Thôi Hộ và Bài Thơ Hoa Đào Huyền Thoại

Thảo luận trong 'Tủ sách Thi ca' bắt đầu bởi lichan, 1/11/13.

Moderators: Ban Tang Du Tử
  1. lichan

    lichan Lớp 12

    Thôi Hộ và Bài Thơ Hoa Đào Huyền Thoại

    Đề Đô thành Nam trang (hay còn gọi Đề tích sở kiến xứ) là một trong rất ít những bài Đường thi nói về chủ đề tình yêu của tác giả Thôi Hộ. Tuy sáng tác ít nhưng Thôi Hộ được "lưu danh thiên cổ" cũng nhờ vào bài thất ngôn tứ tuyệt gắn với "thiên tình sử" nhiều giai thoại này.


    Nguyên tác

    題都城南莊
    去年今日此門中,
    人面桃花相映紅;
    人面不知何處去,
    桃花依舊笑冬風

    Phiên Âm

    Đề Đô Thành Nam Trang
    Khứ niên kim nhật thử môn trung
    Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
    Nhân diện bất tri hà xứ khứ
    Đào hoa y cựu tiếu đông phong


    Dịch Nghĩa

    Đề (thơ) ở trại phía Nam Đô Thành
    Ngày này năm ngoái tại cửa đây
    Hoa đào và mặt người cùng ánh lên sắc hồng
    Gương mặt người xưa giờ không biết chốn nao
    (Chỉ thấy) hoa đào vẫn như cũ cười với gió đông.


    Đô Thành: Tức Trường An (kinh đô nhà Đường)

    Hải Đà
    Cửa nầy năm ngoái hôm nay
    Hoa đào ưng ửng đỏ hây má hồng
    Biết tìm đâu nữa chân dung
    Hoa đào bỡn cợt gió đông gọi về

    Tản Đà
    Cửa đây năm ngoái cũng ngày này,
    Má phấn, hoa đào ửng đỏ hây.
    Má phấn giờ đâu, đâu vắng tá,
    Hoa đào còn bỡn gió xuân đây


    Dịch Theo Thơ Đường Luật

    Tương Như:

    Cửa đây, năm ngoái cũng ngày này,
    Má phấn, hoa đào ửng đỏ hây.
    Má phấn giờ đâu? đâu vắng tá?
    Hoa đào còn bỡn gió xuân đây.


    Bùi Khánh Đản:

    Năm ngoái, ngày này, dưới cánh song
    Hoa đào ánh má, mặt ai hồng
    Mặt ai nay biết tìm đâu thấy
    Chỉ thấy hoa cười trước gió đông.


    Nguyễn Quảng Tuân:

    Năm ngoái ngày này trong cánh cửa,
    Hoa đào mặt ngọc ánh đua hồng.
    Năm nay mặt ngọc đi đâu vắng,
    Chỉ thấy hoa đào cợt gió đông.


    Hải Đà:

    Năm ngoái hôm nay cũng cửa nầy
    Hoa đào má phấn đỏ hây hây
    Người đi đâu mất, còn hoa đó
    Ghẹo gió đông cười hoa ngất ngây.


    Dịch Theo Thơ Luc Bát

    Trần Trọng Kim:

    Hôm nay, năm ngoái, cửa cài,
    Hoa đào ánh với mặt người đỏ tươi.
    Mặt người chẳng biết đâu rồi,
    Hoa đào còn đó vẫn cười gió đông.

    Trần Trọng San:

    Hôm nay năm ngoái cổng này,
    Hoa đào soi ánh đỏ hây mặt người.
    Mặt người đã ở đâu rồi?
    Hoa đào nay vẫn còn cười gió đông.

    Thu Tứ:

    Cửa kia năm trước ngày này
    Người vay hoa thắm hoa lây má hồng
    Người hoa giờ biết đâu trông
    Hoa không người vẫn gió đông cợt đùa.

