Kinh điển Lolita - Vladimir Nabokov <Dương Tường dịch>

Thảo luận trong 'Tủ sách Văn học nước ngoài' bắt đầu bởi serinleo1991, 7/10/13.

  1. serinleo1991

    serinleo1991 Lớp 2

    Lolita
    Tác giả: Vladimir Nabokov
    Dịch giả: Dương Tường
    Nhà xuất bản Hội Nhà Văn
    Nhà phát hành: Nhã Nam
    lolita_hieudinh.jpg
    Lolita là tiểu thuyết của Vladimir Nabokov. Tiểu thuyết được viết bằng tiếng Anh và được xuất bản vào năm 1955 ở Paris, sau đó được chính tác giả dịch ra tiếng Nga và được xuất bản vào năm 1967 ở New York. Tiểu thuyết nổi tiếng cả ở phong cách mới lạ lẫn nội dung gây ra các tranh cãi do nhân vật chính của tiểu thuyết tên Humbert Humbert, một người khá nhiều tuổi có sự ám ảnh về tình dục với một cô gái mười hai tuổi tên Dolores Haze.
    Sau khi được xuất bản, tiểu thuyết trở thành một tác phẩm kinh điển và là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất và gây ra nhiều tranh cãi nhất trong nền văn chương thế kỷ 20. Cái tên "Lolita" đã đi vào văn hoá phổ thông như là một từ để mô tả cô gái trẻ phát triển sớm về giới tính.

    File PDF SCAN (đính kèm ở dưới)

    ________________
    Các định dạng khác (epub, azw3):

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
     

    Các file đính kèm:

    Last edited by a moderator: 26/2/23
  2. otinka

    otinka Mầm non

    "Lolita" qua bản dịch của chị Hà Đỗ (Haze Dolores):
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Lời giải thích của người post:

    Chắc một số bạn yêu văn học đã biết đến vụ tranh luận liên quan đến việc dịch giả Dương Tường dịch sai, “đạo” chú thích Lolita trong thời gian vừa qua. Người phản biện trực tiếp các lỗi sai của cụ Dương Tường là chị Haze Dolores (nick facebook). Chị đã viết rất nhiều bài chỉ ra các lỗi sai của cụ Dương Tường và đã dịch lại hoàn toàn tác phẩm khó này, một việc có thể nói là “Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” bởi vì bản quyền đã bị Nhã Nam mua đứt. Như các thành viên TVE đều hiểu, dịch và phát tán như thế này thực chất là vi phạm luật bản quyền. Người dịch chỉ làm vì niềm đam mê với tác phẩm chứ không được lợi lộc gì.

    Dù đây là bản "dịch lậu", nhưng rất nhiều người đọc, trong đó có mình, nghĩ rằng độc giả có quyền tiếp cận với một bản dịch tốt và đúng, nhất là trong hoàn cảnh Nhã Nam chưa tỏ ra có trách nhiệm gì trước việc tác phẩm bị dịch “sai hàng ngàn lỗi” thế này. Một số bạn có thể phản ứng với cụm từ “sai hàng ngàn lỗi”, cho rằng mình nói quá, cũng như nhiều người đã phản ứng với Haze khi chị chê trách dịch giả Dương Tường rất mạnh mẽ, cho rằng Haze không tôn trọng người lớn tuổi. Có lẽ ngôn ngữ của chị có một chút mỉa mai cay độc khiến người ta phải tức khí chăng? Nhưng mình là người đã theo dõi những bài phân tích của Haze qua FB của anh Gaup – cũng là một người rất giỏi ngoại ngữ và biên phiên dịch* - thì mình nghĩ rằng chị Haze không hề nói quá về chất lượng bản dịch của Dương Tường. Chưa kể cụ còn đạo văn cuốn chú thích Lolita và lên báo tự nhận công sức tìm tòi chú thích là của mình. Điều này làm mình rất thất vọng, bởi vì mình từng rất ngưỡng mộ cụ bắt đầu từ khi đọc “Cuốn Theo Chiều Gió” do cụ dịch. Nhưng thời nay, internet ở khắp mọi nơi và nếu dịch giả không cố gắng, không trung thực, sớm muộn gì người đọc cũng nhận ra.

    Mình post đường link blog của chị Haze ở đây với mong muốn các bạn có thể đọc và cảm nhận sự khác biệt giữa 2 bản dịch.

    *Note: anh Gaup có một bài viết rất giá trị chừng 10 năm trước là “Học, đọc, viết như thế nào” liên quan đến việc học ngoại ngữ (Gaup bỏ dở phần cuối là “Viết”, nhưng thế cũng đủ). Bạn nào quan tâm có thể tìm lại trên mạng.


    Lời giới thiệu của anh Gaupvn trên FB:

    Một người bạn lâu năm của mình là chị Haze đã bỏ ra hai năm để hoàn thành bản dịch cuốn Lolita mà trước đây cụ Dương Tường đã dịch và Nhã Nam đã xuất bản nhưng như chị Haze đã chỉ ra bản dịch của cụ Dương Tường có hàng nghìn lỗi sai.

