Thơ Việt Nhìn về đường cố lý, cố lý xa xôi....

Thảo luận trong 'Tủ sách Thi ca' bắt đầu bởi Samurai2017, 8/7/25 lúc 08:26.

Moderators: Ban Tang Du Tử
  1. Samurai2017

    Samurai2017 Lớp 3

    NHÌN VỀ ĐƯỜNG CỐ LÝ, CỐ LÝ XA XÔI!
    ******
    I. NHÀ THƠ HUYỀN CHI
    Nhà thơ Huyền Chi tên thật là Hồ Thị Ngọc Bút. Bà còn có một bút danh khác là Khánh Ngọc. Bà sinh năm 1934 tại Bắc Ninh, theo gia đình vào Nam từ trước năm 1954.
    Lúc mới vào Nam, khoảng những năm 48, 49, bà sống cùng chị gái tại Đà Lạt. Đến năm 1950 thì bà về Sài Gòn, vừa đi học vừa phụ mẹ trông nom sạp vải ở chợ Bến Thành. Thời gian ở Sài Gòn, Huyền Chi sinh hoạt với một nhóm văn nghệ sĩ trẻ và làm thư ký tòa soạn, chuyên trách mục thơ cho tạp chí Phụ Nữ của bà Nguyễn Thị Lan Phương. Năm 1952, bà xuất bản tập thơ Cởi Mở, trong đó có bài Thuyền Viễn Xứ.
    Một lần tình cờ, Phạm Duy ghé qua tòa soạn. Bà Huyền Chi bèn tặng ông tập thơ mới vừa in xong. Phạm Duy nói, nếu bà Huyền Chi thích, và cho phép, ông sẽ phổ nhạc thơ của bà.
    Huyền Chi lập gia đình với giáo sư Trần Phụng Tường vào năm 1954, và theo chồng ra Phan Thiết, nơi ông đang dạy Pháp Văn ở trường trung học Phan Bội Châu. Tại đây, bà mở một hiệu sách mang tên Bút Hoa, đồng thời dạy Anh Văn tại nhà và vẫn cộng tác thơ với tạp chí Tiền Phong ở Sài Gòn. Một vài năm sau đó, bà cũng bỏ hẳn việc làm thơ, vì phải cùng chồng lo cho đàn con bảy đứa.
    Sau 1975, bà bị thất lạc tập thơ. Bốn mươi năm sau, trong một dịp tình cờ, bà nhận lại được bản photo tập thơ từ bạn bè bên Mỹ. Bà bị đột quỵ năm 2019. Hiện nay, bà đang được các con chăm sóc tại Sài Gòn.
    ******
    II. BÀI THƠ THUYỀN VIỄN XỨ CỦA HUYỀN CHI
    THUYỀN VIỄN XỨ
    Ra khơi sương khói một chiều
    Thuỳ dương rủ bến tiêu điều ven sông
    Lơ thơ rớt nhẹ men lòng
    Mây trời pha ráng lụa hồng giăng ngang
    Có thuyền viễn xứ Đà Giang
    Một lần dạt bến qua ngàn lau thưa
    Hò ơi, câu hát ngàn xưa
    Ngân lên trong một chiều mưa xứ người
    Đường về cố lý xa xôi
    Nhịp sầu lỡ bước tiếng đời hoang mang
    Sau mùa mưa gió phũ phàng
    Bến sông quay lại hướng làng nẻo xa
    Lệ nhoà như nước sông Đà
    Mái đầu sương tuyết lòng già mong con
    Chiều nay trời nhẹ xuống hồn
    Bao nhiêu sương khói chập chờn lên khơi
    Hai bờ sông cách biệt rồi
    Tần Yên đã nổi bốn trời đao binh
    Ngàn câu hát buổi quân hành
    Dặm trường vó ngựa đăng trình nẻo xưa
    Biết bao thương nhớ cho vừa
    Gửi về phương ấy mịt mờ quê hương
    Chiều nay trên bến muôn phương
    Có thuyền viễn xứ lên đường, lại đi.
    ******
    III. CA KHÚC THUYỀN VIỄN XỨ CỦA PHẠM DUY
