Trà phiếm Chuyện lục lâm thảo khấu thời xưa

Thảo luận trong 'Bàn Trà' bắt đầu bởi pho-On, 4/3/25.

Moderators: amylee
  1. pho-On

    pho-On Mầm non

    Muôn vẻ chuyện trộm, cướp xưa nay...

    [​IMG]

    Thảo khấu là cướp cỏ, giặc cướp.

    1. Có nhiều cấp độ khác nhau trong nghề ăn cướp, thấp nhất là trộm, rồi nữa là cướp, cao hơn nữa là giặc.

    Thời Thiên trong truyện Thủy Hử chính là một tên trộm. Nói chung trộm thường hành nghề lén lút, nửa đêm đột nhập, hoặc canh lúc gia chủ sơ hở thì nẫng nhẹ vài món tài sản.

    Cướp thì không thế, cướp là dùng bạo lực trấn đoạt của cải người khác, nhiều tên cướp cũng thích lén lút vào nhà người khác nửa đêm, nhưng khi vào được rồi chúng sẵn sàng dùng vũ lực tra khảo buộc chủ nhân nộp của đổi mạng.

    Khoảng cách giữa trộm và cướp không lớn lắm, một nhóm cướp vào được nhà mà không bị phát hiện vẫn thích rời đi êm ái với những gì lấy được, ngược lại một tên trộm khi thấy mình có đủ uy lực khống chế nạn nhân, chẳng ngại gì mà không dùng vũ lực cướp.

    2. Tuy nhiên vẫn có vài điểm khác nhau giữa trộm và cướp.

    Trộm thường ít người vì tính chất lén lút của công việc nên chúng thường đi riêng lẻ, tránh bị phát hiện. Trong khi đó, cướp thường sử dụng số đông để áp đảo nạn nhân.
    Trong AQ chính truyện, khi AQ đi trộm ở huyện chỉ có hắn và tên đàn anh, còn khi bọn cướp tấn công nhà cụ Triệu đó là cả đám đông người.

    Một vụ trộm thường diễn ra lặng lẽ, nhưng một vụ cướp thường rất ồn ào, huyên náo, đó là vì bọn cướp cố tình hò hét, đập phá làm nạn nhân của chúng kinh hãi, không dám chống lại, bởi vậy ta mới có những câu như: Vừa đánh trống vừa ăn cướp, Vừa ăn cướp vừa la làng.

    Số của cải mất trong một vụ trộm nhỏ hơn một vụ cướp, điều này cũng xuất phát từ số lượng thành viên nhóm trộm vốn nhỏ, nên chỉ mang theo được ít chiến lợi phẩm. Mặt khác, bọn cướp sau khi hoàn thành phi vụ thường có thói quen phóng hỏa đốt nhà nạn nhân (cướp của đốt nhà), mục đích việc này là để cầm chân những người muốn truy đuổi chúng, nhưng vô tình cũng làm gia chủ thiệt hại nặng hơn.
    Trong Tùy Đường diễn nghĩa, ta thấy sau khi ám sát Võ Văn Huệ Cập, nhân vật Tề Quốc Viễn – vốn là một đầu lĩnh cướp - vội lẻn vào tòa cao lâu để phóng hỏa.
    Đọc truyện Múa thiết lĩnh, ném bút chì… bọn cướp trước khi rời đi cũng phóng hỏa để đánh lạc hướng dân làng.

    Để hoàn thành một phi vụ, cả trộm và cướp đều phải do thám đối tượng của chúng từ trước. Tuy nhiên khi hành động, tên trộm phải dựa vào mưu trí là chính, vì hắn đơn độc xâm nhập vào nhà người khác. Ngược lại, một bọn cướp thì ít cần mưu trí, mà chỉ dựa vào sự hùng hổ của số đông.

    Xét đến cùng, một tên trộm dũng cảm hơn một bọn cướp, vì hắn dám đơn thân độc mã vào nơi nguy hiểm. Trong khi đó, một bọn cướp lại khá nhát gan, mỗi tên cướp mượn lấy sức mạnh chung của nhóm, cả nhóm thường dựa vào sự gan dạ của vài tên đàn anh.
    Có thể xem thêm sự mưu trí và gan dạ của kẻ trộm trong cuốn Ăn trộm và nghệ thuật bắt trộm của Toan Ánh, để thấy các thủ đoạn thú vị của chúng.

