TỪ ĐIỂN VIỆT NAM XƯA VÀ NAY Từ điển là loại sách công cụ phục vụ đắc lực cho con người trong việc học tập, nghiên cứu. Có thể nói hầu hết những ai từng đi học đều phải sử dụng từ điển. Các nhà cách mạng của nước ta như Hồ Chí Minh, Huỳnh Thúc Kháng, Phạm Văn Đồng… là những tấm gương sáng trong việc dùng từ điển học tập, trau dồi ngoại ngữ. So với nhiều nước trên thế giới, ngành từ điển học Việt Nam ra đời khá muộn, trong di sản thư tịch cổ hiện còn thì quyển “Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa” của nhà sư Pháp Tính được soạn vào khoảng thế kỷ XV - XVII, nghĩa là chỉ mới cách nay vài trăm năm, trong khi nước láng giềng của ta là Trung Quốc đã có truyền thống biên soạn các loại từ thư, vận thư như Quảng vận (đời Tây Hán), Thuyết văn giải tự (đời Đông Hán)…cách nay đến 2.000 năm! Để góp phần nhỏ vào diễn đàn Sachxua, giúp độc giả có một tài liệu tổng quan về tiến trình biên soạn từ điển Việt Nam từ xưa đến nay; giúp các bạn học sinh có điều kiện so sánh, lựa chọn những quyển từ điển ưng ý, vừa có giá trị sử dụng cao, vừa hợp với khả năng tài chính của mình, giữa một rừng từ điển trong các siêu thị sách; giúp các bạn trẻ thích sưu tập sách có thêm một thư mục ngôn ngữ học chuyên đề về các từ điển tiếng Việt; mien ngoc xin ghi lại hầu các bạn tập tư liệu "Từ điển Việt Nam xưa và nay". Đây không phải là quyển lịch sử về từ điển Việt Nam, mà chỉ là bộ sưu tập giới thiệu khái quát về những cuốn từ điển tiêu biểu nhất được biên soạn ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, soạn giả là người Việt hoặc người nước ngoài, sách đã xuất bản hay còn là bản thảo, được gọi dưới nhiều tên khác nhau như: tự vị, từ vị, danh từ, tự điển, từ điển…từ khởi nguyên đến năm 2007. Nhưng tại sao từ điển ở nước ta lại có nhiều tên gọi như vậy ? Chúng ta sẽ được biết qua lời giải thích của các tác giả (sẽ được trích giới thiệu trong phần II tài liệu này). Tuy nhiên có điều cần lưu ý là nhiều từ điển xuất bản ở miền Nam trước 1975 thường quen gọi là tự điển, ngày nay chúng được thống nhất gọi là từ điển (trừ một số ít tự điển chữ Hán-Nôm). Những sự kiện lịch sử, xã hội có liên quan đến sự ra đời của những bộ từ điển lớn được nêu vắn tắt và cố gắng cung cấp thêm những thông tin liên quan đến quá trình biên soạn từ điển từ những tư liệu quý mà chúng tôi sưu tầm được qua những tập hồi ký hoặc được chính các tác giả cung cấp. Từ điển Việt Nam xưa và nay sẽ giới thiệu những thông tin cơ bản của khoảng 50 bộ từ điển tiêu biểu và dẫn ra hơn 100 bộ từ điển khác có liên quan. Các bộ từ điển tiêu biểu được xếp theo năm biên soạn hoặc năm ấn hành, nêu rõ tên sách, khổ sách, số trang in, nhà xuất bản và năm xuất bản, tên tuổi và tiểu sử tác giả. Nội dung, bố cục sách được miêu tả tỉ mỉ và có trích dẫn để minh hoạ khi cần thiết. Đối với những bộ từ điển có ảnh hưởng lớn đến lịch sử phát triển của tiếng Việt, chúng tôi trích đưa vào những ý kiến nhận xét, phê bình của các nhà nghiên cứu để giúp người đọc có những đánh giá khách quan về chân giá trị của các bộ từ điển. Đồng thời cũng xin được phép chép lại lời giới thiệu của tác giả (dù lời văn cổ hơi khó hiểu với chúng ta ngày nay) vừa như bản kỷ yếu hội thảo khoa học giữa các nhà nghiên cứu, vừa như lời tự sự của người đi trước