Đôi dòng lưu niệm ... Hiểu Sử NGƯỜI... Thấm Xứ TA...

Thảo luận trong 'Bàn Trà' bắt đầu bởi tducchau, 7/1/24.

Moderators: amylee
  1. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    “BÀN TRÀ” TVE-4U chúng tôi xin được giới thiệu một số chuyên đề tóm lược liên quan đến Lịch sử-Văn hóa Cổ điển Trung Quốc.

    Có điều cần nói rõ, dân tộc Trung Hoa có lịch sử lâu dài và xán lạn, trong mọi lĩnh vực, mọi thời đại phát triển của lịch sử... đều có những sáng tạo, phát minh có tính dẫn đầu khai sáng được thế giới ngày nay công nhận và đã đóng góp cống hiến không nhỏ cho nền văn minh nhân loại.

    ... Hiểu được hoàn cảnh sản sinh ra nền văn hóa vĩ đại của dân tộc Trung Hoa tức là hiểu được cả tinh hoa tự thân nền văn hóa ấy. Và do hoàn cảnh lịch sử riêng biệt giữa Trung Quốc và Việt Nam, hiểu được tinh hoa tự thân văn hóa Trung Quốc là điều kiện cần thiết để hiểu được tinh hoa tự thân văn hóa truyền thống Việt Nam...

    Trân trọng!...


    PHẦN LỊCH SỬ


    1.- CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ


    Trung Quốc là một quốc gia nhiều dân tộc. Trước nay chúng ta vẫn quen thuộc với cách nói gộp chung 5 tộc người là “Hán, Mãn, Mông, Hồi, Tạng”. Sự thực dân tộc thiểu số ở Trung Quốc có tới 56 dân tộc khác nhau. Ngoài tộc Hán chiếm số dân đông nhất, còn 55 dân tộc khác có từ 1.000 người (tộc Lua-Ba) đến gần 14 triệu người (tộc Choang).

    Sau đây, là một số tộc cổ đại có tầm quan trọng nhất định trong lịch sử và văn hóa Trung Quốc. Để tiện theo dõi, xin sắp xếp theo trật tự niên đại lịch sử.


    CỬU LÊ

    Một dân tộc ở phương nam trong thời đại truyền thuyết. Ở thời viễn cổ, Cửu Lê là một bộ lạc liên minh, cư trú ở lưu vực sông Trường Giang, ngày nay là vùng Hồ Bắc, Hồ Nam và Giang Tây. Cửu Lê tổng cộng có 9 bộ lạc, mỗi bộ lạc có 9 thị tộc, tôn thờ tôn giáo vu nghiễn bói toán, tạp bái quỷ thần, có khả năng dùng đồng chế tạo binh khí. Xuy Vưu là đại tù trưởng của họ. Thế lực của Cửu Lê rất lớn, là một chi tiến vào vùng Trung Nguyên sớm nhất. Bộ lạc Cửu Lê của Xuy Vưu phát triển từ phương nam tới phương bắc, 2 bộ lạc của Hoàng đế, Viêm để tiến từ phương tây tới phương đông, đụng độ nhau ở Trung Nguyên, hai bên xảy ra mấy chục trận chiến. Cuối cùng Hoàng đế và Viêm đế hợp thành bộ lạc liên minh đại chiến cùng Suy Vưu ở cánh đồng Trác Lộc, sau đó Cửu Lê thất bại cáo chung.

    Một bộ phận Cửu Lê lưu ở lại vùng bắc lập thành nước Lê, sau này bị triều Chu tiêu diệt. Một bộ phận khác tham gia liên minh của Hoàng đế, Viêm đế dần dần dung hợp với tộc Hoa Hạ. Bộ phận khác rút lui về lưu vực Giang Hán phương nam, lập nên bộ lạc liên minh Tam Miêu. Nước Kinh Sở thời Chiến quốc và Miêu tộc ngày nay là hậu duệ của Cửu Lê, Tam Miêu.

    ...
     
    Chỉnh sửa cuối: 23/4/24
  2. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...

    TAM MIÊU

    Một dân tộc từ đời Hoàng đế truyền thuyết đến thời đại Nghiêu, Thuấn, Võ. Chủ yếu phân bố ở hồ Động Đình và hồ Bành Lãi (nay là hồ Phiên Dương, Giang Tây). Thời Hoàng đế, bộ lạc Tam Miêu tham gia trong liên minh bộ lạc Cửu Lê. Thời Nghiêu, Tam Miêu làm loạn nên bị Nghiêu đem quân chính phạt, chiến trận xảy ra ở Đan thủy (nay ở tây Chiết Xuyên, Hà Nam) đánh bại Tam Miêu. Một bộ phận dân chúng bị lưu đày đến tây bắc Tam Nguy sơn (đông nam Đôn Hoàng, Cam Túc), thủ lãnh Hoan Đâu bị lưu đày đến Sùng sơn. Vua Võ cũng đã từng đánh nhau 70 ngày với Tam Miêu, đánh bại quân Miêu, từ đó Tam Miêu suy sụp hẳn. Về sau trong sử sách không thấy chép hoạt động của Tam Miêu nữa.

