọi là “Nội dược”, đến giai đoạn kết hợp ngưng tụ giữa ngoại và nội dược tiến vào giai đoạn luyện khí hóa thần gọi là “Đại dược”. Khi ngoại dược sinh thì tinh khí trong thân thể động tức thời kỳ sống.

    Quá trình luyện tập Tinh Khí Thần rất phức tạp, chỉ áp dụng với đạo gia có trình độ nhất định.

    ...
     
    Wanderman thích bài này.
  10. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    TỊCH CỐC


    Một phương thuật tu luyện theo Đạo giáo, cũng gọi là “Đoạn cốc” hoặc “Tuyệt cốc”, “Hưu lương”, tức không ăn ngũ cốc.

    Sách “Gia ngữ” đời Tiên Tần viết: “Người ăn thịt dũng mãnh nhưng dữ dằn, người ăn khí thần minh mà sống lâu, người ăn thóc lúa trí tuệ mà chết non, người không ăn (thóc lúa) sống lâu như thần” (Thực nhục giả dũng cảm nhi hãn, thực khí giả thần minh nhi thọ, thực cốc giả trí tuệ nhi yểu, bất thực giả bất tử nhi thần).

    Phần Lưu hầu thế gia sách Sử ký* chép: “Lưu hầu (Trương Lương) tính lắm bệnh, bèn tập đạo dẫn không ăn ngũ cốc”. Cuộc khai quật ở Mã vương đôi có tìm được bài “Khước cốc thực khí thiên” (chương từ bỏ ngũ cốc ăn khí) đủ chứng minh phương pháp này đã có từ đời cổ. Đạo giáo cho rằng trong thân thể người ta có ba loại trùng độc: một là Thượng trùng sống trong não bộ, hai là Trung trùng sống ở Minh đường, ba là Hạ trùng sống ở dạ dày. Đó là nguồn gốc sinh ra thèm muốn và là tà ma làm hại thân thể người.

    Trong thân người, ba loại trùng ấy dựa vào khí lúa gạo (cốc khí) mà sống, người cắt đứt cốc khí ấy, ba loại trùng độc kia hết cách sinh tồn. Ba loại trùng chết hết sẽ chấm dứt lo nghĩ, người ta mới có thể sống trường sinh bất tử. Sách “Vân kíp thất thiêm” quyển 56 chép phương pháp tuyệt cốc thực khí, quyển 74 chép có thể dùng thuốc phụ trợ phương pháp tịch cốc. Gọi là tịch cốc chỉ có nghĩa là không ăn ngũ cốc và thịt, nhưng vẫn cần uống thuốc và ăn các thứ khác và thực hành các công phu thực khí, đạo dẫn với mục đích làm sạch ruột, dạ dày.

    Phương pháp này phải được hướng dẫn cụ thể, không nên nhắm mắt làm càn.

    ...
     
    Wanderman thích bài này.
  11. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    TĨNH CÔNG


    Một phương pháp công phu tu luyện thuộc Đạo giáo, tức tu luyện Thân Tâm an tĩnh, phế trừ tạp niệm, tiến vào cõi tịch tĩnh để nuôi dưỡng hình thần. Lão Tử* nói: “Quay trở về nguồn gốc là tĩnh, tĩnh là trở về với Mệnh” (Quy căn viết tĩnh, tĩnh viết phục mệnh). Tĩnh chính là phép thường để chung quy căn phục mệnh. Cùng gọi với “Thanh” (Thanh tĩnh) chính là trọng tâm giáo nghĩa Đạo giáo và cũng là phép tắc vĩnh hằng của tu Đạo, dưỡng sinh.

