1. Click vào đây để xem chi tiết

Tản văn Mộng làm nhà thơ - Nguyễn Hưng Quốc

Thảo luận trong 'Tự Sáng tác' bắt đầu bởi Anan Két, 26/9/22.

Moderators: nhanjkl
  1. Anan Két

    Anan Két Lớp 8

    Tên sách: Mộng làm nhà thơ
    (Tập tiểu luận, tạp văn)
    Tác giả: Nguyễn Hưng Quốc
    Tổng hợp, tạo ebook: Bình An​

    Nguyễn Hưng Quốc, tên thật Nguyễn Ngọc Tuấn, sinh năm 1957 tại Quảng Nam, tốt nghiệp Cử nhân Ngữ Văn (Việt Nam) và Tiến sĩ văn học (Australia). Ông là một nhà phê bình văn học, hiện đang giảng dạy tại đại học Victoria, Úc.
    cover.png
    (Tên sách do người làm ebook tạm đặt theo bài tiểu luận đầu tiên)

    Cách đây khoảng 5 năm, tôi tình cờ đọc được bài viết “Mộng làm nhà thơ” của Nguyễn Hưng Quốc trên một diễn đàn và cảm thấy rất thích thú câu chuyện của tác giả. Sau đó, tôi tìm đọc thêm các bài viết chia sẻ về chuyện học văn – làm văn của ông và tổng hợp 15 bài tiểu luận tôi thấy ấn tượng nhất trong ebook này. Đọc các bài viết này, bạn sẽ có cảm giác như đang đối thoại với một người bạn vong niên, hoặc ít ra là chính bản thân mình của nhiều năm về sau. Tất nhiên sẽ có những chỗ bạn không hoàn toàn đồng tình với tác giả, điều đó là bình thường bởi suy cho cùng, chúng ta là những cá nhân khác nhau.
    ***​
    Tại sao có rất nhiều người giỏi văn thời phổ thông nhưng sau này lại không trở thành nhà văn:

    Hồi phổ thông, tôi không những đọc nhiều thơ, vô số thơ, mà còn làm thơ nữa. Những bài thơ đầu tay của tôi được các thầy cô giáo khen ngợi nồng nhiệt và mang đọc cho học sinh các lớp khác nghe.

    Trong phong trào Thơ Mới, tôi tâm đắc nhất với Thế Lữ. Ðọc, mê và... bắt chước. Bắt chước đến độ hình như bài thơ nào của tôi thời ấy cũng phả ra cái mùi của Thế Lữ.

    ...Càng về sau, đọc lại, tôi càng thấy những bài thơ từng làm mình ngất ngây và từng được thầy, cô cũng như bạn bè khen ngợi nhiệt liệt ấy, chỉ là những bài thơ sáo rỗng, nhạt nhẽo và lười biếng. Chúng chỉ ò e theo những khuôn nhịp đã có sẵn, những cảm xúc và những tư tưởng đã có sẵn. Tôi quyết định đem đốt tất cả các “thi phẩm” của mình. Ðốt sạch. Nghĩ thầm: mình không thực sự có tài về thơ. Và tự dặn dò mình: Ðừng làm thơ nữa, vô ích.

    (Trích: Mộng làm nhà thơ)

    Cách thiết kế chương trình môn Văn ở Việt Nam đã phù hợp chưa?

    Ở trung học, ít nhất là trung học phổ thông, kết cấu chương trình như sau: lớp 10 học văn học dân gian và văn học viết từ thế kỷ 10 đến khoảng thế kỷ 16; lớp 11, học văn học viết trong thế kỷ 18, 19 và nửa đầu thế kỷ 20 (cho đến năm 1945); lớp 12, tiếp tục học về văn học trong nửa đầu thế kỷ 20, sau đó, chuyển sang học về văn học “Cách mạng” từ 1945 đến 1975.

    Như là hậu quả của cách thiết kế chương trình ấy, cái gọi là chương trình Văn Học tại Việt Nam thực chất là Lịch Sử Văn Học.

    Xin lưu ý là ở các nước Tây phương hiện nay, việc dạy văn học không nhất thiết phải gắn liền với văn học sử. Ở đại học, chương trình được thiết kế chủ yếu theo chủ đề, và các chủ đề ấy không nhất thiết phải có quan hệ với nhau theo trình tự thời gian.

    Việc thiết kế chương trình văn học theo trình tự thời gian để văn học bị biến thành văn học sử là giải pháp lạc hậu và có nhiều khuyết điểm nhất.

    Khuyết điểm đầu tiên là học sinh và sinh viên bị đặt trong một tình trạng đầy nghịch lý: họ phải học cái xa trước và cái gần sau; cái khó trước và cái dễ sau. Có lẽ ai cũng đồng ý là, trừ một số ngoại lệ nào đó, với học sinh và sinh viên, một bài thơ của Xuân Diệu hay Nguyễn Bính hẳn nhiên là dễ hiểu và dễ cảm hơn một bài thơ của Tú Xương hay của Nguyễn Khuyến; và một bài thơ của Tú Xương hay của Nguyễn Khuyến hẳn nhiên là dễ hiểu và dễ cảm hơn một bài thơ Nôm của Nguyễn Trãi hay của Lê Thánh Tông, v.v...

    (Trích: Giáo dục: Cách thiết kế chương trình văn học ở Việt Nam)


    Nhà văn là ai?