    THUYỀN VIỄN XỨ
    Chiều nay, sương khói lên khơi
    Thùy dương, rũ bến tơi bời
    Làn mây hồng pha ráng trời
    Sóng Đà Giang, thuyền qua xứ người
    Thuyền ơi, viễn xứ xa xôi
    Một lần qua, dạt bến lau thưa
    Hò ơi, giọng hát thiên thu
    Suối nguồn xa vắng, chiều mưa ngàn về
    Nhìn về đường cố lý, cố lý xa xôi
    Đời nhịp sầu lỡ bước, bước hoang mang rồi
    Quay lại hướng làng, Đà Giang lệ ướt nồng
    Mẹ già ngồi im bóng, mái tóc tuyết sương, ôm con bạc lòng
    Chiều nay, gửi tới quê xưa
    Biết là bao thương nhớ cho vừa
    Trời cao chìm rơi xuống đời
    Biết là bao sầu trên xứ người
    Mịt mù, sương khói lên hương
    Lũ thùy dương rủ bóng ven sông
    Chiều nay trên bến muôn phương
    Có thuyền viễn xứ nhổ neo lên đường.
    ******
    III.1. SÓNG ĐÀ GIANG, THUYỀN QUA XỨ NGƯỜI
    Chiều nay, sương khói lên khơi
    Thùy dương, rũ bến tơi bời
    Làn mây hồng pha ráng trời
    Sóng Đà Giang, thuyền qua xứ người
    Buổi mang cảm giác mênh mang nhất, bâng khuâng nhất, thẫn thờ nhất trong một ngày, thường là buổi chiều về. Đó là lý do, trong văn chương, trong thi ca, người ta hay dùng khoảng thời gian lúc hoàng hôn xuống để tả cảnh, tả tình.
    Bởi thế cho nên, đoạn thơ xuất sắc nhất khi tả nỗi buồn của Kiều, là đoạn thơ mà Nguyễn Du cho nàng xuất hiện lúc chiều hôm, lúc mặt trời sắp lặn:
    Buồn trông cửa bể chiều hôm
    Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa
    Buồn trông ngọn nước mới sa
    Hoa trôi man mác biết là về đâu
    Buồn trông nội cỏ rầu rầu
    Chân mây mặt đất một màu xanh xanh
    Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
    Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.
    Và, Thuyền Viễn Xứ cũng không ngoại lệ. Thuyền Viễn Xứ mở đầu bằng câu, chiều nay, sương khói lên khơi, cả sương và khói, đã lên cao, đã mịt mùng, đã ngập trời vây kín.
    Và hàng thùy dương bên bến sông, chúng đương gập mình úa rũ xuống, trong tan tác, trong xác xơ, tàn tạ. Trông chúng mới tả tơi và buồn bã xiết bao.
    Phía cuối đường chân trời, lấp lóa chút mây hồng ửng lên trong ráng chiều muộn màng, níu kéo, như đang cùng với lớp sóng lô nhô của Đà giang, giúp thuyền tách bến, đưa kẻ sắp tha hương sang xứ người cho kịp.
    Giờ chia ly đã đến gần. Biết đến bao giờ mới trùng phùng, gặp lại!
    ******
    III.2. SUỐI NGUỒN XA VẮNG, CHIỀU MƯA NGÀN VỀ
    Thuyền ơi, viễn xứ xa xôi
    Một lần qua, dạt bến lau thưa
    Hò ơi, giọng hát thiên thu
    Suối nguồn xa vắng, chiều mưa ngàn về