    Sách “Lão Tử Tưởng Nhĩ chú” viết: “Vào cõi thanh tĩnh, hợp với tự nhiên, có thể lâu dài vậy” (Nhập thanh tĩnh, hợp tự nhiên, khả cửu dã). Lâu dài ở đây có nghĩa là trường sinh bất tử, do vậy phái tu luyện Nội đan Đạo giáo rất chú ý dồn công phu vào chữ “Tĩnh”. Khi ngồi tĩnh tọa công phu, trước tiên là phải trừ bỏ suy nghĩ tạp niệm để vào cõi an tĩnh, dùng tịch tĩnh điều dưỡng chân khí. Sách “Tọa vong luận” viết: “Thanh tĩnh thì sinh ra sáng suốt, động thì sinh ra hôn ám” (Tĩnh tắc sinh tuệ, động tắc sinh hôn).

    Tịch tĩnh tức Nguyên thần trong thân thể không bị quấy nhiễu, còn động tức Nguyên thần bị quấy nhiễu. Trong thuật Nội đan, còn có biểu hiện Tĩnh cực sinh động, đây là cái “động” khác hẳn bình thường, mà là cái “động” tự nhiên của Tinh Khí Thần, được bài “Hỏa hầu ca” gọi là: “Một động trong tĩnh dương quay về” (Tĩnh trung nhất động dương lai phục).

    ...
     
    Wanderman thích bài này.
  12. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    TỌA VONG


    Một phương pháp công phu ngồi tĩnh tọa thuộc Đạo giáo. Chương Đại tông sư sách Trang Tử* viết: “Hủy hoại thân thể, phế trừ trí tuệ, rời bỏ hình hài, trừ bỏ tri thức, hợp cùng cảnh giới đại đạo, đó gọi là tĩnh tọa quên thân” (Đọa chi thể, truất thông minh, ly hình khử trí, đồng ư đại thông, thử vị tọa vong), tức tu luyện bằng cách ngồi yên lặng, khử bỏ trí tuệ để cầu tâm và pháp tương ứng với nhau đạt với cảnh giới quên hết cả vật và ta.

    Đời Đường có Tư Mã Thừa Trinh viết “Tọa vong luận” luận thuật, phát huy thêm phép tu luyện tọa vong, cho rằng yếu chỉ của tọa vong là “Hòa”, tu luyện hình và khí, nuôi dưỡng tâm linh hài hòa, mấu chốt của thuật trường sinh là an định được tinh thần.

    Tọa vong là thu nhiếp tâm không khởi niệm, tu luyện an tĩnh để nhập vào cảnh giới tinh thần tốt đẹp nhất, được phái tu luyện Nội đan coi trọng.

    ...
     
    teacher.anh and Wanderman like this.
  13. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    TRÚC CƠ


    Giai đoạn đầu tiên của phương thuật tu luyện Nội đan. Là công phu tu tập để phục hồi thân thể, bổ sung Tinh Khí Thần của sinh mệnh. Ví dụ, ta tu luyện Nội đan giống như xây dựng nhà cửa, trước tiên phải xây nền móng cho vững chắc.

    Thuật Nội đan coi thân thể là nền móng, vì vậy, trước khi tu luyện Nội đan phải xác định được điều kiện thích ứng mới đạt được tới cảnh giới Tinh Khí Thần đầy đủ, đặt cơ sở đầu tiên cho quá trình lâu dài tu luyện.

    Khâu Trường Xuân* có câu thơ:

    Hoàn đan yếu diệu trúc cơ tiên
    Trúc đắc cơ lao thọ mệnh diên.
    *
    Diệu pháp hoàn đan trước xây nền
    Xây vững nền rồi mệnh sống bền.

    Sách “Thiên tiên chính lý trực luận” cũng viết: “Bắt đầu tu tiên gọi là trúc cơ” (Tu tiên nhi thủy viết trúc cơ). Giai đoạn này tùy theo tuổi tác, thể chất, cơ sở khác nhau nên công phu cũng khác nhau. Trong các sách Đan kinh chia ra hai loại Thượng đức và Hạ đức. Bậc Thượng đức tức người còn trẻ tuổi, linh quang tiên thiên chưa bị tổn hại, Hạ đức là người đã già lão, phần thiên chân đã tàn khuyết cần phải xây dựng cơ bản rèn luyện tự thân.

