1. Click vào đây để xem chi tiết

Tôi đã học ở ANH NGUYỄN một đôi điều (GS. Lê Trí Viễn)

Discussion in 'Tủ sách Tuỳ Bút - Biên Khảo' started by 4DHN, Oct 4, 2013.

Moderators: SLASH.ROCK4U
  1. 4DHN

    4DHN Tiêu Dao

    Người post: Please login or register to view links
    TVE


    Tôi đã học ở ANH NGUYỄN một đôi điều (GS. Lê Trí Viễn)

    Tôi đã học ở ANH NGUYỄN một đôi điều

    GS. Lê Trí Viễn
    Các nhà thông thái phương Đông có những lời khuyên về học tập rất quý. Nào là : Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy. Nào là : Ba người cùng đi, trong đó có một người là thầy mình. Nào là : Học kẻ dưới mình chẳng có gì xấu hổ... Tôi không nói cái học đó. Đôi điều tôi học ở anh Nguyễn là như ngày xưa nói : đóng vở đi học kia, nghĩa là có cái gương, cái mẫu trước mặt, mình nắn nót tập từng nét chữ, luyện từng ý nghĩ, từng cái nhìn, cái nghe, cái cảm.

    Chả là ngày xưa, học hành ở trường thì văn chương chỉ được cái thích chứ chẳng giỏi giang gì, mà ra đời tôi lại ngấp nghé tính chuyện làm thơ văn. Tôi đã theo cái phương châm của chàng khổng lồ trong Rabelais là : "Drink" : uống vào mình tất cả, cuộc sống, văn chương nhân loại cổ kim. Cố nhiên là song song, tập viết. Tôi đọc anh Nguyễn nhiều nhất vào lúc đó, những năm đầu của thập kỷ 40. Đọc trong các sách, chứ không đọc trong báo - bấy giờ tôi ở vùng quê làm gì có đủ các báo. Hình như không sót cuốn nào : Vang bóng một thời, Một chuyến đi, Tuỳ bút I, Tuỳ bút II, Tàn đèn dầu lạc, Chiếc lư đồng mắt cua... và gần Cách mạng tháng Tám là Chùa đàn, Tóc chị Hoài... Đọc say mê, sung sướng. Những năm cuối chiến tranh thế giới ấy, ở nước ta rối ren vô kể, "loạn lạc" thật sự. Loạn trong cuộc đời, loạn trong tâm hồn anh tiểu tư sản trí thức đứng bên ngoài cách mạng. Ngoài đời thì giặc Nhật gươm dài thềnh thệch, râu xanh lè, sở mật thám ở huyện đường, phủ đường thì tiếng tra khảo cộng sản rợn người như ở cảnh âm ti... Còn trong tâm hồn tôi cũng như anh em bọn chúng tôi thì trộn lẫn nụ cười rêu của tượng Đế Thiên với cái hớp hồn của gái hồ trong Liêu Trai, với cái mong ước mơ hồ mà say sưa được đổi thay, được tránh khỏi cái trước mắt, và trùm lên tất cả, thấm thía đến tận tim gan là một nỗi buồn sâu gấp vạn lần cái buồn "không hiểu vì sao tôi buồn", một cái buồn bệnh hoạn, nhưng mình lại lấy làm thích thú, tự hào vì chỉ buồn mới cao quý, chứ vui thì tầm thường, rỗng tuếch... Đó là những ngày tôi dạy học ở một vùng núi Quảng Nam, đèo heo hút gió. Đôi câu thơ tôi làm buổi ấy nay còn sót lại như :

    Chàng là người quá mộng mơ
    Hồn nay theo sống cõi bao giờ
    Năm canh thức suốt bên hoa ngọc
    Vùa ánh trăng vàng vô ý thơ...


    Hoặc:

    Tìm hương ai ngỡ lạc ngàn mây
    Nước chảy hoa trôi mỏn tháng ngày
    Một thuở lên non sầu vĩnh viễn
    Hương hồn thiêm thiếp khói mù bay...


