Kinh điển Người Dublin - James Joyce

Discussion in 'Tủ sách Văn học nước ngoài' started by Despot, Oct 1, 2013.

  1. Despot

    Despot Lớp 11

    Người Dublin
    Tác giả: James Joyce
    Dịch giả: Vũ Mai Trang
    NXB: Bách Việt
    Nguồn: Vietmessenger


    [​IMG]

    MỤC LỤC:

    Chị em gái
    Một cuộc chạm trán
    Araby
    Eveline
    Sau cuộc đua
    Hai chàng ga lăng
    Đám mây nhỏ
    Những bản sao
    Đất sét
    Một trường hợp đau lòng
    Ngày Thường Xuân trong Phòng Hội đồng
    Một người mẹ
    Ân sủng
    Người chết

    Lời giới thiệu

    Jame Joyce (1882-1941), một trong những nhà văn vì đại nhất của thế kỷ XX, là người Ireland, viết rất ít. Bốn tác phẩm chính của ông gồm: Ngươi Dublin (Dubliners, 1914), A Portrait of the Artist as a Young Man (1916), Ulysses (1922) và Finnegans Wake (1939). Ngoài ra ông còn viết thơ (tập Chamber Music, 1907), và kịch (Exiles, 1918). Trong cuộc bình chọn gần đây (2007), do nhà xuất bản danh tiếng về sách chuyên khảo W.W. Norton (Anh) tiến hành với sự tham gia của 125 trong số những nhà văn lớn nhất thế giới, Ulysses và Dubliners của Joyce nằm trong danh sách 20 cuốn sách được yêu thích nhất.

    I. Một James Joyce quốc tế

    Nằm ở Tây Bắc châu Âu, Ireland là hòn đảo lớn thứ ba châu Âu với diện tích trên 70.000 km2. Còn được gọi là hòn đảo ngọc lục bảo bởi vùng đồng quê xanh tươi tuyệt đẹp với những con sông và hồ đầy nước mát, những trận mưa thường xuyên, những màn sương mù, cùng với nền văn hóa Celtic lâu đời, Ireland đã sinh ra những nhà văn nhà thơ, nhà viết kịch nổi tiếng thế giới. Jonathan Swift, James Joyce, George Bernard Shaw, Patrick Kavanagh, Oscar Wilde, W.B. Yeats, Samuel Beckett, Seamus Heaney...Tuy không được trao giải Nobel văn học như Shaw, Yeats, Beckett và Heaney bởi một số lý do ngoài văn chương, James Joyce luôn được coi là một trong những nhà văn vĩ đại nhất, có ảnh hưởng nhất của thế kỷ XX.

    James Joyce sinh ngày 2 tháng 2 năm 1882 tại Rathgar, ngoại ô thủ đô Dublin, là con cả của John Stanislaus Joyce và Mary Jane Murray, gia đình khá giả, nhưng nhanh chóng sa sút, có tới mười người con. Tuổi thơ Joyce gắn bó thân thương với Dublin, là trung tâm hành chính của chính quyền Anh tại Ireland. Dạo luật Liên hiệp giữa hai nước được thông qua năm 1800. Từ thời vua Henry VIII (1509-1549) khi nước Ireland Công giáo bị đặt dưới sự cai trị của nước Anh Tin Lành đã xuất hiện căng thẳng giữa hai phái Thiên Chúa giáo và Tin Lành. Vào đầu thế kỷ XVII, dưới thời vua James I (1603-1625), một lực lượng lớn người Tin Lành bắt đầu sinh sống tại miền Bắc Ireland, trong đó có Belfast, thành phố nằm ở phía đông bắc đảo Ireland (nay là thủ đô Bắc Ireland thuộc Vương quốc Anh), hình thành ở đây cộng đồng da số Tin Lành, vẫn tồn tại ngày nay. Phần còn lại của Ireland chủ yếu là người công giáo. Cuối thế kỷ XVII, phần lớn đất đai của Ireland nằm dưới quyền kiểm soát của những người Tin Lành. Đạo luật Chính phủ Ireland năm 1920 công nhận thực tế phân chia tôn giáo này bằng cách tuyên bố tách Ireland thành hai chính thể riêng biệt, miền nam Ireland chủ yếu là Công giáo, miền bắc Ireland chủ yếu là Tin lành. Sau đó miền nam cắt đứt mọi liên hệ với Anh, tách ra độc lập thành nước Cộnghòa Ireland vào năm 1949. Miền Bắc Ireland tiếp tục thuộc Vương quốc Anh.