    Chị Haze đã tham khảo bản tiếng Anh, tiếng Nga, và nhờ các bạn bè giúp tham khảo cả các bản tiếng Trung, Pháp. Chị đã bỏ rất nhiều công sức và thời gian để hoàn thành bản dịch này và mình tin rằng đây là bản dịch tiếng Việt tốt nhất trong hàng chục năm tới nếu không nói là sẽ không bao giờ có bản dịch tiếng Việt nào tốt hơn bản dịch này. Người đặc biệt như chị Haze vừa có tài lại vừa có đam mê lại có đủ điều kiện để bỏ 2 năm cuộc đời ra làm việc vác tù và hàng tổng hiếm có lắm, chắc là chỉ có một mình chị. Tuy thế là người khiêm tốn chị không cho rằng bản dịch của chị là không có lỗi và luôn mong người đọc tinh mắt để ý và thông báo cho chị biết về các lỗi nếu họ thấy để giúp cho việc chỉnh sửa về sau.

    Vấn đề bây giờ là quyền dịch và xuất bản Lolita sang tiếng Việt hình như đã được bán đứt cho Nhã Nam và vì thế con đường xuất bản chính thức của bản dịch tuyệt vời tốt nhất hiện tại này là không thông. Chị Haze đã quyết định sẽ để kệ mình quyết định và mình sẽ xuất bản bản dịch qua đường vui là chính. Mình ủng hộ chị bằng cách đặt mua 100 bản đặc biệt, đóng bằng tay, có chữ ký của chị và mình sẽ tặng 90 bản cho các bạn trong friendlist của mình.

    Rất mong các bản sách sẽ về với những người chủ thực sự quan tâm, sẽ đọc, và nâng niu quý mến cuốn sách để xứng công chị Haze dành thời gian làm việc công ích miễn phí cũng như mình đưa sách gửi tặng bạn bè.

    Bạn nào quan tâm nhận sách xin để lại tên ở đây. Nếu có nhiều hơn 90 bạn mình sẽ để Excel lựa chọn ngẫu nhiên. Sách sẽ được chuyển đến tận tay các bạn ở Việt Nam. Bạn nào ở nước ngoài khi có sách mình sẽ liên hệ để xem chuyển cách nào đến bạn là nhanh và đỡ tốn kém nhất.

    Cảm ơn sự ủng hộ của các bạn.

    Đây là bản mềm của bản dịch của chị Hà Đỗ (Haze Dolores) - cảm ơn gợi ý của Cửa Sổ Gỗ.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
     
    nnt, sidaoi, ai0ia and 7 others like this.
  3. otinka

    otinka Mầm non

    Mình đã định nói từ post trước nhưng thấy lạc đề nên thôi: Khi dẫn cái link này mình không có ý dìm hàng cụ Dương Tường theo kiểu chơi xấu. Mình không phải là bạn của Haze, không tư thù gì với Nhã Nam, không định marketing cho ai, thậm chí chỉ là một follower đăng ký vào FB của Gaupvn do thích những bài bình luận chất lượng của anh này, và biết đến những bài viết của chị Haze qua đó. Mình nói trước vậy, vì rất ghét bị hiểu lầm.

    Quay lại chuyện bản dịch Lolita của Dương Tường. Đúng là trong nhiều trường hợp, khó mà nói văn ai dịch hay hơn ai vì mỗi người có phong cách khác nhau. Nhưng với Lolita thì đúng sai khá rõ ràng, vì:

    (Trích FB Gaup) Lolita không phải là một tác phẩm thường nên việc dịch nó không đơn giản chỉ là truyền tải các cảm nhận khác nhau về văn chương. Lolita là hàng ngàn câu đố đan xen với nhau, trang nào cũng nhiều thách thức đòi hỏi trình độ hiểu biết cao về lịch sử và tôn giáo phương Tây, các tích, các câu đố, các mật mã bằng từ và hình ảnh - chính vì thế người dịch Lolita là chuyên gia giải mật và phá mã - chính vì thế người dịch văn chương không dù giỏi đến đâu cũng không chắc chắn thành công với Lolita.

    […]

    Cụ Dương Tường giải mã sai liên tục, rất nhiều lần trong từng trang, thành ra hàng ngàn lỗi rất nhanh.


    Những lỗi mà Haze chỉ ra trong bản dịch của cụ Dương Tường đều được phân tích thấu đáo và thuyết phục, không biết bạn đã đọc chưa và bạn có thể phản biện lại nó không? Nếu không, mong bạn đừng nói theo kiểu mơ hồ “Làm sao đảm bảo cách hiểu nào là đúng, là hay nhất?”

    Ngoài ra, cả bài phản hồi của bạn mang nặng cảm tính, xuê xoa. Ví dụ như những câu “Ông làm vậy để được gì? Hai năm ròng, tiền nhuận bút chỉ 23 triệu...” Đó là thủ thuật khiến người đọc thương cảm, đồng tình chứ đâu phải là tranh luận? Nếu bạn định nói rằng Dương Tường là người tâm huyết với tác phẩm này, có công giới thiệu nó và lấy đó làm công lao để che đi lỗi sai thì bạn lại càng sai. Tâm huyết đến mấy mà cho ra một đứa con dở thì chỉ có thể nói là năng lực không đủ mà vẫn cố làm. Không có lợi ích gì với người đọc. Nếu bạn mua phải 1 món hàng kém chất lượng do một công ty nhập khẩu rất nổi tiếng nhập về, bạn có hài lòng không hay là bạn phải khen công ty đấy đã có công giới thiệu mặt hàng mới cho người tiêu dùng biết đến?

