Khi người Pháp hiện diện ở Đông Dương họ du nhập vào xứ sở này các thiết bị kỹ thuật, máy móc, y tế, mỹ phẩm,nông nghiệp, ẩm thực ... Nhu vậy trong tiếng Việt chúng ta có ảnh hưởng, và có một số từ vay mượn từ gốc tiếng Pháp. Chẳng hạn như chiếc xe đạp cũng được họ đưa vào để giúp đi lại nhanh hơn, thuận tiện. Một số tên gọi ở các bộ phận xe đạp có gốc từ tiếng Pháp: - La chaine : Sợi xích - Le pédalier/la pédale : Pé-dan , bàn đạp - Le frein : Phanh ( phanh trước, phanh sau ) - La valve : Van xe ( van để bơm hơi vào lốp ) - Le moyeu : May-ơ ( trục bánh xe ) - Le fourche : Ổ phuốc, phuốc/phuộc, phuốc xe, càng bánh trước xe - Le guidon : Guidon xe, bộ phận tay lái xe liên kết với cổ xe - La potence : Phuốc- tăng, bộ phận hình chữ T liên giữ phuốc xe và guidon nhằm điều hướng, điều khiển xe đi theo hướng mình muốn di chuyển. - La jante : la-giăng/lazang , vành bánh xe - Le bidon : Bình tông, bi-đông, bình đựng nước Xe đạp xưa còn có: - La garde-bagages /La porte-bagages : Gác-ba-ga : Giá để hành lí phía sau; xe đạp có thể chở một người ngồi sau và ngồi lên cái giá ghế này . - La garde-boue : Gác-đơ-bu, Cái chắn bùn - La garde-chaine : Gác-đơ-sen : Cái bảo vệ xích đạp, khi đạp trời mưa bùn không té bẩn lên quần áo người đạp - La garde-bidon : Giá để bình đựng nước - La dynamo : Đi-na-mô : Bình điện có đầu hình mơto xoay khi áp vào lốp xe để phát ra điện chiếu sáng. - La pompe : Bơm, bơm lốp xe
Cái này tôi biết rồi, nhưng "đậu chến", "đứt chến"... lại chẳng liên quan đến xe đạp. Nên không biết "chến" là từ "chaine" ra hay liên quan đến tiếng Hoa, tiếng Miên... Nhân tiện, hình như trên diễn đàn chưa có "Sau đêm bố ráp" của BNL, ai rinh về và sửa lỗi, làm thêm chú thích thì hay, đọc trên mạng nhiều chỗ cứ phải luận mãi mới ra.
Mình sẽ hỏi lại những người hay chơi bài tứ sắc để xác nhận thêm. Song mình nghĩ nghĩa "bài bạc" này quá hợp lý luôn
Nghĩa thì đúng rồi nhưng tôi muốn kiếm từ gốc kìa. Nếu chến là chaine thì đứt chến cũng khá phù hợp. Tôi nghĩ đến 1 từ khác, chến có thể là cái chén (để tiền chơi), ngoài này gọi là cái hồ. Chơi tổ tôm, chắn cạ 1 hiệp cũng gọi là 1 hội, 1 hồ... Có những người tổ chức đánh bạc để ăn tiền hồ, nên có thành ngữ "chứa thổ, đổ hồ". Người xóc cái gọi là hồ lỳ, không biết có liên quan không?
Bài tứ sắc thì chắc từ tiếng Hoa quá. Chỉ là không thể liên tưởng nghĩa của từ chến, nó không gợi lên cái gì trong đầu mình cả Nếu dùng đứt chaine để chỉ thua hết tiền trong một ván bài mình lại không thấy sự liên kết nào. Đứt sên xe khác nhiều với đứt vốn khi chơi bài mà đúng hông?
Bài trong sgk âm nhạc lớp 10. Đất dòng không biết là đất chi vậy. Thuở nào giờ chỉ nghe: giồng Trôm, giồng Riềng, giồng Ông Tố... nay chắc phải đổi lại là dòng hết.
Đất giồng mới trồng khoai lang được, đất dòng thì... không biết nữa, chắc là đất thuộc quản lý của các dòng nhà thờ quá . Giồng khoai có hơi quy mô hơn liếp hay luống rau một chút. Thường rất dài, và nhô cao, rộng hơn liếp rau thông thường. Song đều là một hình thức "lên liếp" để trồng rẫy.