    ...
     
    deathshine, teacher.anh and amylee like this.
  3. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...

    KHƯƠNG

    Một dân tộc sống ở phía tây thời kỳ Ân, Thương đến hiện nay. Nguồn gốc của tộc Khương từ tộc Tam Miêu đã từng bị vua Thuấn lưu đày. Khương có hai bộ tộc lớn là Bắc Khương và Mã Khương. Khu vực họ hoạt động đại khái là ở phần lớn tỉnh Cam Túc ngày nay và vùng tây tỉnh Thiểm Tây. Quan hệ giữa Khương và triều Thương lúc tốt lúc xấu. Người Khương có họ Khương, quan hệ rất mật thiết với họ Cơ triều Chu. Chu Thái vương và Chu Võ vương lấy vợ đều là phụ nữ họ Khương, người Khương và người Chu kết thành liên minh bộ lạc.

    Thế kỷ 11 T.C.N, Chu Võ vương diệt triều Thương, kiến lập triều Chu, trong khi phong đất cho các chư hầu khác họ, họ Khương chiếm nhiều nhất. Thời Chiến quốc người Khương hoạt động ở thượng du sông Hoàng Hà và vùng lưu vực sông Hoàng thủy.

    Thời Tần-Hán, Khương có bước phát triển lớn, vương triều Đông Hán từng đem khá nhiều bộ phận người Khương cho nhập vào nội địa, ở chung lẫn lộn với người Hán. Thời Ngụy-Tấn lại có một bộ phận người Khương và các tộc Hung Nô, Tiên Ti, Yết nhập cư nội địa, bị dân tộc Hán đồng hóa.

    Những bộ phận người Khương khác, có bộ phận dung hóa với Thổ Phồn, có bộ phận diễn biến sau này thành tộc Thổ. Thời Tùy-Đường, Đảng Hạng và Khương hưng khởi lên, từ vùng phía đông Thanh Hải ngày nay và vùng tây Tứ Xuyên chuyển đến vùng Thiểm Bắc, Ninh Hạ, Cam Túc ngày nay, sinh nhai bằng nghề chăn nuôi. Thời Tống-Liêu, người Đảng Hạng Khương tên là Lý Nguyên Hạo tự lập lên ngôi đế, quốc hiệu Đại Hạ tức Tây Hạ, lúc hưng thịnh chiếm cứ 22 châu. Năm 1227 bị Thành Cát Tư Hãn của Mông Cổ tiêu diệt.

    Dần dần họ đồng hóa với tộc Hán và các tộc khác, từ đó về sau ở phương bắc Trung Quốc không thấy có người Khương hoạt động, chỉ còn một bộ phận người Khương tập trung ở thượng du Mân giang, tức tây bắc bộ Tứ Xuyên ngày nay. Bộ phận người Khương này là bộ phận sau đời Chiến quốc đã từ vùng Hà Hoàng di cư đến. Họ và cư dân bản địa dung hợp và diễn biến trở thành tộc Khương ngày nay.

    ...
     
    deathshine, teacher.anh and amylee like this.
  4. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...

    QUỶ PHƯƠNG

    Một dân tộc ở phương bắc cổ đại, cũng được gọi là Quỷ thị, Quỷ phương thị, Quỷ phương man v.v... Thời Ân-Chu, chủ yếu hoạt động ở Sơn Tây, nam bộ Hà Bắc ngày nay. Thế lực lan tới Lũng sơn phía tây và vùng lưu vực Vị thủy, Lạc thủy. Sống bằng nghề chăn nuôi, giỏi nuôi ngựa. Xa lên đến đời Thương-Chu, gần đến đời Xuân Thu, Quỷ Phương cũng có chiến tranh với một số vương triều Trung Nguyên. Thời Võ Đinh triều Ân từng đánh nhau với Quỷ Phương kéo dài 3 năm, với sự giúp sức của tổ tiên triều Chu mới ngăn cản được sự xâm nhập của Quỷ Phương. Thời Tây Chu, Quỷ Phương vẫn thường quấy phá biên cương Chu, nhưng thỉnh thoảng cũng có qua lại với nhau. Đời sau có thuyết cho Quỷ Phương là tổ tiên của các tộc Nghiễm Doãn, Hung Nô, Tây Nhung, Khương, Tiên Linh, Nam Man, Kinh Sở.

    ...
     
    deathshine, teacher.anh and amylee like this.
  5. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...

    VIỆT

    Tên gọi chung các tộc người Việt phương nam thời cổ. Thời Chiến quốc gọi là Bách Việt, phân bố rất rộng, chủ yếu ở khu vực các tỉnh Giang Tô, Chiết Giang, Giang Tây, Phúc Kiến, Đài Loan, Quảng Đông, Quảng Tây, An Huy, Hồ Nam ngày nay và bắc bộ Việt Nam. Cuối đời Xuân Thu đến đầu đời Chiến quốc, tộc Việt từng dựng nước Việt hùng mạnh ở vùng Giang Chiết ngày nay, truyền tổng cộng được 8 đời vua, tồn tại hơn 160 năm. Nước Việt từng triều cống Chu, gọi tôn Thiên tử Chu là “Cộng chủ”, Chu thiên tử ban phong cho vua Việt là Phương bá.