    Trong khi gán cho cụ Dương Tường những công lao đẹp đẽ trong việc mở mang kiến thức cho người đọc, bạn lại tự cho mình cái quyền được phán định động cơ và kiến thức của người khác: “… Nếu không có Dương Tường chắc gì Haze Dolores đã bỏ công tìm lỗi và dịch lại từ đầu với mong muốn rất cao cả là mang bản dịch tốt nhất đến cho độc giả Việt Nam.”

    Mình chỉ muốn nói, bạn không biết người ta là ai thì đừng tranh luận theo cách tấn công cá nhân như thế. Mình đã đọc bài của Haze giải thích tại sao chị yêu và theo đuổi các tác phẩm của Nabokov, nhưng mình chưa bao giờ lấy điều đó ra để nâng tầm của Haze cả. Những gì mình nói đều giới hạn trong phạm vi bản dịch sách và không nhằm phủ định "cả cuộc đời cống hiến cho văn chương" của Dương Tường.

    Nếu điều gì khiến mình thất vọng với Dương Tường, thì đó là việc cụ đã sử dụng chú thích Lolita từ sách khác và lên mặt báo nói đó là công lao nghiên cứu của mình. Không rõ thực cụ nói hay bọn bồi bút nhét chữ vào miệng cụ, nhưng bài báo là có thực. Mình thất vọng với cụ về điểm đó, vì mình từng rất kính trọng cụ với tư cách "lão làng" của làng dịch Việt Nam.
     
    Chỉnh sửa cuối: 22/1/14
    sidaoi, utitgg, cua.nhung.24 and 3 others like this.
  4. QuangHai

    QuangHai Lớp 2

    Việc dịch sai là chuyện thường bởi ngay cả tiếng Việt mỗi người còn hiểu một cách nữa mà. Ai đã dịch rồi đều rõ rằng việc đối chiếu vào một bản dịch đã có sẵn để chỉ ra chỗ sai và để sửa cho hay hơn dễ hơn vô số lần so với việc tự tay dịch từ nguyên bản.
    Nếu đã là người bỏ công và yêu thích việc dịch đều hiểu điều này và càng trân trọng và bao dung với những chỗ sai của người khác.
    Còn việc tham khảo sách để làm chú thích thì trước giờ vẫn vậy. Chả có ai tự nhiên kiến thức, thông tin từ trên trời rơi xuống đầu mình để rồi nói rằng chú thích đó là hoàn toàn và chỉ là của tôi.
    Tuy nhiên ở Việt nam mình còn chưa có "văn hóa trích dẫn và ghi xuất xứ". Nếu giờ bạn giở cả nghìn cuốn sách cũng sẽ thấy 2 loại chú thích: của tác giả và của người dịch. Của người dịch ở đây phải mặc nhiên được hiểu là "của người dịch sau khi tham khảo nhiều nguồn thông tin". Nếu hiểu và thông cảm một cách thiện chí như vậy thì việc cụ Dương Từờng tham khảo, và DỊCH chú thích đó ra tiếng Việt rồi nói rằng đó là chú thích của mình cũng chẳng có gì to tát để mà ầm ầm mạt sát người già và sổ toẹt những đóng góp và niềm vui mình nhận được từ các trang dịch của cụ suốt bao năm qua.
     
  5. bookworm

    bookworm Lớp 1

    Vốn chỉ là trò chuyện lúc trà dư tửu hậu, không hề có ý định to tát là tranh luận hay làm cho bạn thay đổi suy nghĩ. Đúng là tôi ngưỡng mộ cụ Dương Tường, nhưng tôi không hề có ý định công kích cá nhân ai, bởi lẽ tôi có biết Haze là ai đâu, công kích người này tôi cũng có được lợi ích gì. Thành ra khi đọc bài post của bạn theo kiểu trích dẫn từng lời rồi phản biện, tôi biết sẽ chẳng đi đến đâu nên thành ra xóa bài post trước và cả bài post trả lời bạn vào tối qua để tránh thêm phiền phức không đáng có. Hình như bạn chỉ biết mỗi Dương Tường của Cuốn theo chiều gió mà không biết có cả Dương Tường của Đồi gió hú, Phố của những cửa hiệu u tối hay Kafka bên bờ biển,... Việc bạn so sánh cụ Dương Tường dịch Lolita như công ty tung ra sản phẩm mới là khập khiễng, bởi lẽ công ty tung ra sản phẩm, họ sẵn sàng nói quá, nói tốt cho sản phẩm của mình mà thu lợi nhuận, còn ông Dương Tường như đứng mũi chịu sào mà chuốc lấy phiền hà. 23 triệu trong 2 năm trời miệt mài thì chả thấm vào đâu. Bạn có mua sách, tiền bạn bỏ ra cũng có tới tay ông đâu. Gọi ông là thảm họa dịch thuật thì quả là oan cho ông quá. Đứa con tinh thần của ông có ích lắm chứ. Đâu phải là ông dịch ẩu.