    Sắp xa xôi rồi, sắp cách biệt rồi, ơi thuyền viễn xứ. Có phải lần đi này là lần đi mãi mãi, lần đi không hẹn ước ngày về. Bến thì chờ trong hoang vắng, hắt hiu, mà lách lau hai bên bờ thì đã trắng đầu phiêu bạt, biết còn có thể đợi được đến bao lâu.
    Văng vẳng trong chiều mưa, chiều mưa nước ngàn tuôn đổ từ suối nguồn, bỗng vọng lên giọng hát của ngàn năm, giọng hát của thiên thu. Đó có phải là tiếng hát của người mẹ trẻ bồng con thơ đứng đợi chồng trong ca khúc Hòn Vọng Phu của Lê Thương không, mà sao nức nở, mà sao tái tê đến thế: mà chờ người đi mất từ ngàn xưa / nàng đứng ôm con, xem chàng về hay chưa, về hay chưa.
    ******
    III.3. ĐỜI, NHỊP SẦU LỠ BƯỚC
    Nhìn về đường cố lý, cố lý xa xôi
    Đời nhịp sầu lỡ bước, bước hoang mang rồi
    Quay lại hướng làng, Đà Giang lệ ướt nồng
    Mẹ già ngồi im bóng, mái tóc tuyết sương, ôm con bạc lòng
    Cố lý giờ đây mới xa xôi, vời vợi làm sao. Mà đời thì toàn bước đi bằng nhịp sầu, nên đi chưa được bao nhiêu, đã mỏi mòn, nặng nhọc.
    Đời đã lỡ, đời đã trót bước vào nhịp sầu, với bao khó khăn, trắc trở, với bao mất mát, muộn phiền, nên loay hoay, nên hoang mang quá. Giờ, cần phải đi tiếp về đâu? Đi nốt về đâu?
    Trịnh Công Sơn cũng đã từng có lúc như thế, trong nỗi ưu phiền, ông buột lời than thở: chân đi nằng nặng hoang mang / ta nghe tịch lặng rơi nhanh / dưới khe im lìm.
    Ngó lại hướng làng, hướng Đà giang, người ra đi ướt nồng lệ mắt. Nỗi buồn biệt ly cứ thế mà dâng lên, không làm sao mà ngăn được, không làm sao mà dừng được.
    Trong bóng xế hoàng hôn héo úa, chợt hiện ra hình ảnh mẹ già ta, tóc đã bạc như sương, như tuyết, lặng lẽ, một mình, lưng mẹ còng xuống, đôi vòng tay mẹ như đang ôm lấy ta vào lòng thuở nào, bất chấp những lỗi lầm của ta, bất chấp những ngông cuồng của ta, bất chấp cả những hư hỏng của ta, mẹ bảo vệ ta, mẹ nâng niu ta, không trách hờn gì, mẹ chỉ im lặng đợi ta về.
    ******
    III.4. BIẾT LÀ BAO SẦU TRÊN XỨ NGƯỜI
    Chiều nay, gửi tới quê xưa
    Biết là bao thương nhớ cho vừa
    Trời cao chìm rơi xuống đời
    Biết là bao sầu trên xứ người
    Người đi, rồi cũng đã đi tới nơi.
    Chiều nay, nơi này, tâm hồn tôi, trái tim tôi, chỉ quanh quất với hai chữ “quê xưa”.
    Và tôi không biết phải nói sao cho đủ, cho hết, cho vừa với nỗi nhớ thương, đang ngập tràn trong lòng tôi.
    Nỗi thương nhớ quê xưa của tôi chất ngất lên cao bằng trời. Và nỗi sầu tôi, nỗi sầu của cô đơn, nỗi sầu của một mình, cũng tương đương, cũng ngang bằng nỗi nhớ. Nỗi sầu ấy kéo tôi chìm rơi xuống.
    Trời thì cao, và đất thì sâu. Nhớ thương bao nhiêu thì buồn sầu cũng bấy nhiêu, không kém!
    ******
    III.5. CÓ THUYỀN VIỄN XỨ, NHỔ NEO LÊN ĐƯỜNG
    Mịt mù, sương khói lên hương
