1. Click vào đây để xem chi tiết

Biên khảo Cuộc hành trình từ Pháp đến Việt Nam <Nguyễn Duy Chính dịch và chú giải>

Thảo luận trong 'Tủ sách Tuỳ Bút - Biên Khảo' bắt đầu bởi giaitich, 16/5/15.

Moderators: SLASH.ROCK4U
  1. giaitich

    giaitich Lớp 10

    Nguyên tác: Voyage from France to Cochin-China in the ship Henry, Captain Rey of Bordeaux in the years 1819 and 1820.

    Dịch giả: Nguyễn Duy Chính.
    Làm ebook: santseiya TVE.

    Lời nói đầu:

    Đây là một bản tự thuật của một nhà buôn đi tàu từ Pháp sang nước ta vào cuối đời Gia Long. Mặc dầu nhiều dữ kiện về nước ta thời ấy thiếu chính xác - vì tác giả chỉ ghi lại những tường thuật của dân chúng và một số quan lại, nhất là từ những người Pháp làm quan trong triều - nhưng cũng có những điều giúp chúng ta mường tượng được tình hình hai trăm năm trước một cách sống động.

    Vào thời điểm đó, tuy cuộc nội chiến giữa các phe phái đã chấm dứt nhưng một số dư hưởng vẫn còn. Vua Gia Long trưởng thành trong binh đao, khói lửa, cũng là vì vua sáng nghiệp có nhiều cơ hội tiếp xúc với bên ngoài nên ý thức được sự thua kém kỹ thuật so với các nước Tây phương, đã cố gắng ứng dụng những học hỏi trước là chiếm ưu thế trong cuộc tranh bá đồ vương, sau là để canh tân đất nước. Mức độ khôi phục về kinh tế và phát triển chính trị trong những năm đầu tiên của triều Nguyễn đã đưa Việt Nam lên một vị trí khá quan trọng trong vùng Đông Nam Á, một vị trí mà trước đây vì tình trạng qua phân, nội chiến nên nước ta chưa thể vươn tới được. Tuy nhiên sau khi ông qua đời, những vị vua kế tiếp đã không còn kế thừa được nhãn quan rộng rãi của vua Thế Tổ để bắt kịp với đà tiến bộ của thế giới.

    Thiên hồi ký này cũng xác định một số chi tiết về tình hình của nước ta vào đầu thế kỷ 19. Trái với suy nghĩ thông thường cho rằng tình trạng kinh tế và kỹ thuật của Việt Nam thời kỳ đó còn sơ khai, những miêu tả của tác giả cho thấy vì nhu cầu chiến tranh, các phương tiện cơ giới và vũ khí của Tây phương đã ít nhiều được triều đình chú ý. Sách vở về khoa học và quân sự đã dịch ra chữ Hán và thành Huế được kiến trúc khá tân kỳ mà Rey miêu tả là "... một thành trì tiêu chuẩn nhất tại phương đông mà thành William ở Calcutta, luỹ George ở Madras do người Anh xây lên không sao sánh được ...".

    Trong công tác thay đổi từ một quốc gia thời chiến sang thời bình, vua Gia Long đã sử dụng binh sĩ vào những công tác kiến thiết trên toàn thể đất nước. Việc tái phối trí nhân lực này thường ít được các sử gia quan tâm. Tuy nhiên cũng nên hiểu rằng một số rất đông binh sĩ vốn dĩ là hàng quân, hàng tướng của nhà Tây Sơn nay trở thành vô dụng, dù không bị ngược đãi thì cũng bị đối xử với thái độ nghi kỵ khi quay trở về đời sống bình thường, trong công tác xây dựng đã nhanh chóng trở thành một tầng lớp quần chúng mới làm gia tăng tốc độ “tái hội nhập” khiến cho chỉ trong hai mươi năm mà Việt Nam đã tiến được một bước khá dài trên con đường hồi phục. Đó chính là lý do tại sao rất nhiều công trình kiến trúc và đường sá được thực hiện ngay trong những năm đầu đời Gia Long, biến nước ta thành một quốc gia có kỷ cương, ngăn nắp trên cả hai phương diện kinh tế và hành chánh.

    Ngay từ đầu thế kỷ 19, triều đình Việt Nam đã quan tâm đến việc học hỏi và canh tân một số kỹ thuật, đáng kể nhất – như tác giả đề cập – là việc vua Gia Long muốn được giới thiệu loại tàu chạy bằng hơi nước. Tuy khái niệm về máy hơi nước đã được người Âu Châu nhắc đến từ giữa thế kỷ 18 nhưng tàu không dùng buồm chỉ mới được đưa vào ứng dụng năm 1783 và những tàu hơi nước đường biển chỉ mới được thí nghiệm tại Âu Châu, Mỹ Châu khoảng 1807 đến 1816. Nếu như thế, kiến thức về khoa học của vua Gia Long phải nói là rất sớm khi ngay khoảng 1819 ông đã muốn du nhập và mua một chiếc tàu tân kỳ này. Trong thời nội chiến, chính nhà vua (khi còn là chúa Nguyễn Ánh) đã tháo rời một chiếc tàu mà cha Bá Đa Lộc mua của Pháp để làm mẫu đóng nhiều chiến thuyền khác, góp phần đáng kể vào việc đánh bại thuỷ quân Tây Sơn.

    Đối chiếu với những tài liệu khác của Tây phương trong cùng thời kỳ, chúng ta thấy ngay những thay đổi quan trọng về chính trị và tổ chức binh bị, nhất là việc xây dựng những thành trì để phòng thủ mặt biển mà trước đây chúng ta chưa quan tâm. Việc phòng thủ đó không phải một bắt chước ngẫu nhiên nhưng là một nhu cầu để chống lại việc xâm lăng từ các quốc gia xa xôi tấn công bằng phương tiện hải quân là một nguy cơ trước đây chưa hề có trong lịch sử.

    Cũng khá ngạc nhiên khi biết hoàng tử Đảm (vua Minh Mạng khi còn là thái tử) đã học được phép trắc địa bằng cách đo các góc độ các vì sao và ông cũng có thể đọc, viết chữ quốc ngữ là thứ chữ mới mà các thừa sai đạo Thiên Chúa dùng để ghi chép và giảng đạo trong thời đó. Việc chạy đua vũ trang và canh tân hành chánh tuy ít được đề cập tới trong lối sử biên niên của triều Nguyễn thì lại được miêu tả khá chi tiết khiến chúng ta có thể tin chắc đường lối tổ chức và kiến thức kỹ thuật du nhập từ các sĩ quan Âu Châu đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến thống nhất đất nước.

    Xin nói thêm, trong bài này tác giả gọi nước ta là Cochin-China, người nước ta là Cochin-Chinese. Cochin-China nguyên là tiếng nước ngoài gọi khu vực Đàng Trong, phần đất dưới quyền chúa Nguyễn trong cuộc phân liệt Bắc – Nam thế kỷ 16 đến thế kỷ 18. Trong thời điểm du ký này, nước ta đã có tên mới là Việt Nam nhưng theo thói quen người ngoại quốc vẫn dùng chữ Cochin-China để gọi một nước thống nhất từ Nam ra Bắc. Chúng tôi mạn phép sửa lại là Việt Nam thay vì dùng hai chữ Đàng Trong trong bản dịch.

    Nguyễn Duy Chính
     

    Các file đính kèm:

Moderators: SLASH.ROCK4U

Chia sẻ trang này