    Tôi đã xem những lỗi sai do Haze dịch ra, nói tôi cảm tính xuê xoa cũng được, nhưng quả thật lỗi do Haze đặt ra là không đáng. Haze quá nghiêm khắc và cầu toàn. Haze có thể giỏi tiếng Anh, nhưng tiếng Việt vẫn còn thua ông Dương Tường rất nhiều. Và nếu cứ lập luận theo kiểu như Haze thì bói thế nào cũng ra lỗi thôi. Ngay từ chỗ "in one sock", khi ông Dương Tường dịch là "chân đi độc một chiếc tất" và bị Haze phê bình là "hết sức tầm thường và tục tĩu!", sau đó dịch lại thành "đi một chiếc tất", thì tôi cũng chả biết là cách dịch đó thanh cao hơn chỗ nào.

    "Initial Girl-Child" dịch theo ông Dương Tường là "cô bé đầu tiên", Haze cho là "sai hoàn toàn" và dịch lại thành "cô bé khởi thủy" ?? Bắt từng câu, từng chữ nghĩa như thế thì chịu thôi.

    "You can always count on a murderer for a fancy prose style", ông Dương Tường dịch là "Một tên sát nhân bao giờ cũng sẵn văn phong cầu kỳ, quí vị có thể tin thế", còn Haze, trong khi nêu rõ "dịch sát từng chữ là cách tốt nhất để dịch sai hoàn toàn" đã bám vào chữ "count on" có nghĩa là "tin cậy, phụ thuộc" mà sửa thành "Quý vị có thể luôn luôn trông vào kẻ giết người về cách trình bày màu mè." Câu của ông Dương Tường, theo chủ quan của tôi, về ý nghĩa vẫn đúng với câu gốc và thực sự là hay hơn và hợp với văn phong Việt hơn Haze.

    "About as many years before Lolita was born as my age was that summer" , ông Dương Tường dịch thành "Khoảng ngần ấy năm trước khi Lolita ra đời, và cũng bằng số tuổi của tôi mùa hè ấy". Theo tôi, câu này không có vấn đề nhưng, Haze cho là "Một câu văn hoàn toàn ngớ ngẩn, không có một chút logic nào ở trong!". Thế thì hơi quá lời rồi!. Haze dịch lại thành "Áng chừng bao nhiêu năm trước lúc Lolita ra đời thì bấy nhiêu năm cũng là tuổi của tôi mùa hè ấy" Cũng chẳng khá hơn là bao!

    Nói chung dịch hay cảm thụ bản dịch đều là cái chủ quan của người dịch, người đọc. Bạn có thể nhận xét tốt bản dịch của Haze còn tôi lại thích bản dịch của ông Dương Tường. Đã là chủ quan thì sẽ chả ai đi đến đâu hết. Dịch là phản. Đọc bản dịch là tiếp nhận tác phẩm qua lăng kính người dịch. Bản dịch có tốt cách mấy cũng không thể chuyển tải hoàn toàn cái không khí của bản gốc. Tìm đọc được bản gốc là một điều tốt, nhưng mấy ai có đủ điều kiện để làm được. Cái công lao của cụ Dương Tường là đã bắc cầu cho người đọc tiếp cận với một tác phẩm lớn như thế. Người đọc có thể tiếp nhận hay từ chối, vừa lòng hay không vừa lòng cũng không nên sổ toẹt tâm huyết của ông. Chỉ có vậy thôi. Chúc bạn vui vẻ.
     
    Chỉnh sửa cuối: 23/1/14
    TRANSANG, Rakepl, sidaoi and 26 others like this.
  6. Creed

    Creed Mầm non

    Trước giờ tôi chỉ đọc trọn vẹn bản dịch Lolita của Dương Tường, chưa đủ kiên nhẫn đọc hết nguyên bản của tác giả Nabokov. Tôi cũng chả có thời gian để biết Haze Dolores và bản dịch của chị ta ra sao. Không rõ những lỗi sai khác như thế nào; nhưng nếu chỉ xét trên bốn trích dẫn ở trên của bạn bookworm với sự phê bình và dịch lại của Haze thì ý kiến của tôi là không thuyết phục. Việc dịch sai cũng không có gì lạ, thế nhưng còn tùy vào từng người mà có những cách hiểu khác nhau về cái sai ấy, và có khi cũng chưa hẳn đã là sai. Ngôn từ đa dạng, với tôi chỉ xét riêng về mặt dịch thuật thì Lolita của Dương Tường đã là một thành công.
     
  7. otinka

    otinka Mầm non

    Bạn thấy đấy, mình cũng có biết Haze là ai đâu.:) Trên FB của Gaup thì những bài của Haze trước giờ tập trung vào các bằng chứng cho thấy DT dịch sai, mà mình cũng chỉ đọc những cái đó. Có lẽ gần đây vụ này nóng lên, bắt đầu chia phe chia phái cãi nhau thì ngôn ngữ mạt sát mỉa mai của hai bên mới theo đó tăng lên.

