Thông tin sách Sách văn học nổi bật tháng 4

Thảo luận trong 'Tác phẩm và nhận định' bắt đầu bởi Caruri Tlkd, 28/4/17.

Moderators: Cát Cát
  1. Caruri Tlkd

    Caruri Tlkd Sinh viên năm IV

    18156924_1494122600619911_3205431418256280145_n.jpg

    Hóa ra sắp có kỳ nghỉ lễ dài, lại có khai mạc phố sách, nhà Z xin dâng các đồng chí một sớ văn chương đáng chú ý tháng cay nghiệt nhất năm này. Rất tình cờ, tự dung cuối tháng 4 chứng kiến sự ló mặt của hai cặp lesbian (định gọi là ô môi nhưng sợ bị chưởi, từ ô môi có trung tính không hay là kỳ thị vậy các mẹ?):

    1. CAROL – Patricia Highsmith – Mai Trang dịch
    112.000 đ – Bachvietbooks & NXB Văn học

    Patricia Highsmith là tác giả của nhiều cuốn tiểu thuyết thriller tâm lý cực nổi tiếng, đã được chuyển thể thành phim. Cuốn tiểu thuyết đầu tay “Strangers on a Train” – Người lạ trên tàu chẳng hạn đã được bác Hitchcock làm phim. Chị Highsmith rất mê chủ nghĩa hiện sinh, các tác giả yêu thích gồm Dos, Gide, Camus và Sartre.

    Cái sự vụ xuất bản cuốn Carol hay còn có tên khác là The Price of Salt của chị cũng buồn cười. Trên đời có một thứ sung sướng mà các nhà báo, nhà văn, dịch giả tận hưởng thoải mái đó chính là bút danh. Vì không muốn dính phải cái nhãn dán là tác giả văn chương lesbian, hơn nữa Carol lại có rất nhiều chi tiết tự truyện lấy thẳng từ đời mình, mà Highsmith đã dùng bút danh khác là Claire Morgan. Người đại diện từng khuyên bà là đang chơi một trò tự sát về mặt sự nghiệp khi muốn xuất bản cuốn tiểu thuyết lesbian này nhưng Highsmith vẫn kiên quyết cho sách ra đời hồi năm 1952.

    Phải đến tận năm 1990 thì Carol mới được xuất bản lại dưới tên Patricia Highsmith. Hài nhất là hồi 1983 một nhà xuất bản kêu nào giờ cho 5000$ nếu chị để đúng tên cho em, còn nếu để bút danh thôi thì em trả chị 2000$ thôi. Highsmith chọn 2000$.

    Vốn là người chỉ thấy phụ nữ hấp dẫn, Highsmith từng trải qua rất nhiều cuộc tình với các phụ nữ khác. Một lần, khi làm thêm công việc bán hàng ở trung tâm mua sắm vào kỳ nghỉ Giáng sinh, (để có tiền chi trả cho các buổi trị liệu tâm lý), Highsmith đã bị hớp hồn bởi một phụ nữ mặc áo khoác lông, thế là đêm hôm đó về nhà bà thảo luôn đề cương chi tiết cho cuốn tiểu thuyết lesbian về một phụ nữ thượng lưu Carol với cô gái Therese.

    Carol đã có gia đình, có con gái nhỏ, còn Therese cũng đã có bạn trai. Họ bị hút vào nhau bởi một thứ ái lực khôn cưỡng, và cũng ít nhiều gây ra thảm họa. Cuộc phiêu lưu tình ái của họ được Highsmith miêu tả trong một chuyến đi về mặt thực tế trốn khỏi New York ngột ngạt về miền Tây nơi họ bị tên thám tử tư do chính chồng của Carol thuê.

    Mình kể đến đây thôi không lại bị ăn dép tổ ong vì spoilers. Tin mừng là kết thúc có hậu.

    Carol đã được chuyển thể thành phim hồi 2015, có chị Cate Blanchett phong thái như nữ hoàng đóng.