    Lũ thùy dương rủ bóng ven sông
    Chiều nay trên bến muôn phương
    Có thuyền viễn xứ nhổ neo lên đường.
    Trước mặt, sau lưng, cả đường đi lẫn lối về, giờ đây, đều mịt mù sương khói.
    Vẫn chỉ một hình ảnh ấy, không khác, con sông, chiếc thuyền, và hàng liễu rũ nơi bến sông. Tất cả như một định mệnh, lênh đênh, trôi giạt.
    Có sinh tiếp tục vào cõi người này thêm bao lần nữa, thì cũng vẫn mãi một nỗi sầu ấy mà đeo mang, mà gánh gồng, mà chịu đựng - nỗi sầu viễn xứ.
    Cũng vẫn là chiều nay, ở tất cả các bến đời, những chiếc thuyền viễn xứ, lại lần lượt, cất nỗi buồn vào tim, gạt đi dòng lệ xót, mà nhổ neo.
    Lên đường.
    Con đường ly hương.
    ******
    IV. CHIỀU NAY, SƯƠNG KHÓI LÊN KHƠI
    Những năm gần đây, khi nói về Thuyền Viễn Xứ, bà Huyền Chi tâm sự, tôi buồn, mà viết nên bài đó vào khoảng những năm 51, 52, trước khi sông Gianh chia đôi đất nước. Vì bà nội tôi bệnh, ba má tôi phải trở ngược ra Bắc, nên gia đình chúng tôi, kẻ Bắc người Nam, phân ly tứ tán.
    Bà nói thêm, “Đà Giang” là do tôi tưởng tượng ra. Còn “cố lý” chỉ mang nghĩa là quê xa.
    Bà ngậm ngùi, tôi là người rất sợ hư danh. Thuyền Viễn Xứ của Phạm Duy ra đời, tôi biết, nhưng tôi vẫn im hơi lặng tiếng. Phạm Duy không tìm ra tôi, nên trên bản in của Thuyền Viễn Xứ ngày ấy, có một dòng ghi: Huyền Chi, cô ở đâu?
    Trong cuốn Huyền Chi Và Thuyền Viễn Xứ mới phát hành gần đây, bà ghi vào sách: Dù sao, tôi cũng nợ ông (Phạm Duy) một lời cám ơn, vì nếu không có nhạc ông, bài thơ của tôi cũng không còn được lưu giữ trong lòng nhiều người Việt Nam đến ngày hôm nay.
    ******
    V. THUYỀN ƠI, VIỄN XỨ XA XÔI
    Sinh thời, khi trả lời phỏng vấn của báo giới, Phạm Duy thường nói, các sáng tác của tôi, bài nào tôi cũng thích, nhưng trong đó, Thuyền Viễn Xứ là một trong những bài mà tôi thích nhất. Tiếc là tôi không gặp lại được tác giả bài thơ hay đó. Nó là kỷ niệm của một thời đất nước loạn ly, những kẻ xa quê, lòng luôn hướng về quê cha đất tổ.
    Trong Hồi Ký Phạm Duy (Tập 3, 2008), ông kể, tôi sáng tác trở lại vào giai đoạn cuối 1952, với các ca khúc Tình Hoài Hương, Tình Ca, Bà Mẹ Quê. [...] Phải sống bon chen với thực tại, thỉnh thoảng, tôi muốn sống với viễn mơ. Huyền Chi, một cô em bán vải ở chợ Bến Thành, đưa cho tôi phổ nhạc bài thơ Thuyền Viễn Xứ. Bài thơ này nói lên tâm trạng một người Bắc Việt phải rời bỏ bến Đà Giang để vào sinh sống tại miền Nam.
    ******
    VI. NHÌN VỀ ĐƯỜNG CỐ LÝ, CỐ LÝ XA XÔI