    Nhưng cũng nên nói rõ, cái sự mỉa mai đó bắt nguồn từ việc Haze và những người ủng hộ Haze không tin ở đạo đức nghề nghiệp của DT, bắt đầu từ việc DT lên báo khoe công chú thích sách và một số chuyện khác. Ngược với mấy bạn ở đây vẫn tin ở tư cách nghề nghiệp và tâm huyết của ông. Xuất phát điểm lòng tin khác nhau thành ra các bạn ko chấp nhận nổi thái độ của nhau cũng chả có gì là lạ. Đại khái là một bên nghĩ "tại sao lại phải ăn nói khép nép với một người vừa dốt vừa đạo văn vừa khoe khoang chỉ vì người đó già cả có bề dày thành tích", một bên thì "không thể chấp nhận nổi thái độ xỉ nhục người lớn tuổi như vậy..."

    Nhân tiện nói luôn, mình có quan điểm hoàn toàn ngược với Gaup trong vụ Huyền chip, nhưng mà thôi chuyện nào ra chuyện đấy.

    @bookworm: trích dẫn tưngf lời rồi phản biện là khi cắt câu ra khỏi ý chính rồi xoáy vào đấy theo hướng có lợi cho mình, khiến cuộc tranh luận lạc đề. Như thế mới là nguỵ biện. Còn mình tóm tắt ý lớn của bạn rồi lọc ra 1 vài câu làm dẫn chứng đàng hoàng. Ở bài viết đó mình muốn nói là bạn xuê xoa, cảm tính, lấy công che lỗi, và điều này mình vẫn giũ nguyên quan điểm. Còn việc công kích Haze thì mình đã đọc lại và thấy quả thật bạn không có ý đó.

    Về hình ảnh so sánh công ty nhập hàng, bạn nói so sánh đó khập khiễng vì mục đích của công ty và của dịch giả khác nhau. Điều đó chẳng có giá trị gì trong quan hệ so sánh này, vì cái cốt lõi ơr đây là: sản phẩm. Một cuốn sách dịch cũng là một sản phẩm, và sản phẩm tồi thì người dùng có quyền lên tiếng. Còn ý của bạn trong post đầu, nếu mình hiểu đúng, thì nó là: hãy chấp nhận đi, hài lòng đi, biết ơn đi, vì sản phẩm đó cũng không tệ lắm đâu, và nếu không có ông XYZ thì người tiêu dùng sẽ không được tiếp cận dòng sản phẩm đó ở thị trường Việt Nam. Không biết mình có hiểu đúng ý bạn không?

    Nếu bạn bình tâm mà nhìn nhận lại lập luận của cả 2 bên ủng hộ và phản đối trong cuộc tranh luận này, bạn sẽ thấy điểm cốt lõi vẫn là chất lượng của bản dịch. Nó tạo nên thái độ của mỗi bên đối với dịch giả. Bạn đã nêu lên mấy ví dụ cho thấy Haze bắt bẻ Dương Tường quá chặt, mình công nhận. Nhưng mình có thể chỉ ra cho bạn rất nhiều lỗi mà trong đó, Dương Tường hiểu sai dịch sai chứ ko chỉ là cách hành văn. Bản thân cách hành văn cũng là một vấn đề. Văn Nabokov trúc trắc và đầy những ẩn ý, những lối chơi chữ, nên việc Dương Tường gạt bỏ hết, dù nhằm mục đích cho bản dịch dễ hiểu hơn, cũng không được đánh giá cao.

    Mình hiện không có máy tính nên cắt copy trích dẫn ko tiện, chỉ toàn viết chung chung nên tạm thời dưngf ở đây, lần sau trả lời tiếp.:)

    @QuangHai: cái vụ chú thích này không đơn giản là mấy cái chú thích chung chung dễ dàng đâu bạn ạ. Cả một cuốn sách nghiên cứu của người ta đấy. Đeer bữa nào mình tìm lại bài viết đó cho bạn xem.
     
    sidaoi and cua.nhung.24 like this.
  8. bookworm

    bookworm Lớp 1

    Bạn thân mến ơi, tôi không phê phán cách lập luận của bạn. Tôi chỉ muốn nói rằng mình chỉ tiện thể góp ý vài câu cho vui, nhưng bạn phản biện cả một bài rất dài, và cách lập luận của bạn chứng tỏ là bạn rất "aggressive". Khi phân tích sự khác nhau giữa phe của Haze và phe còn lại, tôi tạm hiểu là bạn đứng về phe Haze và cho rằng ông Dương Tường "vừa dốt vừa đạo văn vừa khoe khoang". Và khi tôi vào facebook của Gaupvn cũng như Haze Dolores thì có lẽ tôi thuộc nhóm "fan khùng" của ông Dương Tường vì ông này bị những người đó cho là "thằng ăn cắp" "lão già dốt nát" "ngu dốt" "đạo văn" "lừa đảo" "háu danh"... Chắc tôi thuộc một thế hệ khác nên khi đọc những dòng này thấy sốc và đau lòng kinh khủng. Họ là những người có IQ cao như chính bản thân họ tự nhận, nhưng lời nói thì xin phép nói thẳng là hợm hĩnh và vô cùng thiếu văn hóa.

