Việc TVE-4U khóa tài khoản các thành viên vi phạm nội quy là hợp lý, nhằm đảm bảo các tôn chỉ của diễn đàn. Trong các lý do khóa tài khoản, tôi chỉ băn khoăn mỗi "viết sai chính tả", bởi chính tả Việt Nam có những từ ta tưởng là đúng nhưng thực chất lại là sai, ví dụ: "xoi mói" hay "soi mói", "dông tố" hay "giông tố", "xiết chặt" hay "siết chặt", "chia xẻ" hay "chia sẻ",... Mong Ban quản trị có những hướng dẫn cụ thể về vấn đề này để tránh một ngày đẹp giời không thể login vô TVE-4U.
Thường thì các lỗi kiểu này không bị bắt chặt do người viết vô tình mắc phải vì không biết, cùng lỗi kiểu này thì có lỗi kiểu phát âm thế nào viết thế ấy: nghỉ ngợi, sữa chữa, ... Chỉ bắt chặt khi cố tình viết sai như viết không dấu, viết tắt, viết kiểu: nhiu (nhiêu), bít (biết), hok (không)... Còn về câu hỏi của bạn thì soi mói, siết chặt, giông tố, chia sẻ là đúng, từ cuối là hay bị nhầm nhất.
Trong 4 trường hợp tôi đưa ra, thì đáp án của tôi là hoàn toàn ngược lại với bạn. Với cá nhân tôi, xoi mói, xiết chặt, dông tố, chia xẻ mới là đúng theo từ nguyên hoặc theo nguyên tắc cấu trúc của từ ghép. Tuy nhiên trong sự phát triển của ngôn ngữ, khi một từ "được" dùng sai lên đến 70% thì nó thành từ đúng.
@metalheart5410! Cám ơn Bạn! Thực ra, Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link cũng đã nêu khá rõ về chuyện này... Thông thường, khi thành viên 'mắc' các lỗi đã nêu (thuộc về chính tả tiếng Việt) thì đều được Ban quản trị (BQT) nhắc nhở 'đôi ba' lần cả; Chỉ khi lỗi đó cứ lặp đi lặp lại, hoặc không thấy thành viên 'chủ động' sửa chữa, hiệu chỉnh, hoặc 'vô tình hay hữu ý'... BQT mới 'buộc lòng' phải 'cảnh cáo' thành viên bằng biện pháp khóa tài khoản mà thôi. Ý mà Bạn 'băn khoăn' cũng đang là 'hiện trạng' trên Diễn đàn, nhất là trong việc 'đả tự', soát lỗi, biên tập e-book,... đặc biệt là ở Dự án 'Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link'! Chuyện sai, đúng của 'chữ ngữ Việt'... mình chưa bàn tới vì luôn đầy 'phong ba bão tố'... Và, Quy định chung về chính tả tiếng Việt trên Diễn đàn TVE-4U vẫn còn đang trong thời gian soát xét, chỉnh lí, bổ sung,... trước khi phổ biến chính thức, rộng rãi. @metalheart5410 có thể xem và góp ý thêm cùng chúng mình ở topic này: Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Thân mến! _ @tducchau. (À, một số lỗi mình 'tô đỏ' trên bài viết của Bạn, cũng thuộc 'lỗi chính tả tiếng Việt' nhé! ! Tuy chưa tới mức 'được' nhận 'tâm thư' và 'bông hồng' của BQT! !)
Cảm ơn Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link, quả thực tôi cũng không muốn bàn đến chuyện đúng, sai về từ ngữ tiếng Việt ở đây, bởi nó sẽ là một chủ đề vô tận, phụ thuộc nhiều yếu tố. Khi tham gia diễn đàn, chắc phần lớn các thành viên đều xuất phát từ niềm đam mê đọc sách, vì thế mỗi thành viên chúng ta nên có trách nhiệm cao hơn trong việc "giữ gìn sự trong sáng tiếng Việt". Tôi chỉ muốn mỗi chúng ta cố gắng có cách tiếp cận và phương pháp khách quan nhất, không vì hiện tượng suy ra bản chất, biết lắng nghe phản biện và biết phản biện chính mình. Được biết, diễn đàn đang có kế hoạch "Cùng bảo tồn 1000 quyển sách một thời vang bóng với 5 phút mỗi ngày", trong đó có cuốn "ĐẠI NAM QUẤC ÂM TỰ VỊ" của HUÌNH TỊNH PAULUS CỦA. Ngay tên tác giả liệu chúng ta có dám kết luận là sai chính tả hay không? Tuy nhiên nội dung của cuốn này là từ điển tham chiếu từ nguyên sớm nhất và chuẩn nhất ở Việt Nam, nếu đọc kỹ chúng ta sẽ có đáp án đúng cho mấy trường hợp tôi đã ví dụ ở bài đầu chủ đề. Chúc diễn đàn chúng ta luôn đoàn kết và phát triển bền vững! P/S: À quên, Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link bôi đỏ từ "giời", nhưng mà trong cuốn "ĐẠI NAM QUẤC ÂM TỰ VỊ", từ này là từ có nghĩa đấy nhé, nên VTV mới có chương trình "Ơn giời, cậu lên rồi!". Còn từ "login" tôi coi là từ vay mượn, sẽ có ngày nó có nghĩa như kiểu mấy từ: osin, paté, chat,....(chắc đủ dấu chấm rồi) Đoạn này chỉ ngụy biện cho vui thôi (nhưng ngẫm kỹ cũng có phần đúng), đừng trách nhé.