Tôi nghĩ "giồng" là doi đất tự nhiên do phù sa bồi đắp ven sông chớ. Giồng có thể rất lớn chứ không như liếp đâu. Còn "giồng khoai" như bạn nói có lẽ nhầm với "vồng khoai" tức là luống khoai, liếp khoai... Khoai to vồng lắm củ Đậu ba lá vừa un Gà mất mẹ mau khôn Gái muộn con lắm khổ... Nhất khoai đầu vồng, nhì chồng trưởng nam
Chỗ này đúng là mình đã chủ quan, không nghĩ đất giồng là một dạng địa hình lớn hơn. Do mình từng đi đến những giồng khoai ở Giồng Riềng rồi, các "giồng khoai" (tạm gọi) chạy dài từ đầu miếng ruộng đến cuối miếng, thường cao và rộng hơn các liếp rau thông thường. Song, tra cứu thêm về địa hình đất giồng, tổng hợp lại nó là dạng địa hình tương đối cao hơn mực nước biển vài mét và ở ven bờ biển, thoát nước tốt, tơi xốp nên phù hợp trồng khoai. Nhân tiện thì hình như địa danh Giồng Riềng liên quan nhiều đến những củ riềng mọc tự nhiên ở đó. Người Khmer gọi nơi đó là rừng riềng trong tiếng của họ, có lẽ người Việt ở đó gọi là Giồng Riềng vì riềng chứ không phải vì giồng Còn địa hình doi - là một dạng địa hình khác nữa - mỏm đất nhô ra ven bờ sông ở nội địa. Như mình đã từng đi qua bến đò Doi Lửa ở Đồng Tháp, ở một đầu doi cũ mà bây giờ càng lúc càng lài đi rồi vì dòng chảy của sông Tiền. Có lẽ là như vậy. Vì miền Tây nói chuyện ít khi chịu khó phát âm v, nói nhanh thì cứ một chữ d mà thôi.
Truyện Kiều có câu: Vi lô san sát hơi may Một trời thu để riêng ai một người...Trong câu thơ trên, hai chữ "san sát" thường được hiểu theo nghĩa hiện đại là đứng gần nhau, sát nhau... Thực ra từ này có từ gốc là "sắt sắt" nghĩa là xao xác, xào xạc... (sắt là cái đàn sắt). VD Tỳ bà hành có câu: "Phong diệp địch hoa thu sắt sắt"...
"Tai" là từ Hán Việt nghĩa là mang cá? Hầu như mọi người đều hiểu «tai» là cơ quan thính giác trong khi thực ra nó lại có nghĩa ban đầu là cái mang của con cá. Vd Từ «tai» trong «đầu cua, tai nheo» là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 鰓 mà âm Hán Việt hiện đại cũng là tai, có nghĩa là mang cá. Âm và nghĩa đang xét đã được chứng thực bằng một câu trong Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa: «Lô cư: cá vức bốn tai». Cá vức bốn tai ở đây chẳng phải gì khác hơn là con cá vức có bốn mang mà tiếng Hán cũng còn gọi một cách cụ thể là «tứ tai lô» 四鰓鱸 (cá lô bốn mang) như đã được ghi nhận trong Từ nguyên và Từ hải. Đặc biệt, Từ hải đã giảng «tứ tai lô» như sau: «Một loại cá lô, dài khoảng bốn, năm tấc (tấc Tàu), miệng rộng, đầu to, hai cái mang bành rộng ra, để lộ những đường vân đỏ tía, tựa như là có bốn mang (tứ tai) cho nên gọi là cá lô bốn mang (tứ tai lô), tục gọi là cá bốn mang (tứ tai ngư).» Từ hải còn dẫn thêm Chính tự thông như sau: «Cá lô ở mọi nơi đều [chỉ có] hai mang (lưỡng tai), riêng cá lô Tùng Giang thì [có] bốn mang (tứ tai).» Đã rõ «tai» ở đây là mang cá và «tai nheo» tất nhiên là mang của cá nheo. "Trăm" là từ Hán Việt nghĩa là nói nhiều? «Trăm» trong «trăm hay không bằng tay quen» cũng là một từ cổ thường bị hiểu nhầm là một trăm. Thực ra đây là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 譫 mà âm Hán Việt hiện đại là chiêm, có nghĩa là nói nhiều, nói liến thoắng hoặc nói sảng trong khi bệnh. Từ điển tiếng Việt do Văn Tân chủ biên đã giảng rằng trăm là một từ thuộc tiếng địa phương có nghĩa là «nói nhanh một thứ tiếng nước ngoài». A. de Rhodes cũng có ghi nhận từ này (dưới dạng tlăm) trong Từ điển An Nam - Bồ Đào Nha - La Tinh và giảng rằng: «Tlăm tiếng, nói tlăm tiếng» là «falar muitas linguas» (BĐN), «variis linguis loqui» (LT), nghĩa là nói nhiều thứ tiếng. Trong truyện của HBC có nhắc đến "trâm tiếng Pháp...". Truyện "Mẫn và tôi" cũng có đoạn bà má Sáu bảo thằng Mỹ nó nói trăm trăm cái miệng... Vậy «trăm» là nói nhiều và nhanh. Từ các phân tích trên đây suy ra, «trăm hay không bằng tay quen» có nghĩa là nói lý thuyết suông dù có hay đến đâu cũng không bằng thực hành thông thạo. (Theo An Chi)
"Giã" có nguồn gốc từ "tạ"? VD "từ giã" là biến âm của "từ tạ", một từ ghép đẳng lập của 2 từ đơn gần nghĩa. Trước đây người VN thường chỉ dùng từ "giã" để mô tả cuộc chia tay. VD Giã nhà đeo bức chiến bào (Chinh phụ ngâm) Một giã gia đình một dửng dưng (Tống biệt hành) Giã bạn (một làn điệu dân ca quan họ) Một trường hợp khác là "tạ ân" xưa thường được nói thành "giã ơn" với ý nghĩa như cảm ơn. VD trong truyện Hạnh của KH. Vậy còn "giã gạo", "giã cho 1 trận"... có liên quan gì đến "giã bạn" không? Có thể "giã" này là biến âm của "đả" mà âm đọc là "tả" hoặc "tá"... Giã cho 1 trận thì đúng nghĩa đen của "đả", còn giã gạo, giã cua... là nghĩa chuyển.
