Hiện thực Việc làng - Ngô Tất Tố

Thảo luận trong 'Tủ sách Văn học trong nước' bắt đầu bởi Heoconmtv, 2/9/15.

Moderators: Bọ Cạp
  1. Heoconmtv

    Heoconmtv Moderator Thành viên BQT

    [​IMG]
    Việc làng
    Tác giả: Ngô Tất Tố

    Đọc Việc Làng của Ngô Tất Tố mới thấy rõ sự khác biệt của báo chí ngày nay và báo chí…ngày đó. Nếu như bây giờ ta đọc Thanh Niên, Tuổi Trẻ,... thấy những sự việc đơn nhất được kể ra, thì tập phóng sự của Ngô Tất Tố (đăng trên tuần san Hà Nội tân văn) lại là những mảng báo khái quát thành những trang văn.

    Tất cả tên người và địa danh đều được giấu đi, chỉ còn giữ lại cái tổng quan. Bởi đó đều là những điều không-của-riêng-ai, thôn xóm nào cũng gặp, làng quê nào cũng chung. Cho tới bây giờ, bây giờ là năm 2014, khi đọc vẫn chưa thấy có gì cũ đi. Có thể đã thay tục này, lệ kia, nhưng cái cốt lõi “phép vua thua lệ làng” với những luật ngầm vẫn trì ám con người ta in như vậy.

    Ngày xưa đọc “Nghệ thuật băm thịt gà” chỉ thấy vui, thấy bác Mới giỏi nhỉ. Giờ nghiền ngẫm đủ 16 mảnh ghép của chốn hương thôn Bắc kỳ, mới thấy rùng mình. Một cái cỗ oản tuần sóc đã oằn vai người đàn ông thành bướu lạc đà, đã khiến tác giả quả quyết “ai bảo xương cứng, tôi xin nhất định cãi là xương dẻo”. Bởi để làm bệ đỡ cho những thúng kĩu kịt thì cái xương vai đã cong lõm hẳn xuống, chẳng khác gì chiếc vòng cung. Vậy mà vẫn chưa xong, ông còn phải dỡ luôn hai gian nhà làm củi bán đi lấy tiền mua gạo. Trong lúc người ta gật gù khen ông ấy tháo vát, khen oản của ông ấy tốt và chuối của ông ấy mẫm, thì tác giả chỉ dám hỏi một câu ái ngại “Bao giờ ông lại sửa tuần sóc thứ hai?”.

    Hay một người đàn bà góa bụa chỉ vì muốn được làng thắp cho nén hương sau khi chết, mà sa phải cái bẫy bòn rút của đám Chánh hội, lý trưởng và của chính thằng cháu ruột bà. Cả hình ảnh lão Sửu thắt cổ chết trong nhà khi “làng” đương việc mua lợn, mua rượu, ăn uống tưng bừng ngoài điếm để ăn vạ, đã đòng đẩy đung đưa rất lâu trong lòng tôi. Thế nhưng, không chỉ có những kẻ thấp cổ bé họng mới bị đày ải bởi lệ làng, dường như ngay cả những người có quyền chức trong làng, như cụ Thượng trong “Miếng thịt giỗ hậu” cũng là nạn nhân của một xã hội xoay vần. Ông già 80 tuổi đi đứng không vững, răng môi lập cập đã thanh minh với tác giả rằng “Thực ra tôi có thiết gì miếng xôi, miếng thịt! Sở dĩ cố đi chỉ vì có mấy đứa cháu. Ở nhà quê, gạo ăn còn chẳng có, lấy đâu ra tiền mua thịt? Nếu không có miếng phần việc làng, thì những trẻ con quanh năm không được biết mùi thịt ra sao.”

    Bởi thế, mà sau 16 bức ảnh làng mạc Ngô Tất Tố trưng ra, gập sách lại chỉ thấy một mùi đói lảng bảng đọng lại. Cái đói làm người ta lắm chiêu nhiều chước, bức hại ngay những người gần mình. Những cái lệ đã ám làng ngần ấy năm, khiến cho những con người không cách nào ngóc đầu qua nổi lũy tre. Cái làng trong truyện thì bé, nhưng cái làng thực bên ngoài thì rộng bao la. Có những cái làng trông rất bề thế và tiện nghi, tưởng chừng đã thoát ly khỏi lạc hậu, thì mùi đói khổ và nghèo nàn vẫn bủa ra từ khắp các góc chợ. Trong công cuộc đi lên, chúng ta dường như đã bỏ quên rất nhiều người, nhiều điều. Như trong bộ phim “Chuyện tử tế”, người ta đã phải thốt lên rằng “những người nghèo khổ bỗng dưng biến mất, y như đồng bào của chúng ta rất xa lạ với sự nghèo khổ, hoặc dường như những người nghèo khổ đã chạy sang thế giới bên kia mất rồi”.
     