@metalheart5410 : Vì bạn đã đặt vấn đề nghi vấn về tên tác giả HUÌNH TỊNH PAULUS CỦA liệu có được viết đúng không, tôi xin trích bài viết của nhà báo Phanxipăng "Huình Tịnh Của – những điều còn tranh cãi" trả lời bạn như sau: Huình, Huỳnh, hay Hoàng? Lắm người phân vân khi thấy nhiều sách báo lâu nay ghi Huình-Tịnh Paulus Của. Thông thường, ở Việt Nam, các tín đồ Kitô giáo muốn xưng hô họ tên kèm thánh danh thì vẫn quen 2 lối. Hoặc đặt tên thánh trước họ lẫn tên. Hoặc đặt tên thánh trước tên thì không dùng họ. Ví dụ trường hợp nhà thơ Hàn Mạc Tử, khi cần thì gọi Phanxicô Nguyễn Trọng Trí / François Nguyễn Trọng Trí, hoặc Phanxicô Trí / François Trí, chứ chẳng ai gọi Nguyễn Trọng Phanxicô Trí / Nguyễn Trọng François Trí bao giờ. Thế nhưng đích thân Huình Tịnh Của tự ghi rõ là Huình-Tịnh Paulus Của nơi trang bìa Đại Nam quấc âm tự vị cũng như một số sách khác của ông: Câu hát góp và Chiêu Quân cống Hồ. Tôn trọng ý muốn của chính tác giả, người khác ghi lại danh tính y hệt ở những đoạn trích dẫn là điều hoàn toàn đúng đắn. Cũng cần lưu ý thêm rằng Huình Tịnh Của ký danh tính của bản thân không thống nhất trên bìa các cuốn sách. Có cuốn, ông ký Paulus Của hoặc P. Của. Như các sách Maximes et proverbes / Châm ngôn và tục ngữ; Chuyện giải buồn; Sách quan chế; Bạch Viên Tôn Các truyện; Thoại Khanh Châu Tuấn truyện; Ca trù thể cách. Có cuốn, ông còn ký Paulus Của Huình-Tịnh. Như sách Tục ngữ, cổ ngữ, gia ngôn. Tên thánh Paulus là ghi theo tiếng La tinh. Tiếng Đức, tiếng Đan Mạch, tiếng Na Uy cũng vậy. Việt Nam phiên âm thành Phaolô. Tiếng Ý: Paolo. Tiếng Bồ Đào Nha: Paulo. Tiếng Tây Ban Nha: Pablo. Tiếng Anh và tiếng Pháp: Paul. Tiếng Thổ Nhĩ Kỳ: Pavlus. Tiếng Rumani: Pavel. Tiếng Ba Lan: Paweł. Tiếng Nga: Павел. Tiếng Ukraina: Павло. Tiếng Hoa: 保羅 được bính âm phát Băo Luó, còn âm Hán-Việt phát Bảo La. Viết họ mình, ông luôn dùng i chứ chẳng dùng y. Xét về phương diện ngôn ngữ, Huỳnh và Hoàng là 2 âm của cùng một chữ Hán 黃. Xét về phương diện tông tộc, Huỳnh và Hoàng cùng chung nguồn gốc. Nhưng xét về phương diện xã hội, có ý kiến quả quyết rằng Huỳnh và Hoàng là 2 họ riêng biệt, độc lập với nhau. Vậy nhưng, đích thân Huình Tịnh Của tự tay ký Hoàng-Tịnh Paulus Của trên khá nhiều bìa sách của mình. Ấy là các cuốn Gia lễ; Bác học sơ giai; Quan Âm diễn ca; Văn Doan diễn ca; Lang Châu toàn truyện; Trần Sanh Ngọc Anh; Thơ mẹ dạy con. Ngày nay, nếu giản lược tên thánh lẫn dấu gạch nối, chúng ta cần ghi Huình Tịnh Của hoặc Hoàng Tịnh Của ắt mới hợp tình, hợp lý, và hợp ý tiền nhân. (Nguồn: Trang weblog của Phanxipăng).