gởi thế hệ mai sau. Tuy nhiên do trình độ hạn chế và không được trực tiếp khảo sát một số bản sách quý hiếm nên việc giới thiệu các bộ từ điển chắc chắn sẽ không đầy đủ hoặc có sai sót, hoặc việc chọn lựa còn mang tính chủ quan, bỏ sót những công trình quan trọng, kính mong các tác giả, bạn bè lượng thứ và chỉ bảo cho. Do tư liệu về tiểu sử các nhà làm từ điển quá ít ỏi, nên cuộc đời và sự nghiệp của các tác gia (nhất là những vị đã quá cố) chỉ được nêu sơ lược, nhân đây cũng đề nghị quý thân nhân, bạn hữu của các tác gia cung cấp thêm tư liệu, tôi xin chân thành cảm ơn. Đất nước ta trải qua hàng trăm năm chiến tranh máu lửa, lại gặp phải thiên tai liên miên nên rất nhiều sách vở, tài liệu quý bị mất mát, hư hỏng, hy vọng tập sách này góp một phần nhỏ trong việc vận động mọi người gìn giữ những pho từ điển quý, để làm giàu cho tâm hồn và tri thức người Việt! I. TỔNG QUAN VỀ TỪ ĐIỂN VIỆT NAM 1. Từ điển tiếng Việt và việc bảo tồn, phát huy nền văn hoá đặc sắc của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Chữ quốc ngữ là loại chữ dùng mẫu tự Latin để ghi âm tiếng Việt, do các giáo sĩ Phương Tây và một số tín đồ Công giáo người Việt sáng tạo từ thế kỷ XVII. Nhiều từ điển Bồ Việt, La Việt ra đời phục vụ cho công cuộc truyền bá đạo Thiên Chúa của các giáo sĩ, đã góp phần quan trọng vào việc điển chế chữ quốc ngữ và là kho lưu trữ từ vựng, ngữ âm tiếng Việt đương thời. Dưới áp lực của chính quyền thực dân Pháp, đầu thế kỷ XX tiếng Pháp chiếm địa vị thượng tôn trong đời sống xã hội của nước Việt Nam đang bị đô hộ. Chữ Hán Nôm bị mai một, sợi dây nối với nền văn hoá cổ truyền của dân tộc bị cắt đứt. Chữ quốc ngữ, với ưu điểm dễ học dễ nhớ, sau nhiều năm bị giới hạn trong khuôn viên giáo đường, đã mạnh dạn bước vào các ngỏ ngách của đời sống người Việt thông qua báo chí, văn học. Với âm mưu thâm độc, Thực dân Pháp và những tay sai người Việt cũng đã dùng chữ quốc ngữ làm phương tiện mỵ dân, ru ngủ thanh niên mơ về một nước An Nam phồn vinh giả tạo trong khối “Đông Pháp thịnh vượng”. Các nhà cách mạng Việt Nam đã sớm nhận thấy chữ quốc ngữ là một công cụ hữu hiệu trong tuyên truyền, vận động quần chúng giác ngộ cách mạng, đấu tranh chống đế quốc, phong kiến, giành lại nền độc lập, tự chủ, xây dựng lại một nước Việt Nam giàu mạnh. Ngày nay, người Việt đang sống ở bất cứ nơi nào trên thế giới vẫn đau đáu nhớ về Tổ quốc, dù bận bịu mưu sinh nhưng họ vẫn muốn cho con cháu theo học tiếng Việt để không quên nguồi cội. Thật hết sức cảm động khi ta được biết nhiều tác gia từ điển tiếng Việt là những kiều bào nặng tình với quê hương và những người bạn quốc tế yêu mến Việt Nam. Tuy nhiên, có một vấn đề băn khoăn hiện nay là từ điển tiếng Việt hiện nay vừa thừa, vừa thiếu: thừa những quyển từ điển giải thích các thuật ngữ triết học cao siêu, nhưng lại thiếu những cuốn tường giải ngôn ngữ, sinh hoạt đời thường của nhân dân. Chẳng hạn, chúng ta có thể dễ dàng tìm được định nghĩa về chủ nghĩa tự nhiên, chủ nghĩa siêu thực, còn các nông ngư cụ của bà con nông dân như: lờ, lọp, nôm, nò, nọc, cù nèo, phảng…không phải là những vật dụng thường thấy của trẻ em thành thị, hình thù của chúng ra sao và tính năng công dụng như thế nào ? Thật khó tìm được một cuốn từ điển nào có thể mô tả đầy đủ, chính xác, kèm hình ảnh minh hoạ những dụng cụ nêu trên. Vì thế đã có trường hợp học sinh làm bài văn tả bác nông dân phạm nhiều lỗi về kiến thức như: “Lúc tờ mờ sáng, bác nông dân đã thức dậy xách nò ra ruộng đánh cá (!)”