    Các file đính kèm:

    gaumisa, phihung.sp, Cub and 55 others like this.
  2. Heoconmtv

    Heoconmtv Moderator Thành viên BQT

    Đọc lại “Việc làng”, ngẫm chuyện ngày nay

    “Việc làng”- loạt phóng sự của nhà văn Ngô Tất Tố được in trên báo Hà Nội Tân văn in lần đầu tiên vào năm 1940.

    75 năm đã qua, đọc lại một tác phẩm danh tiếng của một trong những cây phóng sự bậc nhất Bắc kỳ hồi đó, những nỗi đắng cay, chua chát, ngậm ngùi dường vẫn còn nguyên.

    Nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân đã viết: “Như một nhà dân tộc học với trải nghiệm thâm hậu, Ngô Tất Tố đã cung cấp những dẫn liệu điền dã cực kỳ sống động về những góc khuất của cái cấu trúc đằng cấp nhiều tầng bậc chồng chéo của thôn quê Bắc kỳ… Cả thành tựu miêu tả phong tục ngang sức với những thiên khảo cứu nghiêm túc, lẫn chất lượng ngôn ngữ vượt trội của nó, trong đó nỗ lực miêu tả ngôn ngữ của con người chốn hương thôn Bắc kỳ ở thời đại tác giả, là một thành tựu đặc sắc mà chỉ những tay bút bậc thầy mới có thể đạt được”.

    Trong “Việc làng”, nông thôn miền Bắc những năm đầu thế kỷ XX hiện lên sống động, trọn vẹn với đầy đủ mọi vẻ, mối quan hệ làng xã. Ngòi bút Ngô Tất Tố phơi bày tất cả mặt trái của vẻ phong lưu mà các hương chức ở làng thôn khoác lên mình, bên trong nó là máu, nước mắt và nỗi khổ cực của những phận dân nghèo.

    Như lời cụ Thượng ở làng Lão Việt nói với tác giả trước lúc nhắm mắt xuôi tay, để lại cái nợ cỗ bàn việc làng cho con cháu: “Một nước giống như cái xe bò, lớp trí thức là người làm bò, lớp dân quê là người đẩy xe. Nếu kẻ đẩy xe còn bị những dây tệ tục buộc chặt hai chân, thì kẻ làm bò tài giỏi bậc nào cũng không thể kéo được cái xe bò lên dốc… Vì vậy, tôi chỉ mong mỏi các ông đưa mắt đến chỗ bẩn thỉu, tối tăm trong lũy tre xanh”.

    Sau luỹ tre xanh, hương thôn Bắc kỳ thời ấy có thể giết nhau chỉ vì một lời nói mắng mỏ dân ngụ cư, cả đám cúng tế lao vào choảng nhau vì một miếng thịt “lăm” lợn vốn dành cho ông chủ tế. Cái thuyết “một miếng giữa làng” đã khiến cho người ta rình rập, kèn cựa nhau đến mất cả nhân cách. Và nỗi tái tê khi con người ta sống không ra sống, chết chẳng dám chết vì những hủ tục cúng tế, lễ lạt đè nặng lên họ trong suốt cuộc đời, từ lúc sinh ra đến lúc nhắm mắt xuôi tay.

    Đọc lại chuyện xưa để ngẫm đến ngày nay, càng thấy tinh thần “gạn đục khơi trong” và loại bỏ hủ tục mới có thể khiến cho nông thôn Việt Nam cất cánh.
     
    Cub and averelle like this.
  3. Quynh_Tran89

    Quynh_Tran89 Mầm non

    Cảm ơn bạn rất nhiều
     
  4. Bọ Cạp

    Bọ Cạp Moderator Thành viên BQT

    Bản sửa lỗi chính tả.
     

    Các file đính kèm:

  5. quang3456

    quang3456 Lớp 10

    Trong bản này, ở truyện Một đám vào ngôi, có hai chỗ viết nhầm là "cụ Điền". Đúng ra phải là "cụ Điển" vì đó là tên gọi tắt của một chức vụ trong làng ngày xưa. Ngoài ra còn một vài lỗi nhỏ nữa.
     