    Nước Việt hội minh với các quốc gia ở Trung Nguyên lúc ấy và có ý dòm ngó khu vực Giang Hoài, tự xưng là “Bá chủ”, sau nước Việt bị nước Sở tiêu diệt. Cuối thời Chiến quốc, tộc Việt ở vùng Dương châu lại tự xưng là Dương Việt. Thời Tần-Hán, người Việt dần dần hình thành mấy bộ phận khá mạnh tức Đông Âu, Mân Việt, Nam Việt, Tây Âu. Đông Âu ở vùng Ôn châu nam bộ tỉnh Chiết Giang ngày nay; Mân Việt ở vùng Phúc châu tỉnh Phúc Kiến ngày nay; Nam Việt ở tỉnh Quảng Đông và nam bộ khu tự trị Quảng Tây ngày nay; Tây Âu đại khái phân bố ở tây bộ Quảng Đông ngày nay. Lạc Việt chủ yếu phân bố ở bắc bộ Việt Nam.

    Những địa vực ấy sau này đều bị Hán Võ đế chinh phục, đổi làm quận huyện thuộc triều Hán. Từ đó về sau tên gọi Bách Việt không còn thấy xuất hiện trong sử sách, tên tộc Việt cũng ít gặp. Đời sống phong tục của Bách Việt có nhiều đặc điểm, chủ yếu là cắt tóc xâm mình, theo nghề săn bắn đánh cá và nông nghiệp, phần lớn ăn hải sản. Có thể đúc kim loại, giỏi đóng thuyền thủy chiến. Sau thời Tần-Hán, trong trường kỳ phát triển, một bộ phận đồng hóa với người Hán, còn một bộ phận có quan hệ nguồn gốc với các tộc Tráng, Lê, Thái ngày nay.

    ...
     
  6. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...

    DI

    Tên phiếm xưng các dân tộc phương đông cổ đại, cũng gọi là Đông Di. Trong thời đại truyền thuyết viễn cổ, Đông Di cư trú chung quanh vùng Bột Hải, phía nam xuống đến Giang Hoài.

    Truyền thuyết, Thuấn xuất xứ từ Đông Di, tổ tiên viễn cổ của Thương cũng là Đông Di. Tộc Hoa Hạ thời Tiền Tần là do các tộc Di, Khương, Miêu, Lê dung hóa mà thành. Đông Di là một nguồn gốc quan trọng của tổ tiên Hoa Hạ. Ba đời Hạ, Thương, Chu ở phương đông có tên gọi Cửu Di, là tên gọi chung của khá nhiều bộ lạc có tộc thị gần nhau ở phương đông.

    Từ đó về sau cũng dùng tên Di để phiếm chỉ các dân tộc chung quanh bên ngoài Trung Quốc.

    ...
     
    deathshine, teacher.anh and amylee like this.
  7. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...

    NHUNG


    Tên gọi chung các dân tộc ở tây bắc cổ đại, cũng gọi là Tây Nhung, phân bố ở thượng du sông Hoàng Hà và tây bắc bộ Cam Túc, sau dần dần chuyển về phía đông.

    Thời Ân-Thương có các bộ phận Tây Nhung, Quỷ Nhung. Thời Xuân Thu, Nhung có 7 loại, khá nhiều bộ lạc không thống nhất với nhau được. Trong số ấy, Khuyển Nhung cư trú tản mát ở lưu vực sông Vị, sông Kinh là cường mạnh nhất. Năm 771 T.C.N (Chu U vương thứ 11), từng liên hợp với Thân hầu tiến đánh giết Chu U vương, buộc triều nhà Chu phải dời về phương đông. Sau đó, Sơn Nhung phân bố ở Yên Bắc rất cường thịnh, từng xâm nhập các nước Yên, Tề, Trịnh. Y Lạc Nhung cũng từng đánh vào đô thành Lạc Ấp của Chu.

    Các bộ phận Nhung Nghĩa Cừ, Đại Chi ở tại tây bắc nước Tần lúc đánh lúc hoà. Đến thời Chiến quốc, các tộc Nhung thiên cư vào Trung Nguyên, dần dần đồng hóa nhập vào tộc Hoa Hạ. Các tộc Nhung thường tiếp cận với Tần là Nghĩa Cừ, Đại Chi bị Tần diệt vong; các tộc Nhung Lâu Dĩnh, Lâm Hồ cũng bị Việt diệt. Sơn Nhung không còn thấy xuất hiện trong sử sách, tộc Đông Hồ chiếm cứ vùng đất này, do đó Nhung và Đông Hồ cư trú lẫn lộn, tên gọi cũng thường lẫn lộn.