. Chưa bao giờ từ điển tiếng Việt được xuất bản nhiều và in ấn đẹp như hiện nay. Bên cạnh những bộ sách “vàng” rất có giá trị, vẫn còn những cuốn sách “cám” biên soạn cẩu thả, đầy sai sót hoặc đạo văn, “xào nấu” lại các công trình của người khác. Do vậy, để có một quyển từ điển tốt, người đọc nên lựa chọn những bộ sách của các tác gia có uy tín, do các cơ quan, tổ chức khoa học chủ trương biên soạn. 2. Từ điển Hán Việt-Nghìn năm giao lưu văn hoá Việt Trung Chữ Hán là biểu tượng của nền văn minh Trung Hoa rực rỡ, có ảnh hưởng đến ngôn ngữ, văn tự của các nước lân cận như Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam. Từ hơn hai nghìn năm trước, chữ Hán đã theo các nhà sư, thương nhân, quan quân cai trị và những di dân người Hán truyền vào nước ta. Do hoàn cảnh lịch sử, nên các triều đại phong kiến Việt Nam đã sử dụng chữ Hán để ghi chép các văn kiện chính trị, lịch sử, hành chính, ngoại giao. Trong quá trình tiếp xúc lâu dài giữa hai ngôn ngữ Việt-Hán, ông cha ta đã có sáng tạo độc đáo là phát minh ra cách đọc Hán Việt và sáng chế chữ Nôm, thứ chữ dùng để ghi chép lời ăn tiếng nói thường nhật và sáng tác văn chương bằng tiếng mẹ đẻ. Giáo trình học chữ Hán và từ điển Hán Nôm ra đời cùng hệ thống khoa cử Nho giáo, các sĩ tử phải học chữ Hán để đi thi và mong được đỗ đạt, tuyển dụng. Từ điển Hán Việt thời kỳ này là những bộ từ điển đối chiếu chữ Hán Nôm viết theo thể văn vần, xếp theo môn loại. Sau kỳ thi hương cuối cùng (năm 1918), nền Nho học suy tàn, “ông nghè, ông cống phải nằm co”, số người tha thiết với chữ Hán ít dần. Tuy nhiên chữ Hán vẫn hiện diện trong đời sống sinh hoạt của người Việt, từ Hán Việt ghi bằng chữ quốc ngữ dần dà thay thế chữ Hán khối vuông. Trong bối cảnh đó, từ điển Hán Việt “đời mới” ghi chữ Hán và chữ quốc ngữ xuất hiện, không chỉ thu nhận ngữ nghĩa theo truyền thống mà còn đưa vào lớp nghĩa mới của nhiều từ Hán gốc Nhật về kinh tế, chính trị, xã hội. Nhiều trào lưu tư tưởng mới của Phương Tây truyền sang Trung Quốc, Nhật Bản, thông qua chữ Hán, đã đến Việt Nam. Đầu thập niên 1950, do nhu cầu giao lưu thương mại và văn hoá, đông đảo bà con người Hoa ở Sài Gòn-Chợ Lớn theo học tiếng Việt và hàng loạt từ điển chữ Hán (âm Bắc Kinh, Quảng Đông) đối chiếu tiếng Việt lần lượt ra đời. Trung Quốc và Việt Nam có truyền thống hữu nghị lâu đời và cũng là hai quốc gia năng động và có tốc độ phát triển nhanh nhất châu Á. Số lượng người Việt học tiếng Trung Quốc và ngược lại ngày càng tăng, do vậy từ điển Hán Việt ngày nay đã đổi mới, hầu hết đều có chú âm Bắc Kinh, trật tự các dù xếp từ theo bộ thủ truyền thống, theo mẫu tự a, b, c hay theo “tứ giác hiệu mã” đều có kèm các bảng tra chữ rất khoa học và tiện dụng. Năm 2003, một em học sinh 15 tuổi ở Hà Nội là Vũ Hồng Phương đã sáng tạo ra cách tra chữ mới, dùng 10 chữ số (từ 0 đến 9) tương ứng với 10 nét cơ bản của chữ Hán để viết một bộ từ điển Hán Việt trên máy tính, công trình này đã được nhận giải thưởng của cuộc thi Trí tuệ Việt Nam. Tiếng Hán (cũng gọi là tiếng Trung, tiếng