    Trúc Cơ được coi là phương pháp tốt để giúp thân thể khoẻ mạnh.

    ...
     
    teacher.anh and Wanderman like this.
  14. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    4. CÁC TÔNG PHÁI PHẬT GIÁO TRUNG QUỐC


    Phật giáo khi du nhập vào Trung Quốc đã bị Trung Quốc hóa và mang khá nhiều đặc sắc của bản địa Hán tộc. Ở tiểu mục này, chúng tôi lược thuật những tông phái quan trọng nhất của Phật giáo Trung Quốc.

    Trong phạm vi các tông giáo ở Trung Quốc, Phật giáo được coi là một tông giáo lớn mang màu sắc của dân tộc Trung Hoa, ít nhiều có khác với nguồn gốc Ấn Độ mà nó đã rời xa. Tiểu mục này được sắp theo mẫu tự ABC.


    *
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    ...
    *​

    BÁT NHÃ HỌC PHÁI


    Một học phái Phật giáo Trung Quốc, thịnh hành vào thời kỳ Ngụy Tấn Nam Bắc triều. Cuối đời Hán, chi Lâu Ca Sấm dịch xong bộ “Đạo Hạnh Bát Nhã kinh”, hệ thống Bát Nhã Đại Thừa Phật giáo bắt đầu truyền vào Trung Quốc. Tư tưởng trung tâm của lý luận Bát Nhã là “Giả hữu tính không” nên Bát Nhã tức Không Quán. Sự nghiên cứu nghĩa lý Bát Nhã được gọi là Bát Nhã học.

    Từ cuối đời Hán đến Nam Bắc triều, Bát Nhã học cùng với Huyền học nương dựa vào nhau phát triển, tạo thành phong trào một thời, đưa lý luận Phật giáo có chỗ đứng trong giới lý luận của giai cấp thống trị cao nhất lúc ấy. Trước khi Cưu Ma La Thập* với học thuật của ông xuất hiện, các học thuyết lưu hành có quan hệ đến Bát Nhã thực tế đều quan hệ đến Huyền học, các quan điểm cơ bản như “Bản vô” “Tức sắc” đều là do các học giả Huyền học giải nghĩa khác nhau về khái niệm “Không” trong kinh Bát Nhã mà thôi.

    Đến khi Cưu Ma La Thập giới thiệu một cách hệ thống triết học Trung Quán ở Trường An thì sự nghiên cứu học thuyết Bát Nhã đã đạt tới đỉnh cao. Lúc này đại biểu cho học thuyết Bát Nhã là Tăng Triệu* đệ tử của Cưu Ma La Thập, các luận điểm trong “Bát Nhã Vô tri luận” và “Triệu luận” của Tăng Triệu đủ hiển thị thành tựu và tinh thần của Bát Nhã học được Trung Quốc hóa.

    Trong Phật giáo sử Trung Quốc, Tăng Triệu từng được gọi là tổ sư của Bát Nhã Không tông, làm tiêu chí rõ ràng cho biết Phật giáo Trung Quốc đã thoát ly khỏi vòng kềm tỏa của Huyền học và bước vào con đường phát triển độc lập.

    Các tông phái triết học Phật giáo sau này dưới các đời Tùy, Đường cũng từ lập trường của mỗi tông phái riêng mình dung hợp với lý luận Bát Nhã học, đại biểu là các tông phái Tam Luận tông, Thiên Thai tông.

    ...
     
    Chỉnh sửa cuối: 17/7/24
    teacher.anh and Wanderman like this.
  15. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    CÂU XÁ HỌC PHÁI


    Một học phái Phật giáo Trung Quốc, nhân vì nghiên cứu học tập và hoằng dương lưu truyền bộ “Câu Xá luận” nên có tên gọi ấy. Cũng gọi là “Câu Xá tông” và các học giả phái này được gọi là “Câu Xá sư”.