    Bạn nói cái khập khiễng mà tôi chỉ ra khi so sánh giữa mục đích của công ty nhập hàng và ông Dương Tường dịch Lolita là "chẳng có giá trị gì trong quan hệ so sánh này". Nó khác chứ, khác nhau ở cái tâm của người làm ra sản phẩm. Nhưng nếu bạn thấy nó cũng lại không có giá trị gì thì tôi chịu. Thời đại kinh tế thị trường mà, cái gì quy ra tiền được thì cứ quy ra cho nó dễ hình dung. Chuyện ông Dương Tường lấy chú thích từ một công trình khác thì bạn QuangHai đã chỉ rõ, tôi chỉ muốn thêm vào cái mục đích của ông Dương Tường là tránh cho người đọc vấp váp khi đọc Lolita. Cái nguồn ông lấy tất phải là nguồn có chất lượng. Xin lỗi, nhưng tôi chỉ thấy cái chu đáo của ông thôi.

    Nói tóm lại có nói thêm cũng không có ích gì. Tôi có nhiều việc ý nghĩa hơn để làm. Cáo lỗi. À, tôi xin quote lại một bài viết trong blog của Nhị Linh

     
  9. giaitich

    giaitich Lớp 10

    Trước đây tôi cứ nghĩ dịch một tác phẩm nước ngoài (ra tiếng Việt chẳng hạn) thì phải giỏi ngôn ngữ của tác phẩm đó. Bây giờ thì nghiệm ra rằng, không những thế, bạn cần phải rất (rất) giỏi tiếng Việt nữa. Đọc sơ những câu trích bạn bookworm dẫn trên ở bản dịch của chị Haze, tôi không rõ chị ấy có giỏi tiếng Anh hay không, nhưng thấy ngay là chị rất (rất) dở tiếng Việt. Có thể nói dịch cứ như Google. Và tôi cũng đồng tình với bookworm: "hợm hĩnh, vô cùng thiếu văn hóa", và thêm: "vô đạo đức". Thật lạ cho hai chữ Thiên Lương.
     
  10. hi_iamcoming

    hi_iamcoming Mầm non

    Haha, cái chủ đề này kéo dài bao nhiêu page từ webtretho, bây giờ lại sang cả e-thuvien nhà mình. Đọc cái đoạn " đây là bản dịch tốt nhất trong hàng chục năm tới nếu không nói không có bản dịch nào tốt hơn thế này" làm mình suýt phun nước ra bàn phím. Chưa đánh giá bản dịch của Thiên Lương vs bản dịch của DT ai hay hơn, nhưng cái hành động đi hết forum này đến forum khác để dìm hàng, mạt sát cụ DT nhằm nâng bản dịch của mình lên, nói thật mình thấy ghê tởm.
    À, quay trở lại với 2 bản dịch. Chả biết TL bám sát nguyên gốc của Lolita thế nào, chứ mình thấy dù có edit bao nhiêu lần vẫn ngô nghê một cách khủng khiếp, anh / chị TL ạ. Ví dụ một đoạn trích trong chương II:
    Thiên Lương dịch:
    Tôi sinh năm 1910 ở Paris. Cha tôi là người lịch thiệp, phóng khoáng, món salad gen đa chủng tộc: công dân Thụy Sĩ, gốc gác pha trộn Pháp và Áo, hoà chút dòng Danube chảy trong huyết mạch. Tôi sẽ phân phát ngay bây giờ vài bức bưu ảnh tuyệt đẹp màu xanh láng bóng. Cha tôi sở hữu một khách sạn sang trọng ở Riviera. Cha và hai ông của cha tôi buôn rượu vang, đồ trang sức và tơ lụa, theo thứ tự tương ứng. Năm ba mươi tuổi, ông cưới cô gái người Anh, con gái nhà leo núi Jerome Dunn và cháu gái hai mục sư vùng Dorset, chuyên gia về những đề tài ít ai biết đến — cổ thổ nhưỡng học và đàn phong hạc, theo thứ tự tương ứng. Người mẹ rất ăn ảnh của tôi đã chết trong tai nạn dị thường (dã ngoại, sét đánh) khi tôi mới lên ba. Ngoại trừ chút hơi ấm vương vấn nơi ngõ cụt nào đó trong quá khứ tối tăm, không chút gì về bà còn đọng lại ở các miền nông sâu của thung lũng ký ức, nơi mà, nếu quý vị còn chịu đựng được văn phong của tôi (tôi đang viết dưới sự giám sát), mặt trời tuổi thơ tôi đã lặn: chắc chắn tất cả quí vị đều biết những dư hương thơm ngát ấy của ngày vẫn lơ lửng, cùng đám muỗi mắt, quanh hàng giậu nở hoa nào đó hoặc bất chợt bị khách lãng du bước vào và đi xuyên qua, dưới chân đồi, trong nhập nhoạng chiều hè; hơi ấm chăn lông, đám muỗi ánh vàng.

