Xác chết trôi Hanns Heinz Ewers (1904) Thuở ấy, có một chàng trẻ tuổi có đôi mắt nhìn đời khác với những người sống cùng chàng. Chàng mơ mộng suốt những buổi trưa. Và khi màn đêm buông xuống, chàng để những suy nghĩ ấy ào ạt tuôn ra, những ý tưởng mà bạn bè chàng coi là ngốc nghếch. Họ gọi chàng là kẻ ngốc, nhưng chàng một mực tin rằng mình là một nhà thơ. Khi họ cười nhạo những vần thơ của chàng, chàng cũng cười theo. Vì thế nên họ không biết lòng chàng đau đớn biết nhường nào. Chàng đau khổ đến mức có lần đã đến bên bờ sông Rhein, nơi nước lũ tháng Ba đục ngầu vỗ vào bức tường của trạm hải quan cũ. Có lẽ chỉ là một sự tình cờ khi hôm đó, chàng đã không lao đầu xuống nước. Có thể chỉ vì chàng đã gặp một người bạn, và người này đã nói với chàng: "Đi làm một ly vang nhé!" Trong quán, trước tiên, chàng và người bạn uống rượu vang của nhà vườn Josephshöfer, rồi đến vang của Maximi Grünhäuser và sau cùng là Forster Kirchenstück. Bỗng trong đầu chàng nảy ra vài câu thơ mà chàng dùng bút chì viết lên tờ danh mục đồ uống. Khi những người bạn khác đến, gồm vài viên chức, một luật sư công và hai thẩm phán địa phương, chàng đọc lên cho họ nghe: "Thuở ấy, một hôm, trong ao cá Bập bềnh mặt nước, xác chết trôi. Nhầy nhụa, xanh xao và rữa nát, Nụ cười chết chóc thoáng trên môi." Chàng kể chuyện lũ cá chép bàn tán về cái xác, đoán già đoán non, con thì cho là điềm lành, con thì khăng khăng là điềm gở. Rồi chàng đọc tiếp: "Thế rồi, con cá già trăm tuổi Vui mừng đón nhận món Trời ban. Im lặng, cắm đầu vào đánh chén Mặc kệ lũ kia thỏa sức gàn. Nó biết không phải hôm nào cũng Tìm được một cái xác chết trôi Nhầy nhụa, xanh xao và rữa nát, Nụ cười chết chóc thoáng trên môi." Giá như các bạn có thể nhìn thấy phản ứng của những người bạn! Những viên chức, vị luật sư công và hai thẩm phán địa phương! "Trời!", vị luật sư công nói. "Anh đừng giận vì tôi từng hay giễu cợt anh nhé! Anh là một thiên tài và nhất định sẽ làm nên sự nghiệp!" "Tuyệt vời", vị thẩm phán địa phương với mái tóc vàng kêu lên, "tuyệt vời! Tất cả là nhờ có giáo dục pháp luật! Từ thứ bột này mà cũng gột nên được thi nhân cỡ Goethe!" "Habemus poetam!" (Chúng ta có một nhà thơ), tay viên chức béo tròn reo lên. Tất cả bọn họ đều nói rằng chàng là một nhà thơ, một nhà thơ thực thụ, một nhà thơ có một không hai, một nhà thơ rất thời thượng, rất "up to date". Chàng trẻ tuổi cười và cụng ly với các bạn, vì chàng tin rằng họ chỉ nói đùa mà thôi. Nhưng khi nhận ra rằng họ thực sự nghiêm túc, chàng liền rời quán rượu. Chỉ trong nháy mắt, chàng đã tỉnh táo hẳn, tỉnh đến mức suýt nữa chàng lại bước đến sông Rhein. Hóa ra là vậy: khi chàng tự thấy mình là một nhà thơ, họ gọi chàng là kẻ ngốc: còn khi chàng làm trò hề thì họ lại ca tụng chàng là thi sĩ. Dĩ nhiên là vị luật sư công có lý: chàng trẻ tuổi đã làm nên sự nghiệp. Trên sàn gỗ cũng như bục diễn thuyết, trên những sân khấu lớn hay nhỏ, chàng phải đọc những vần thơ của mình khắp nơi. Thế là chàng tròn môi như miệng cá, tóp tép giả tiếng cá chép đớp mồi, và bắt đầu đọc: " Thuở ấy, một hôm, trong ao cá Bập bềnh mặt nước, xác chết trôi. Nhầy nhụa, xanh xao và rữa nát, Nụ cười chết chóc thoáng trên môi." Chúng ta biết, bạn bè chàng đã nói không quá chút nào, những viên chức, hai thẩm phán địa phương và vị luật sư công. Chúng ta biết tất cả những chuyện đó, rằng thính giả nhiệt liệt hưởng ứng, khen ngợi, cổ vũ chàng ở tất cả những thành phố trên khắp nước Đức. Rằng nghệ sĩ và diễn giả khắp nơi đều trích dẫn thơ chàng và khiến tên tuổi chàng được biết đến rộng rãi hơn nữa. Và rằng nhiều nhạc sĩ đã phổ nhạc cho bài thơ, biến nó thành ca khúc, đệm thêm những âm thanh của thiên nhiên và tiếng tóp tép của cá chép nhằm khiến nó càng trở nên khó quên. Chúng ta biết tất cả những điều đó. Chàng trai trẻ nghĩ: Vậy cũng tốt. Cứ để họ reo