    Trong bài này, tôi chọn một góc độ khác không kém thú vị nhưng lại thực tế hơn: nhà văn không là ai?

    Nhà văn không phải là nhà báo.

    Nhà báo đuổi theo các sự kiện, trong khi nhà văn đuổi theo cái đẹp. Với nhà báo, chữ nghĩa là phương tiện; với nhà văn, chữ nghĩa là cứu cánh. Tiêu chuẩn để đánh giá các nhà báo là tính chính xác và tính kịp thời, trong khi tiêu chuẩn chủ yếu để đánh giá một nhà văn là sự nhạy cảm và sự độc đáo. Sự khác biệt khá rõ ràng. Ít ai có thể lẫn lộn được.

    Có điều, ở Việt Nam thì khác. Ranh giới giữa nhà văn và nhà báo, cho đến nay, vẫn rất nhập nhằng. Đầu tiên là nhập nhằng về phương diện sinh hoạt: cả nhà văn lẫn nhà báo đều sử dụng một sân chơi chung: các tờ báo. Hậu quả của điều này là sự nhập nhằng trong phong cách viết lách của nhà văn và của nhà báo: khi viết báo, người ta vẫn thích chút văn vẻ sang cả của văn chương, và khi làm văn chương thật, người ta lại không dứt bỏ được thói vội vàng đến cẩu thả của những người đưa tin. Từ hai sự nhập nhằng trên dẫn đến sự nhập nhằng khác, nhập nhằng trong danh xưng: không hiếm người làm báo, hoàn toàn làm báo, thích mạo nhận là nhà văn và hay lẩn quẩn vào sân chơi văn chương để giành ghế của người này và đòi cụng ly với người khác.

    (Trích: Nhà văn không phải là nhà báo và cán bộ!)

    Nhà văn không phải là nhà giáo.

    Nhìn chung, những nhà văn xuất thân từ hoặc kiêm nhiệm nghề dạy học chiếm tỉ lệ khá cao trong giới cầm bút.

    Đối với nghề dạy học, một trong những yêu cầu quan trọng nhất là phải làm sao cho học trò hiểu vấn đề. Muốn thế, thầy/cô giáo phải giảng. Rất tiếc, không ít người đem cả thói quen diễn giảng ấy vào văn chương. Trong bài viết của họ, mỗi câu văn phải cõng trên lưng nó năm bảy câu giải thích. Theo tôi, để văn chương hàm súc và ý vị, nhà văn phải viết trong giả thiết là người đọc của mình là những người cực kỳ thông minh và uyên bác: hắn không cần phải viết những gì, thứ nhất, độc giả có thể đã biết rồi; thứ hai, độc giả có thể chưa biết nhưng có thể tìm hiểu ở những nguồn tài liệu khác.

    (Trích: Nhà văn không là nhà giáo!)


    Tại sao có những nhà thơ tiên phong của một phong trào lại không thể chấp nhận sự đổi mới của phong trào kế nó?

    Với tư cách là người đọc, mỗi người trong chúng ta luôn luôn là những đứa con rơi của vô số những tác giả chúng ta đọc từ thuở còn niên thiếu. Những tác giả ấy, qua tác phẩm của họ, đã dần dần hun đúc khiếu thẩm mỹ của chúng ta; định hình cách nghĩ và cách cảm của chúng ta. Bởi vậy, tự bản chất, mỗi người trong chúng ta bao giờ cũng lạc hậu hơn một chút so với nền văn học đích thực vào thời đại chúng ta đang sống.

    Hệ quả là, với tư cách là người đọc, bao giờ chúng ta cũng dễ đồng cảm với những dòng văn học đã qua hơn là dòng văn học đương đại; với tư cách là người viết, một người, suốt thời trung học, cứ ngâm nga thơ Xuân Diệu hay thơ Nguyễn Bính mãi, đến lúc cầm bút, những câu thơ “vụt hiện” đầu tiên thường có nguy cơ dính đầy nước dãi của Xuân Diệu và Nguyễn Bính.

    Để sáng tạo, nhiệm vụ của một nhà thơ không phải là nâng niu những câu thơ ấy, mà phải chống lại chính bản thân mình, phải tái tạo chính mình.

    Có một bài học cực kỳ quan trọng, nhưng tiếc, đến nay, hình như chưa ai nhắc đến: có những kẻ tiên phong ở giai đoạn trước lại biến thành bảo thủ ở giai đoạn sau.

    Trước năm 1930, trong làng thơ Việt Nam, không ai giàu óc sáng tạo bằng Tản Đà, nhưng khi phong trào Thơ Mới xuất hiện, Tản Đà lại hoàn toàn hờ hững, không hề cảm được cái hay và cái mới của Thơ Mới (tương tự như Xuân Diệu sau này).

    Không phải Tản Đà hay Xuân Diệu đố kỵ những tài năng đi sau mình.

    Lý do, theo tôi, phức tạp hơn nhiều: họ là tù nhân của cái mới do họ sáng tạo ra. Những cái mới ấy đã định nghĩa lại thơ và họ cứ tưởng cái định nghĩa ấy là một định nghĩa vĩnh cửu về thơ, từ đó, họ xem chỉ những gì phù hợp với định nghĩa của họ là thơ; còn lại, tất cả những nỗ lực làm mới khác đều bị xem là nhảm nhí.

    (Trích: Nghĩ về viết lách: Viết là tự hủy diệt)
     

    Các file đính kèm:

Moderators: nhanjkl

Chia sẻ trang này