Bạn thắc mắc tiếp, mình xin phép tiếp tục trích thông tin đáng tin cậy để giúp bạn sáng tỏ hơn. Dưới đây là một giải đáp của học giả An Chi, trích từ chuyên mục Học Giả An Chi Giải đáp ở tờ Năng Lượng Mới: Đoạn trên, ông An Chi dùng "Huình-Tịnh Paulus Của", mà An Chi vốn là người chuyên giải đáp chuyện chữ nghĩa, nên không sai được đâu. Mình muốn đưa thông tin chính xác nhất đến bạn. Còn việc số hóa cuốn Đại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của, tôn trọng cuốn sách thời đó, tôn trọng tác giả (ông kí tên đó trên quyển sách này), nên mình thấy việc viết đúng với sách là cần thiết.
Về Hoàng và Huỳnh là 1 họ hay là hai họ khác nhau thì tốt nhất mời Mod @Cát Cát cho ý kiến. Chữ Huình chắc chắn là cách viết cũ của chữ Huỳnh rồi.
Không hiểu trích dẫn của các bạn thì liên quan gì đến một chữ "Huình". Tôi chỉ hỏi chữ đó có đúng chính tả hay không? Và tôi xin chỉ đích danh, chữ "Huình" là hoàn toàn sai chính tả, ngữ nghĩa của tiếng Việt. Đồng ý là tôn trọng bản gốc của tác giả, nhưng không có nghĩa là các bạn không dám nói từ đó là sai. Nếu các bạn đang là MOD của một diễn đàn sách mà còn không dám công nhận thì trách làm sao được một thế hệ đang sử dụng ngôn ngữ thời @. Cái dở nằm ở chỗ, cứ nghĩ là họ người đi trước, họ là học giả nổi tiếng nên chúng ta mặc nhiên coi là đúng. Giá ông Vũ Trọng Phụng đừng đặt tên tác phẩm là "Giông tố" mà đặt đúng là "Dông tố" thì có lẽ tốt biết bao nhiêu. Đến nổi tiếng như GS Nguyễn Lân mà còn mắc nhiều sai sót nghiêm trọng trong cuốn “Từ điển từ và ngữ Việt Nam”, rồi một nhà thơ Hồ Dzếnh làm thành phong trào thêm chữ z sau chữ d. Đấy là chưa kể các nhà lãnh đạo, người nổi tiếng do phương ngữ hoặc "sáng tạo" của riêng mình mà khiến bao người coi đó là kim chỉ nam. Cách đây vài năm, Cục Công nghệ thông tin - Bộ Giáo dục và đào tạo còn định đưa bốn ký tự f, j, z, w vào bảng chữ cái, cũng may là nó không thành, chứ bây giờ sẽ xuất hiện những từ "fong trào", "zân tộc",.... Vẫn biết không có gì là tuyệt đối cả, chỉ mong trong mỗi chúng ta luôn có tinh thần cầu thị và cầu tiến. Tôi xin phép dừng tranh luận ở đây, bởi ở bài trước đã viết với bác Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link tranh cãi về chính tả sẽ không có hồi kết.
Nếu có dịp nhìn lại chủ đề này, bạn @metalheart5410 vui lòng đọc lại trang 454, dòng số 21 quyển Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của ông Của để nhận câu trả lời cho câu hỏi từ đầu của bạn về chữ "Huình" nhé. Vì tôi thấy bạn đã xem quyển này là căn cứ để nói bạn viết đúng.
Vì tve-4u là một diễn đàn chia sẻ sách, truyện và các thứ liên quan nên sẽ có sự liên hệ mật thiết với ngôn ngữ chính thống. Nếu các bạn lỡ gõ sai chính tả hoặc sử dụng các từ ngữ viết tắt không phù hợp với nội quy diễn đàn thì hoàn toàn có thể kiểm tra lại và sửa lỗi. Các vấn đề chính tả liên quan khác thì đã thuộc về lịch sử hoặc chưa hay không được công nhận!