    2. CHỮ VẠN - Jun'ichirō Tanizaki – Nam Tử dịch
    86.000 đ – Tao Đàn & NXB Hội Nhà Văn

    Nói luôn tại trận là xin Ạ bố Tanizaki. Văn chương chi đâu mà bệnh kinh hoàng. Lại một cuốn tiểu thuyết có một cuộc tình lesbian nữa của tháng này, nhưng cấp độ cuốn hút và hủy diệt thì tăng lên mấy trăm %. Cái gọi là sự quyến rũ chết người (nghĩa đen chứ không chỉ bóng) thực sự là đề tài mà nhà văn Nhật này khai thác trong Chữ Vạn.

    Không chỉ có nữ-nữ, chúng ta còn có một kiểu như 3some, không chỉ có 1 3some, chúng ta còn có 2 3some, chéo cẳng ngỗng dây cà dây muống linh tinh cả lên.

    Chữ Vạn do nhân vật Sonoko Kakiuchi kể lại cho một người đàn ông khác, câu chuyện đời mình, một phụ nữ góa, bị một phụ nữ khác làm cho mê muội. Chị gái siêu năng lực chính là Mitsuko Tokumitsu. Quen nhau ở trường vẽ, Sonoko rủ Mitsuko về nhà xong thế nào lại cởi quần áo cho nhau xem để tiện vẽ tranh nude hố hố hố.

    Sonoko tuy đã có chồng nhưng lại đắm đuối Mitsuko, Mitsuko lại có một hôn phu bất lực mê mệt mình chả kém, xong thế nào đến chồng Sonoko cũng oặt ra vì Mitsuko. Mitsuko thì như thầy phù thủy điều khiển các con rối trong tay mình.

    Có ai tưởng tượng nổi cuốn đầy khai phóng này có thể viết hồi 1930 mà lúc đó chúng ta còn chưa ca bài ca Tình già chúng ta già nhân ngãi non vợ chồng không?

    3. TIỀN – Martin Amis – Miel G.
    136.000 đ - Nhã Nam & NXB Hội Nhà Văn.
    Nhà Z đã có một rì viu nhanh hơn cả cái bóng của mình ở đây:

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    “Tiền” lấy bối cảnh ở một nước Anh năm 1981 khi cuộc hôn nhân hoàng gia của Diana chuẩn bị diễn ra với nhân vật trung tâm là một thằng béo nửa Anh nửa Mỹ đang cố làm một bộ phim ở New York. Thằng béo này có cái tên cực hài hước: John Self (một thủ pháp đặt tên rất quen thuộc của Amis mà độc giả có thể bắt gặp ở các cuốn khác), một cái tên như định mệnh sẽ đóng vai trò là một cú twist choáng váng ở cuối truyện. Tôi xin chỉ nói vậy không nhiều vị lại dùng dép tổ ong táng vào mặt tôi.

    Như chính lời Amis trả lời trong một phỏng vấn, “Tiền” cơ bản là một truyện không có cốt truyện, nó là hàng trăm trang độc thoại, lải nhải, dông dài, rỉa rói, lang thang, vạ vật, của đạo diễn mới giàu có chút tiền nhờ sử dụng yếu tố dâm loạn khi quay quảng cáo bán đồ ăn nhanh. John bay đi bay lại giữa London và New York để chuẩn bị cho một bộ phim của mình, hợp tác cùng những đối tác rất không ăn ý và đầy trục trặc, những Fielding Goodney, Christian Spunk Davis, Lorne Guyland… Một bộ sậu những nhân vật dớ dẩn hài hước không kém mà tác giả đã tạo dựng để vây quanh nhân vật chính. Bộ phim ban đầu mang tên “Đồng tiền lương thiện,” sau lại đổi thành “Đồng tiền bất lương”.