    Từ đó về sau, Nhung hoặc Tây Nhung là tên phiếm chỉ của người Trung Nguyên đối với các dân tộc tây bắc.

    ...
     
  8. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...

    CHI


    Một dân tộc ở tây bắc cổ đại. Thời Thương, Chi đã phân bố tại vùng tiếp cận các tỉnh Cam Túc, Thiểm Tây, Tứ Xuyên ngày nay.

    Từ Hán đến Tam quốc, người Chi trải qua hai lần thay đổi lớn. Lần thứ nhất là năm 108 T.C.N (Nguyên Phong thứ 3, Tây Hán), Hán Võ đế sai quân trấn áp người Chi phản loạn, chuyển một bộ phận người Chi tới Tửu tuyền (nay là Tửu tuyền, Cam Túc). Lần thứ hai là năm 214 (Kiến An thứ 19, Đông Hán), Tào Tháo tấn công Võ Đô (nay là tây bắc huyện thành Cam Túc), chuyển một bộ phận người Chi đến Quan Trung, Thiểm Tây; năm sau phá Trương Lỗ lại chuyển một bộ phận người Chi ở Quan Trung đến Lạc Dương (nay là đông bắc Thiên Thủy, Cam Túc).

    Thời Ngụy Tấn, người Chi đã phân bố khắp các quận Phù Phong, Quan Trung (nay ở đông nam Thiểm Tây), Thủy Bình (nay là Hưng Bình, Thiểm Tây), Kinh Triệu (nay là Tây An), dưới ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa, kinh tế tộc Hán, dần dần họ mặc y phục Hán, nói tiếng Hán và theo họ người Hán. Người Chi giỏi nông tang và chăn nuôi.

    Thời kỳ “Thập lục quốc”, tù trưởng hào cường tộc Chi thừa cơ mở rộng thế lực, trước sau kiến lập các chính quyền Cừu Trì, Tiền Tần, Hậu Lương.

    ...
     
  9. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...

    ĐỊCH


    Một dân tộc ở phương bắc cổ đại. Người Ân gọi là Quỷ Phương, đời Chu gọi là Nghiễm Doãn, thời Xuân Thu Chiến quốc gọi là Địch. Vì dân cư phân bố ở phía bắc Lạc Ấp đời Chu nên lại gọi là Bắc Địch. Thời Xuân Thu, tộc Địch chia làm ba nhánh: Trưởng Địch, Xích Địch, và Bạch Địch.

    Trưởng Địch sống lưu động suốt vùng biên giới Sơn Tây, Lộ An, Sơn Đông, từng tấn công các nước Tề, Lỗ, Tống, Vệ. Năm 607 T.C.N (Khuông vương thứ 6, Đông Chu) bị Tề và Vệ tiêu diệt.

    Xích Địch chủ yếu phân bố ở vùng Trường Trị, Sơn Tây ngày nay, là một bộ lạc có thực lực mạnh nhất của tộc Địch vào thời Xuân Thu, chủ yếu do 6 thị tộc cấu tạo nên. Thế kỷ thứ 7 T.C.N từng đánh nước Hình, diệt nước Vệ, tấn công các nước Trịnh, Đông Chu, Tề. Năm 594 T.C.N (Tấn Cảnh công thứ 6), Tấn tiêu diệt họ Lộ rồi tương kế tựu kế tiêu diệt luôn các bộ lạc Xích Địch.

    Bạch Địch vào đầu đời Xuân Thu chủ yếu phân bố ở bắc bộ Ung châu cổ (nay là vùng bắc Thiểm Bắc).

    Trung diệp thế kỷ thứ 6 T.C.N, Bạch Địch dời về phương đông đến vùng tỉnh Hà Bắc ngày nay, lúc này Bạch Địch chủ yếu do bốn họ tộc cấu tạo nên. Trong số đó có họ Tiên Ngu từng kiến lập nước Trung Sơn, sau bị nước Triệu tiêu diệt. Thời kỳ Chiến quốc, tộc Địch hoàn toàn bị dung hợp vào tộc Hoa Hạ và bị đồng hóa rất mau.

    Sau đời Tần Hán, Địch hoặc Bắc Địch là tên phiếm chỉ của tộc Hán gọi các dân tộc ở phương bắc.

    ...
     
  10. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...

    QUẦN MAN


    Tên gọi chung các bộ lạc “Miêu Man” ở phương nam cổ đại. Quần Man cùng với các tộc không phải là tộc Hoa Hạ như Bách Bộc, Lư Nhung được gọi chung là Nam Man, Man Di.

    Thời Ân Thương phân bố ở trung du Trường giang và địa khu phía nam. Quần Man có xuất xứ từ Tam Miêu. Sách Tả truyện* từng ghi chép họ đã bị thống lãnh bởi nước Dung, lợi dụng cơ hội nước Sở xảy ra đói kém mất mùa và bị tộc Sơn Nhung vào xâm lược, họ nổi dậy với ý định thay thế nước Sở. Thế nhưng rốt cuộc Sở diệt nước Dung, quần Man cũng trở thành dân phụ thuộc Sở.