Hoa) có nhiều phương ngữ như Quảng Đông, Triều Châu…thông dụng nhất là tiếng Bắc Kinh (cũng gọi là Quan Thoại, Phổ Thông), do vậy từ điển Hán Việt có rất nhiều tên gọi như Trung Việt, Hoa Việt…Nhưng thông thường những bộ sách khổ lớn được đặt tên là từ điển Hán Việt, sách bỏ túi gọi là từ điển Hoa Việt (?). Trong kho từ vựng tiếng có quá nữa là từ gốc Hán, do vậy học chữ Hán để vừa nắm chắc vốn từ Hán Việt, nói và viết đúng tiếng Việt, vừa biết thêm một ngoại ngữ là điều hết sức bổ ích. Từ điển Hán Việt sẽ giúp chúng ta làm được việc đó ! 3. Từ điển đa ngôn ngữ - Cửa sổ nhìn ra thế giới Trải qua những biến thiên của lịch sử, người Việt có dịp tiếp xúc với văn hoá nhiều dân tộc trên thế giới. Thực hiện đường lối “Việt Nam muốn làm bạn và đối tác tin cậy của tất cả các nước” do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, nước ta đang nhanh chóng hội nhập cùng cộng đồng quốc tế, mở rộng quan hệ thương mại, giao lưu văn hoá với các quốc gia trên thế giới. Việc biên soạn từ điển đa ngôn ngữ đã có truyền thống hàng trăm năm ở nước ta. Những bộ từ điển Pháp Việt, Anh Việt, Nga Việt cũ (xuất bản trước năm 1975) đã hoàn thành nhiệm vụ và không còn phù hợp với đà phát triển về kinh tế, kỹ thuật, khoa học văn hoá, ngôn ngữ của các quốc gia đương đại. Hàng loạt từ điển mới ra đời đáp ứng nhu cầu học tập ngoại ngữ của các tầng lớp nhân dân. Có thể nhận thấy chưa bao giờ trên thị trường sách nước ta các từ điển đa ngữ, song ngữ lại phong phú đến thế. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều sách nhái, sách kém chất lượng, tình trạng in lậu, vi phạm bản quyền còn khá phổ biến. Độc giả là những người tiêu dùng thông minh sẽ góp phần lập lại trật tự trên thị trường xuất bản. Các bạn học sinh phổ thông chỉ nên chọn chỉ nên chọn từ điển cỡ vừa (trên dưới hai vạn từ), phiên âm chính xác, có nhiều ví dụ, dễ tra cứu, học tập, lại vừa túi tiền. Còn những bộ lớn dày hàng nghìn trang, rất đắt chỉ thích hợp với các nhà nghiên cứu, dịch thuật, sinh viên, giáo viên ngoại ngữ, chuyên viên kinh tế kỹ thuật làm việc cho các doanh nghiệp nước ngoài…Những thành tựu khoa học hiện đại, đặc biệt là công nghệ thông tin, đã giúp ích rất nhiều cho việc học tập ngoại ngữ, với một máy tính kết nối Internet, độc giả có thể tra cứu từ điển đa ngữ trên nhiều trang web hết sức nhanh chóng, tiện lợi. Không chỉ giúp người Việt học ngoại ngữ, từ điển đa ngữ còn giúp người nước ngoài học tiếng Việt. Ban đầu đối tượng là các doanh nhân, chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam làm ăn, nay đã mở rộng ra nhiều thành phần khác nhau, có người học tiếng Việt chỉ vì quá yêu mến đất nước này. Sử dụng thông thạo ngoại ngữ không chỉ là phương tiện để mưu sinh, mà biết thêm một ngoại ngữ như ta có thêm một tâm hồn. Mỗi người nên tự làm phong phú tâm hồn mình bằng việc học ngoại ngữ và các bộ từ đa ngữ sẽ là người bạn đồng hành giúp chúng ta đến với thế giới của Shakespeare, Pushkin, O’ Henry, Đỗ Phủ…! 