    Đối với sự nghiên cứu, hoằng dương “Câu Xá” có thể chia ra làm hai giai đoạn:

    Từ ba đời Tống, Tề, Lương, từ nghiên cứu “Tì Đàm học” chuyển nhập vào “Câu Xá học” là giai đoạn thứ nhất, gọi là cựu luận (trỏ bản dịch “A Tì Đạt Ma Câu Xá thích luận” của Chân Đế).

    Đời Đường, Huyền Trang* dịch lại “Câu Xá luận” được phần lớn các đệ tử nghiên cứu học tập, đó là giai đoạn thứ hai, gọi là tân luận.

    Các học giả lưu truyền hoàng dương cựu luận có Tuệ Khải, Pháp Thái, Đạo Nhạc. Các học giả lưu truyền hoằng dương tân luận có Phổ Quang, Pháp Bảo, Thần Thái.

    Phổ Quang soạn “Câu Xá luận ký” 30 quyển, gọi tắt là "Quang ký”. Pháp Bảo soạn “Câu Xá luận sớ” 30 quyển, gọi tắt là “Bảo sớ”. Thần Thái cũng soạn “Sớ”. Gọi chung là “Câu Xá tam đại bộ”.

    Phần lớn các Câu Xá sư đều chủ trương “Ngã không”, “Pháp hữu”. Về tu hành, căn cứ vào lý luận Tứ diệu đế và Thập nhị nhân duyên, chứng minh trong trạng thái thiền định tịch tĩnh hiển ngộ được lý của Tứ đế, tức thì giải thoát.

    Trong thế kỷ thứ 7, các tăng nhân Nhật Bản là Đạo Chiêu, Trí Thông, Trí Đạt đến Trung Quốc theo học Phật pháp với Huyền Trang rồi du nhập Pháp Tướng và Câu Xá vào Nhật Bản.

    ...
     
    teacher.anh and Wanderman like this.
  16. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    DUY THỨC TÔNG


    Một tông phái Phật giáo Trung Quốc, cũng gọi là Pháp Tướng tông hay Pháp Tướng Duy Thức tông. Tông chỉ chủ yếu của tông phái này là phân tích pháp tướng và xiển dương chân tính Duy Thức, nên có tên gọi ấy. Cũng nhân vì các người sáng lập là Huyền Trang và Khuy Cơ, thường cư trú ở chùa Đại Từ Ân nên được gọi chung là “Từ Ân tông”. Tông phái này tôn sùng đại thừa Phật giáo Ấn Độ từ Vô Trước, Thế Thân, xuống đến Hộ Pháp, Giới Hiền với hệ thống học thuyết Du Già.

    Kinh điển được tông phái này y cứ là “Lục kinh thập nhất luận”. Huyền Trang, người sáng lập tông phải này lưu học ở Ấn Độ, theo thầy là Giới Hiền, học hết Đại Tiểu thừa Phật giáo, dung hợp quán thông, nổi tiếng toàn cõi Ấn Độ. Sau khi trở về Trung Quốc, dưới sự ủng hộ của hai cha con Thái tông, Cao tông, ông dịch xong một số lớn kinh điển, bồi dưỡng rất đông đệ tử, đặt cơ sở lý luận và quy mô tổ chức cho Duy Thức tông.

    Khuy Cơ, đệ tử của Huyền Trang tuân theo định hướng của thầy, trứ thuật khá nhiều, điển hình là bộ “Thành Duy Thức luận thuật ký” có tác dụng quan trọng phát triển tông phái. Do vậy, Duy Thức tông cực thịnh một thời. Tuệ Chiểu trước học Huyền Trang, sau học Khuy Cơ, vì cư trú ở chùa Đại Huyền Tri châu nên được đời gọi là “Tri châu Đại sư", viết “Thành Duy Thức luận liễu nghĩa đăng” đưa tông phái lên tầm hiển hách. Trí Chu (668-723), đầu tiên học Thiên Thai, sau theo học Tuệ Chiểu, viết “Thành Duy Thức luận diễn bí” là cống hiến khá lớn cho tông phái, nhưng Duy Thức tông từ đây lại chuyển xuống sa sút.