    Cụ DT dịch:
    Tôi sinh năm 1910 ở Paris. Cha tôi là một người dịu dàng, dễ tính, mang trong mình một hỗn hống gien của nhiều chủng tộc: một công dân Thuỵ Sĩ, gốc nửa Pháp nửa Áo, với chút xíu Danube trong máu. Lát nữa, tôi sẽ mời quý vị chuyền tay nhau xem một số bưu ảnh đẹp màu xanh láng bóng. Cha tôi có một khách sạn sang trọng ở Riviera. Ông nội tôi kinh doanh rượu vang và hai cố nội tôi, một cụ bán trang sức, một cụ mở cửa hàng tơ lụa. Năm ba mươi tuổi, cha tôi lấy một cô gái người Anh, con gái nhà leo núi Jerome Dunn và cháu gái một cặp vợ chồng mục sư ở giáo sứ Dorset, chuyên gia về những đề tài bí ẩn - cụ ông về cổ thổ nhưỡng học, cụ bà về đàn phong hạc. Mẹ tôi, một thiếu phụ rất ăn ảnh, chết trong một tai nạn kì lạ ( đi picnic, sét đánh) khi tôi mới lên ba và, ngoại trừ mảy hơi ấm ủ tận đáy sâu quá khứ, không có một chút gì về bà còn sót lại trong những thung lũng của kí ức, mà bên trên đó, nếu quý vị còn chịu nổi cái thứ văn phong này của tôi ( tôi đang viết dưới sự giám sát) mặt trời của tuổi ấu thơ tôi đã lặn: chắc chắn, tất cả quý vị đều biết những dư tàn lãng đãng của ngày lơ lửng cùng đám muỗi mắt bên trên hàng giậu nở hoa, hoặc bất chợt bị đột nhập và xuyên qua bởi kẻ lãng du dưới chân một quả đồi, trong nhập nhoạng chiều hè; hơi ấm của khăn choàng lông thú, đám muỗi mắt vàng rực.


    Là một người đọc, nói thật nhé, cầm cái bản dịch của Thiên Lương lên và đọc những dòng kia, chắc chắn là mình té luôn chứ đừng nói là mua sách. Nếu giỏi tiếng Anh, mình sẽ chọn bản TA để đọc. Còn nếu không giỏi thì chắc chắn sẽ là bản của cụ Dương Tường. Buồn cười nhất là TL chỉ ra bao nhiêu lỗi, rồi dịch lại chả khác gì, thậm chí còn ngô nghê hơn:)), như cái câu im đậm mình vừa trích dẫn, thề là chưa bao giờ trong các sách văn học tiếng Việt có hai mệnh đề song song mà lại dùng " theo thứ tự tương ứng" cả :)).
    Định đem cái bản dịch đấy để dìm hàng cụ DT thì chả khác gì đang thủ dâm tinh thần.
     
    Chỉnh sửa cuối: 24/1/14
  11. baothoa

    baothoa Lớp 7

    Tôi không dịch được sách, không có chuyên môn trong nghề này, chỉ là người đọc bình thường mà thôi
    Xem qua thì cảm thấy ông Dương Tường có dịch sai, còn sai bao nhiêu thì không kiểm được
    Việc ông DT dịch sai cũng là bình thường, trong cả quá trình của mình chẳng lẽ thành công 100%?
    Điều mà tôi muốn nói đến với các bạn là:
    Đừng phong thánh, chẳng có ai là thánh, người VN đã vấp bài học này quá nhiều rồi. Ông DT mà có dịch sai cuốn Lolita sau mấy chục năm dịch thuật thì cũng chẳng có gì lạ và khó chấp nhận. Nếu không sai thì tranh luận công khai. Nếu sai thì sửa chữa, đừng nên cho là " cây đa cây đề" là bất khả xâm phạm, nếu sai quá trầm trọng thì rút lại sản phẩm, tự nhiên đang nói về văn học dịch mà lại liên tưởng đến việc thu hồi các sản phẩm như sữa bột đã từng bị thu hồi trên thế giới.
    Chẳng có thánh ở đây, đúng thì tiến tới, sai thì điều chỉnh, chỉ có đơn giản vậy thôi.
     
  12. lan anh vu

    lan anh vu Lớp 2

    Lâu lắm mới quay lại TVE, dạo một vòng TVE xem có truyện gì hay không thì lạc bước vào topic này. Mình thì chưa từng đọc truyện Lolita của cả ông Dương Tường hay của Haze Dolores. Có đọc cuốn theo chiều gió với đồi gió hú rồi, nhưng thực lòng không nhớ tên dịch giả, nên cũng không biết có phải của ông Dương Tường dịch hay không.
    Mình không rõ ràng về vụ việc này lắm nên không dám bàn nhiều, nhưng đọc một số ví dụ trong bình luận của bookworm thì thấy lời văn của Haze Dolores có vẻ không giống văn học lắm, đọc cứ gượng làm sao ấy. Và mình thấy trong những ví dụ đó thì ông Dương Tường dịch thoáng chứ đâu có dịch sai. Trình độ tiếng anh của mình cũng chẳng giỏi giang gì, nhưng đọc thấy vậy thì nói vậy thôi.

     
  13. huong_tvn

    huong_tvn Lớp 2

    Mình cũng có đọc vụ tranh cãi này, mình không bàn về Lolita vì lúc đó chưa có bản của Thiên Lương để tiện so sánh, chỉ kể đoạn ngoài lề là thấy các bạn ấy mạt sát và phủ định cụ Dương Tường với tư cách là một dịch giả nổi tiếng, thậm chí đến cả bộ Cuốn theo chiều gió các bạn ấy cũng xa gần là đã từng có một bộ trước giải phóng dịch hay tuyệt vời, hay hơn bất kỳ bộ nào dịch ở VN, thậm chí còn nhắc là cụ Dương Tường hồi đó gặp may ôm được một đống sách dịch trước 1975. Thật, đến đoạn đó thì mình không thể tiếp tục theo dõi topic đó nữa :)...