4. Thuật ngữ khoa học và Từ điển bách khoa - Kết tinh trí tuệ Việt Nam Tiếng Việt là một ngôn ngữ văn hoá, có khả năng diễn đạt, chuyển tải những tư duy triết học sâu sắc nhất, những tri thức khoa học tiên tiến nhất của nhân loại. Để có vị thế như ngày nay, tiếng Việt đã trải qua một quá trình phát triển lâu dài, vừa giữ được nét tinh tế, bay bổng tuyệt vời của hồn Việt trong văn chương, vừa hấp thụ tích chính xác của ngôn ngữ các quốc gia công nghiệp trong khoa học. Từ câu vè dân gian đến luận án tiến sĩ, từ hội thoại thường ngày đến văn kiện ngoại giao, tiếng Việt đã tỏ rõ sự phong phú và thích nghi với mọi hoàn cảnh, mọi thời đại. Hệ thống từ điển chuyên ngành nước ta chỉ mới ra đời hơn nửa thế kỷ nhưng đã đóng góp hàng trăm nghìn thuật ngữ khoa học (còn gọi là danh từ chuyên khoa) vào kho tàng tiếng Việt, làm cơ sở để xây dựng các bộ giáo trình từ mầm non đến đại học. Những năm cuối thế kỷ XX, nhiều tập thể, cá nhân, trong những vực chuyên môn khác nhau, đã tiến hành tổng kết những thành tựu của nền văn minh Việt Nam và cho xuất bản nhiều bộ từ điển bách khoa, bách khoa thư. Bên cạnh các bộ Larousse, Britanica, Từ Hải…đã có từ điển bách khoa do người Việt Nam biên soạn, ước mơ trăm năm của cha ông ta nay đã thành hiện thực. Với chức năng bổ trợ kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp, từ điển chuyên ngành rất cần cho người lao động thuộc mọi ngành nghề. Khi chọn từ điển chuyên ngành, nguời đọc nên chọn các công trình của những nhà khoa học tên tuổi thuộc các viện nghiên cứu, trường đại học. Cần hết sức cảnh giác với những quyển sách biên dịch từ tài liệu nước ngoài do các dịch giả không có kiến thức về chuyên ngành thực hiện, thật tai hai biết bao khi một quyển từ điển y học bị diễn dịch sai do người dịch không hiểu biết gì về y khoa! Điều băn khoăn hiện nay là nguy cơ thiếu sự sáng tạo trong việc đặt ra thuật ngữ khoa học mới bằng tiếng Việt, bởi vì khi cần người ta có thể bê nguyên si thuật ngữ tiếng Anh sẵn có (nhất là các thuật ngữ công nghệ thông tin, bưu chính, viễn thông). Tiếp bước các nhà khoa học tiền bối, ngày nay nhiều trí thức Việt Nam sống trong và ngoài nước đã làm việc miệt mài, vô tư, không ngừng sáng tạo và rất thành công trong việc giới thiệu một lượng lớn thuật ngữ mới, giúp cho giới trẻ nước nhà dễ dàng lĩnh hội, cập nhật các tri thức mới nhất của thời đại. mien ngoc Nguồn: sachxua.net
II. TỪ ĐIỂN VIỆT NAM QUA NHỮNG NĂM THÁNG Thế kỷ XV-XVII (?) Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa - Bộ từ điển Hán Nôm đầu tiên ra đời. Tương truyền sách do nhà sư Pháp Tính tục danh là Hương Chân biên soạn. Hiện nay có nhiều ý kiến khác nhau về tác giả và thời gian ra đời của quyểnNgọc âm chỉ nam giải nghĩa. Các giáo sư Trần Văn Giáp, Hoàng Thị Châu cho rằng Pháp Tính chính là bà Trịnh Thị Ngọc Trúc ( ? - ? ), con gái chúa Trịnh Tráng, chính cung hoàng hậu của vua Lê Thần Tông (1619-1643), khi đi tu lấy biệt hiệu là Chúa bà Kim Cương. Còn trong một công trình công bố vào năm 2005 trên Tạp chí Hán Nôm, Phó Giáo sư Ngô Đức Thọ cho rằng sách này ra đời vào năm 1401 dưới triều đại Nhà Hồ (nếu quả đúng như vậy thì Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa là quyển từ điển đầu tiên của nước ta ra đời từ đầu thế kỷ XV và dĩ nhiên tác giả của nó không phải là bà Trịnh Thị Ngọc Trúc ?). Mới đây (Tạp chí Ngôn ngữ số 6/2007), Ông Hoàng Tuấn Phổ lại xác định “Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa vốn là bộ từ điển cổ (2 quyển) mang tên Chỉ nam bị loại (quyển thượng) hoặc Chỉ nam phẩm vựng (quyển hạ), khuyết danh, đến giữa thế kỷ XVII được một vị tăng pháp danh Pháp Tính soạn loại (trùng san) hoàn thành vào triều vua Cảnh Hưng thứ hai mươi hai, năm Tân Tỵ, tức là năm 1761, thời điểm chúa Minh vương Trịnh Doanh đang cầm quyền”. Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa (tạm dịch là chỉ dẫn cách giải nghĩa âm tự) là bộ tự điển Hán-Việt (tiếng Việt ghi bằng chữ Nôm) bằng thơ đầu tiên. Sách hiện còn giữ được nhiều bản khác nhau, bản của giáo sư Trần Văn Giáp khảo sát là bản chép tay trên giấy lệnh hội, khổ 22 x 32 cm, 96 tờ, tờ 2 trang. Cũng theo giáo sư Trần Văn Giáp “Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa có thể là một bộ sách khá cổ có từ thời Sỹ Nhiếp (đời Hán) ... Qua thời Minh xâm chiếm nước ta (thế kỷ XV) sách bị kiểm duyệt rồi đem in lại. Đến đời Hậu Lê Trung Hưng, khoảng năm Cảnh Hưng Tân Tỵ (1761), sách được vị sư có tuổi (túc tăng ?) là Pháp Tính đem sửa lại, thêm phần bổ di rồi đem in lại”. Sách có hai bài tựa. Bài tựa đầu bằng chữ Nôm gồm 40 câu thơ tác giả tự giới thiệu và nêu rõ mục đích, phương pháp biên soạn. Bài tựa thứ hai bằng chữ Hán nêu nguồn gốc và quá trình biên soạn sách. Kế đến là phần mục lục. Phần chính văn có 3.000 câu thơ thu thập 3.394 mục từ phân vào 40 chương bộ: thiên văn, địa lý, nhân luân, thân thể... Mỗi mục từ gồm: chữ Hán (đối với những chữ khó có chua âm đọc)-giải nghĩa bằng chữ Nôm, được xếp theo lối nói có vần chủ yếu là thể lục bát. Ví dụ trong chương địa lý có câu: Đại địa (chữ Hán): đất cả rộng dày (giải nghĩa bằng chữ Nôm). Đại lỗ (chữ Hán): rét rày phèn nổi đất chua (giải nghĩa bằng chữ Nôm). Ngoài ra còn có phần bổ di một số chữ Hán được giải nghĩa bằng chữ Nôm viết theo lối “văn xuôi”. Trích bài tựa của nhà sư Pháp Tính: “Đến thời Sỹ Vương sang đóng ở nước ta trong khoảng 40 năm, ra sức giáo hoá, giải nghĩa bằng tiếng Nôm để thông hiểu từng đoạn, từng câu, họp lại thành thơ ca quốc ngữ, để ghi tên gọi, ghép vận làm sách Chỉ nam phẩm vựng,...nhưng người đọc còn khó hiểu. Nay, tôi nhà sư xin lựa chọn từng tiếng, chua âm đọc, giải nghĩa đen từng chữ, tay viết thành sách, để làm tỏ những điều cốt yếu, khiến cho độc giả dễ dọc, xuôi vần thuận miệng...” (Giáo sư Trần Văn Giáp dịch). Vài ý kiến nhận xét về quyển Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa: “Chính bản thân cuốn sách đã là vô giá. Vì rằng nó là cuốn từ điển Hán Việt xưa nhất được truyền lại tới tay chúng ta. Nó chứng tỏ công việc biên soạn từ điển, một trong những công tác quan trọng của ngôn ngữ học đã có từ lâu đời của nước ta, ít ra là từ khi có chữ Nôm” (Hoàng Thị Châu-Báo Phụ nữ Việt Nam số 269/1970). “Trong số những cuốn từ điển Hán Việt còn lại đến nay, Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa là cuốn được nhiều nhà nghiên cứu lịch sử tiếng Việt chú ý. Bởi vì văn bản này còn giữ lại nhiều dạng chữ Nôm cổ, nhiều hiện tượng chú âm có thể cho thấy phần nào quá trình hình thành hệ thống phiên âm Hán-Việt, và nhất là một số lượng các từ cổ” (Trần Xuân Ngọc Lan-Tạp chí Ngôn ngữ số 3/1978). “Đây là một là một tác phẩm Hán Nôm có nội dung liên quan đến nhiều ngành khoa học như văn học, y học dân tộc, sinh vật học, văn hoá dân gian, nông nghiệp, thiên văn học...Nhưng trước tiên Chỉ nam ngọc âm là một công trình