  6. Bọ Cạp

    Bọ Cạp Moderator Thành viên BQT

    Nếu là lỗi chính tả thì em sửa, còn lỗi kiểu Điền hay Điển thì em chịu vì không rành về chức sắc làng xã, đành nhờ các bô lão trợ giúp.
     
    Chỉnh sửa cuối: 24/7/19
    quang3456 thích bài này.
  7. NQK

    NQK Lớp 11

    Bác dùng Reasily đánh dấu rồi copy gửi nhé.
     
    quang3456 thích bài này.
  8. quang3456

    quang3456 Lớp 10

    Cái này mới quan trọng, hơn lỗi chính tả. Ngày xưa không ai gọi tên tục các cụ ra, chỉ gọi là cụ Chánh, cụ Bá... Cụ Điển là cụ làm chức Điển lễ.
    Tôi xem các bản trên mạng, nhiều chỗ sai giống nhau, cái này phải có ai làm lại theo sách in mới chuẩn được.
    VD 1 câu này cũng trong truyện Một đám vào ngôi: "Rồi đấy ông xem, đến lúc đứng dậy, ai cũng thu hết, anh tôi đưa ra bao nhiêu mất hút bấy nhiêu, chẳng lấy lại được đồng nào hết..."
    Chính xác phải là "...ai cũng thua hết".
     
    Chỉnh sửa cuối: 24/7/19
  9. Dr. No

    Dr. No Không không thấy

    Copy thế nào nhỉ? Tìm mãi không thấy chỗ.
     
  10. NQK

    NQK Lớp 11

    Chỗ nút Copy ấy ạ
    [​IMG]

    Sent from my GM1910 using Tapatalk
     
    Chỉnh sửa cuối: 25/7/19
  11. chumeo_di_hia

    chumeo_di_hia Lớp 3

    Sửa lỗi cụ Điền thành cụ Điển.
    Vài lỗi chính tả nhỏ thì ko biết vì không có thời gian đọc để check được.
     

    Các file đính kèm:

  12. rinnina

    rinnina Mầm non

    Cảm ơn các bạn cung cấp ebook, mình đọc xong trong 1 ngày luôn.
    Do mình là người trong Nam, nhà cũng không có cụ cao tuổi gì cả nên đây là lần đầu tiếp xúc với các tục lệ làng xưa của phía Bắc, vừa cảm thấy lạ lẫm vừa cảm thấy đáng sợ. Mình biết nước ta có nhiều tập tục hay và đáng quý, ví như mọi người trong một làng sẽ đùm bọc lẫn nhau. Trong quyển này, ngòi bút của bác Tố chủ yếu diễn ra sự biến chất của các tục lệ, đã đánh mất cái hay, cái đẹp của ngày xưa, những chuyện như vì 1 cái lễ mà táng gia bại sản, lý dịch áp bức người dân thường diễn ra như lẽ thường vậy.
    Không biết có bác nào biết quyển nào cũng về phong tục tập quán Việt Nam mà viết theo kiểu nhẹ nhàng hơn, phơi bày cái hay cái đẹp của thuần phong mỹ tục ta không? Xin hãy giới thiệu cho mình.
     
    nhan van thích bài này.
  13. nhan van

    nhan van Lớp 7

    Bạn đọc thử sách của Toan Ánh xem, cụ này được xem là nhà Bắc bộ học, mà các sách của cụ cũng nhẹ nhàng hơn nhiều.
    Văn học thì có thể đọc Trần Tiêu (Con Trâu, Chồng Con), hay Đỗ Thúc Vịnh (Bóng Tre Xanh),..Còn vài tác giả nữa, nhưng nhất thời không nhớ tên.
    Mình cũng có cảm nghĩ như bạn. Sách thể hiện người, có lẽ Ngô Tất Tố là một người khá bi quan trong cuộc sống, mình từng đọc nhiều sách của cụ này, nhiều cuốn dù chẳng liên quan gì đến nhân tình thế thái, nhưng cách viết của cụ cũng rất tiêu cực, u ám.
     
    amylee thích bài này.
  14. vanthach

    vanthach Lớp 2

    Cụ tiêu cực ở chỗ nào thế bạn ?
     
  15. hiepchicken82

    hiepchicken82 Mầm non

    Chắc là ở chỗ tắt đèn nhà ngói cũng như nhà tranh là hết chuyện.
     
Moderators: Bọ Cạp

Chia sẻ trang này