    Về Lolita, mình có đọc của cụ Dương Tường thì thấy quả cụ đã truyền tải sang tiếng Việt giọng văn như thể thơ, theo mình đó mới là cái hồn của tác phẩm. Còn cái gì sai để sửa, giả dụ mình có được bản tái bản của cụ Dương Tường đã chỉnh sửa tất cả các lỗi thì mới là kết thúc có hậu nhất, tranh cãi mà làm gì, tất cả các cuộc tranh luận nhất là các cuộc tranh luận online thì đều không có kết cục, và chúng ta, những người đọc, chả có gì lợi ngoài sự thể hiện kiến thức của hai bên tranh luận, mà thể hiện càng nhiều, tỷ lệ thuận với nó, cái xấu về tư cách càng bộc lộ.

    Mình rất thích topic này vì đúng là ở đây thể hiện quan điểm của người đọc chân chính và khách quan, không có giọng thù hằn cay độc, như ở các topic tranh cãi trước đó có rất nhiều bạn chưa từng đọc và thậm chí có khi cả năm chả rờ đến một quyển sách theo đúng nghĩa của nó cũng nhảy vào nói như đúng rồi.
     
    Chỉnh sửa cuối: 17/3/14
  14. minhvatrung

    minhvatrung Mầm non

    Mình đã đọc Lolita (bản dịch của cụ Dương Tường), có cảm giác như tác giả thách thức người đọc bằng cách chạm vào tất cả những giới hạn, đẩy người đọc vào tình huống, nên đọc tiếp hay bỏ dở, nhưng rồi vẫn có gì đó (cảm nhận rất rõ ràng nhé nhưng lại rất khó gọi tên) níu kéo để không phá vỡ những nguyên tắc cơ bản nhất cuối cùng... cho nên vẫn đọc tiếp... Mình nghĩ là một dịch giả, sau khi dịch 1 tác phẩm, đến người đọc, không còn cảm giác đấy là một "bản dịch" nữa, hoàn toàn tự do cảm nhận tác phẩm, vậy là thành công rồi. Bản dịch của Haze gì đó mình cũng đã thử đọc, nhưng không đọc hết, vì bản dịch ấy không cho mình cái cảm giác bị "níu kéo" như đọc bản kia, hơn nữa, phải nói thật là bản dịch này hơi bị "thiếu phong cách". Mình không đủ trình độ để nói về học thuật, mình nghĩ phần lớn những người đọc khác cũng như mình, các dịch giả cũng chẳng cần phải tranh cãi nhau làm gì, lựa chọn của độc giả cho thấy nhiều điều hơn là những tranh cãi ấy.

    P/s một tẹo: kể cả chị Haze gì đó cảm thấy bất công vì cụ Dương Tường có một lượng độc giả quá lớn tin tưởng cụ tuyệt đối bất chấp những phân tích chi tiết về học thuật mà chị đưa ra thì cũng xin chia sẻ với chị chứ cũng chẳng biết làm thế nào, để được như cụ mình nghĩ là chẳng phải đơn giản, nếu như mà chị nghĩ cụ có "tiểu xảo" nào đấy chẳng hạn, tốt nhất là chị nên học theo, dù tốt xấu gì cũng được mọi người ủng hộ hơn là việc chị cứ đi tuyên truyền cho bản dịch của chị thế này, nó cứ phản cảm thế nào ý, thật.
     
  15. ducthoa

    ducthoa Mầm non

    Thiện tai! Thiện tai!
     
  16. viettran_ru

    viettran_ru Lớp 7

    Theo tôi dịch "chân đi độc một chiếc tất"là câu thừa,bởi ''độc'' ý nghĩa cũng là một.Dịch ''chân đi một chiếc tất''là đúng.Tham gia tý cho vui vậy thôi!
     
  17. thomas

    thomas Lớp 8

    Tôi tra được như sau: "độc" ở đây là từ biểu thị nhấn mạnh số lượng chỉ có một hoặc rất ít mà thôi, không còn có thêm gì khác nữa. Ví dụ: Chỉ có độc một đứa con. Phòng kê độc hai cái giường. Độc lo những chuyện không đâu. (từ điển tiếng Việt, 2003). Đây không phải lỗi. Mong anh không quá câu nệ những cái nhỏ nhặt thế này.
     
  18. tamnt

    tamnt Lớp 2

    Có ai chuyển được bản này sang prc không ạ? Em đọc pdf lâu cũng thấy hơi mỏi mắt :(
     
  19. Caruri Tlkd

    Caruri Tlkd Sinh viên năm IV

    Nhờ mod @thanhbt hoặc mod nào đó chuyển hộ bản ebook qua topic này giùm.
     
    viettran_ru thích bài này.
  20. pinoko

    pinoko Lớp 5

    Không hiểu sao đọc tí đầu đã thấy chả hạp tí nào
     
    Chỉnh sửa cuối: 3/5/17
    Sakura2k7 thích bài này.

Chia sẻ trang này