    4. KẺ KHỦNG BỐ - John Updike – Huỳnh Kim Oanh & Phạm Viêm Phương dịch
    99.000đ – Nhã Nam & NXB Hội Nhà Văn

    Updike là ông lớn của văn chương đương đại Mỹ, khi mất đi bao người xót xa vì trượt Nobel bao lần, và nghe đồn cuốn Rabbit của ông ế chỏng vó lên trời ở xứ ta.
    Giới thiệu của Nhã Nam: "Kẻ khủng bố có phải là một quái vật, một tên điên? Người bình thường chúng ta liệu có thể nào hiểu và thông cảm được với một kẻ khủng bố? Cuốn tiểu thuyết đặc sắc của John Updike là cuộc hành trình tìm lời đáp cho câu hỏi ấy. Bằng giọng văn điềm tĩnh, óc quan sát sắc sảo, khả năng phân tích tinh tế, cùng một quyết tâm quả cảm hầu vượt qua mọi định kiến có sẵn về thiện và ác, nhà văn hàng đầu nước Mỹ - tác giả Rabbit ơi, chạy đi - khiến cho ta thấy, đằng sau bức chân dung quen thuộc về kẻ khủng bố đáng sợ, đáng căm ghét kia là một con người, với một trí óc và tâm hồn giống chúng ta hơn là khác chúng ta ra sao."

    5. NGƯỜI KHỔNG LỒ NGỦ QUÊN – Kazuo Ishiguro – Lan Young dịch
    105.000đ – Nhã Nam & NXB Văn học

    Độc giả Việt Nam chắc quen với tác giả người Nhật mà đánh đập cả người không tìm ra vẻ Nhật nào trừ cái tên này qua Mãi đừng xa tôi và Dạ khúc, nay sẽ gặp lại chàng trong một thể loại mới fantasy mới kinh: có cả con RỒNG với HIỆP SỸ ở nước Anh thế kỷ 16-7 mới sợ, ai nghĩ nổi tác giả của tăm tối như câu chuyện những kẻ hiến tạng lại viết truyện fantasy không? Nhà Z hy vọng sẽ sớm có review cuốn này.

    Text bìa đây: “Ở nước Anh thời xa xưa, tại một ngôi làng người Briton nọ, một đôi vợ chồng già ngày qua ngày sống một cuộc đời mơ hồ, lãng đãng giữa làn sương mù không lúc nào khuất dạng. Ngày tháng nối đuôi nhau trôi đi dường như chẳng có gì đổi khác, nhưng cũng cơ hồ có rất nhiều biến động mà người ta không tài nào nhớ ra. Cho đến khi hai vợ chồng họ quyết định lên đường đi tìm người con trai nhiều năm nay không gặp. Chẳng ngờ, chờ đợi họ phía trước là một chuyến phiêu lưu kỳ lạ, cùng những con người kỳ lạ, đưa họ tới miền kỳ ức đã từ lâu bị chôn vùi.
    Người khổng lồ ngủ quên là một suy ngẫm u sầu nhưng thấm thía về sự lãng quên, tình yêu, cuộc sống, cùng cả chiến tranh và sự hận thù. Cuốn sách đánh dấu sự trở lại của Kazuo Ishiguro sau 10 năm vắng bóng, với một hướng đi hoàn toàn mới khi ông chọn thể loại giả tưởng huyền ảo để thuật lại những chiêm nghiệm hết sức thực tế về cuộc đời.”

    6. CỖ MÁY THỜI GIAN – H. G. Wells – Như Hà dịch
    68.000 đ - Tao Đàn & NXB Hà Nội
    Cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng nổi tiếng nhất của Wells (một tác giả đẻ truyện như gà đẻ sòn sòn, được đề cử Nobel 4 lần mà toàn trượt). Thời xưa du hành còn phải dùng máy chớ Hàn Quốc gần đây đi tàu điện ngầm phát là phóng vượt chiều không gian vèo vèo nè.