    Gần đây, Duy Thức học được chấn hưng. Năm 653, tăng nhân Nhật Bản Đạo Chiêu theo học Huyền Trang, sau về nước lấy chùa Nguyên Hưng làm trung tâm truyền bá học thuyết của thầy. Sau này, Duy Thức tông trở thành một một tông phái có thế lực nhất ở Nhật Bản.

    Duy Thức tông chủ trương A Lại Da duyên khởi luận, thông qua Thuyết tam tính, chuyển Thức thành Trí.

    ...
     
    teacher.anh and Wanderman like this.
  17. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    DƯƠNG KỲ PHÁI


    Tông phái Phật giáo Trung Quốc, một trong “Ngũ gia thất tông” Thiền tông hậu kỳ, là một biệt phái của Lâm Tế tông. Nhân người khai sáng phái này là Phương Hội dựng tông phái ở Dương Kỳ sơn, Viên châu (nay thuộc tỉnh Giang Tây) nên có tên gọi ấy. Tư tưởng của Phương Hội phần lớn được phản ánh trong bộ "Dương Kỳ Phương Hội hòa thượng ngữ lục”. Phong cách của ông gồm cả phong cách của Lâm Tế tông và Vân Môn tông, được coi là một con rồng của tông phái.

    Đây là một đoạn hiển thị đặc sắc về ứng đáp của Thiền tăng: “Dương Kỳ một cần, ngàn tháng cùng diệu, ban bố đại chúng, quả nhiên mất chiếu, Dương Kỳ một lời, theo vuông liền tròn, nếu còn bàn tính, mười vạn tám ngàn, Dương Kỳ một câu, la Phật quát Tổ, rõ người trước mắt, không được lầm lỡ, Dương Kỳ một đoạn, vội đưa mắt ngó, dài đến trên giường, rút thìa cầm đũa (Dương Kỳ nhất yếu, thiên thánh đồng diệu, bố thí đại chúng, quả nhiên thất chiếu. Dương Kỳ nhất ngôn, tùy phương tựu viên, nhược dã nghĩ nghị, thập vạn bát thiên. Dương Kỳ nhất ngữ, hạ Phật sất Tổ, minh nhãn nhân tiền, bất đắc thổ cử. Dương Kỳ nhất cú, cấp trứ nhãn khư, trường liên sàng thượng, niêm chủy bả trứ).

    Người thời ấy coi ông tương đương với Mã Tổ, khen ông là “lừa lồng ba chân, đạp chết người thiên hạ (Khoa tam cước lư, đạp sát thiên hạ nhân). Phái Dương Kỳ có rất nhiều nhân vật nổi tiếng, có ảnh hưởng khá lớn là đệ tử cách đời của ông là Pháp Diễn. Trong các đệ tử của Pháp Diễn có ba người được gọi là “Tam kiệt”, là “Phật quả” Khắc Cần, “Phật giám” Tuệ Cần, “Phật nhãn” Thanh Viễn.

    Khắc Cần viết “Bích Nham lục” mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử Thiền tông. Đệ tử Khắc Cần là Tông Cảo viết sách “Chính pháp nhãn tạng” nỗ lực đề xướng “Khán thoại thiền” mở ra phong cách Thiền tông mới.

    Đang khi một hệ phái khác của Lâm Tế tông là Hoàng Long phái suy yếu, Dương Kỳ phái khôi phục lại tên gọi cũ Lâm Tế tông, do vậy lịch sử của Dương Kỳ phái chính là lịch sử của Lâm Tế tông hậu kỳ. Thiền pháp Dương Kỳ phái vào hai đời Tống, Nguyên truyền tới Nhật Bản và tạo thế lực lớn nhất trong Thiền tông Nhật Bản.

    ...
     