    Joyce học giỏi, có năng khiếu ngôn ngữ, tự học, say mê trường ca Odyssey, tính khí bất thường, rất gần gũi mẹ, bị tác động mạnh bởi cái chết của bà năm 1903. Joyce từ chối theo đạo Thiên Chúa, mặc dù nó rất quan trọng với mẹ ông. Thế nhưng triết lý của Thiên Chúa giáo vẫn ảnh hưởng đến Joyce mạnh mẽ suốt cuộc đời. Cha ông trực tính, sau khi kinh doanh sa sút phải bươn chải đủ nghề, từ làm chính trị đến đi thu thuế. Mẹ ông sùng đạo Thiên Chúa, bất lực trước cảnh gia đình ngày càng túng quân, chỉ biết là một cái bóng dưới ảnh hưởng của ông chồng.

    Thời thơ ấu, Joyce được học trường dòng Clongowes Wood nổi tiếng gần Dublin, cha mẹ cậu đồng tình nếu chính cậu cảm thấy linh hồn mình có sức khát khao gia nhập Giáo hội. Sau vài lần tiếp xúc với tôn giáo, cậu mất niềm tin và thay đổi cách nghĩ về những gì cậu đã từng cho là vĩ đại. Nền giáo dục của thế giới Giáo hội đã dạy Joyce hơn cả những gi họ định đào tạo cậu. Nó đã giúp cậu mở to cặp mắt trong sáng để nhìn thấy sự giả dối, lừa đảo của giới thây tu, cha cố. Và cả niềm tin kính Chúa cũng bị đổ vỡ trước dòng đời bế tắc, những thân phận bất hạnh, đói khổ và đau ốm...ngay chính từ người mẹ yêu thương của cậu.

    Năm 1898, Joyce nhập học Đại học Tổng hợp Dublin ngành Ngôn ngữ, học tiếng Anh, Pháp và Ý. Ở đây cậu bắt đầu tìm thấy niềm đam mê văn chương qua các tác phẩm , nhất là của nhà viết kịch Na Uy Henrik Ibsen. Lúc này Joyce bắt đầu viết văn và sáng tác thơ.

    Tốt nghiệp đại học năm 1902, chàng thanh niên 20 tuổi Joyce quyết định rời bỏ thành phố Dublin nhỏ bé để tìm đường sang Paris, với ý định ban đầu sẽ học Y khoa. Sau đó, cái chết của mẹ ông khiến ông phải quay lại Ireland, nhưng không lâu sau, sau khi gặp Nora Barnacle vào ngày 16 tháng 6 năm 1904, người chính thức trở thành vợ ông năm 1931, Joyce rời bỏ Dublin, sống lưu vong suốt đời và trở thành một trong những nhà văn vĩ đại nhất của thế kỷ XX. (Lần cuối cùng ông quay lại quê hương là năm 1912, để thu xếp việc in Dubliners, sau đó Joyce không bao giờ trở lại Ireland nữa).

    Cùng với Nora, Joyce chuyển đến và sống bằng nghề dạy tiếng Anh từ năm 1905 đến năm 1915 tại Trieste, nay thuộc Ý, lúc đó được xếp vào hàng những thương cảng lớn nhất thế giới. Những năm tháng nghèo túng ở Trieste chính là thời gian Joyce có nhiều sáng tác được xuất bản nhất - tập truyện ngắn Dubliners, tiểu thuyết A portrait of theArtist as a Young Man, kịch Exiles và cũng tại đây ông bắt tay viết tác phẩm quan trọng nhất Ulysses. Tên tuổi Joyce bắt đầu gây được sự chú ý với phong cách viết theo dòng ý thức.

    Chiến tranh thế giới thứ nhất đe dọa, Joyce đưa gia đình mình (khi đó có thêm hai con Georgio và Lucia) sang Zurich Thụy sĩ để sống rất nghèo khổ trong lúc Joyce tiếp tục viết Ulysses và trải qua những lần phẫu thuật mắt liên miên. Chiến tranh kết thúc, mặc dù Joyce muốn quay trở lại định cư ở Trieste nhưng bạn bè đã thuyết phục họ ở lại Paris 20 năm. Tại đây, Joyce hoàn thành và cho xuất bản Ulysses và sáng tác toàn bộ cuốn Finnegans Wake.

    Đại chiến thế giới lần thứ hai bùng nổ, gia đình Joyce quay lại Zurich, tháng1 năm 1941, ông mất tại đó.