    3. Cấp cao nhất của nghề ăn cướp là giặc, làm giặc thì không trộm vặt hay trấn lột người khác nữa, nhưng có thể huy động lực lượng tấn công cả một ngôi làng, thị trấn, và cát cứ một phương, bọn hảo hán trên Lương Sơn Bạc chính là một loại giặc vậy.

    Trộm, cướp thời nào cũng có, nhưng giặc chỉ xuất hiện khi chính quyền Trung ương có dấu hiệu bất ổn, vì các nhóm giặc thường tập hợp rất đông người và có xu hướng cát cứ một vùng đất, trực tiếp chống lại chính quyền, như Quận He ở Đàng Ngoài hay Chàng Lía ở Đàng Trong thời Trịnh Nguyễn phân tranh vậy, do đó một chính quyền mạnh sẽ không để các nhóm giặc tồn tại.

    Đọc lịch sử phương Tây, chúng ta dễ thấy các nhóm cướp bên đấy còn hoạt động cò con lắm, như Robin Hood có đâu chừng 100 đàn em, ngay ông trùm cướp biển như Henry Morgan lúc cao điểm cũng chỉ khoảng 2000 người, thật chẳng là gì so với các nhóm giặc ở Trung Quốc, chẳng hạn bọn cướp Lục Lâm chỉ mấy tháng đã tụ đến 7, 8000 người.
    Có lẽ bọn cướp mà nâng tầm lên đến giặc chỉ duy nhất có bọn cướp biển Algeria thời thế kỉ 16, vì đã thành lập được cả thành phố tự trị do giặc cướp tự quản.

    Dù phân ra nhiều cấp độ như vậy, nhưng rõ ràng dân trộm cướp không thiếu mơ ước thăng tiến trong nghề nghiệp, truyện cao bồi Viễn Tây cho thấy nhiều tên vô lại lúc đầu trộm bò trộm bê, sau nữa chặn đường trấn lột, dần dần lập thành băng tấn công cả ngân hàng.
    Ông Thời Thiên vừa nói ở trên cũng từ ăn trộm ở trấn ngoi lên thành một đầu lĩnh Lương Sơn Bạc. Đạo Chích, kẻ được xem như ông tổ nghề ăn cướp TQ cũng đi lên từ một anh trộm đến thủ lãnh bọn giặc cướp.

    Thời nay có hacker hack tài khoản người khác, hoặc vượt qua hệ thống bảo mật để đánh cắp thông tin, đó đều là những tên trộm. Nhưng nếu 1 nhóm hacker cùng họp sức đánh sập một trang web, hay chôm chĩa thông tin riêng rồi đòi tiền chuộc thì đã là hành động ăn cướp. Thực tế là khoảng cách từ một tên trộm đến một tên cướp cũng không xa lắm.

    Lương Sơn Bạc thời Vương Luân thực ra chỉ là một bọn cướp, nhưng đến khi Tiều Cái và nhất là Tống Giang đến, đã trở thành một bọn giặc.
    (còn nữa)
     
    gaumisa, Soennn, lamtuquyen and 4 others like this.
  2. pho-On

    pho-On Mầm non

    Mấy cách làm ăn của dân ăn cướp...
    [​IMG]

    Thời đại tuy thay đổi, nhưng cách làm ăn của dân ăn cướp cơ bản vẫn không khác lắm, đại để có 4 cách đây: cướp đường, bắt cóc, bảo kê và đột kích cướp bóc.

    Dù chưa thấy ai thống kê, nhưng có lẽ một nửa số vụ cướp từng xảy ra liên quan ít nhiều đến đường xá, đó là vì từ xưa đến nay đường xá luôn là nơi lưu thông hàng hóa, con người, cũng là nơi con người phô trương của cải hớ hênh nhất, nhưng lại phòng bị kém nhất. Tất nhiên những điều này thu hút bọn cướp. Cướp trên đường có 3 cái lợi: một là nhiều con mồi tiềm năng, hai là nhiều cơ hội hạ thủ, ba là dễ dàng tẩu thoát sau khi hành sự.

    Hầu hết bọn cướp xuất hiện trong các tiểu thuyết cổ điển Trung Hoa là bọn cướp đường. Bọn Lương Sơn trước khi đủ mạnh để đánh thành trấn cũng là cướp đường, Lâm Xung từng chặn cướp Dương Chí để săn cái 'đầu danh trạng', Sử Tiến lúc hết lương cũng chặn nhầm Lỗ Trí Thâm.