    Từ đời Tần Hán, tuy vẫn dùng chữ Man để gọi các dân tộc thiểu số phương nam nhưng phần lớn ghép tên địa danh cư trú lên trên chữ Man, ví dụ Trường Sa Man, Võ Lăng Man hoặc Ngũ Khê Man, hoặc xưng hô bằng tên vật tổ (totem) mà họ sùng bái.

    Sau đời Ngụy Tấn Nam Bắc triều, phạm vi hoạt động của tộc Man mở rộng đến một phần hoặc nhiều phần các tỉnh Hồ Nam, Hồ Bắc, Hà Nam, An Huy, Giang Tây, Ý Xuyên, Qúy Châu, Vân Nam, Quảng Tây ngày nay, đẩy nhanh tiến trình đồng hóa các dân tộc.

    Tộc Man ở tại các vùng có vật sản phong phú, đại đa số dân chúng tiến vào xã hội nông nghiệp. Tập quán của tộc Man là mặc áo vải, để chân trần, cắt tóc. Binh khí được trang sức bằng vàng bạc, bọc thuẫn bằng da hổ, bắn nỏ.

    ...
     
    deathshine and teacher.anh like this.
  11. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...

    TÚC THẬN


    Một dân tộc ở đông bắc cổ đại. Truyền thuyết từ thời đại Thuấn, Võ đã có liên hệ với Trung Nguyên.

    Thời Thuấn, từng dâng cống cung tên. Khi vua Võ định 9 châu, các dân tộc đến triều cống, Đông bắc Di có tộc Túc Thận. Thời Chu Vũ vương vào triều dâng cống “cung nỏ bằng gỗ và đá”. Thời Thành vương, Khang vương, Túc Thận đều có về triều. Người Chu từng có câu nói: “Túc Thận, Yên, Bạc đều là đất phía bắc nước chúng ta”.

    Người Túc Thận phân bố đại thể ở vùng rộng lớn nơi Bất Hàm sơn (nay là Trường Bạch sơn), phía tây đến tận bình nguyên Tùng Nộn, phía đông đến biển, phía bắc đến trung hạ du Hắc Long giang. Họ sống định cư theo thị tộc, ở trong những phòng ốc đào trong lòng đất. Nam nữ đều bím tóc, giỏi nuôi heo, mặc áo may bằng da heo. Trước đây 3000 năm, xã hội phát triển của người Túc Thận đã xuất hiện trạng thái không quân bình. Người Túc Thận phân bố ở bình nguyên Tùng Nộn theo nghề nông đã có bước phát triển sơ bộ, còn các bộ lạc Túc Thận ở Bất hàm sơn cuộc sống chủ yếu là săn bắn chài lưới.

    Sau đời Tần Hán, Túc Thận đổi tên gọi là Ấp Lâu, cũng có khi vẫn gọi là Túc Thận. Sau đời Nam Bắc triều, họ có quan hệ về nguồn gốc với các tộc Thát Đát, Nữ Chân.

    ...
     
    deathshine and teacher.anh like this.
  12. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...

    BỘC


    Một nhóm dân tộc ở tây nam cổ đại. Cũng gọi là Bốc, hoặc Bách Bộc.

    Thời Thương Chu, phân bố tại lưu vực Giang Hán ngày nay, sau đó phân tán đến các vùng Tứ Xuyên, Quý Châu, Vân Nam, Hồ Nam, tạp cư lẫn lộn với dân Bách Việt. Vào khoảng thế kỷ thứ 16 T.C.N, người Bộc dâng sản vật ngọc ngà lên vương triều Thang. Khoảng thế kỷ thứ 11 T.C.N, người Bộc đã tham gia trong quân đội của Chu Võ vương đi đánh Trụ.

    Thời Chu Tuyên vương tại vị (từ 827-782 T.C.N) Thúc Hùng nước Sở vì tranh giành ngôi vị chạy sang vùng người Bộc tị nạn. Năm 611 T.C.N (Đông Chu Khuông vương thứ 2), người Bộc và người Quần liên hợp đánh Sở. Năm 523 T.C.N (Sở Bình vương thứ 6) người Sở đem thủy quân đánh Bộc, rất nhiều bộ lạc bị Sở thôn tính.

    Từ thời Chiến quốc đến triều Hán, người Bộc là một bộ phận tổ hợp thành nước Dạ Lang. Ở quận Vĩnh Xương đời Đông Hán, người Bộc tạp cư ở lẫn lộn với các tộc Liêu, Việt. Thời Tam quốc, người Bộc cư trú ở các quận nam trung nước Thục. Triều Đường từng nhận cống nạp của người Bộc.

    Sau đó, rất ít thấy sử sách ghi chép liên quan đến người Bộc.

    Trình độ phát triển văn hóa của người Bộc khá cao, chủ yếu làm nông, giỏi gieo trồng lúa, cũng biết kinh doanh gỗ rừng. Ở vùng tạp cư giữa người Bộc và người Việt sản xuất nhiều hàng hóa như ngọc, đồi mồi, ngà voi, da tê, lông chim trả, đan sa v.v...