từ điển học...Tóm lại, từ nguyên tắc viết chữ Nôm mang tính quần chúng đến hình thức dịch nghĩa bằng thơ khá chính xác và đầy đủ, và hơn nữa có một bảng từ rất đa dạng gồm cả từ ngữ ngữ văn, từ ngữ của các ngành chuyên môn và có cả điển cố làm cho Chỉ nam ngọc âm khác hẳn các quyển từ điển khác” (Trần Xuân Ngọc Lan - Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa, NXB Khoa học xã hội; Hà Nội 1985). “Thông qua tác phẩm của Bà (tức bà Trịnh Thị Ngọc Chúc-NQB), chúng ta hiểu rõ sự phát triển văn học cũng như kinh tế hàng hoá Đàng Ngoài của thế kỷ XVII thời Lê-Trịnh. Thời Chúa Trịnh Tráng nước ta đã có Phố Hiến, giao thương với nhiều nước: Anh, Hà Lan, Indonesia, Thái lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Nhật, Trung Quốc...buôn bán các mặt hàng tơ lụa, gấm vóc, trầm hương, đồ gốm, đồ sứ, muối...Ở kinh thành Thăng Long đã có thương điếm Hà Lan” (Trịnh Quang Vũ - Tạp chí Xưa và Nay số 5/1995). “Cuốn từ điển cổ Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa thật sự là nguồn tài liệu quý, hiếm cho nhiều lĩnh vực nghiên cứu khoa học xã hội, nó đặc biệt quý giá trong việc tìm hiểu về diện mạo, đặc trưng, tính chất của chữ Nôm thời kỳ đầu. Cần phải tiếp tục nghiên cứu, làm sáng tỏ những vấn đề văn bản của tác phẩm Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa” (Hoàng Thị Ngọ - Thông báo Hán Nôm học 2000, Viện Nghiên cứu Hán Nôm; Hà Nội 2001). “Đây là một công trình ngôn ngữ học, một kho hiếm quý về từ ngữ cổ, để nghiên cứu lịch sử tiếng Việt. Sự xuất hiện của tác phẩm phản ánh nhu cầu của việc sử dụng chữ Hán và đặc biệt là chữ Nôm trong đời sống thực tế và sự phát triển của văn tự Việt trong việc đáp ứng nhu cầu ấy. Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa cũng cho thấy khá nhiều điều về tình hình và trình độ và trình độ phát triển của văn hoá vật chất cũng như văn hoá tinh thần của đất nước qua việc ghi nhận, giải nghĩa những tri thức về tự nhiên và xã hội trong nhiều bộ loại có tính chất “bách khoa”. Tác phẩm còn có giá trị văn học. Nó phản ánh trình độ phát triển của văn thơ viết bằng chữ Nôm đương thời. Thể lục bát được sử dụng khá thành thục chứng tỏ điệu thơ dân tộc đã trở thành phổ biến và quen thuộc đối với việc trước tác” (Bùi Duy Tân-Từ điển Văn học, NXB Thế giới; Hà Nội 2004). Cách làm giáo trình bằng thơ của nhà sư Pháp Tính rõ ràng đã ảnh hưởng lâu dài đến các thế hệ sau này, có thể kể ra như sau: Sách Ngũ thiên tự (thế kỷ XIX ?) có câu: Thiện (chữ Hán) lành (chữ Nôm), cườngmạnh, nhượchèn Nghiên (chữ Hán) tốt (chữ Nôm), suyxấu, triếthiền, ngu si... Cách học tiếng Pháp (đầu thế kỷ XX): Bớp (boeuf)bò, sư tử li-ông (lion) Sơ-van (cheval) con ngựa, mu-tông (mouton) con cừu... Và cách học tiếng Anh ngày nay (đầu thế kỷ XXI): Hớt-xbân (husband) là đức ông chồng Đé-đi (dady) cha bố, pờ-lix đông (please don’t) xin đừng...! Sách đã được tiến sĩ Trần Xuân Ngọc Lan phiên âm và chú giải từng câu chữ rất công phu (NXB Khoa học xã hội; Hà Nội 1985), nhưng tiếc là sách không in kèm nguyên bản Hán Nôm để người đọc có thể đối chiếu. goose sachxua.net