    7. PHẾ TÍCH TRÁNG LỆ - Jess Walter – Lê Thùy Giang dịch
    160.000đ - NXB Trẻ
    Jess Walter là tác giả đương đại Mỹ tương đối nổi tiếng, từng nằm trong danh sách bán chạy của New York Times và nhận vô số giải thưởng.

    Phế tích tráng lệ thậm chí được coi là một phép lạ văn chương, là một cuốn giễu nhại xã hội văn hóa Hô li út, đầy tham vọng trải dài qua bao năm tháng và lấy bối cảnh ở hàng loạt các điểm du lịch nổi tiếng trên thế giới, cụ tỉ là cái thị trấn duyên hải ở Ý mà không biết bao phượt thủ đã pâu cả album hình, cũng chính là hình bìa của bản dịch tiếng Việt đấy.

    Tiểu thuyết còn bao gồm cả thư từ, kịch bản phim, tiểu thuyết của các nhân vật trong truyện. Nói chung là rất hứa hẹn, nhà Z cũng hy vọng sẽ review sớm được cuốn bảo ngọc này.

    8. R.U.R – CÁC ROBOT TOÀN NĂNG CỦA ROSSUM - Karel Čapek – Phạm Công Tú dịch
    58.000đ – Tao Đàn & NXB Hội Nhà Văn

    Danh tiếng của Čapek dội khắp châu Âu và thế giới lần đầu là với vở kịch “R.U.R”, ra đời năm 1920 nhanh chóng được dịch ra hơn 30 thứ tiếng và công diễn ở các thành phố lớn như London và New York. Vở kịch kể về một nhà máy sản xuất rô bốt thực ra là người nhân tạo và cuộc vùng lên chống lại loài người của các rô bốt này dẫn tới sự diệt vong của nhân loại.

    Bản dịch tiếng Việt được dịch từ tiếng Séc do chính dịch giả của Hoa Cúc Xanh thực hiện.

    Nhà Z đã có đề cập một phần vở kịch này trong bài viết trước về Capek:

    Những ý tưởng về một thế giới tận thế, sự suy tàn của giống người, vai trò của mỗi cá nhân trong việc đẩy nhân loại tới diệt chủng trong “Khi loài vật lên ngôi” thực ra đã được triển khai từ rất sớm, trong “R.U.R”. Những con robot – người nhân tạo – dưới ách áp bức bóc lột của loài người đã vùng lên quật khởi tiêu diệt con người và chiếm lấy cả trái đất: những hình ảnh ấy không khác gì với loài sa giông, và lời hiệu triệu Hỡi robot toàn thế giới liên hiệp chống lại loài người, vang vọng ở ở phần 3 của “Khi loài vật lên ngôi”, khi sa giông đã dần đánh sụp các lục địa và chiếm hết chỗ sống của loài người – dùng chính các loại bom mà loài người đã cung cấp cho chúng. Vẫn dùng cơ chế kẻ áp bức – kẻ bị áp bức, và mô típ lật nhào cán cân quyền lực, Čapek ở “Khi loài vật lên ngôi” viết một câu chuyện có kết thúc yếm thế hơn hẳn so vở kịch kia.
    Thành công vang dội với vở kịch “R.U.R” nhưng ông nhanh chóng từ bỏ viết kịch để quay sang làm báo, bởi với ông báo chí có khả năng tiếp cận và khai thác những vấn đề trực tiếp liên quan tới đời sống; văn chương với ông không phải để giải trí đơn thuần, mà có giá trị cảnh báo con người về những biến dị khả thể nảy nòi trong những cực đoan của đời sống; ông từ chối chạy khỏi Séc dù đất nước đang có nguy cơ bị Phát xít xâm lược; ông từ chối viết một thứ văn chương nhàm chán vô hại dù cho nó có đem lại cho ông giải thưởng Nobel.

    Nguồn:
    Page FB Bên phía nhà Z
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
     
Moderators: Cát Cát

Chia sẻ trang này