    ...
     
    deathshine, teacher.anh and Lan Giao like this.
  13. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...

    THỤC


    Một dân tộc ở tây nam cổ đại, đại khái sống từ đời Thương đến hậu kỳ Chiến quốc. Khu vực lưu trú ở tây bộ Bồn địa, Tứ Xuyên, thời thế lực toàn thịnh từng lan rộng đến nam bộ Thiểm Tây và bắc bộ Vân Nam.

    Các lãnh tụ truyền thuyết của người Thục có Tàm Tùng, Bách Hộ, Ngư Kiêu. Khi Vũ vương phạt Trụ, có người Thục tham gia. Trung kỳ Xuân Thu, người Thục dưới sự thống trị của họ Đỗ Vũ, kiến lập nước Thục, đóng đô ở đất Đan (nay là Đan huyện, Tứ Xuyên).

    Cuối đời Xuân Thu đến đời Chiến quốc, họ Khai Minh là vua nước Thục, định cư ở Phàn Hương (nay là Song Lưu, Tứ Xuyên) sau dời về Thành Đô. Trong thời gian này, Thục không ngừng gây chiến với Tần, Ba. Năm 316 T.C.N (Tần Huệ Văn vương thứ 21) Thục bị Tần tiêu diệt. Diệt Thục rồi, Tần đặt Thục làm Thục quận, chuyển một số dân lớn đến đó để phát triển sản xuất nông nghiệp. Người Thục bị dân tộc Trung Nguyên đồng hóa rất mau, sau đó không còn thấy trong sử sách nữa.

    ...
     
  14. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...

    BA


    Một dân tộc ở tây nam cổ đại, sống ở hậu kỳ đời Thương đến đời Nam Bắc triều. Tù trưởng đầu tiên xưng vương tên gọi là Lẫm quân, do đó tộc Ba còn được gọi là Lẫm quân man. Tương truyền đầu tiên cư trú ở vùng Chung Ly sơn, Võ Lạc (nay là vùng Trường Dương huyện, Hồ Bắc), sống bằng nghề săn bắn chài lưới, giỏi múa kiếm bắn cung, bơi lội thành thạo, khéo đóng thuyền. Sau chuyển cư đến đông bộ Tứ Xuyên, nam bộ Thiểm tây, tây bộ Hồ Bắc và Hồ Nam, phần nhiều tạp cư với người Bộc. Người Ba từng tham gia quân đội của Vũ vương phạt Trụ, được phong làm Tử quốc (nước của tước phong Tử), gọi là Ba Tử quốc.

    Thời kỳ Xuân Thu Chiến quốc, kinh tế xã hội có bước phát triển, bắt đầu sản xuất nông nghiệp, trồng trọt lúa gạo, khai thác muối và kỹ thuật ủ men rượu khá phát đạt. Từng coi Trùng Khánh là trung tâm để kiến lập quốc gia chế độ nô lệ, giao dịch thường xuyên với các nước Sở, Thục, Đặng. Người Ba có cống hiến quan trọng trong việc mở mang vùng Ngạc Tây, Xuyên Đông.

    Năm 316 T.C.N, Tần tiêu diệt Ba, đặt ra Ba quận. Từ đó người Ba dần dần bị dung hợp đồng hóa với người Hán. Người Ba thờ Bạch Hổ, khi chết chôn áo quan bằng thuyền. Đất Ba sản vật chủ yếu là trà, sơn, muối và đan sa.

    ...
     
    deathshine and teacher.anh like this.
  15. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...

    NGHIỄM DOÃN


    Một dân tộc ở phương bắc và tây bắc cổ đại, cũng gọi bằng các tên Quân Chúc, Hiểm Doãn, Huân Dục, Quân Dục v.v...

    Theo truyền thuyết, Hoàng đế từng đánh đuổi Quân Dục phương bắc. Sau đó là tộc lân cận với triều Hạ, qua lại thân thiết. Giữa đời Thương-Chu, chủ yếu sống ở Thiểm Tây, bắc bộ Cam Túc và vùng khu tự trị Nội Mông Cổ. Tộc Nghiễm Doãn theo nghề du mục, dữ dằn thiện chiến, thường quấy nhiễu cướp bóc người Chu, thời Chu Ý vương từng xâm nhập Trung Nguyên. Thế kỷ thứ 8 T.C.N, sau nhiều lần tấn công thất bại vào thời kỳ Chu Tuyên vương, Nghiễm Doãn trốn rút về phương bắc.

    Thời Xuân Thu, lại gọi Nghiễm Doãn là Nhung, Địch. Có thuyết cho rằng Nghiễm Doãn là tổ tiên của Hung Nô.

    ...
     
    deathshine and teacher.anh like this.
  16. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...

    LIÊU


    Tên gọi phiếm xưng một số dân tộc cổ đại cư trú ở Lĩnh Nam (nay là khoảng Lưỡng Quảng) và địa khu Vân Nam, Quý châu, là một nhánh của Bách Việt.