    II. James Joyce - nhà văn khởi đầu Chủ nghĩa hiện đại.

    James Joyce được xem là nhà cách mạng tiên phong trong nghệ thuật viết tiểu thuyết của thế kỷ XX. Theo kết quả thăm dò của báo Time (Mỹ) và Le Figaro (Pháp), hai tờ báo uy tín trên thế giới, thì dẫn đầu các nhà văn nổi tiếng nhất thế kỷ XX là James Joyce, tiếp theo là Franz Kafka (Tiệp Khắc), Virginia Woolf (Anh) , Ernest Hemingway (Mỹ), Gabriel Garcia Maquez (Colombia)...

    Có thể coi Joyce là một trong những nhà văn hàng đầu của lối viết "dòng ý thức" với bút pháp độc thoại nội tâm chân thật nhất trong văn học hiện đại. Chủ nghĩa hiện đại hay chính là James Joyce - không chấp nhận lối sáng tác giống các thể loại văn học truyền thống. Nhà văn phá bỏ hoặc tưởng tượng lại các cấu trúc đã được nhận thức và nỗ lực tạo ra chính xác những dòng suy nghĩ theo quy luật hàng ngày với những gì xảy ra. Trong bài viết của nhà nghiên cứu Paul Gray về James Joyce đăng trong tuyển tập 100 con người tạo nên thế kỷ XỬ do báo Time (the Time 100, ngày 6 tháng 8 năm 1998) bình chọn, ông cho rằng chính Ulysses đã mở đường và in dấu sâu đậm trong tác phẩm của nhiều nhà văn lớn của thế giới sau đó như William Faulkner, Albert Camus, Samuel Beckett, Saul Bellow, Gabriel Garcia Marquez và Toni Morrison. Các tác giả này, Paul Gray viết một cách châm biếm, không như Joyce, đều đoạt giải Nobel văn học.

    James Joyce từng nói "Một trong những điều khi còn trẻ tôi không tài nào quen được là sự khác biệt tôi nhận thấy giữa cuộc sống và văn chương" (trích từ bài của Paul Gray). Joyce dường như đã dành cả sự nghiệp của mình để xóa bỏ sự khác biệt này, đồng thời cách mạng hóa cả nền văn chương thế kỷ XX. Cuộc sống trong tác phẩm của Joyce phần lớn là cuộc đời của chính ông.

    Tác phẩm được xuất bản đầu tiên của ông, người Dublin, gồm 15 truyện ngắn, bề ngoài có vẻ đơn giản và truyền thống nhưng lại theo một phong cách và ngôn ngữ đa chiều lạ lẫm.

    Tiếp sau đó là tiểu thuyết mang đậm tính tự thuật A Portrait of the Artist as a Young Man, câu chuyện của chàng Stephen Dedalus, hay chính là Joyce, từ những ngày thơ ấu ở Dublin đến khi quyết định rời quê hương ra đi theo đuổi nghệ thuật. Với độ phức tạp, sáng tạo về ngôn ngữ mô tả những bí ẩn nội tâm thường hiếm khi được tiết lộ, cuốn sách, dù không bán chạy nhưng đã thu hút được sự chú ý của một số nghệ sĩ thuộc trường phái cách tân nổi tiếng thời đó, cho rằng thế kỷ mới đòi hỏi mọi thứ - nghệ thuật, thi ca, văn chương, âm nhạc...cũng phải có gương mặt mới. Vậy là thử nghiệm ngôn từ của James Joyce đã được ủng hộ, và ông cũng không làm họ phải thất vọng.

    Joyce bắt tay viết Ulysses năm 1914, một số phần của tác phẩm xuất hiện trước trên tạp chí Egoist ở Anh và Little Reivew ở Mỹ, cho đến khi ba số tạp chí bị đình chỉ và chủ báo bị phạt 100 đô la vì bị buộc tội đã đăng bài tục tĩu, không phù hợp với đạo đức xã hội và thuần phong mỹ tục. Tuy nhiên việc này chỉ càng làm tăng thêm sự tò mò của độc giả đối với tác phẩm sắp chào đời. Thậm chí trước khi Ulysses được xuất bản năm 1922, các nhà phê bình đã so sánh những sáng tạo của Joyce với khám phá của Einstein và Freud.

    Được ca ngợi là tiểu thuyết vĩ đại nhất trong lịch sử, Ulysses, như tên gọi của nó, được sáng tác với cảm hứng từ Odyssey của Homer (khoảng thế kỷ VIII trước công nguyên). Khi còn bé, Joyce đã bị mê hoặc bởi sử thi Odyssey. Năm 20 tuổi, khi được viết về người anh hùng yêu thích nhất của mình, Joyce đã chọn Ulysses, người chiến thắng bằng chính sự khéo léo và thông minh hơn là dùng bạo lực. Khi viết Ulysses, (tên của Odysseus theo cách gọi của người La Mã), Joyce đã nói rằng Odysseus là một tính cách toàn diện và mang tính nhân văn nhất trong văn học.