    Wanderman thích bài này.
  18. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    ĐỊA LUẬN HỌC PHÁI


    Một học phái Phật giáo Trung Quốc, lưu hành trong thời kỳ Nam Bắc triều, nhân vì nghiên cứu học tập và hoằng dương tư tưởng bộ “Thập địa kinh luận” nên có tên gọi ấy. Cũng gọi là “Địa luận tông”, các học giả phái này được gọi là Địa luận sư. Thập địa kinh luận là kinh điển quan trọng của phái Du Già trong Đại thừa Ấn Độ, nội dung chủ yếu là Phẩm Thập địa Kinh Hoa Nghiêm.

    Do vì kiến giải không thống nhất, các Địa luận sư chia ra làm hai phái Nam Bắc. Phái phương nam truyền từ Lặc Na Ma Đề, với Tuệ Quang là đại biểu viết các chương sớ luận làm cho Thập địa kinh luận được lưu truyền rộng rãi. Đệ tử của Tuệ Quang rất đông, đứng đầu là Pháp Thượng. Ông này đảm nhiệm chức vụ Tăng thống tới 40 năm trong hai đời Ngụy và Tề, giảng luận nghĩa sớ.

    Đệ tử Pháp Thượng là Tuệ Viễn ở chùa Tịnh Ảnh tự biên soạn các cuốn “Thập địa sớ” và “Đại thừa nghĩa chương” xiển thuật các giáo nghĩa của Địa luận sư phương nam, tập đại thành Phật học Nam Bắc triều, chiếm địa vị rất quan trọng trong lịch sử Phật học Trung Quốc.

    Phái phương bắc truyền từ Bồ Đề Lưu Chi, với Đạo Sủng là đại biểu. Nhân tài của phương bắc không nhiều bằng phương nam, truyền bá học thuyết cũng không hưng thịnh bằng phương nam, sau này được dung hợp với học phái Nhiếp luận và trở thành một phái riêng. Đến đời Đường, Hoa Nghiêm tông kiến lập, kinh nghĩa của Địa luận hoàn toàn căn cứ vào tông phái này, vì vậy Địa luận học phái phương nam đến đây bắt đầu suy yếu.

    Tư tưởng của học phái Địa luận không bị hạn chế vào lý luận trong “Thập địa” mà trước sau còn chịu ảnh hưởng của Niết Bàn học, Nhiếp luận học, tính chất học thuyết này tương đối phức tạp.

    ...
     
    Wanderman thích bài này.
  19. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    HOA NGHIÊM TÔNG


    Một tông phái Phật giáo Trung Quốc, nhân vì coi Kinh Hoa Nghiêm là kinh điển tôn thờ chủ yếu nên có tên gọi ấy. Tông phái này lấy “Pháp giới duyên khởi” là giáo nghĩa cơ bản nên lại có tên gọi là “Pháp giới tông”. Người sáng lập thực tế là Pháp Tạng từng được Võ Tắc Thiên ban hiệu “Hiền thủ” (đứng đầu các người hiền) nên tông phái này cũng được gọi là “Hiền thủ tông”.

    Hệ thống truyền pháp như sau: Đỗ Thuận → Trí Nghiễm → Pháp Tạng→ Trừng Quán → Tông Mật. Đỗ Thuận được tôn xưng là sơ tổ, đặt cơ sở lý luận với thuyết “Vô tận duyên khởi”. Trí Nghiễm được thờ làm nhị tổ, từng viết các sách “Hoa Nghiêm kinh sưu huyền ký”, “Hoa Nghiêm nhất thừa thập huyền môn", đưa ra thuyết mới “Thập huyền duyên khởi”.

    Tổ thứ ba là Pháp Tạng, thực tế mới là người sáng lập, kế thừa và phát triển học thuyết của Trí Nghiễm, viết các sách “Hoa Nghiêm kinh thám huyền ký", “Hoa Nghiêm kim sư tử chương”, “Hoa Nghiêm kinh chỉ quy”, “Hoa Nghiêm kinh nghĩa hải bách môn" v.v... phát huy tường tận học thuyết giáo nghĩa của Trí Nghiễm, chính thức xác lập hệ thống nghĩa lý Hoa Nghiêm đặc sắc.