    Thế là tôi gặp anh Nguyễn. Cỡ người tôi không phải cỡ anh. Tôi không buồn nỗi cái buồn của anh, càng không dám có cái khinh bạc, coi đời, cái "đời buốcjoa", là rác như anh, càng không có cái tài ba sành sỏi chuyện đời như anh. Nhưng có vài điều tôi thấy mình dường như có dính với anh. Một sự bế tắc không tự hiểu nên muốn được đổi thay, muốn đi thoát vào một chỗ nào đẹp hơn, ít ra là yên hơn, hợp hơn; đặc biệt là cách sống của anh, sống tỉ mỉ, tinh, sâu, thật sự là “cách vật” nhưng theo dạng nghệ sĩ, và đi kèm là cách viết, văn phong của anh, nó không giống một ai, đọc là biết ngay, có khi cũng chút kiêu kỳ, uốn éo, nhưng dù là văn xuôi mà lời chẳng khác gì lời trong thơ, chọn lựa, trau chuốt, tỉa tót, mài giũa, không phải để khoe mà để nói cho thật mình, thật Nguyễn Tuân, những điều có khi cũng bình thường, tầm thường như mọi cái tầm thường , cái thường ngày, nhưng là theo cách nhìn của anh, với con mắt của anh. Hồi ấy, tôi đã cho văn anh, chẳng khác ống thiên sắc, xoay chiều nào cũng một màu mới, chẳng màu nào giống màu nào. Tôi liên hệ đến bao lời dạy của các văn hào Đông Tây, từ câu thơ Đỗ Phủ, câu luận của Lý Trác Ngô, lời dặn của Flaubert đến kinh nghiệm của Tourgueniev và tự bảo rằng, viết như vậy mới là viết, mình phải mình kia. Nói như André Gide "Hãy vứt sách của tôi đi, Natanaen. Gió lên rồi, thử sống đi"! Tìm lời văn mình trong cách sống của mình, không bắt chước ai. Tôi mê anh Nguyễn ở chỗ văn anh là cách sống của anh.

    Tôi không có cách sống như anh, nên tôi có cách sống của tôi. Tôi định đi theo văn chương, nên tôi phải luyện. Luyện cách sống và luyện cách viết. Sống, nói như Bác Hồ, hồi Bác đọc Lev Tolstoi, Anatole France và bắt đầu viết truyện, là tập cách nhìn, cách nhận, cách cảm trước mọi vật, mọi việc, mọi chuyện, từ bề ngoài đến bề trong, màu sắc, âm thanh, cử động, hình khối, mùi vị, ánh mắt, nụ cười, dáng đi, điệu nói, ý này, lời nọ, bất kỳ của cái gì, của ai, ở đâu, lúc nào, cố sao từ cái bên ngoài mà đi vào bên trong, tự hỏi mình : Như vậy đã được chưa? Đúng chưa? Đặc biệt là thăm dò lòng mình, cái cảm xúc của mình. "Cái tài là hỏi ở trái tim mình", nhà thơ nói vậy.

    Tập cách sống như vậy, nhưng không tập được cách viết cách diễn đạt đúng cái mình sống ấy ra cũng vô ích. Song song, tôi tập viết. Không viết nhiều. không viết dài. Chỉ một hai câu, một đôi lời về bất cứ cái gì mình nghe, mình nghĩ, mình cảm. Không phải nhật ký. Đó là "nhật luyện". Vào kháng chiến chống Pháp tôi mới thực hiện đều. Một màu sương buổi sáng, một nét ráng chiều, một màu da trên gương mặt, một vẻ buồn ai đó... nhìn kỹ, nhìn sâu vào, hết cỡ tâm hồn mình, rồi tìm một chữ, một câu sao cho tả đúng nói đúng về cái mình đã cảm nhận ấy, kỳ đúng là cái đó chứ không phải cái khác - cố nhiên là theo chỗ đánh giá chủ quan của mình.

    Ngày nay, có kẻ hãy cho nói văn chương mà nói chữ nghĩa là lề thói phong kiến, cổ lỗ. Cái hay của văn chương, cái tài của thi hào, văn hào là chỗ khác kia. Đúng có cái hay ở chỗ khác nữa, nhưng cái chỗ khác ấy mà không hiện ra bằng lời hay, thì đó là thứ gì chứ đâu phải văn chương. Bấy giờ, tôi tin ở các tài trí nhân loại nghìn xưa, tin ở văn anh Nguyễn và tôi bắt đầu viết. Tôi ở chiến khu Tuyên Hoá Quảng Bình nên viết trên báo Dân muốn của tỉnh. Số Cách mạng tháng Tám 1947, số Tết đầu năm 1948 có bài của tôi, một tuỳ bút về khởi nghĩa ở Huế và một truyện có tựa đề "Trương". Cũng đầu năm 48, báo Cứu quốc Liên khu IV trích đăng của tôi một tuỳ bút khác : “Lớp học chiến khu”, và tờ Dân quân Liên khu III bài bút ký cấp xã. Kháng chiến, liên lạc khó, báo chí địa phương mấy khi đi xa. Vậy mà không ngờ anh Nguyễn lại tìm đâu ra và đọc các bài của tôi. Năm ấy ở Trung ương mở Hội nghị văn hoá, văn nghê, giáo dục toàn quốc Một đoàn đại biểu của giáo dục Liên khu IV kháng chiến được cử ra Bắc dự. Tôi là một thành viên trong đoàn. Đi bộ từ Quảng Bình ra tới Đào Giã ở mạn bắc tỉnh Phú Thọ gần sát trên Vũ Yên, ngót tháng mới đến.

    Vào hội nghị, không biết sao ngẫu nhiên như thế nào tôi lại ngồi gần anh Nguyễn. Tôi cũng không nhớ vì sao anh lại biết tôi. Tôi chỉ nhớ mình hơi ngạc nhiên khi anh quay lại hỏi :
    - Có phải cậu ở chiến khu Quảng Bình ra không?
    - Dạ phải, tôi đáp.
    - Mình có đọc mấy bài của cậu. Cậu viết có style (văn phong) và có profondeur (chiều sâu), cố gắng viết đi (anh dùng 2 chữ tiếng Pháp).