    Giai Thoại

    Thôi Hộ tự Ân công, người quận Bác lăng, nay là Định huyện, tỉnh Trực lệ, Trung Hoa, sống vào khoảng niên đại Đường Đức tông. Thôi Hộ vốn lận đận khoa cử lại là người tuấn nhã, phong lưu nhưng sống khép kín, ít giao du.
    Một lần nhân tiết Thanh minh, chàng trai Thôi Hộ dạo chơi phía nam thành Lạc Dương. Nhân thấy một khuôn viên trồng đào rất đẹp, tươi thắm những hoa, chàng đến gõ cổng xin nước uống. Lát sau lại thấy một thiếu nữ diễm lệ e ấp nấp trong vườn đào. Uống nước xong, chàng ra đi.
    Năm sau, cũng trong tiết Thanh minh, người con trai trở lại chốn cũ, nhưng cổng đóng then cài, gọi mãi không thấy ai. Chàng viết bài thơ trên dán trên cổng. Lâu sau nữa, khi trở lại, chợt nghe tiếng khóc từ trong nhà vọng ra rồi thấy một ông lão ra hỏi chàng có phải là Thôi Hộ không và cho biết con gái của cụ sau khi đọc xong bài thơ bỏ cả ăn uống, đã chết, xác vẫn còn ở trong nhà. Thôi Hộ tìm vào đến bên xác người con gái, tuy đã tắt thở nhưng vẫn còn ấm và mặt mày vẫn hồng nhuận. Chàng quỳ xuống than van kể lể. Người con gái sống lại và họ trở thành vợ chồng. Bài thơ ghi lại mối tơ duyên bất hủ nhuốm màu sắc một huyền thoại.
    Đến năm 796, niên hiệu Trinh Nguyên Thôi Hộ đậu tiến sĩ, làm tiết độ sứ Lĩnh Nam.

    Tản Mạn

    Trong truyện Kiều, Nguyễn Du có một đoạn thơ tả lại cảnh lúc Kim Trọng trở lại vườn xưa cảnh cũ nơi mà Kim Trọng và Thúy Kiều đã nhiều lần hò hẹn tâm tình với nhau :

    "Đầy vườn cỏ mọc lau thưa
    Song trăng quạnh quẽ, vách mưa rã rời
    Trước sau nào thấy bóng người
    Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông
    Xập xè én liệng lầu không
    Cỏ lau mặt đất, rêu phong dấu giầy
    Cuối tường gai góc mọc đầy
    Đi về này những lối này năm xưa ....."

    Thật ra trong ngôi vườn tình ái hò hẹn giữa Kim Trọng và Thúy Kiều năm xưa chưa chắc đã có cây đào nở rộ đầy hoa đang cười bỡn cợt với gió đông (gió xuân) lơi lả ... Mà dù có cây đào đi chăng nữa cũng không là nét đặc trưng biểu tượng trong những vần thơ trữ tình nầy :
    "Trước sau nào thấy bóng người
    Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông .."

    mà chính Nguyễn Du đã muốn nhắc nhở lại cái điển tích của Thôi Hộ " Đào hoa y cựu tiếu đông phong ..." trong bài thơ “Đề Đô Thành Nam Trang “ như một yếu tố ngôn ngữ chủ yếu làm phương tiện để dẫn dắt độc giả vào cái nhận thức hiện tại : cảnh xưa vẫn còn đó... nhưng người đẹp nay còn đâu ? .. Cái tài hoa khéo léo của Nguyễn Du là ngoài cái biểu tượng chính " hoa đào năm ngoái" còn mang thêm những hình tượng ngôn ngữ để bổ sung cho nhận thức "cảnh đó người đâu ?" , tạo nên một bức tranh trữ tình lãng mạn và gợi sầu gợi cảm vô cùng qua những hình ảnh chất liệu như : cỏ, lau, song, vách, trăng, mưa, én, rêu, dấu giầy, tường gai v.v... đã gây ra những ấn tượng sâu sắc, nguồn cảm xúc dào dạt, nồng nàn, xao động lòng người …

    Bài thơ trữ tình lãng mạn của Thôi Hộ, hàm súc mang nhiều hình ảnh linh động và ý tình thắm thiết, đã đúng như định nghĩa Thơ mà Lamartine đã nói : “Thơ là sự hiện thân cho những gì sâu sắc thầm kín nhất của con tim và huyền diệu thiêng liêng nhất của tâm hồn con người, và khơi động những hình ảnh tươi mát sống động nhất, âm thanh tuyệt vời nghệ thuật nhất trong thiên nhiên ..” Bài thơ cô đọng bốn câu của Thôi Hộ là một sự kết hợp hài hòa giữa cảnh sắc, hình tượng, ý tình , âm thanh, nhịp điệu và nhạc tính đã gây sự rung động và mẫn cảm, biểu tượng một thế giới cảm xúc, làm xao xuyến tâm hồn người đọc khôn nguôi …

    Hải Đà
    Thơ phóng tác:
    (dựa theo ý thơ Đề Đô Thành Nam Trang – Thôi Hộ)

    Hoa Đào Năm Ngoái

    Tôi đã gặp em trước cổng nầy
    Ngày nầy năm ngoái gió xuân bay
    Ánh dương phơi phới hồng đôi má
    Ưng ửng đào hoa em ngất ngây

    Lẳng lặng nhìn em ánh mắt sâu
    Môi thơm ngan ngát lộc xuân đầu
    Trăm năm tơ ngãi là em đó
    Gặp gỡ làm chi để kiếp sầu

    Cầm tay chẳng nói một lời sao
    Tiễn biệt chia xa luống nghẹn ngào
    Có phải lương duyên trời đã định
    Mỏng manh phai nhạt sắc hương đào

    Tôi trở về đây đứng đợi mong
    Hương xưa tìm lại phấn xuân hồng
    Người đâu ? Còn lại hoa đào đó
    Cười cợt vô tình với gió đông .