    Tổ thứ tư Trừng Quán viết các sách “Hoa Nghiêm kinh sớ”, “Hoa Nghiêm kinh tùy sớ diễn nghĩa sao” dung hợp nghĩa lý của các phái Thiên Thai, Hoa Nghiêm và Thiền tông, nhấn mạnh nhất tâm dung vạn hữu (tâm chứa hết thảy).

    Tổ thứ năm Tông Mật viết các sách “Nguyên nhân luận”, “Thiền nguyên chư thuyên tập đô tự” nhấn mạnh nhất nguyên luận “hội hợp các tông giáo”, “quán thông gốc ngọn” giữa Nho và Phật.

    Sau đó không lâu, trải qua cuộc pháp nạn niên hiệu Hội Xương (Hội Xương pháp nạn), Hoa Nghiêm tông chịu nhiều tổn thất, không chấn hưng lên nổi.

    Về mặt tông giáo, Hoa Nghiêm tông coi Phật Tì Lô Giá Na là bản thể vô hạn, một mặt hiển thân ở trí tuệ cao siêu của Văn Thù bồ tát, mặt khác lại ấn chứng trong nguyện hạnh của Phổ Hiền bồ tát. Hai mặt đó là một thể dung hợp hình thành Thiện tài đồng tử, đại biểu cho Phật tương lai.

    Về mặt triết học, lý luận chủ yếu của Hoa Nghiêm tông là “Pháp giới duyên khởi”: dung hợp tất cả sai biệt của vạn pháp, nhiếp thu vào “Nhất chân pháp giới” viên mãn vô thượng.

    Hoa Nghiêm tông được đệ tử của Trí Nghiễm là Nghĩa Tương đưa vào Nhật Bản, đến nay vẫn còn thịnh hành.

    ...
     
    Wanderman thích bài này.
  20. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    HOÀNG LONG PHÁI


    Tông phái Phật giáo Trung Quốc, một trong “Ngũ gia thất tông” Thiền tông hậu kỳ, là một phái biệt của Lâm Tế tông. Nhân người khai sáng phái này là Tuệ Nam dựng tông phái ở Hoàng Long sơn, Hồng châu (nay thuộc tỉnh Giang Tây) nên có tên gọi ấy. Tuệ Nam được Thạch Sương Sở Viên ấn khả, phát dương tông chỉ “chỗ mắt nhìn tới là chân thật” (Xúc mục nhi chân) của Lâm Tế tông, nhận định rằng “Đạo không tu giả nên không ô nhiễm. Thiền không học giả, quý ở chỗ dừng tâm” (Đạo bất giả tu, đãn mạc ô nhiễm. Thiền bất giả học, quý tại tức tâm).

    Ông từng khai mở cho người bằng câu: “Đạo xa lắm ư? Chạm vào việc là thật! Thánh xa lắm ư? Hiểu biết là thần!” (Đạo viễn hồ tai? Xúc sự nhi chân! Thánh viễn hồ tai? Thể chi tức thần!). Đệ tử của ông có tới 83 người, trong số ấy nổi tiếng hơn cả là Tổ Tâm, Khắc Văn, Thường Tổng và mỗi người đều thành một chi phái, có thể nói rất hưng thịnh.

    Cuối thế kỷ thứ 12, tăng sĩ Nhật Bản Vinh Tây đến Trung Quốc, đem Hoàng Long phái du nhập vào Nhật, sáng lập các chùa Thánh Phúc, Kiên Nhân kiêm tu cả hai tông Thiền và Mật, đời sau gọi là “Thiên Quang phái”.

    Hoàng Long phái chỉ tồn tại được 167 năm, sau bị Dương Kỳ phái thay thế và khôi phục lại tên cũ là Lâm Tế tông.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Click icon này sẽ chuyến về Index... :)
    ...
     
    Chỉnh sửa cuối: 12/7/24
    Wanderman thích bài này.
Moderators: amylee

Chia sẻ trang này