    Trường ca Odyssey kể chuyện Ulysses, người anh hùng muôn vàn trí xảo, au khi dùng mưu hạ được thành Troy thần thánh, đã phiêu lưu khắp nơi, chiến đấu bảo vệ tính mạng của mình và để cho các bạn đồng hành được trở về xứ sở. Ulysses đã chịu nhiều đắng cay, cám dỗ, những gian nan, nguy hiểm...và chàng đã chiên thắng tất cả bằng mưu trí. Ulysses là hiện thân của trí tuệ, sự thông minh. Chàng không biết khuất phục, không biết nản lòng, là hình tượng người đi tiên phong mở đường cho một sự nghiệp lớn. Ulysses đã tự tạo nên số phận mình bằng tinh thần đấu tranh không mệt mỏi với các lực lượng tự nhiên cũng như với những kẻ thù trong xã hội. Ulysses tiêu biểu cho sự giải phóng tinh thần quan trọng, chứng tỏ sự trưởng thành mạnh mẽ của con người. Sau 20 năm lưu lạc, Ulysses đặt chân lên mảnh đất quê nhà, sống trọng nghĩa vợ chồng, tình cha con, tình cảm bè bạn, giống nòi, quê hương, đất nước...

    Tiểu thuyếy Ulysses của James Joyce sử dụng thiên trường ca cổ điển Odyssey như một phương pháp sắp đặt những trải nghiệm của con người hiện đại, để miêu tả cuộc sống đương đại. Ông sáng tạo Ulysses là một người đàn ông bình thường tên là Leopold Bloom, đấu tranh trước những thử thách thường ngày, trong một ngày bình thường . Cuốn tiểu thuyết dõi theo những khoảnh khắc hành động và suy nghĩ, ẩn ức, tưởng tượng của Leopold Bloom, của vợ anh ta, Molly, và Stephen Dedalus (nhân vật trong A Portrait of the Artist as a Young man) trong một ngày trọn vẹn ở Dublin, ngày 16 tháng 6 năm 1904 (là món quà của Joyce dành cho Nora Barnacle, ngày đầu tiên hai người hẹn hò). Cùng với ba nhân vật chính, tác phẩm đã tải hiện cuộc sống của người dân Dublin trên đuờng phố, những cảnh tượng, không gian, âm thanh, thậm chí cả mùi vị của Dublin. Mọi hoạt động diễn ra tưởng chừng ngẫu nhiên, nhưng ẩn sau chúng là rất nhiều bí ẩn và câu đố đến mức nó sẽ khiến cho các giáo sư phải bận rộn trong hàng thế kỷ để tranh cãi điều tác giả muốn nói, như Joyce từng tuyên bố.

    Sáng tạo ngôn từ không mệt mỏi của Joyce (nhiều đoạn trong Ulysses ông viết liên tục không hề có dâu câu) cùng thủ pháp "dòng ý thức" miên man giữa hiện tại, quá khứ và tương lai, và tâng tầng lớp lớp ám chỉ về tôn giáo lịch sử, thần thoại trong mỗi từ, mỗi câu nói, đã khiến Ulysses trở thành một cuốn từ điển về bản chất con người, tiến gần nhất đến sự khám phá hoàn hảo về con người, nhưng cũng trở thành cuốn sách khó đọc, và có lẽ chỉ dành riêng cho "một số độc giả nhạy cảm, tinh tế" như nhà phê bình Joseph Collins nhận xét.

    Một tác phẩm quan trọng khác của Joyce sau đó, và cũng là tác phẩm cuối cùng của ông, Finnegans Wake, thậm chí còn khó đọc hơn cả Ulysses, được viết với ngôn ngữ riêng do Joyce sáng tạo ra. Nếu Ulysses nói về Dublin ban ngày thì Finnegans Wake mô tả cuộc sống ban đêm của Dublin theo logic của những giấc mơ, hơn 600 trang sách tưởng như ngớ ngẩn với những suy nghĩ được mô tả bằng ngôn ngữ đứt đoạn và ngoại lai, thách thức mọi quy ước về cốt truyện và nhân vật. Thủ pháp dòng ý thức, ám chỉ và những giấc mơ, ẩn ức lộn xộn của Joyce trong Ulysses đã được đẩy đến đỉnh cao với Finnegans Wake. Joyce đã vượt lên chính mình, vượt qua bộ bách khoa Ulysses của chính mình mà không ai vượt nổi.