"Dứt khoát" là biến âm của "nhất quyết". Tiếng TQ: nhất nhị tam đọc là dất dì sám... Có một chữ "quyết" khác sang tiếng Việt thành "khoét", VD "quyết mục" là khoét mắt... "Bao la bát ngát" là những cụm từ chỉ sự rộng rãi nhưng trong tiếng TQ đó là 2 cụm từ ý nghĩa hơi khác. "Bao la" là quây lại, quây xung quanh... "Bát khoát" là xua cho tản rộng ra... Đây hẳn là những từ gốc của người Hán du mục. Khi chiều về hoặc gặp thú dữ, tuyết rơi thì phải dồn đàn vật nuôi vào rào chắn, co cụm lại một chỗ. Buổi sáng thì phải xua đuổi cho chúng tản ra đi kiếm ăn... "Bao đồng" là 1 từ Hán Việt có nghĩa là bao bọc đồng ruộng lại. Xưa miền Nam ruộng đất minh mông, nước nổi linh láng... đâu có ai làm chuyện bao đồng cho được. Nhưng nay người ta cũng có bao đồng một thời gian ngắn để gặt lúa cho xong...
Bồng bềnh hay bềnh bồng là từ "bình bồng" mà ra? Truyện Kiều có câu: Bình bồng còn chút xa xôi Đỉnh chung sao nỡ ăn ngồi cho an... Bình ở đây là bèo, như trong các từ: lục bình, phù bình... Bồng là thứ cỏ rất nhẹ, như trong từ tang bồng: cung gỗ dâu và tên bằng cỏ bồng... Tang hồ bồng thỉ nam nhi trái. Cái công danh là cái nợ nần... Như vậy, bình bồng là những thứ nhẹ xốp trôi nổi bồng bềnh trên mặt nước, được ví với nàng Kiều Từ con lưu lạc quê người Bèo trôi sóng vỗ chốc mười lăm năm... Phận bèo bao quản nước sa Lênh đênh đâu nữa cũng là lênh đênh...
Miền Nam hay gặp biến âm ênh - inh như này. Ví dụ: - Bệnh viện - bịnh viện - Bệnh - bịnh - Bênh vực - binh vực - Kênh [rạch] - kinh
Miền Bắc cũng vậy thôi, chỉ là lâu quá quên cả từ gốc. VD minh mông: 2 chữ đều có nghĩa là tối tăm, mờ ám... Sang tiếng Việt thành mênh mông và nghĩa lại là rộng lớn... Ở miền Nam coi vậy mà còn nói chính xác hơn, đọc truyện Hồ Biểu Chánh thấy toàn dùng từ "minh mông", có lẽ do ông xuất thân Nho học. Từ "kinh" cũng là chuẩn âm Hán Việt, "kênh" là biến âm rồi... Nhân tiện thì chữ "mông" với bộ nhật hay nguyệt này còn được dùng trong từ "mông lông", ta quen đọc là mông lung hay mung lung...
Xem sơ mình nghĩ là nhiều từ Hán Việt lại gần tiếng Quảng Đông hơn cả tiếng Quan Thoại Không biết tại sao. Hay tại nhiều từ Hán Việt vốn có gốc xa xưa trong tiếng Việt cổ, từng dùng trong vùng Bách Việt (bao gồm cả Quảng Đông)? Hay vì Quảng Đông gần VN hơn, nên tiếng Việt có điều kiện tiếp xúc nhiều hơn? Hay vì tiếng Quan Thoại vốn thuộc bắc Trung Hoa đã tiếp thu ngôn ngữ phía bắc nên thay đổi rồi cũng nên
Âm Hán Việt hầu như đã được định hình trong thời nhà Đường. Từ đó đến nay bản thân tiếng phổ thông TQ cũng thay đổi nhiều, có nhiều chữ đọc khác hẳn ngày xưa...