    Anh Nguyễn mới đọc của tôi vài bài. Anh cũng mới nói với tôi một câu như vậy. Chắc là để khuyến khích, vì hồi ấy, viết văn chưa có mấy người, ở tỉnh nhỏ có người viết đã là quý. Nói cho đúng, làm thơ thì tôi cũng có vỏ vẻ, có thơ đăng báo và đám làm thơ với nhau cũng cho là làm được, còn viết văn thì tôi chưa đáng là học trò của anh Nguyễn. Câu nói của anh, thế mà cũng mang văn phong của anh, đối với tôi bây giờ, nó súc tích như một lời văn bia, hoặc nó như một chữ ưu chữ bình bằng nét son tàu tươi rói, từ cây bút của quan chủ khảo phê lên quyển thi của anh khoá ở kỳ phúc hạch thời xưa ! Câu nói ấy của anh Nguyễn, mãi gần đây tôi mới đem mách với một người bạn trẻ, và coi như chuyện muôn năm cũ. Bởi, tôi không đủ bản lĩnh chống lại sự đẩy xô của cuộc đời, nên tôi đã phụ lòng anh Nguyễn, không tiếp tục được công việc viết văn như anh đã khuyên.

    Kể ra tôi cũng phụ anh có một nửa. Hai ba lần trong đời, tôi đã toan chuyển sang văn nghệ. Lần sau cùng - thế mà đã 45 năm - tôi đã làm đơn, và trong đơn đã dùng một hình tượng quyết liệt : "Trong sa mạc, khi con lạc đà đã ngửi thấy mùi hơi nước thì không có sức gì ngăn nó lại nổi" ! Ấy mà con lạc đà tôi là tôi vẫn cứ ở lại trong bãi cát giáo dục, và tự an ủi mình bằng một tinh thần A Q lộn ngược : Mình chẳng tài năng gì, làm văn nghệ thì không được phép tồi, đừng làm còn hơn. Dạy đại học, tôi quay sang viết văn nghiên cứu, phê bình. May đâu ở đây tôi cùng dùng được ít nhiều cái điều đã học được ở anh Nguyễn. Tôi không chịu được cách viết văn nghiên cứu phê điểm văn học mà không có chút văn nào. Cho nên, tôi vẫn tâm niệm, viết gì thì viết, nhưng văn phải là văn của mình, nội dung ý tứ có thể chưa hay nhưng văn phải nghe được, ít nhất cũng phải như vậy. Thực tế, có bao nhiêu bài nghiên cứu, phê bình của người này, kẻ nọ, giá trị văn chương đâu kém gì văn sáng tác. Công phu tập luyện để thể hiện cuộc sống và biểu hiện con người mình ngày xưa, tôi chuyển qua biểu hiện cái cảm thụ của mình, sao cho ra là mình. Sự phấn đấu này dường như cũng đem lại chút kết quả.

    Có một dạo, việc nghiên cứu văn học xông vào nội dung xã hội chính trị đơn thuần, người ta nhắc lại cái “củ thuỷ tiên nấu hẹ” trong thời chín năm, rồi lôi ra chuyện "Phở” cũng của anh Nguyễn hồi mấp mé ngày rối rắm Nhân văn - Giai phẩm, với những lời xầm xì : thời cách mạng, thì giờ đâu mà nhâm nhi, gậm nhấm như vậy nữa, ngôn ngữ lại kênh kiệu, xa nhân dân kiểu ấy... Có điều anh Nguyễn khá hiểu văn chương, có bản lĩnh chắc, bản lĩnh làm người và bản lĩnh làm văn, nên lời không lành rồi cũng im. Đến lúc anh viết bài bình thơ Tú Xương, anh viết như anh khăn gói tới ông Tú, ngồi uống trà tay đôi trong sương sớm và đàm đạo văn chương thế sự trên bờ sông Lấp, lắng nghe cái tiếng gọi đò từ ngàn xưa vọng lại.... tôi đọc mà thấy mình hãy còn phải, như ngày xưa thuở vài mươi, “đóng vở đi học” thêm với anh, về chuyện hiểu một bài thơ, một nhà thơ, và nhất là viết về nhà thơ đó.

    Tôi còn giữ cái thẻ hội viên Hội văn nghệ Việt Nam có chữ ký của anh bấy giờ là Tổng thư ký Hội. Thẻ ấy từ năm 1949, nó làm chứng cho tôi rằng : đối với tôi ông Tổng thư ký ấy đã có một lời khuyên mà tôi coi như một lời dặn dò, gửi gắm quý báu, thân tình của một tấm lòng anh trong cõi văn chương.

    TP.HCM 2004​
     
    Last edited by a moderator: Sep 10, 2014
Moderators: SLASH.ROCK4U

Share This Page