    Viết về Joyce, Allen Ruch ca ngợi "James Joyce là nhà văn duy nhất chúng ta có thể hoàn toàn đặt niềm tin, con người duy nhất mà chúng ta có thể chắc chắn 1000 năm sau vẫn sẽ được nhớ đến, nếu như có con người ấy. Như câu nói nổi tiếng của một nhà phê bình: James Joyce đã và sẽ là nhà văn độc nhất trong lịch sử bởi chỉ xuất bản không gì ngoài kiệt tác.

    Link download:
    Please login or register to view links

    Người viết bài:nguyenthanh-cui
    Nguồn: TVE
     
  2. Berry Dalton

    Berry Dalton Mầm non

    Bạn ơi có thể chuyển file ebook này sang file .prc không?
     
  3. Mình chưa xem qua bản này nhưng nếu đúng như mục lục trên kia thì ebook này bị thiếu một truyện so với sách gốc, là truyện "The boarding house". Quyển này có tất cả là 15 truyện ngắn mà.

    P.S: Mình không thích giọng dịch của Vũ Mai Trang cho quyển này lắm.
     
  4. baothoa

    baothoa Lớp 7

    Gửi bạn ebook PRC
     

    Attached Files:

    skyBi, quan286, minhp and 30 others like this.
  5. Heoconmtv

    Heoconmtv Moderator Staff Member

    Đọc 'Người Dublin' trong ngày 16/6

    Ngày 16/6 (Bloomsday) là mốc kỷ niệm thường niên quan trọng với nhân dân Ireland và những người ái mộ James Joyce trên toàn thế giới.

    Không nhiều nhà văn trên thế giới có một ngày riêng của mình trong năm. Nhưng James Joyce lại rơi vào cái thiểu số đó.

    Bloomsday - ngày của Bloom là ngày 16/6 hàng năm. Nó ra đời từ "sự tích" ngày 16/6/1904 trong cuộc đời của Leopold Bloom, nhân vật chính trong tác phẩm Ulysses của James Joyce.

    Mặc dù được lấy theo tên nhân vật Bloom nhưng ngày 16/6 thực sự là ngày mà những người yêu văn chương vinh danh nhà văn James Joyce. Trong ngày đó, người ta tổ chức các hoạt động liên quan tới văn chương của nhà văn khai sinh ra chủ nghĩa hiện đại (modernism).

    Ulysses - kiệt tác vĩ đại nhất của James Joyce được lấy cảm hứng từ ngày này với không gian trung tâm là thành phố Dublin, nơi mà cứ đến ngày 16/6 hàng năm (kể từ năm 1954) trở thành thủ đô của James Joyce!

    Người Dublin là tập truyện ngắn đầu tay của James Joyce, một trong những nhà văn vĩ đại và có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20, được viết bằng bút pháp chủ nghĩa hiện thực nghiêm ngặt nhằm phản ánh một xã hội đầy tăm tối và ngột ngạt, nơi mọi cá nhân bị kiệt quệ không lối thoát, ở thành phố thuộc địa Dublin đầu thế kỷ 20.

    Dù đã ra đời 103 năm, Người Dublin vẫn luôn được đọc và diễn giải dưới nhiều góc nhìn mới, bởi những ý tưởng sâu sắc ẩn chứa trong văn bản ra đời khi cuộc giao tranh giữa các tư tưởng diễn ra gay gắt, khi chủ nghĩa dân tộc yêu nước của Ireland lên cao, trong cuộc đấu tranh với thực dân Anh. Người Dublin còn đem lại một trải nghiệm đọc thú vị với những độc giả say mê Joyce, khi đặt nó trong thế đối sánh với các tác phẩm cách tân táo bạo sau này.

    Những giai đoạn đời người đầy mục ruỗng và chết chóc
    Tập truyện bao gồm 15 truyện ngắn và có thể được chia thành 4 nhóm nhỏ, như chính Joyce trình bày ý tưởng này với em trai mình Stanislaus, mô phỏng các giai đoạn phát triển của một cuộc đời con người: đó là Ấu thơ gồm 3 truyện đầu tiên, Niên thiếu gồm 4 truyện tiếp theo, Trưởng thành bao gồm 4 truyện và cuối cùng Đời sống cộng đồng, gồm 4 truyện cuối.

    Mỗi câu chuyện mà Joyce xây dựng đều tương đối ngắn ngủi, luôn dao động trong khoảng 15-20 trang, (riêng ở nhóm Đời sống cộng đồng, tác giả nới rộng biên độ lên 35-45 trang), và được cấu trúc như những cắt lát trong đời sống.