    Ở địa khu Lĩnh Nam, tộc Liêu và tộc Lý thường được gọi chung. Tại Vân Nam, Quý châu, tộc Liêu thường lẫn lộn với tộc Bộc. Từ Hán đến đời Đường, tộc Liêu phân bố tại các vùng Quảng Đông, Quảng Tây, Hồ Nam, Tứ Xuyên, Vân Nam, Quý châu ngày nay.

    Thời Nam Bắc triều thường bị người Hán cướp bóc đem về làm nô tì. Người Liêu có đặc điểm phong tục là mặc quần, xâm mình, uống (rượu) bằng mũi, cà răng, ở nhà sàn, gõ trống đồng, chôn treo áo quan. Đời Tống, bộ phận người Liêu ở Quảng Tây đổi tên gọi là Đồng (tức dân tộc Tráng (Choang) ngày nay).

    Các tộc Liêu khác không còn thấy ghi chép trong sử sách, họ đã phát triển và dung hợp với một số dân tộc ở tây nam ngày nay.

    ...
     
  17. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...




    Một dân tộc ở phương nam cổ đại, thường được gọi chung với tộc Liêu ở trên, chủ yếu phân bố tại nam bộ khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, nam bộ và bắc bộ tỉnh Quảng Đông ngày nay, là một nhánh của tộc Bách Việt. Tổ tiên của họ dưới thời Hán được gọi là Ô Hử, tới đời Đường gọi là Hoàng động man hoặc Ô Võ Liêu.

    Từ Đông Hán, Lưỡng Tấn, Nam Bắc triều đến Tùy Đường, các tộc Lý-Liêu ở Lĩnh Nam tụ cư ở các vùng hẻo lánh xa xôi, thịnh hành các hành vi cướp bóc và mua bán nô lệ. Tổ chức xã hội của họ lấy động làm đơn vị, thủ lãnh có nhiều trống đồng gọi là Đô lão. Đô lão đánh trống đồng tụ tập hội họp hoặc xuất chiến. Chủ yếu họ theo nghề nông canh, săn bắn cung nỏ bằng trúc, tên trúc, phần lớn ở nhà kết thành tổ hoặc ở trong hang động (Sào cư, Động cư).

    Thế kỷ thứ 6 xuất hiện một lãnh tụ chính trị kiệt xuất người tộc Lý là Tẩy phu nhân, thực hành chế độ quận huyện ở vùng người Lý đảo Hải nam, tăng cường đoàn kết dân tộc và tích cực phát triển. Bà và con cháu đã che ở cho sự an ổn vùng Lĩnh Nam tới hàng trăm năm. Trong quá trình phát triển lâu dài, một bộ phận người Lý dung hợp đồng hóa với tộc Hán.

    Hiện nay tộc ở đảo Hải Nam và tộc Tráng ở Quảng Tây chính có quan hệ nguồn gốc mật thiết với người Lý.

    ...
     
    deathshine and teacher.anh like this.
  18. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...

    HUNG NÔ


    Một dân tộc ở phương bắc cổ đại, cũng gọi là Hồ. Hưng khởi ở vùng Hoàng Hà và suốt dãy Âm sơn (Nay là Đại Thanh sơn, Lang sơn, Nội Mông Cổ), sống đời du mục trong một thời gian lịch sử rất dài. Trong quá trình giải thể của công xã thị tộc nguyên thủy, xuất hiện tập đoàn quý tộc chủ nô, tiến dần đến kiến lập quốc gia chế độ nô lệ. Người thống trị tối cao gọi là Thiền Vu, dưới đó có Tả, Hữu Hiền vương; Tả, Hữu Cốc Lãi vương.

    Cương vực thời kỳ hưng thịnh nhất của Hung Nô, phía đông từ Liêu Hà, phía tây đến Thông Lĩnh, phía nam đến tận chân Trường Thành, phía bắc đến hồ Bối Da Nhĩ.

    Thời Chiến quốc, Hung Nô thường quấy nhiễu các nước kế cận phương nam, cướp bóc tài sản và dân chúng. Các nước Yên, Triệu, Tần đều phải xây trường thành ở phía bắc để phòng ngự. Sau khi Tần thống nhất 6 nước từng sai Mông Điềm mang 30 vạn quân đánh lên Hung Nô ở phương bắc và xây mới những đoạn trường thành cho liên kết hoàn chỉnh. Cuối Tần đầu Hán, Thiền Vu Mạo Đốn thừa cơ hội Hán, Sở đánh nhau, liên tiếp thôn tính các nước gần biên giới và liên tục xâm lược xuống phía nam.