Thế kỷ XV-XVI: An Nam dịch ngữ được biên soạn tại Trung Quốc. Sau khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn kết thúc thắng lợi, đầu năm 1428 Lê Lợi lên ngôi vua, mở đầu triều đại Nhà Lê, lấy niên hiệu là Thuận Thiên, đóng đô ở Thăng Long. Mối quan hệ giữa Đại Việt và Trung Hoa bước sang trang sử mới. Nhà Minh (1368-1644) vào đầu thế kỷ XV là một đế chế hùng mạnh, thường xuyên trao đổi các đoàn công cán với các quốc gia láng giềng. Triều đình Nhà Minh đã lập ra các cơ quan như Hội thông quán, Tứ dịch quán để làm nhiệm vụ phiên dịch và biên soạn tự điển đối chiếu tiếng Hán và ngôn ngữ các nước lân bang như Triều Tiên, Nhật Bản, Mông Cổ, Chiêm Thành, Xiêm La... Và trong số đó có An Nam dịch ngữ (một phần của bộ sách Hoa Di dịch ngữ) là bộ tự vị đối chiếu Hán Việt được biên soạn vào khoảng thế kỷ XV-XVI. Sách gồm 716 mục từ xếp theo 17 chủ đề (gọi là môn). Ví dụ trong Thiên văn môn có 52 mục từ như: thiên-trời, nhật-ngày, nguyệt-tháng..., Địa lý môn có 46 mục từ như: địa-đất, sơn-núi, hải-bể...Mỗi một từ được trình bày như sau: chữ Hán-âm tiếng Việt đối dịch. Nhưng do người soạn dùng chữ Hán để ghi âm tiếng Việt vào thế kỷ XV-XVI, cho nên việc tái lập cách đọc tiếng Việt thời trung cổ thật hết sức khó khăn, công việc này đã được các học giả trong và ngoài nước kiên trì thực hiện từ một thế kỷ nay, đáng kể nhất là công trình của giáo sư Vương Lộc (Trung tâm từ điển học và NXB Đà Nẵng; Hà Nội-Đà Nẵng 1995). Vài ý kiến về quyển An Nam dịch ngữ: “Cuốn Hoa Di dịch ngữ không thể tự nó cho phép hiểu những thay đổi của tiếng Việt, nhưng nó xác nhận một cách thật đáng quý những sự kiện giả định là có hay thực sự có quan sát được ở chỗ khác. Chúng ta ghi nhận bảng từ ấy đã được lập nên từ tiếng nói ở kinh đô” M.Ferlus-Tạp chí Ngôn ngữ số 2/1981). “Việc phiên âm tiếng Việt bằng chữ Hán dĩ nhiên là không tránh khỏi những chỗ hạn chế và thiếu chính xác. Mặc dù vậy sự tồn tại của một bản từ vựng đối chiếu Hán-Việt như An Nam dịch ngữ thời Minh cũng có ý nghĩa trong việc nghiên cứu lịch sử tiếng Việt. Những cứ liệu rút ra từ bản dịch ngữ này đã và sẽ còn tiếp tục đóng góp cho giới nghiên cứu, giúp cho họ ở chừng mực nào đấy, có thể hình dung được diện mạo của tiếng Việt thế kỷ XV-XVI như là một cái mốc không thể bỏ qua trong toàn bộ tiến trình lịch sử của tiếng Việt” (Nguyễn Phương Trang-Tạp chí Ngôn ngữ số 2/1995). “Là một văn bản ghi chép tiếng Việt vào loại cổ nhất, An Nam dịch ngữ có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc tìm hiểu ngữ âm tiếng Việt thế kỷ XV-XVI” (Vương Lộc- An Nam dịch ngữ, Trung tâm Từ điển học và NXB Đà Nẵng; Hà Nội-Đà Nẵng 1995). “An Nam dịch ngữ là loại từ điển đối chiếu dùng chữ hán khối vuông để ghi từ Hán và từ các dân tộc khác và cả hai vế đều được đọc bằng âm Hán thời Minh khoảng cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI. Ngữ âm tiếng Hán thời kỳ này còn được ghi chép khá đầy đủ trong nhiều cuốn vận thư như Trung nguyên âm vận...” (Nguyễn Ngọc San-Tạp chí Ngôn ngữ số 2/1995). “An Nam dịch ngữ có một số hạn chế: (1) Lắm khi chọn không đúng từ ngữ Việt để dịch từ Hán tương ứng; (2) Đưa vào những từ ghép không có trong tiếng Việt do việc dịch từng thành phần những tổ hợp tiếng Hán, rồi ghép lại; (3) Khiếm khuyết do dùng chữ Hán để phiên âm tiếng Việt nhưng hệ thống ngữ âm của hai ngôn ngữ lại không giống nhau” (Nguyễn Phú Phong-Việt Nam chữ viết, ngôn ngữ và xã hội; 2005, tài liệu từ Internet).