    Tránh xa phương thức dàn trải, kể lể dông dài, Joyce chọn một lối kể chuyện tập trung vào những khoảnh khoắc nhất định, những câu chuyện đang diễn ra, từ đó triển khai mà làm bật lên tinh thần của toàn bộ câu chuyện.

    [​IMG]
    James Joyce - nhà văn đã khai sinh ra chủ nghĩa hiện đại trong văn chương (modernism).

    Đó có thể là những hồi tưởng xa xăm diễn ra trong đầu óc Eveline trong Eveline, hay bữa tiệc Giáng sinh của vợ chồng Gabriel ở nhà mấy bà cô già Morkan trong Người chết, hay chuyện một bà chủ quán trọ ép khách phải lấy con gái mình sau khi hai người trải qua một cú tình ái mập mờ trong Nhà trọ. Ngòi bút của Joyce khai thác những câu chuyện nhỏ, để phơi bày rằng, ở giai đoạn nào của đời người, cả đời sống riêng tư lẫn cộng đồng, dân Dublin và cả cái thành phố ấy, luôn bị những thế lực đen tối ngự trị.

    Chủ đề chính mà Joyce luôn hướng đến là sự tù đọng, mục ruỗng, và cái chết trong cuộc sống con người. Bóng tối của thoái hóa và chết chóc bao trùm lên khắp nơi, ngay từ những dòng đầu tiên của truyện ngắn đầu tiên Chị em gái, khi vị linh mục bị đột quỵ lần thứ ba và không qua khỏi; nó lẩn quất trong các câu chuyện từ ấu thơ đến tận đời sống công cộng; nó là chủ đề trung tâm câu chuyện cuối cùng nổi tiếng nhất, Người chết: khi cái chết của người yêu cũ của Gretta phủ bóng lên cuộc hôn nhân của bà và Gabriel, và đặc biệt ở hình ảnh tuyết rơi lên cả người sống lẫn người chết ở phần kết câu chuyện.

    Joyce tạo nên cái ấn tượng chung không thể nhầm lẫn được về đời sống con người Dublin: bị kìm cặp bởi kinh tế, chính trị, và cả không gian sống, họ trở nên ù lỳ, và dần mục ruỗng tự bên trong. Họ vẫn duy trì cuộc sống thường nhật, với bạo lực, lừa đảo, với tự lừa dối chính mình và người khác, với chuốc rượu cho say mà quên đi hiện thực và càng ngày càng tha hóa.

    Những cuộc đời của người dân Dublin giai cấp lao động và trung lưu được Joyce khắc họa tỉ mỉ, rõ nét, bằng một thứ văn chương sắc sảo, lạnh lùng, trưng ra toàn bộ đời sống tinh thần và vật chất của dân tộc Ireland khi sống dưới sự cai trị của thực dân Anh.

    Phút mặc khải cho những con người kiệt quệ

    Ý tưởng chủ đạo của Joyce khi viết Người Dublin là khái niệm tương đối phức tạp và ẩn chứa nhiều ý nghĩa tôn giáo: “epiphany”, có thể được tạm dịch thành “hiển lộ,” “đốn ngộ,” hay “mặc khải”. Đó chính là khoảnh khắc hiếm hoi trong câu chuyện khi nhân vật trải qua cảm giác “ngộ”: nó soi rọi và làm thay đổi tất thảy những nhìn nhận từ trước tới nay về ý nghĩa cuộc đời.

    Joyce thường đặt giây phút “mặc khải” này ở cuối các câu chuyện, để từ đó nhân vật và độc giả đoái trông mà hiểu ra toàn bộ chuyện đời: đó là Eveline với ước mơ trốn khỏi cha mình và gia đình ở Dublin nhưng cuối cùng lại ngộp trong lớp sóng người và tê liệt cùng quẫn không dấn nổi chân trên bến North Wall trong Eveline; đó là giây phút Farrington nhận ra cuộc đời bị kìm hãm khôn kham bởi khốn quẫn nơi sở làm và giải quyết bằng trận đánh con ở nhà trong Những bản sao.

    [​IMG]
    Người Dublin là một trong rất hiếm tác phẩm của James Joyce đã chuyển ngữ thành công sang tiếng Việt.​

    Giây phút đốn ngộ đặc biệt nhất trong tập Người Dublin có lẽ đến từ truyện Người chết: Vốn là giáo viên và là người cộng tác điểm sách, Gabriel có cái vẻ ngạo mạn trí thức và chỉ chăm chăm chú ý vào bản thân nhưng chính trong cái bữa tiệc lộn xộn, thông qua tiếp xúc và va chạm, lòng tự tôn của Gabriel dần suy sụp và đỉnh cao nhất là lúc tiệc tàn, khi ngắm vợ mình lắng nghe một bản nhạc, và cuối cùng biết được quá khứ của vợ.