    Cướp đường có 2 hình thức chính: rình rập ăn cướp, và đòi tiền mãi lộ.

    Các hắc điếm giữa đường chuyên đánh thuốc mê, giết khách cướp của, lấy thân làm nhân bánh bao cũng là một loại của rình rập ăn cướp, nhưng thông thường hơn bọn cướp loại này sẽ rình rập trên đường theo đúng nghĩa đen, khi gặp con mồi chúng nhảy vồ ra tấn công, Lý Quỳ trên đường về thăm mẹ đã gặp tên Lý Quỷ thuộc loại như thế.

    Bọn Mã tặc mà truyện Tq hay nhắc đến chính là bọn chuyên rình rập cướp bóc, thủ đoạn của bọn này là câu kết với các hắc điếm để dò xem khách nào có của, rồi rình sẵn trên đường, hoặc là để khách đi trước một đoạn rồi phi ngựa đuổi theo. Sau khi cướp xong, sẵn ngựa chúng nhanh chóng rời khỏi nơi gây án cả trăm dặm. Lịch sử trung kì triều Minh từng ghi nhận rất nhiều vụ cướp như thế ở phía bắc Bắc Kinh, cũng như gần Trường Thành. Liêu Trai chí dị có một mẩu truyện về tên cướp già nhưng võ nghệ cao cường cũng là loại cướp đường này.

    Hình thức thứ 2, tức đòi tiền mãi lộ, chỉ xuất hiện ở các nhóm cướp lớn, hay các nhóm giặc có địa bàn chiếm hữu. Khi Đôn Ki hô tê đi Barcelona, từng gặp bọn cướp Rô kê, đó chính là một bọn đòi mãi lộ. Bọn Cờ vàng (một nhánh của giặc Cờ đen) cũng từng đóng chặn nhiều nhánh sông ở thượng du phía bắc nước ta để thu tiền lưu thông.

    Cách ăn cướp này đã phát triển thành một dạng kinh tế bền vững rồi, nó khác hẳn cách làm ăn có phần tiểu nông, chộp giật của bọn rình rập cướp bóc.

    Nói chung bọn cướp này có cái 'uy tín' riêng của nó, truyện về nghề bảo tiêu có kể rằng dân bảo tiêu luôn chuẩn bị sẵn 1 mâm lễ vật mỗi khi đi ngang quãng đường có bọn cướp này đóng giữ, mâm lễ vật này như 1 loại tiền mua đường (mãi lộ), đổi lại bọn cướp đã nhận lễ sẽ phải bảo vệ đoàn bảo tiêu an toàn suốt khu vực do chúng kiểm soát. Điều này rất quan trọng, vì có thể nhiều toán cướp cùng hoạt động trên một địa bàn.

    Cũng là cướp đường, chúng ta nên lưu ý đến dạng cướp sông, và cướp biển.

    Ở những xã hội Đông Á như VN và TQ, cướp sông được nhắc đến nhiều hơn. Tống Giang và 2 tên công sai từng được một anh cướp sông mời xơi 'lát dao phay hay là bánh hỗn độn', tức là lựa chọn bị chém xả ra hay bị ném xuống sông cho đi mò tôm... Cha của Đường Tam Tạng trong Tây du ký cũng bị một tên cướp sông ám sát. Chúng ta còn tìm được nhiều ví dụ thú vị hơn nữa.

    Chẳng hạn trong Đồng quê phóng sự, nhà báo Phi Vân từng kể một thủ đoạn của bọn cướp sông, đó là cho một đàn bà có giọng hò hay đi theo trên ghe: Nhiệm vụ của người đàn bà này là giữa đêm thanh vắng, sẽ cất tiếng hò giữa sông. Dân miền nam ngày xưa thích hò lắm, nửa đêm mà nghe tiếng hò du dương là họ đối lại. Thói thường sau khi đối đáp nhau, 2 ghe sẽ tìm đến gần nhau để làm quen, cũng như tìm chút tình bạn bè giữa nơi hiu quạnh... Xui cho tay thương hồ nào mê mẩn tiếng hò mà tìm đến viếng thăm người đẹp, thay vì gặp nàng, anh ta sẽ bị 5- 6 tên bặm trợn nhảy sang bẻ cổ...
     
    gaumisa and Soennn like this.
Moderators: amylee

Chia sẻ trang này