    ( Thu Thập Từ Nhiều Nguồn )
     
    Chỉnh sửa cuối: 1/11/13
    Ban Tang Du Tử, Giana and chis like this.
  2. lichan

    lichan Lớp 12


    Mùa Xuân,Hoa Đào..

    Bài thơ cũ mười mấy thế kỷ, nhưng cảnh và tình trong thơ vẫn chưa cũ. Mới hồi tiền chiến, ở ta còn có người gặp cái cảnh ấy và “cảm xúc mãnh liệt” cái tình ấy.

    Nguyễn Hiến Lê kể:

    “Hồi đó tôi học năm thứ ba hay thứ tư trường Bưởi (...)

    Chiếc xe đò Mĩ Lâm từ Trung Hà xuống, đậu ở bến gần chợ Sơn Tây một hồi lâu rồi mới lại khởi hành, chạy một vòng chậm chậm trong thành phố để đón thêm khách. Trời lạnh, dân chúng còn ăn Tết, các cửa ngõ còn nửa khép nửa mở, vỉa hè còn vắng người và rải rác xác pháo.

    Xe quẹo vào một con đường nhỏ nhưng sạch sẽ, trong một khu công chức, và ở sau một bức tường thấp, tôi thấy ló lên một tàng đào lớn, thịnh khai, đỏ thắm. Xe vừa chạy tới thì một cánh cửa gỗ ở nách bức tường đó từ từ hé mở, một thiếu nữ trạc mười sáu mười bảy bước ra: vành khăn nhung bao làn tóc đen nhánh làm nổi nước da trắng mịn, hồng hào; áo the điều, quần lãnh Bưởi. Tôi có cảm giác trời xuân bỗng nhiên bừng sáng. Xe vẫn chạy chậm chậm, và tôi quay lại nhìn cho tới khi khuất bóng, lòng hồi hộp mà bâng khuâng.

    Bâng khuâng không phải chỉ riêng vì người mà vì toàn cảnh. Ánh xuân trong dịu, đường phố thanh tĩnh, màu câu đối dán bên cửa với màu áo trên mình thiếu nữ, nét mực Tàu với vành khăn nhung, nhất là màu hoa đào kia với nước da nọ, tất cả cùng hiện lên một lúc, hòa hợp với nhau một cách ngẫu nhiên mà tuyệt diệu. Chưa bao giờ tôi được thấy một cảnh xuân đẹp như vậy.

    Chiếc xe đã ra khỏi thành phố, bon bon trên con đường Sơn Tây - Hà Nội, tôi ngâm thầm bài Ðề Tích Sở Kiến Xứ.

    “Khứ niên kim nhật thử môn trung
    Nhân diện đào hoa tương ánh hồng”.

    Và tôi có cảm tưởng ngông ngông rằng thi sĩ như đã tặng riêng tôi bài đó, vì hiểu thơ thì ai cũng có thể hiểu được, mà muốn cảm xúc mãnh liệt thì phải thấy cái cảnh tả trong thơ, có cái tâm sự của người làm thơ. Cả một trời xuân và một tình xuân bàng bạc trong bốn câu của Thôi Hộ.

    Từ đó, mặc dầu biết rằng cũng sẽ thất vọng như Thôi Hộ thôi,

    “Nhân diện bất tri hà xứ khứ,
    Ðào hoa y cựu tiếu đông phong”,

    mà Tết nào, đi ngang qua tỉnh lị Sơn Tây, tôi cũng để ý tìm lại cảnh hoa đào năm trước.”(1)

    Kỷ niệm thú vị thay!

    Về thơ Ðề Tích Sở Kiến Xứ, Nguyễn Hiến Lê cước chú:

    “Bài này đã có nhiều người dịch, nhưng tôi chưa gặp bản nào như ý, cho nên không muốn chép lại. Chỉ có hai câu của Nguyễn Du là xứng với hai câu cuối trong nguyên tác:

    “Trước sau nào thấy bóng người,
    Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”.


    Thu Tứ kể lại.
     
    Chỉnh sửa cuối: 7/11/13
    Ban Tang Du Tử thích bài này.
  3. tuonglai

    tuonglai Lớp 5

    Ta cũng dịch mò 4 câu thơ trên:
    Năm trước cùng dưới ánh sáng trời
    Người như hoa đào vui phơi phới,
    Hương phấn còn vương nào thấy người
    Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông.
    Dịch bám sát vào nguyên ý.
     
    Last edited by a moderator: 3/6/15
Moderators: Ban Tang Du Tử

Chia sẻ trang này