    Đến thời Hán Võ đế, từng ba lần đem quân lên mạc bắc, đánh bại Hung Nô, vì vậy thế lực của họ dần dần suy yếu. Sau này nội bộ tập đoàn thống trị Hung Nô xảy ra nhiều cuộc tranh quyền đoạt vị cộng với tai họa thiên nhiên nghiêm trọng, vì vậy vào năm 48 (Kiến Võ thứ 24, Hán) Hung Nô chia thành hai bộ phận. Nam Hung Nô chạy xuống phía nam quy phục triều Hán, chỉ còn bộ phận Bắc Hung Nô ở lại mạc bắc. Từ năm 89 đến năm 104 (khoảng niên hiệu Vĩnh Nguyên đời Hòa đế), Bắc Hung Nô nhiều lần bị quân liên minh của Đông Hán và Nam Hung Nô đánh bại, vì thế có một bộ phận phải chuyển đến Khang Cư phía tây (nay vào khoảng Trung Á), sau đó lại chuyển nhiều lần rồi dung hợp với cư dân bản thổ, trở thành tổ tiên của dân Hung Gia Lợi ngày nay.

    Bộ phận ở lại mạc bắc sau này bị Tiên Ti thôn tính, còn người Nam Hung Nô đến thời Ngụy Tấn phần lớn di cư đến lưu vực Phần thủy và tách ra thành chi phái Đồ Cốc Hồ, Lư Thủy Hồ, kiến lập nên các chính quyền Tiền Triệu, Bắc Lương, Hạ ở vùng Sơn Tây, Thiểm Tây, Cam Túc ngày nay. Trong lịch sử diễn biến lâu dài, họ hoặc dung hợp với tộc Hán hoặc dung hợp với các dân tộc thiểu số khác. Sau thời Nam Bắc triều, không còn thấy tên gọi Hung Nô trong các sử sách.

    Cuộc sống của Hung Nô chủ yếu là chăn nuôi, kiêm cả săn bắn và nông nghiệp. Về công nghệ, chủ yếu là đúc sắt, đồng, nung đồ gốm, có quan hệ buôn bán với Hán, Khương, Ô Hoàn v.v...

    ...
     
    Chỉnh sửa cuối: 9/1/24
  19. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...

    HỒ


    Tên gọi phiếm chỉ các dân tộc cổ đại ở phương bắc và phương tây. Người Hung Nô tự xưng là Hồ, do vậy dân tộc sống ở phía đông Hung Nô cũng gọi là “Đông Hồ”; thời kỳ Chiến quốc sống ở Du Trung (nay thuộc Nội Mông) thì gọi là “Lâm Hồ”; sống ở phía tây “Lâm Hồ” (tức Lâu Phiền) cũng gọi là Hồ. Do vậy, năm 307 T.C.N, Triệu Võ Linh vương mô phỏng theo quân phục và phương pháp tác chiến của Lâm Hồ bị gọi là “quân kỵ xạ mặc lối Hồ” (Hồ phục kỵ xạ).

    Sau khi triều Hán tìm đường thông qua các nước Tây Vực, các dân tộc ở Tây Vực cũng bị gọi là Hồ. Vì thế gọi Hung Nô là Bắc Hồ, gọi Ô Hoàn, Tiên Ti là Đông Hồ, gọi các tộc ở phía tây Hung Nô, đông núi Thông Lĩnh là Tây Hồ. Sau thời Ngụy Tấn, chữ Hồ lại càng được dùng rộng rãi, đại đa số các dân tộc thiểu số sống ở ngay tại Trung Nguyên cũng bị gọi là Hồ.

    ...
     
  20. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...

    ĐÔNG HỒ


    Một dân tộc ở phương bắc cổ đại. Nhân vì phân bố ở phía đông Hung Nô (Hồ) nên được gọi bằng tên ấy.

    Thế kỷ thứ 16 T.C.N, họ có quan hệ và cống hiến với các vương triều Thương, Chu. Thời kỳ Xuân Thu Chiến quốc, họ phân bố tại thượng du đông bắc Liêu Hà và lưu vực Lão Cáp hà. Họ thường bị các nước lân cận phía nam là Yên, Triệu uy hiếp, từng tham dự xây đắp trường thành để phòng ngự.

    Năm 209 T.C.N, Mạo Đốn của Hung Nô giết chết cha mình tự lên ngôi Thiền Vu (vua), lúc ấy Đông Hồ đòi chiếm lại vùng chăn nuôi, Mạo Đốn nổi giận đem quân đánh Đông Hồ, cướp đoạt bộ chúng và súc vật. Bộ phận Đông Hồ còn lại rút về Ô Hoàn sơn (nay thuộc Nội Mông Cổ), sau đó tự xưng là Ô Hoàn; còn một bộ phận rút về cư trú ở núi Tiên Ti (nay cũng thuộc Nội Mông Cổ) tự xưng là Tiên Ti.

    Đông Hồ là dân tộc du mục, đời sống kinh tế chủ yếu là chăn nuôi và săn bắn. Sau này dần dần biết thêm nông nghiệp và thủ công nghiệp. Về văn hóa chịu ảnh hưởng của Trung Nguyên và Hung Nô rất nặng. Không có chữ viết riêng, ngôn ngữ thuộc hệ A Nhĩ Thái.

    ...
     
Moderators: amylee

Chia sẻ trang này