hò, vỗ tay và hô vang những lời lẽ mày viết trong hơi rượu như một thứ thi ca trác tuyệt. Cứ mặc họ! Mày sẽ trở nên nổi tiếng, nổi tiếng khắp nơi, và sau đó, mày sẽ tha hồ viết những thứ mày thực sự muốn. Chàng đã nghĩ như vậy. Và thế là chàng rót vào những đôi tai hào hứng của hàng nghìn người câu chuyện về xác chết trôi xanh xao, rữa nát và nhầy nhụa mà không tiết lộ với bất kỳ ai rằng chàng thấy việc đó kinh tởm đến nhường nào. Chàng cắn môi, nặn ra trước hết một bộ mặt thật đáng yêu rồi tròn môi như mồm cá chép. Chàng trai trẻ đã quên rằng, đức hạnh cao quý nhất của người Đức chính là sự trung thành. Và rằng đối với họ, đó chính là phẩm chất quan trọng nhất của một nhà thơ: anh ta phải mãi mãi cất lên giọng điệu mà anh ta đã thể hiện ra từ lần đầu tiên, ngoài ra không gì khác. Việc nói ra bất kì thứ gì khác sẽ bị coi là sai trái, bất trung và đáng xấu hổ, và người Đức sẽ khinh bỉ anh ta. Và khi chàng trẻ tuổi này bắt đầu mơ về những bông thủy tiên trắng mong manh, phong lan duyên dáng, cẩm quỳ vàng tươi hay chùm hoa dẻ ngựa cao vút như ngọn nến, thì mọi người quay lưng và cười nhạo chàng. Nhưng không phải ở khắp mọi nơi. Giới thượng lưu là những người có học, ngay từ tấm bé. Một buổi chiều cách đây không lâu, khi chàng ta, sau phần trình diễn của nữ ca sĩ Opera hoàng cung và vị nhạc sĩ với những lọn tóc dài uốn quăn, đọc thơ về linh hồn của những đóa hoa bằng giọng mệt mỏi, thì không ai cười cả. Họ thậm chí còn vỗ tay và khen bài thơ rất khá. Vì họ là những người có học thức. Nhưng chàng trẻ tuổi cảm nhận được rằng những quý ông quý bà kia đang thấy nhàm chán, vậy nên chàng không lấy làm ngạc nhiên khi một người gọi to lên: "Xác chết trôi!" Chàng không muốn, đến khi nữ chủ nhân bữa tiệc tiến lại cạnh chàng: "Đúng rồi. Xin ngài đấy, tiến sĩ. Xác chết trôi!" Chàng thở dài, cắn chặt môi, tròn miệng như cá chép và đọc to câu chuyện ghê rợn ấy lần thứ ba ngàn hai trăm hai mươi tám. Trong khi đọc, chàng gần như tắc thở. Nhưng những quý ông quý bà vỗ tay và hoan hô chàng. Bỗng chàng thấy một bà cụ nhổm dậy từ chiếc ghế bành, gào lên bằng giọng khản đặc rồi lại thả mình rơi xuống ghế. Những quý ông mang nước thơm đến xoa lên trán và thái dương người bất tỉnh. Nhưng chàng trẻ tuổi quỳ xuống dưới chân bà cụ và hôn lên tay bà; chàng cảm nhận được, chàng yêu bà như chính mẹ mình. Khi mở mắt ra, bà ngay lập tức nhìn thẳng vào mặt chàng. Bà rụt tay lại như vừa chạm phải một con vật bẩn thỉu và gào lên: "Đuổi hắn đi ngay!" Chàng đứng bật dậy và bỏ chạy. Chàng đến ngồi trong một góc tận cuối sảnh và gục đầu vào hai bàn tay. Trong khi những người khác đưa bà lão xuống cầu thang đến xe của bà, chàng chỉ ngồi đó: chàng đã biết tất cả, biết rõ ràng, trước khi họ nói với chàng dù chỉ một từ. Chàng đã biết, một lúc nào đó chuyện này sẽ xảy ra. Và khi những người khác đến bên chàng với những lời cảm thán như "Kinh khủng!", "Đáng sợ quá!", "Bi kịch cuộc đời!" và "Sự tình cờ tàn nhẫn!", chàng chẳng mảy may lấy làm ngạc nhiên. "Tôi biết rồi", chàng nói. "Người con trai độc nhất của bà cụ đã qua đời cách đây vài năm; anh ta chết đuối trong hồ, mấy tháng sau người ta mới tìm thấy thi thể đã biến dạng nặng nề. Và bà cụ, người mẹ, phải nhận diện cái xác?" Họ gật đầu. Chàng trẻ tuổi đứng dậy. Chàng gần như hét lên: "Và chỉ để mua vui cho lũ khỉ các người, cái thằng ngốc là tôi đây đã khiến một người mẹ bất hạnh phải đau đớn! Hãy cười đi! Cười đi!" Chàng tròn môi như miệng cá chép và tóp tép: " Thuở ấy, một hôm, trong ao cá Bập bềnh mặt nước, xác chết trôi. Nhầy nhụa, xanh xao và rữa nát, Nụ cười chết chóc thoáng trên môi." Nhưng lần này họ không cười, vì họ là những người có học.
Cảm giác nam chính bị trầm cảm nặng rồi, có lẽ anh ta cũng muốn rời khỏi cuộc đời này lắm. Con người vì mưu sinh đôi khi phải làm những điều mà bản thân căm ghét