    Trong thơ, có lẽ vì Huyền Chi muốn giữ chắc vần điệu, nên đôi chỗ, thơ mang tiết điệu khá chậm, chưa thoát. Lời thơ tuy nhẹ nhàng, dịu dàng, nền nã, nhưng vì cẩn trọng khuôn khổ, và cả vì, quê hương miền Bắc chỉ trong trí tưởng tượng của bà, nên nỗi buồn ly hương chưa thành được những lát cắt, những lát cứa sâu vào trong trái tim người đọc.
    Nhưng mười tám tuổi, lại vào trong miền Nam từ rất sớm, miền Bắc chỉ là quê hương của ba má, ông bà, viết được bài thơ như Thuyền Viễn Xứ, tôi cho rằng, Huyền Chi là người giỏi thơ bẩm sinh, và là người có một tâm hồn thơ lai láng.
    Từ bài thơ lục bát có sáu khổ của Huyền Chi, Phạm Duy đã phổ thành một ca khúc rút gọn thành năm khổ.
    Trong từng khổ, ông vừa đảo chữ, cũng như bỏ bớt chữ của Huyền Chi, lại vừa thêm chữ của mình vào, nhưng ý chính của bài thơ Thuyền Viễn Xứ, vẫn được giữ nguyên vẹn.
    Và không thể không khen, các chữ được Phạm Duy thay vào, chúng đều được chọn lọc kỹ càng, nên không chỉ trau chuốt hơn, mang nhiều tính thơ hơn, mà nó còn lột tả được tâm tình của người sống xa quê hương, rất đỗi buồn và tràn đầy thương nhớ.
    Chữ của Phạm Duy không chỉ nhẹ như chữ thơ, mà thậm chí, còn nhẹ hơn cả thơ. Ví dụ như, ông thay “ngàn xưa” bằng “thiên thu”. Hoặc ông đưa hoàn toàn một cặp câu mới vào, vốn không có trong bài thơ, như “trời cao chìm rơi xuống đời / biết là bao sầu trên xứ người” là cũng đủ làm chết lặng hồn người nghe rồi, không cần phải thêm bất kỳ một kỹ thuật, hay thủ thuật nào nữa.
    Hoặc như câu “nhìn về đường cố lý, cố lý xa xôi” mà tôi đang lấy làm nhan đề cho bài viết này, hôm nay, Phạm Duy đã cố ý dùng biện pháp điệp cho từ “cố lý”, nhằm để nhấn mạnh, nhằm để tạo cảm xúc, nhằm tạo nên nỗi bồi hồi cho người nghe nhạc, khi được nghe đi nghe lại từ quê hương, cố hương, cố lý, nơi chôn nhau cắt rốn, nơi mình từng được sinh ra, và từng có những ngày bên gia đình, ấm êm, hạnh phúc.
    Nên, với nhận xét của riêng tôi, tuy mang tiếng là phổ thơ, nhưng Phạm Duy đã gần như viết một bài thơ hoàn toàn mới trong ca khúc Thuyền Viễn Xứ, dựa trên ý thơ của bà Huyền Chi.
    Việt Nam mình, không biết đã bao năm rồi nhỉ, vậy mà cho đến tận bây giờ, vẫn còn có những cuộc ly hương.
    Còn ly hương, là còn hoài hương.
    Còn ly hương, là còn những nỗi buồn vô hạn của kẻ ở người đi.
    Kẻ ở dõi đăm đăm theo bóng thuyền viễn xứ.
    Còn người đi thì ngoái lại, nhìn về:
    ĐƯỜNG CỐ LÝ, CỐ LÝ XA XÔI!
    Sài Gòn 07.07.2025
    Phạm Hiền Mây
     
  2. tuonglai

    tuonglai Lớp 6

    bài thơ "Thuyền viễn xứ" ý cảnh rất hay. Đặt vào thời xưa, cứ ngỡ Đào Duy Từ vượt qua định mệnh nghiệt ngã, đi vào Đằng Trong lập nghiệp.
    bài thơ đc ngâm và hát lên thật là hay.
     
    Samurai2017 thích bài này.
Moderators: Ban Tang Du Tử

Chia sẻ trang này