    Những tưởng mình là trí thức cấp tiến, lại bị một nhà dân tộc chủ nghĩa phê phán là thân Anh chỉ mải lo cái bài diễn văn sáo rỗng, những tưởng mình được vợ chú ý và toàn tâm, để rồi biết Gretta từng có một mối tình khác và chàng trai trẻ đã từng chết vì cô, Gabriel ngộ ra cuộc đời Gretta có những góc khuất mà anh chưa bao giờ biết đến.

    Anh ý thức được được mình là một gã “đần độn” và hiểu ra ý nghĩa cuộc đời, nơi người chết ngự trị trong ký ức quan trọng không kém gì người sống, nơi con người phải biết chấp nhận cả cái sống lẫn cái chết, nơi lần đầu anh nghĩ tới chuyện phải đi về phía Tây, đi tìm hiểu đất nước dân tộc mình chứ không phải nghỉ hè ở châu Âu.

    Những giây phút “mặc khải” ấy có tác dụng khác nhau ở các phần kết chuyện: khi làm sự chua chát tăng lên gấp bội, bởi các nhân vật từ đó ý thức được mình đã sống trong tăm tối như thế nào, nhưng lại hoàn toàn bất lực không có khả năng vượt ra khỏi đời mình, khi thì lại khiến con người hướng thiện, tìm cách thay đổi, dù nhỏ bé, cái đời sống đầy tuyệt vọng hiện tại.

    Người Dublin cũng là nơi Joyce lần đầu thể nghiệm phương pháp cấy ngôn ngữ nhân vật vào trong lời kể của người kể chuyện ngôn thứ ba, kéo gần độc giả đến trải nghiệm và những hoàn cảnh éo le của nhân vật.

    Không gian đô thị ngột ngạt và những khao khát vượt thoát
    Ở tập truyện này, James Joyce tập trung xây dựng một không gian đô thị tối tăm mà ông coi là trung tâm của kiệt quệ, lạc hậu, kém cỏi, so với các thành phố châu Âu khác.

    Như chính Joyce tâm sự với em trai Stanislaus, “dẫu Dublin đã là thủ đô hàng ngàn năm, chỉ đứng sau London trong Đế quốc Anh, và to gấp ba lần Venice,” nhưng chưa từng một nghệ sĩ nào khắc họa nó trong văn chương. Ao ước của Joyce chính là làm việc đó: đưa Dublin ra mắt độc giả thế giới.

    Trong cái thế giới đầy những mảng màu đối lập tối sáng nơi ánh sáng thường bị bóng tối lấn át ấy, có một sự liên hệ rõ rệt giữa không gian sống và đời sống của nhân vật.

    Đó là hội chợ Araby khi cậu bé muốn thoát khỏi cái không khí tù túng của ngõ cụt North Richmond trong Araby, đó là Buenos Ayres tận Argentina một miền đấy xa xôi mà cô bé Eveline muốn trốn khỏi căn nhà bụi bặm trong mơ mộng ban chiều trong Eveline; đó là London phồn hoa mơ ước của Chandler bé nhỏ với mộng ước làm thơ và làm báo để thoát khỏi Dublin lụp xụp và tiêu điều trong Đám mây nhỏ; đó là đỉnh đồi Margazine cho Mr James Duffy khi tình yêu và cuộc đời trong thoáng chốc tan rã trong Một trường hợp đau lòng.

    Dẫu sống trong những không gian chật hẹp, các nhân vật của Joyce vẫn không ngừng mơ ước chạy trốn khỏi những giới hạn của Dublin. Bằng những nỗ lực lặng lẽ, họ mơ tới những vùng đất mới, làm một chuyến phiêu lưu, hay đơn giản chỉ để leo lên một ngọn đồi mà nhìn ra bao quát thành phố, như một cách để giải thoát khỏi nỗi đau của chính mình. Các nhân vật của Người Dublin chung nhau không gian sống, hoàn cảnh lịch sử của đất nước và dân tộc, và chung nhau cả cái trải nghiệm đô thị ngạt thở và giấc mộng chạy trốn.

    Kể từ lúc rời bỏ quê hương để sống đời lưu vong tự nguyện, Joyce liên tục về thăm quê nhà bằng những chuyến đi tinh thần khi xây dựng lại thành phố Dublin nơi ông lớn lên trong tác phẩm của mình.

    Tất cả các tác phẩm của ông đều xoay quanh thành phố Dublin bé nhỏ, nhưng mỗi tác phẩm lại lóng lánh ẩn hiện những phong cách và nội dung khác nhau. Nhờ thế, Dublin hào hùng sánh vai cùng Paris, London, New York và trở thành thánh địa cho các cuộc hành hương văn chương của độc giả hâm mộ James Joyce.

    Ngòi bút chống lại những quy ước xã hội

    Truyện ngắn đầu tiên của Người Dublin đươc Joyce viết khi ông mới 22 tuổi vào năm 1904 và trải qua 10 năm ròng rã, đến tận năm 1914 tập truyện mới được ra mắt độc giả. Cuộc đấu tranh đầy cam go với các nhà xuất bản và thợ lắp chữ của James Joyce trong suốt ngần ấy năm có nguồn gốc từ phương pháp sáng tác của nhà văn với ý thức lớn lao về phong cách và vai trò đạo đức của văn chương.

    Cương quyết viết một chương lịch sử đạo đức của đất nước mình, với niềm tin rằng “phải là một kẻ trơ tráo liều lĩnh mới dám thay đổi sự khắc họa những gì mà hắn nhìn thấy và nghe thấy”, Joyce vận dụng thủ pháp hiện thực nghiêm ngặt rất gần với chủ nghĩa tự nhiên khi viết về những thứ mà mình tin tưởng, thứ ông gọi là sự thật đời sống.

    Không thể nào viết mà không làm cho người khác cảm thấy bị xúc phạm, Joyce đấu tranh với các nhà xuất bản khi họ liên tục đề nghị ông thay đổi các từ ngữ tục tĩu, các tên địa danh và con người có thật trong tập truyện ngắn của mình.

    Người Dublin chính vì thế là một tập hợp những mẩu chuyện thực hơn cả đời thực với các nhân vật lịch sử có thật bước đi trên đường phố Dublin, với sự tái hiện đầy đủ hệ thống bưu điện, bệnh viện, quán ăn…

    [​IMG]
    Trong Bloomsday, người ta thực hiện nhiều hoạt động liên quan tới tác phẩm của James Joyce như đọc và bình sách, diễn kịch...

    Cảm thức chung mà những công dân thành phố Dublin chia sẻ cùng với chủ nghĩa hiện thực sát sao này sẽ bị Joyce bỏ lại, tuy không hoàn toàn, khi bước sang Ulysses, kiệt tác của chủ nghĩa hiện đại. Ở Ulysses, Dublin trở thành một sàn diễn nơi các phong cách văn chương được Joyce dàn trận thi thố, và cũng chính ở Ulysses, Dublin trở thành một thực thể bao chứa cả thực lẫn siêu thực.

    James Joyce thể hiện ý chí mạnh mẽ của một nhà văn dám dùng ngòi bút để đấu tranh chống lại những quy ước xã hội trong sáng tác văn chương. Bằng cách viết và xuất bản Người Dublin, ông thể hiện vai trò lớn lao của một nhà văn kiêm nhà đạo đức: Joyce vạch trần những mảng tối trong đời sống xã hội dân tộc mình, tố cáo sự kìm cặp về tư tưởng mà thực dân Anh lẫn tôn giáo phủ bóng lên thuộc địa Ireland, phê phán sự kiệt quệ của các cá nhân không dám vùng lên mà đấu tranh, nhưng đồng thời cũng bộc lộ sự cảm thông đầy nhân văn với số phận của những con người cùng khổ bị mắc kẹt trong nan đề của đời sống.

    Với văn phong hiện thực tối giản, phong cách văn chương kiểm soát cao độ trong Người Dublin gợi nhớ đến nhà văn Gustave Flaubert mà chính James Joyce bị ảnh hưởng lớn. Vì vậy đây có thể coi là bước đà để Joyce chạy khi thừa hưởng những cách thức kể chuyện truyền thống, để rồi tiến hành cách tân ở các tác phẩm sau.

    Với sự chú tâm đặc biệt vào các chi tiết của cuộc sống thường nhật của người dân thủ đô Ireland, kết hợp với lối văn uyển chuyển nên thơ song cũng thấm đẫm nỗi buồn tuyệt vọng sâu lắng, lại tràn ngập những ẩn dụ tượng trưng sâu sắc, nhưng cũng đầy rẫy những mơ hồ cài cắm, Người Dublin là những câu chuyện buồn nhân bản ẩn chứa những vỉa tầng ý nghĩa không bao giờ cạn.

    Zét Nguyễn
     
    utitgg and averelle like this.
  6. lecanhcuong

    lecanhcuong Lớp 4

    Bác Cùi bắp còn file này không
     

Share This Page